Chánh văn Liễu Phàm Tứ Huấn – Bài 2

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
(BÀI 2)
***
GIÁO HUẤN THỨ NHẤT
ĐẠO LÝ VẬN MỆNH
(tiếp theo)
***
Mệnh của con chưa ai đoán nên không biết thế nào:
– Mạng mình gặp lúc vinh hiển, thường phải nghĩ tới lúc còn hàn vi.
– Gặp thuận lợi phải thường nghĩ tới lúc nghịch cảnh khó khăn.
– Cho dù trước mắt sung túc, phải thường nghĩ tới lúc nghèo nàn;
– Khi được người kính nể, phải thường có ý e dè sợ sệt;
– Khi gia thế được người trọng vọng, phải thường nghĩ tới lúc mình còn thấp kém;
– Khi học vấn cao thâm, phải thường nghĩ tới lúc mình còn nông cạn, thô thiển.
– Nhìn xa phải nghĩ đến xiển dương đức hạnh tổ tiên;
– Nhìn gần phải nghĩ đến che giấu lỗi lầm cha mẹ;
– Nhìn trên phải nghĩ đến đền ơn Tổ quốc;
– Nhìn dưới phải nghĩ đến tạo hạnh phúc cho gia đình;
– Đối ngoại phải nghĩ đến giúp người lúc cần;
– Đối nội phải nghĩ đến ngăn chặn ý nghĩ tà xấu của chính mình.
Ngày ngày cần phải xét lỗi, ngày ngày cải sửa. Một ngày không tự biết lỗi mình thì ngày ấy vẫn an nhiên tự cho mình là đúng. Một ngày không có lỗi lầm nào được tu sửa thì ngày ấy không hề có sự tiến bộ.
Trong thiên hạ không thiếu gì người thông minh tài trí, nhưng không biết tu cho đức ấy được tăng, không biết mở mang sự nghiệp cho ngày một thêm rộng lớn, ấy chỉ biết quen theo nếp cũ, làm cho có lệ, qua loa không hết lòng nỗ lực, chẳng chịu cải sửa, bỏ phí cả một đời.
Thuyết lập mạng của thiền sư Vân Cốc là một lý lẽ tinh túy nhất, thâm thuý nhất, chân thực nhất, đúng đắn nhất mà con phải gắng sức nghiền ngẫm cho kỹ rồi hết lòng áp dụng trong đời sống, đừng để thì giờ luống uổng trôi qua.
***
GIÁO HUẤN THỨ HAI
PHƯƠNG PHÁP SỬA LỖI
***
Cát hung họa phước đều có điềm báo trước
Các quan đại phu thời Xuân Thu hễ thấy hành động, ngôn ngữ của một người nào đó liền có thể biết [người này] họ sẽ gặp họa hay phúc. Lời suy đoán của người xưa không phải là không ứng nghiệm. Những việc này đều có ghi rõ trong Tả truyện hay Quốc ngữ, chúng ta có thể xem thấy được.
Nói chung, mọi dấu hiệu họa phước sắp xảy ra, đều xuất phát từ nội tâm rồi biểu hiện ra hành vi; Trong tâm khởi niệm tự nhiên liền biểu hiện ra bên ngoài:
– Như người nhân hậu rộng lượng thường được phước.
– Người khắt khe hẹp hòi thường gặp họa.
Mắt phàm tục không nhận rõ nên cho rằng họa phúc chưa hình thành thì không thể suy đoán trước được.
Theo nguyên tắc, lòng chân thành là lòng hợp với trời. Muốn đoán phước sắp đến hay không, chỉ cần biết người ấy có lòng thiện hay không; Muốn đoán họa sắp đến hay không, chỉ cần biết người ấy có lòng ác hay không.
Muốn tránh họa trước tiên phải sửa lỗi
Ngày nay, muốn được phúc mà tránh xa các tai họa; Nói đến hành thiện, trước tiên phải sửa đổi lỗi lầm.
Nền tảng của việc sửa lỗi phải phát ba loại tâm: Tâm xấu hổ, Tâm kính sợ, Tâm dũng mãnh
 Người muốn sửa lỗi, đầu tiên là phải biết xấu hổ:
Nghĩ đến các bậc thánh hiền ngày xưa, cũng là con người như chúng ta, tại sao họ có thể nêu gương ngàn đời mà chúng ta lại thân bại danh liệt. Vì ta đắm mê trần tình, lén làm những việc bất nghĩa, tưởng không ai biết nên ưỡn ngực không biết xấu hổ, có ngày sống như cầm thú mà không hay. Ở đời chẳng có điều gì lớn hơn là biết tự sỉ, biết tự hổ thẹn.
Mạnh Tử nói: Biết xấu hổ đối với con người rất quan trọng. Người biết xấu hổ ắt sẽ thành thánh hiền, còn không biết xấu hổ ắt thành cầm thú. Đó là chỗ then chốt của việc sửa lỗi.
 Thứ hai là cần phải phát lòng úy kính, e dè sợ sệt
Trời đất ở trên, quỷ thần khó xem thường, lỗi của chúng ta tuy đem giấu kín, người đời có lẽ không biết nhưng thiên địa quỷ thần đều thấu rõ, tội nặng ắt sẽ giáng trăm điều tai ương, lỗi nhẹ ắt sẽ giảm phúc hiện tiền. Chúng ta há chẳng đáng nên sợ hay sao?
Không những chỉ như vậy! Những nơi vắng vẻ chỉ riêng mình ta cũng có quỷ thần giám sát, dù ta che đậy khéo léo, thần minh cũng đã sớm thấu rõ đến tận gan phổi của ta. Vậy nên khó có thể tự lừa dối mình mãi được, một khi bị người phát hiện thì chẳng còn giá trị gì nữa. Vậy há không nên e dè, sợ sệt hay sao?
Tuy vậy, chỉ cần còn một hơi thở, các tội ác đều có thể hối sửa. Người xưa có người cả đời làm ác, nhưng trước khi chết ăn năn lỗi lầm, phát một niệm thiện, liền an ổn qua đời. Cho nên người ta nói một niệm dũng mãnh, cũng đủ để gột sạch tội ác trăm năm. Thí như một hang tối ngàn năm, vừa thắp lên ngọn đuốc thì ngàn năm tối tăm liền biến mất. Cho nên không cần biết là tội lỗi nhiều ít, hay lâu mau, điều quan trọng là phải biết hối cải.
Nhưng thế gian vô thường, thân thể dễ hoại. Một khi hơi thở không còn nữa, muốn hối cải cũng đã muộn. Trên dương thế mang tiếng xấu trăm ngàn năm, dù có con hiếu, cháu ngoan vẫn không cách nào rửa sạch được; Dưới cõi âm, trăm ngàn kiếp bị đọa vào địa ngục, dù chư thánh hiền, chư Phật, bồ tát có lòng thương xót cũng chẳng thể cứu được. Vậy không lo sợ sao được?
 Thứ ba là phát tâm dũng mãnh.
Nhiều người không chịu sửa lỗi, đa số là vì qua loa biết lỗi mà không sửa nên bị thoái chuyển.
Chúng ta cần phải phấn chấn dụng công, không chờ đợi, không trù trừ, hoài nghi nữa. Phạm lỗi lầm nhỏ như bị gai đâm, phải nhể gai ngay tại chỗ; Phạm lỗi lầm lớn như bị rắn độc cắn ngón tay, phải chặt liền tức khắc, phải dứt khoát không chút chần chừ do dự. Làm được như vậy mới có ích lợi như quẻ Phong Lôi vậy.
Có đầy đủ ba tâm ấy, ắt lỗi lầm đều cải sửa được ngay, cũng như băng tuyết mùa xuân gặp mặt trời, há tội lỗi chẳng tiêu tan ư!
PHƯƠNG PHÁP SỬA LỖI
Tuy nhiên, tội lỗi có thể theo sự tướng, theo lý, hoặc theo tâm mà cải sửa. Dụng công không giống nhau thì hiệu quả cũng không tương đồng.
Thứ nhất: Từ trên sự mà sửa
– Như ngày trước phạm lỗi sát sinh, ngày nay giữ giới không sát sinh nữa;
– Như ngày trước nóng giận mắng chửi, ngày nay giữ giới không nóng giận nữa.
Như thế gọi là theo sự mà cải sửa vậy, chỉ miễn cưỡng kiềm chế từ bên ngoài, thực là khó trăm phần, vì bệnh căn vẫn còn, bởi nay ở bên đông hết tội, mai tội lại nẩy sinh ra ở bên tây, cứu cánh không phải là đường lối hợp đạo lý, không trừ sạch được hết tội lỗi.
Thứ 2: Từ trên “lý” mà sửa
Người có thể sửa lỗi, khi còn chưa phạm cấm giới, trước hết phải biết rõ đạo lý. Ví như tội lỗi ở chỗ sát sinh thì nên tự nghĩ rằng “Thượng đế hiếu sinh, mọi vật đều yêu sinh mạng của mình, giết chúng để nuôi dưỡng thân mình, há có thể an lòng sao?
Vả lại khi giết chúng, phải chặt, cắt, mổ xẻ cho vào nồi nấu nướng, chúng phải chịu bao nhiêu nỗi thống khổ đau đớn thấu nhập cốt tủy.
Chúng ta sát hại chúng để nuôi dưỡng mình, để có la liệt những thứ cao lương mỹ vị miếng ngon vật quý, nhưng khi nuốt trôi khỏi cổ rồi thì giống như không. Canh dưa cũng đủ no bụng, hà tất phải sát hại mạng chúng sanh, làm tổn phúc báu của chính mình;
Hơn nữa, những vật thuộc loại có huyết khí đều có linh tính, tri giác, mà đã có linh tính tri giác thì chúng cũng đồng một thể cũng giống y như chúng ta; dẫu chúng ta chưa tự tu được đến mức độ đạo đức thực cao làm cho chúng thân cận ta, tôn trọng ta, cớ sao hàng ngày sát hại sinh mạnh chúng vật để chúng mãi mãi thù oán, cừu hận chúng ta. Nghĩ như vậy thì đối với miếng ăn thực cũng đau lòng mà khó nuốt trôi”
Nếu ngày trước thường hay nổi giận, thì phải suy ngẫm: Nếu người còn điều chưa phải, về tình phải nên thương cảm; Hoặc họ làm điều trái với luân lý đều có nguyên nhân, duyên cớ không phải từ ta, đâu có điều đáng nổi giận đây?
Lại nghĩ rằng thiên hạ đâu có hào kiệt nào mà tự cho mình hơn người, chẳng có chỗ sai trái; cũng không có học vấn dạy ta gây điều oán hận cho người; Mình làm chưa đến nơi đến chốn, việc chưa thành tựu, đều do ta tu đức chưa đủ, mà cảm ứng chưa đến mà thôi.
Ta phải tự kiểm điểm, dẫu có bị người phỉ báng, đó cũng là nơi ngọc được mài dũa mà thành; ta cứ vui vẻ mà đón nhận, cớ sao phải nổi giận làm chi? Nghe lời phỉ báng mà không nổi giận, lời gièm pha dẫu như lửa muốn hun đốt cả bầu trời, nhưng cũng chỉ là mồi lửa giữa không trung, rồi tự tắt mà thôi; Nếu nghe những lời phỉ báng mà nổi giận, dù hết lời biện hộ, chẳng khác nào như con tằm nhả tơ vào mùa xuân, tự trói buộc mình mà thôi.
Vậy mới nói tức giận không chỉ là vô ích mà còn tự hại mình.
Mỗi lần gặp lỗi lầm ta đều phải bình tĩnh sáng suốt để thấy lý của nó, khi lý đã rõ thì việc làm lỗi tự động sẽ dứt.
Thứ 3: Từ tâm mà sửa
Thế nào là sửa trong tâm? Lỗi lầm thiên hình vạn trạng đều do tâm tạo. Nếu tâm ta không động thì thiện ác đâu mà sanh?
Người học Phật, thường hay tham sắc, tham danh, tham hưởng thụ vật chất, lại thường nổi nóng, mỗi mỗi việc sai, bất tất phải sửa từng điều một, chỉ cần một lòng hướng thiện, chánh niệm hiện tiền, thì tà niệm liền không thể khởi tác dụng được, như mặt trời mọc lên thì quỷ quái phải tìm đường lẩn trốn. Đây là chỗ chân truyền tinh vi vậy: Tội do tâm tạo thì phải từ trên tâm mà sửa. Như muốn trừ một cây độc, chỉ cần đốn ngay gốc, đâu cần bẻ từng lá và chặt từng nhánh.
Nhìn chung, phương pháp tốt nhất vẫn phải sửa từ tâm, làm như vậy tâm sẽ thanh tịnh, tâm chỉ vừa khởi động niệm thì tự mình đã giác, đã biết ngay, khi giác vọng niệm sẽ không còn.
Nếu không được như vậy, phải dùng lý trí sáng suốt để rời bỏ vọng niệm;
Nếu vẫn chưa làm được, phải tùy theo tội lỗi mà ngăn chặn.
Trên thì hiểu rõ duyên cớ, đồng thời bên dưới nỗ lực hành trì. Cách này chưa hẳn đã là điều không tốt. Còn chỉ chú trọng hành trì bên dưới mà xao nhãng việc thấu hiểu nguyên nhân, hóa lại thành ngốc nghếch rồi.
HIỆU NGHIỆM CỦA VIỆC SỬA LỖI
Tuy nhiên, khi phát nguyện cải sửa lỗi, ở dương thế cần có bạn tốt thường nhắc nhở đề tỉnh mình; Ở cõi âm cần quỷ thần cảm ứng chứng minh tấm lòng thành của mình; nhất tâm, nhất ý cầu sám hối, ngày đêm chẳng biếng nhác buông thả.
Như vậy trải qua một hai tuần thất, cho đến một tháng, hai, ba tháng ắt hẳn có ứng nghiệm;
* Hiện tượng khi tội nghiệp bắt đầu tiêu trừ
– Hoặc thấy tâm thần điềm nhiên, khoan khoái;
– Hoặc thấy trí huệ bỗng được khai mở;
– Hoặc gặp những trường hợp rối ren phiền toái hốt nhiên xử sự giải quyết được rành rọt thông suốt;
– Hoặc gặp kẻ cừu thù mà hồi tâm chuyển ý vui vẻ không còn oán hận nữa;
– Hoặc mộng thấy thở ra những vật ô uế, hắc ám;
– Hoặc mộng được các bậc thánh hiền xưa kia tiếp đón dẫn dắt;
– Hoặc mộng thấy bay bổng lên cảnh giới hư không;
– Hoặc mộng thấy tràng phan bảo cái.
Thấy những sự việc hi hữu ít có như trên, đó đều là cảnh tượng của lỗi tiêu tội diệt vậy. Nhưng đừng thấy thế mà tự kiêu tự đại là mình đã đạt tới trình độ cao để vội ngưng nghỉ làm đứt đoạn mất con đường tiến triển, ngừng lại tại đây.
Xưa quan đại phu Cừ Bá Ngọc, người nước Vệ vào thời đại Xuân Thu, lúc hãy còn trẻ mới 20 tuổi đã giác ngộ rằng lỗi lầm cần phải sửa, như lỗi ngày hôm qua thì ngày hôm nay xét lại để gắng sửa cho hết;
Tới năm 21 lại hiểu biết được lỗi lầm cải sửa năm trước chưa được hoàn toàn dứt bỏ hết;
Tới năm 22 tuổi xét nghĩ lại năm 21 tuổi thì tựa như còn mơ mơ hồ hồ về những điều lầm lỗi chưa được tu sửa.
Cứ năm này kiểm thảo lại năm trước, theo đó mà dần dần tiếp tục sửa đổi, đến năm 50 tuổi mà còn hay biết được lỗi của năm 49.
Cái học tu sửa lỗi lầm của người xưa dụng công như vậy đó.
Chúng ta đều là những kẻ phàm phu tục tử, tội ác tích tụ đầy mình, tựa như lông nhím bao bọc toàn thân nó; Nhưng nếu có hồi tưởng lại những sự việc đã làm thì thường chẳng thấy có chỗ nào lầm lỗi cả, đó là vì tâm tình thô thiển, mắt bị che phủ kín tìm chẳng ra lỗi để tu sửa.
Người có tội ác thâm trọng, sẽ thấy chứng nghiệm ngay, có những triệu chứng như:
– Tâm thần bị hỗn loạn bế tắc, hay lãng trí trầm trọng.
– Hoặc tự nhiên cảm thấy bực bội không lý do;
– Hoặc gặp người chính nhân quân tử thì thường ngượng ngùng e thẹn mất tinh thần;
– Hoặc nghe những lời luận bàn chính đáng hợp đạo lý mà chẳng hoan hỷ vui vẻ ưu nghe;
– Hoặc làm ơn lại mắc oán;
– Hoặc ban đêm thường mộng thấy nhiều sự điên đảo, điên đảo cho đến nỗi mất trí sinh ra vọng ngôn, loạn ngữ không được bình thường;
Đó đều là những hình trạng của nghiệp chướng phát hiện vậy. Nếu thấy có những hiện tượng như trên thì phải tức khắc phấn khởi tinh thần dứt bỏ lỗi lầm cũ để mưu việc tự tu sửa canh tân. Mong rằng đừng nên tự mình lại lừa dối mình.
***
GIÁO HUẤN THỨ BA
PHƯƠNG PHÁP TÍCH THIỆN
Trong Kinh Dịch có viết: “Nhà nào tích thiện, tất sẽ có nhiều may mắn”.
“Xưa bà Nhan thị đem con gái gả cho Thúc Lương Hột, bà xét kĩ thấy gia đình đó tổ tông đã từng tích đức lâu đời mà đoán biết trước là con cháu họ về sau sẽ hưng thịnh phát đạt;
Đức Khổng Tử xưng tán vua Thuấn là người đại hiếu, nói rằng: Tổ tiên không những được thờ tự chu đáo, mà con cháu đời sau vẫn giữ được phúc đức cha ông, đây đều là lời chí lý. Hãy nghĩ về câu chuyện thời xưa.
* Mười ví dụ về người xưa làm thiện được phước
Tấm gương thứ nhất
Thiếu Sư Dương Vinh, người Kiến Ninh. Tổ tiên ông đều sống bằng nghề đưa đò. Có lần trời mưa lâu ngày ngập lụt, nước chảy xiết cuốn trôi nhà cửa, người dân và súc vật. Các thuyền khác lo vớt của cải trôi trên mặt nước, còn ông cố và ông nội của Thiếu Sư chỉ lo cứu người, không lấy của. Dân làng cho họ là ngu.
Kịp cho tới khi sinh ra phụ thân của thiếu sư thì gia đình đã dần dần khá. Có thần nhân hóa làm một vị đạo sĩ mà mách bảo rằng:
– Tổ phụ nhà ngươi có âm đức, con cháu sẽ được vinh hiển phú quý, nên táng vào chỗ đất đó.
Cha Thiếu Sư nghe lời làm theo. Đó là Mồ Thỏ Trắng nổi tiếng hiện nay.
Sau đó Thiếu Sư ra đời, hai mươi tuổi đã đậu tiến sĩ và làm quan đến Tam Công (là ba chức quan cao cấp nhất trong triều đình phong kiến tại các nước Á Đông như Trung Quốc và Việt Nam Chức vị chi tiết từng bộ ba này thay đổi theo từng thời đại mà không cố định: Thái sư là chức quan đứng đầu trong “Tam thái”, bao gồm: Thái sư, Thái phó, Thái bảo]. Sau đó hoàng đế còn truy phong ông cố, ông nội và cha của Thiếu Sư đều là Thiếu Sư. Con cháu của Thiếu Sư rất thịnh vượng, mãi đến bây giờ vẫn còn có nhiều người tài giỏi.
Tấm gương thứ hai
“Dương Tự Trừng, người huyện Ngân, tỉnh Triết Giang, buổi đầu làm huyện lại, lòng vốn nhân hậu, ngay thẳng, giữ phép công bình. Vào thời ấy, quan huyện lại quá nghiêm khắc, ngẫu nhiên gia hình tù nhân đến máu chảy đầy đất mà cơn giận chưa nguôi. Họ Dương quỳ xin khoan dung. Huyện quan bảo:
– Tù nhân này đã phạm tội lại không tôn trọng pháp luật, không biết đạo lý nữa, khiến ta làm sao không giận được.
Tự Trừng khấu đầu thưa:
– Người trên lỗi đạo, không còn làm gương mẫu cho kẻ dưới noi theo nên dân tâm thất tán từ lâu rồi, quan trên nếu hiểu rõ tình trạng phạm pháp của dân thì nên thương xót họ, chẳng nên thấy mình xét xử án được phân minh mà vui thích, vui còn chẳng nên, huống hồ lại giận dữ! Quan huyện nghe nói tỉnh ngộ mà nguôi cơn thịnh nộ.
Nhà rất nghèo, lại không nhận một chút tặng vật nào cả. Gặp những lúc tù nhân thiếu ăn, thường tìm cách giúp đỡ. Một hôm có bọn tù nhân mới từ xa tới, dọc đường không có ăn nên đói lả, mà nhà lại thiếu gạo, đem cho tù ăn tất nhà không có miếng, để lại nhà ăn thì khó nhẫn tâm, bèn thương lượng với vợ. Bà vợ hỏi là tù nhân từ đâu tới thì Tự Trừng bảo là từ Hàng Châu tới, dọc đường không có ăn, đói khát khổ sở, sắc mặt xanh xao như tàu lá, nhân đó lấy bớt gạo của nhà nấu cháo cho tù ăn đỡ.
Sau này sinh được hai người con trai, con cả tên là Thủ Trần, con thứ tên là Thủ Chỉ, đều là chức quan Lại Bộ và Thị Lang ở hai miền Nam Bắc; cháu đích tôn là chức quan Thị Lang của Hình Bộ; cháu thứ là quan Liêm Hiến ở Tứ Xuyên, lại đều là các đại thần nổi tiếng; thời nay có Sở Đình và Đức Chính, cũng là con cháu đời sau.
Tấm gương thứ ba
Xưa vào niên hiệu Chính thống nhà Minh, Đặng Mậu Thất khởi loạn ở Phúc Kiến, sĩ dân theo giặc rất đông. Triều đình cử quan đô hiến Trương Giai người ở huyện Ngân, xuất quân nam chinh, tiễu trừ giặc. Sau Trương Đô Hiến phái viên đô sự họ Tạ, thủ hạ của Bố chánh ty tỉnh Phúc Kiến truy sát tầm nã giặc ở phía đông tỉnh.
Tạ Đô sự tìm được quyển sổ danh sách của đảng giặc; phàm người không theo phụ họa giặc đều bí mật được phát cho một lá cờ nhỏ bằng vải trắng, ước hẹn tới ngày quân binh tấn công thì treo cờ ở trước nhà. Lại nghiêm lệnh cho quân lính không được giết hại bừa bãi, vì thế cứu sống được cả vạn người. Sau con của Tạ Đô Sự là Tạ Thiên thi đỗ trạng nguyên, làm quan đến tể tướng, cháu nội là Phi cũng đỗ thám hoa.
Tấm gương thứ tư
Nhà họ Lâm ở Bổ Điền, đời trước có cụ bà ưa thích làm việc thiện, thường làm bánh để bố thí cho người, ai cần cứ lấy, mà không hề thấy phiền hà.
Có một vị tiên biến hóa thành vị đạo sĩ, hàng ngày đến xin sáu bảy chiếc bánh. Bà cụ cố ngày ngày đều tặng, mỗi ngày trong suốt ba năm, nên mới thấy được tấm lòng chân thành vậy. Nhân đó liền nói rằng: Ta đã ăn bánh của bà trong ba năm trời, biết lấy gì đền đáp bà đây? Sau nhà có một miếng đất, hãy an táng tại đó, con cháu làm quan tất sẽ nhiều như một bơ hạt vừng”
Con cháu y theo lời mà an táng, quả nhiên đời đầu tiên sau khi an táng đã có chín người đỗ khoa bảng, con cháu nhiều đời quyền thế trọng vọng vô cùng hưng vượng. Bởi vậy ở Phúc Kiến có câu nói rằng: Không ai của nhà họ Lâm mà không đỗ khoa bảng.
Tấm gương thứ năm
Cha của ngài thái sử Phùng Trác Am, khi là học trò trường huyện, sáng sớm ngày mùa đông dạy sớm đi học, trên đường gặp một người, ngã vùi trong tuyết, liền chạm thử, thấy rằng đã bị đông cứng. Ông liền cởi chiếc áo lông cừu, rồi dìu về mà cứu sống.
Đêm mộng thấy vị thần hiện lên nói rằng: Con cứu người từ lòng chân thành, ta sẽ cử Hàn Kì đến làm con trai con. Sau sinh được Trác Anh, liền đặt tên là Kì.
Tấm gương thứ sáu
Ứng thượng thư người phủ Đài Châu, tỉnh Triết Giang, lúc còn tráng niên học tập ở trên núi, ban đêm nghe quỷ hú gọi nhau tập hợp, tiếng hú thường làm nhiều người rùng rợn, nhưng ông không hề sợ hãi. Một đêm nghe quỷ bảo nhau “mụ vợ nhà kia chồng đi xa đã lâu không về, bố mẹ ở nhà ép gả cho người khác, đêm mai sẽ thắt cổ ở nơi đây; vậy là ta đã có người thế thân rồi.
Ông ngầm bán ruộng được bốn lạng bạc bèn giả lời lẽ người chồng viết một bức thư kèm theo tiền gửi về nhà. Bố mẹ ở nhà nhận được thư thấy bút tích không giống cũng hơi hoài nghi nhưng lại nghĩ rằng thư có thể giả được nhưng tiền đâu có giả, vả lại biết được tin con nên thôi không ép gả nữa. Người con sau đó trở về nhà, vợ chồng cùng nhau sum họp vui vầy như thuở ban đầu”
Ông lại nghe thấy quỷ nói với nhau:
– Ta đang sắp được thế thân mà gã tú tài kia làm hỏng chuyện của ta.
Một quỷ khác ở cạnh nói:
– Sao ngươi không hại hắn?
Quỷ kia nói:
– Thượng đế thấy người này tâm địa rất tốt, làm nhiều điều phúc, âm đức dày đáng bậc thượng thư, ta làm sao hại nổi.
Nhân đó họ Ưng tự nỗ lực chăm làm lành, ngày càng gia công tu thiện, đức ngày càng thêm dày;
 Gặp năm đói kém, liền quyên góp lương thực đem phát chuẩn.
 Gặp người thân thích có chuyện cần cấp tức thì tận tình nỗ lực hết mình giúp đỡ họ qua lúc khó khăn;
 Gặp trường hợp phải đối xử với người không biết lẽ phải trái, không hiểu được đạo lý thì ngược lại ông chỉ tự trách mình sao không biết cư xử với họ, mà vui vẻ thuận nhận, coi như mình lầm lỗi vậy.
Con cháu khoa bảng đỗ đạt cho tới nay thật là nhiều vô kể.
Tấm gương thứ bẩy
Người huyện Thường Thục, tỉnh Giang Tô, họ Từ tên Thức tự Phụng Trúc, phụ thân là điền chủ giàu có, gặp năm mất mùa, trước đề xướng việc quyên tô, tức bỏ không thu địa tô nữa, sau lại đem thóc gạo dự trữ ra phát chuẩn cho người nghèo khó. Ban đêm nghe thấy quỷ hô ở ngoài cửa:
– Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, tú tài nhà họ Từ sẽ thành cử nhân lang.
Cứ thế tiếp tục hô liền nhiều đêm không ngừng. Quả nhiên năm đó Phụng Trúc thi hương đỗ cử nhân.
Phụ thân của Phụng Trúc thấy vậy càng gia công tích đức, cần mẫn chăm lo hành thiện chẳng chút lơ là mệt mỏi; phàm những việc có ích lợi đều hết sức tận tâm làm như tu sửa cầu, tu bổ đường sá, thí thực trai tăng, tiếp tế người nghèo…
Sau lại nghe thấy quỷ hô ở trước cửa:
– Ngàn lần không sai, vạn lần không sai, cử nhân họ Từ quan chức thăng tới đô sát.
Phụng Trúc sau cùng làm quan tới Lưỡng Triết tuần vũ.
Tấm gương thứ tám
Ông Đồ Khánh Hy, người phủ Gia Hưng tỉnh Triết Giang, buổi ban đầu giữ chức chủ sự bộ hình, thường vào trong ngục tra xét cẩn thận hỏi lại tình trạng của tù nhân biết được nhiều người vô cớ bị tội.
Ông không tự lấy làm công lao của mình mà viết sớ mật trình lên đường quan, tức thượng thư bộ hình. Về sau, các án tích đều được đưa về triều xét lại. Đường quan theo lời trong mật sớ tra vấn lại tình trạng của tù nhân giải oan được cho hàng chục người, khiến cho không ai là không phục.
Thời đó ở kinh thành tất cả mọi người đều khen ngợi thượng thư xử án thật công minh.
Ông lại bẩm cáo đường quan:
– Ở ngay kinh thành mà còn nhiều dân bị án oan, thì hàng trăm triệu dân ở khắp bốn phương trong nước sao khỏi không có người bị oan ức, khá nên trong năm năm lại sai phái một vị giảm hình quan đi điều tra sự thực xét lại án, hoặc gia giảm tội hình, hoặc giải oan phóng thích họ.
Thượng thư bộ hình tấu trình hoàng đế thì lời đề nghị đó liền được phê chuẩn, và ông có tên trong danh sách những người được sai phái làm giảm hình quan.
Ông nằm mộng thấy thần nhân bảo:
– Người số không con, nay đề nghị việc giảm hình thật rất hợp lòng trời nên thượng đế ban cho ngươi được ba trai đều mặc cẩm bào đai vàng.
Ngay đêm đó, bà vợ thụ thai, sau sinh ra Ưng Huyên, Ưng Khôn, Ưng Tuấn đều quan chức hiển hách cả.