An Sĩ Toàn Thư – Tập 42 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 02)
Quả Báo Sống Bằng Tiền Tội Lỗi (xem “Háo Sanh Lục”)
Huyện Gia Hưng có một bà cụ, con trai làm nghề bắt cua. Mỗi lần bắt được cua, anh ta dùng dây cỏ xâu thành chuỗi, mang bán nuôi mẹ. Một hôm nọ, bà cụ mắc bệnh nặng, tự mình lấy từng sợi từng sợi dây cỏ nuốt vào bụng; nuốt vào rồi lôi ra; lôi ra rồi nuốt vào. Máu và niêm dịch trong ruột chảy ra theo dây cỏ, và tự nói với mình: “tôi sống bằng đồng tiền tội lỗi của con tôi, vì thế mà bị quả báo này.” Người ta bu lại xem đông như kiến. Cứ như vậy mấy ngày sau thì chết.
Lời bàn: Xưa đức Thế tôn ở trong thành Vương xá, thấy một con cá lớn, mình có nhiều đầu, mỗi đầu một loài thú, mắc trong lưới. Đức Thế tôn bèn nhập Từ bi tam-muội, gọi cá hỏi: “mẹ ngươi đang ở đâu?” cá trả lời: “Mẹ con đoạ làm trùng trong nhà xí.” Phật nói với các Tỳ-kheo: “Con cá lớn này, thời Phật Ca-diếp, là một Tỳ-kheo thông tam tạng, do ác khẩu mà chịu quả báo nhiều đầu. Mẹ của thầy Tỳ-kheo đó, lúc ấy thọ lợi dưỡng của ông, do nhân duyên ấy mà bị quả báo đoạ làm côn trùng trong nhà xí”. Xem đây, nuôi cha mẹ bằng đồng tiền tội lỗi, còn chẳng phải là việc làm của người con có hiếu, huống hồ theo thế gian, giết vật để hưởng?
Công Lớn Trì Trai (trích “Quán Cảm Lục”)
Cố Thuận Chi ở Vô Tích, huyện Thường Thục, ăn chay trường. Ngày mồng 1 tháng 2 năm Canh Tuất, bất tỉnh nhân sự, bảy ngày đêm mới tỉnh. Sau khi tỉnh dậy, Chi thuật lại: “mộng thấy một đạo nhân hẹn tôi cùng đi nghe kinh. Đến một ngôi chùa trang nghiêm, Pháp đường trước có một pháp sư giảng kinh Kim Cang; Pháp đường sau có một pháp sư giảng kinh Báo Ân. Giảng kinh xong, khuyên mọi người rằng: ‘những người trì trai giữ giới, nên phải kiên tâm niệm Phật; những người ăn mặn, cần phải không sát sanh. Như vậy không những siêu độ cho cha mẹ, mà còn giảm nghiệp tội cho mình.”
Lúc ấy, bỗng thấy mẹ khóc trong hồ máu, có vô số ốc, giun vây quanh cắn khắp thân thể, bất giác lòng không chịu được. Đạo nhân nói: “Mẹ đời nay của con đã được vãng sanh, đó là mẹ đời trước, do khi còn sống, thích ăn thịt vịt, sát sanh rất nhiều, cho nên chết đoạ địa ngục, bị nhiều côn trùng vây quanh cắn vào thân thể, cần phải trì chú vãng sanh, mới mong độ mẹ.” Ngay lúc đó, bỗng nhiên tỉnh dậy, mới biết thần thức đã rời thân thể bảy ngày rồi.
Sau khi tỉnh, Chi chuyên tâm trì chú vãng sanh, mấy ngày sau, người mẹ bị đoạ, báo mộng đã được độ thoát.
Lời bàn: Người đời xưng hiếu, chỉ trong một đời. Nhà Phật tận hiếu, lợi khắp nhiều đời, cho nên là đại.
Trẻ con tạo nghiệp sát, cha mẹ không cấm, làm riết thành quen. Nếu con trùng con dế không thương, ắt sẽ giết con trâu con chó. Một khi lòng trắc ẩn đã mất, thì tổn tiết bại danh, dứt tông tuyệt tự, đều do nghiệp sát. Nên biết khi còn để chỏm, tập thiện thì thiện, tập ác thì ác, không thể một ngày không dạy.
Khuyên khắp các bậc cha mẹ, chớ coi là con vật nhỏ mà không cứu hộ, chớ coi là trẻ con mà không đề phòng cấm cản. Để các con cháu thấy, toàn là hành vi thiện. Dù những kẻ bản chất hết sức bất nhân, còn giáo hoá chúng, huống hồ vốn là người thiện? Không thì, lúc nhỏ không dạy, sau dù hối hận, cũng không thể kịp.
Thanh Sính Thuật Chuyện Cõi Âm (trích “Quan Cảm Lục”)
Thang Sính ở Lật Thuỷ, năm Giáo Ngọ niên hiệu Thuận Trị đi thi Hương, ra khỏi trường thi thì mắc bệnh. Đến nửa đêm ngày mồng 6 tháng 10, toàn thân lạnh ngắc, cứng đơ. Những việc làm cả một đời, đều hiện ra trước mắt. Nhớ lại lúc còn nhỏ, nghịch giấu một con gà dưới rãnh, bị con chuột hoang cắn bị thương. Lại giết một tổ dơi. Lại một người đày tớ ngủ say, đốt giấy dầu khiến bị thương cánh tay. Chốc lát, thấy những con dơi lại đòi mạng, lòng rất sợ hãi. Ngoài ra những việc lành, cũng tơ hào nhớ hết. Bỗng nhớ đến câu “vô quái ngại cố, vô hữu khủng bố” của Tâm Kinh, giác tâm dần an ổn. Thấy cành dương cam lộ của Quan Âm Đại Sĩ, bèn tỉnh. Đến năm Tân Sửu, thi đậu tiến sĩ.
Lời bàn: Cái việc giấu gà, giết dơi của Thang Sính chỉ là việc lúc nhỏ, vậy mà vừa xuống cõi âm, tất cả đều đến đòi mạng, đủ biết nghiệp sát cũng không thông cảm cho trẻ con! huống hồ gì tuổi trẻ giết hại, đâu chỉ là con gà con dơi? Bậc cha mẹ thương con, hãy nghĩ đến tai vạ mà dự phòng trước.
Lấy Trứng Chim Bị Đốt Khô Chân (xem “Háo Sinh Lục”)
Một đứa trẻ ở Ký Châu, thường đi tìm tổ chim lấy trứng. Một hôm có người bảo nó: “Chỗ kia có trứng, đi lấy với ta”. Rồi dẫn đến vườn dâu. Bỗng bên đường xuất hiện một cái thành, trong thành nhà cửa đẹp đẽ, múa hát inh ỏi. Đứa trẻ làm lạ hỏi:
“Thành này có từ bao giờ?” Sứ giả bảo đừng nói, rồi dẫn vào trong thành. Cửa thành bỗng đóng lại, khắp thành sắt nóng, lửa than đầy mặt đất, đốt nóng chân không chịu nổi. Đứa trẻ gào thét chạy đến cổng phía Nam, cổng phía Nam đóng lại. Chạy đến cổng phía Đông, cổng phía Đông đóng lại. Các cổng phía Tây, phía Bắc cũng lại như vậy. Lúc ấy người hái dâu thấy đứa trẻ vừa chạy vừa gào khóc trong vườn dâu, cho là bị điên, về báo cho cha cậu.
Người cha đến gọi, đứa trẻ vừa trả lời liền té bịch xuống, thành lửa đều không thấy nữa. Người cha nhìn vào đôi chân, từ đầu gối trở xuống cháy khét như nướng. Đứa trẻ nói nguyên do. Người cha bồng con về chữa trị, từ đầu gối trở xuống teo chỉ còn xương.
Lời bàn: Cái khổ địa ngục, đều do tự tâm tạo ra, cũng từ tự tâm hiện ra. Phước dày, địa ngục liền thành thiên đường; tội sâu, thiên đường liền thành địa ngục. Thí như người mắc bệnh sốt rét, ở cùng người không bệnh, người không bệnh không thấy lạnh, mà người bệnh thì run cầm cập, như ở trong băng giá. Người không bệnh không thấy nóng, mà người bệnh thì mồ hôi vã ra như tắm, như ở trong thành lửa, là một minh chứng.
Lại như Thiên tử trời Lục Dục (Lục dục thiên: tức sáu loại trời cõi dục; thiên tử, thiên vương) đều hưởng thức ăn thức uống cõi trời, nhưng những vị trời phước báu lớn hơn, màu da trắng; những vị trời phước kém hơn, màu da đỏ dần. Áo quần, châu báu, cung điện cũng lại như thế, đây cũng là một minh chứng. Lại như người đời ở trong thai mẹ, ô uế như nhau; nhưng Thế tôn ở trong bụng bà Ma-da, nhập ly cấu Tam muội, thì có chiên-đàn, diệu bảo, trăm ngàn cung điện để tự trang nghiêm, chẳng phải tất cả chỉ do tâm tạo sao?
Cho nên biết đứa trẻ này nghe người nói có trứng, đó là do tâm hiện, trứng vô minh. Vườn dâu có thành, là thành oan nghiệp do tâm hiện ra. Lửa khắp thành, là lửa phiền não do tâm hiện ra. Bốn cửa thành đóng ra không được, là cửa lao ngục tự tâm hiện ra. Nên nói: Địa ngục không xa, ngay tại trước mắt, theo nghiệp báo của người mà hiện ra.
Viết Kinh Thoát Khổ (trích “Pháp Uyển Châu Lâm”)
Niên hiệu Long Sóc nguyên niên đời nhà Đường, Ngũ Ngũ Nương ở Lạc Dương chết hơn một tháng, báo mộng cho chị gái và em trai rằng: “Lúc nhỏ tôi bị ghẻ, giết một con cua giã nát bôi lên. Ghẻ tuy được lành, nhưng tôi đã bị đoạ trong địa ngục rừng dao. Hiện có bảy con dao đâm vào trong thân, đau đớn lắm, mong làm Phật sự cứu cho”.
Người chị bèn lấy chiếc áo để lại của cô ta cúng dường cho thầy Bảo Hiến ở chùa Tịnh Độ, viết “kinh Kim Cang” bảy quyển. Viết xong, lại mộng thấy người em về tạ rằng: “nay bảy con dao đã rút ra, nhờ phước mà được đầu thai”.
Lời bàn: Giết để trị bệnh mà còn không được, huống tạo nghiệp sát vô ích!
Ruồi Kiến Đòi Mạng (trích “Quan cảm lục”)
Cuối thời nhà Minh, họ Dư ở Vô Tích, vào năm hơn 20 tuổi thì ăn chay phụng Phật, nhưng tánh ác, thấy ruồi kiến là liền giết. Năm 72 tuổi, mắc bệnh nặng, thét lớn có vô số kiến bò vào trong miệng, lại thét có hàng vạn con ruồi đến đòi mạng. Lát sau, thấy dẫn hồn đồng tử đến, liền chết.
Lời bàn: Thấy họ Dư thích giết ruồi kiến, và ác báo khi lâm chung, thì biết việc ăn chay phụng Phật của ông hời hợt qua loa. Nếu không, Phật đủ vô lượng oai lực, chí tâm niệm một danh hiệu Phật, còn tiêu được tội của 80 ức kiếp, huống hồ tu trì cả đời, mà không tránh được nghiệp của hiện tại sao? Lại chẳng lẽ chân thành phụng Phật, mà lại còn thích giết ruồi kiến sao?
Người tạo nghiệp ác, như trồng dây leo, một khi gốc đã phát mạnh, cành lá bò tràn lan. Tạm lấy việc nuôi mèo mà nói, từ thế gian mà nhìn, chỉ có tạo nghiệp một chiều. Nếu lấy tuệ nhãn mà nhìn, thì là có thể trưởng dưỡng vô lượng ác nghiệp. Nay thử đưa ra một vài điều: Chuột đang không làm hại gì ta, nhưng ta bỗng khởi ác ý muốn giết, đó là vô duyên sát; ta không giết được, mượn tay mèo để giết, đó là giáo tha sát; thấy bắt chuột mà vui, đó là tuỳ hỷ sát; thấy bắt chuột mà khen, đó là tán thán sát; thả mèo vào nơi có chuột, đó là phương tiện sát; muốn nó ngày ngày bắt chuột, đó là thệ nguyện sát; vốn muốn nuôi mèo để bắt chuột nhà mình, và mèo đúng bắt chuột nhà mình, đó là chánh sát, cũng gọi là thông tâm sát; vốn muốn nuôi mèo để bắt chuột nhà mình, nhưng mèo lại đi bắt chuột nhà hàng xóm, đó là đạo sát, cũng gọi là cách tâm sát; nuôi mèo chỉ nghĩ để nó bắt chuột, nhưng rồi bắt cá cho nó ăn, đó là tăng ích sát; làm cho hàng xóm bắt chước, con cháu bắt chước, đó là triển chuyển vô tận sát. Như vậy vô lượng ác nghiệp, đều từ căn bản một niệm nuôi mèo mà ra, có thể không ngăn ngừa sao?
Khuyên Người Sinh Nhật Uống Rượu (dưới đây nói tốt lành không nên sát sanh)
Ngày sinh nhật uống rượu, quả là việc vui. Nhưng nên nghĩ hôm nay con cháu đông nhiều, dâng rượu mừng sinh nhật thượng thọ, chính là ngày “thương thay cha mẹ, sanh ta nhọc nhằn” năm xưa. Người thời nay hễ mừng sinh nhật thượng thọ, là sát sanh, đãi đằng thân hữu, còn cái ân “võng cực”, thì không nghĩ tới, quả là kỳ lạ. Chao ôi! Con cái sanh ra, tốn của cha mẹ biết bao tinh thần, tăng cho cha mẹ biết bao phiền não. Vậy mà khi sinh nhật cha mẹ, còn sát sanh để luỵ cha mẹ, lòng có an chăng?
Xưa vua Đường Thái Tông ở trên ngôi báu, mà còn sinh nhật không dám vui, huống là ai? Xin khuyên những người con hiếu, mỗi khi sinh nhật cha mẹ, nên ngậm ngùi nghĩ: “hôm nay không ham vui, năm xưa cha mẹ vì ta mà khô héo hình hài, mấy lần sắp chết, vào ngày này. Hôm nay không ham vui, năm xưa sau ngày này, mẹ hiền sáng tối ôm ta trong lòng, nhường khô nằm ướt, nhiều năm không được ngủ yên. Hôm nay không ham vui, ta thì vợ con đầy đủ, an hưởng gia tài, không biết cha mẹ thác sanh nơi nào, giờ này sướng khổ ra sao”. Cho dù rộng làm phước thiện, hồi hướng cho cha mẹ, còn e không kịp; nỡ trong thời gian mẹ bị nạn, tập trung ăn uống đàn ca sao!
Hứa Thái phu nhân mẹ của hàn lâm Từ Tứ Dư ở huyện Côn Sơn, Giang Tô, nghiêm trì trai giới, làm các việc lành, hàng ngày lễ Phật tụng kinh, không hề gián đoạn.
Mùa đông năm Đinh Dậu niên hiệu Sùng Trinh nhà Minh, thái phu nhân mừng sinh nhật lần thứ 60 của mình. Thái phu nhân thường tu phước, thiết trai cúng dường chư tăng, mang tất cả lễ vật sinh nhật, in kinh ấn tống, và làm chay tất cả, rồi tặng khách mỗi người một bộ kinh. Những người biết tu tạo phước đức, không ai là không khen ngợi. Sau thái phu nhân càng thêm mạnh khoẻ, con cháu mãn đường.
Lời bàn: Người ta lấy máu huyết hồi đáp mừng thọ, trở ngược làm nhân cho đoản mạng; bà mẹ họ Từ dùng Pháp vị trả ân, chính là trồng nhân trường sanh. Đây ai được ai mất, bỏ cái nào theo cái nào, xin đêm thanh suy xét.
Làm Phước Báo Khách (Tư Nhân Mục Kích)
Trương Băng Am ở Côn Sơn, huý Lập Liêm, đăng “Hiền Thư” năm Bính Tý niên hiệu Sùng Trinh. Nhiều đời tu đức, kính phụng Tam bảo. Giỏi giáo lý, nhất là thiền tông. Năm Kỷ Mùi niên hiệu Khang Hy, Hệ Công Chu Giáp, mang rượu nối gót nhau đến. Ông gom lại chia khắc “Phẩm Phổ Môn” và “Chú Đại Bi”. Đãi khách, làm chay toàn bộ như Hứa thái phu nhân, không giết một con vật.
Lời bàn: Thân hữu mừng thọ, mình tỏ ra hài lòng vui, đâu biết đâu phải lời chúc thọ mà mình thọ. Biết tu phước hiện, tự hưởng tuổi cao, đâu cần tỏ ra hồ hởi khi mọi người chúc. Trước Đường Nghiêu và Ngu Thuấn, người ta thọ tới một trăm mấy chục tuổi, nhưng không có danh từ “chúc mừng”. Về sau phước đức mỏng dần, tuổi thọ giảm dần, cho nên sớm có lời chúc. Ôi! Ba tai hoạ này (hoả tai, thuỷ tai, phong tai) sắp đến, là điềm báo mạng người ngắn ngủi, không thể không biết. Việc của Trương Băng Am làm, có thể nói là siêu xuất vậy!
Viên Ngọ Quỳ ở Vũ Lâm, huý Tư, ở Côn ấp, làm thiện không mệt mỏi. Tháng tư năm Kỷ Mão niên hiệu Khang Hy, đúng ngày sanh nhật thứ 50. Tiền bạc bạn bè, bà con mừng tuổi, ông cùng mọi người mang đến chùa Cảnh Đức, nhờ phân phát cho người nghèo, còn người cô quả tàn tật, ông tự xuất tiền ra, góp vào hội từ thiện, để hồi đáp mừng thọ.
Lời bàn: Trái chín, sắp đến lúc rụng; cây to, sắp đến lúc chặt. Do đó người trí qua tuổi trung niên, tức nên quán chiếu nhà cửa như phòng trọ, quyến thuộc như bạn bè, thời gian như cá cạn nước. Nếu mắt đã mờ, tóc đã bạc, răng đã rụng mà còn tuỳ tiện sát sanh, si mê không ngộ thì quả là “quá ư thấp kém”.
Ngày lành cảnh đẹp, với người thì sắc mặt tươi vui; với vật thì lòng sanh sợ hãi. Vì sao? Con người vào lúc này, thì ăn uống hát ca; con vật vào lúc này, thì hồn tiêu phách lạc. Con người vào lúc này, thì cốt nhục đoàn viên; con vật vào lúc này, thì mẹ con ly tán. Con người vào lúc này, thì y áo đẹp, chúc mừng nhau, rượu thịt đầy mâm; con vật vào lúc này, thì máu huyết chảy, thịt phay, thân thể tim gan phân chia trăm mảnh. Nên ngày lễ sát sanh, là việc làm của kẻ tàn nhẫn nhất. Thử lúc cầm dao, bỗng hồi quang phản chiếu, tuy thịt cá đầy bàn, nhưng lòng ắt thương tâm ngán ngẫm. Kinh Phạm Võng có “Bất Kính Hảo Thời Giới”, là đây vậy.
Ngỗng Chết Thay (xem “Giới Sát Hiện Báo”)
Thời Minh mạt, một người họ Triệu ở Phủ Tường, Hàng Châu, nhân từ không sát sanh. Cuối năm, có người biếu con ngỗng, người nhà muốn giết, Triệu không cho. Tối rằm tháng giêng, mọi người lại xin, Triệu cũng không cho. Dần dà mãi đến tết Đoan Ngọ, mọi người lại xin, Triệu nộ nạt, lại không được giết. Ngày 17 tháng đó, Triệu bệnh, đến ngày mồng 1 tháng 6, thì rất nặng. Triệu thấy một tỳ nữ dẫn đến một nha môn, có ba người đưa đơn kiện, đường quan lần lượt xem qua. Lại thấy ông… bà…và bà cụ họ Dương cũng bị dẫn đến. Khi sắp vấn tấn Triệu, thì bỗng một con ngỗng, nhào tới nói tiếng người, bảo Triệu rằng: “Ông đi đi, tôi thay ông chết”. Triệu về theo đường cũ, thấy thi thể dừng lại nhập xác, tỉnh lại. Con ngỗng hôm đó, đã tự lao đầu vào tường chết trong chuồng. Ba người gặp hôm đó, đều chết cùng ngày.
Lời bàn: Việc sống chết, cha con không thể thay thế. Triệu dù có đức với ngỗng, ngỗng thay Triệu chết được sao? Pháp tánh viên minh, dung nhiếp nhau, có thành liền cảm, có gì không thông? Ngỗng cứu Triệu, không thể nói là vô lý!
Nhà giàu sanh con trai, quý nó như châu ngọc; con vật vừa lìa đàn, liền lên mâm trên bàn; đêm khuya nếu thức tỉnh, tâm này sao quá độc; với kinh Địa Tạng đây, mong anh siêng tụng đọc.
Kinh nói: “Người cõi Diêm-phù-đề, khi sanh ra, chớ có giết hại, tụ tập bà con thân thích, khiến cho mẹ con không được an lạc”. Xem đây, thì người cầu con cháu khôn lớn, phước thọ khương ninh, tuyệt đối không nên sát sanh vậy! Người đời mỗi khi sanh con trai, liền có một bọn bỉ phu, tranh nhau đòi rượu, miệng tuy nói lời chúc, trong tâm thật vì ngon ngọt. Kẻ ngu tưởng thật là họ chúc mừng, nhỏ thì là giết gà giết vịt, lớn thì là giết heo giết dê, khiến cho đời này kiếp sau, oan oan tương báo, thật là oan uổng!
Giết Dê Bị Quả Báo Lập Tức (trích “Pháp Uyển Châu Lâm”)
Vào đời nhà Đường niên hiệu Hiển Khánh, nhà nọ sanh con trai đầy tháng, làm tiệc lớn đãi đằng thân bằng. Khi sắp giết con dê, dê nhiều lần lạy người đồ tể, người đồ tể vẫn làm ngơ, kéo dê ra giết. Lát sau, đang nấu thịt dê trong nồi, sản phụ bồng đứa con trai ra xem, cái nồi bỗng vỡ, nước sôi chảy vào lửa mạnh, bắn thẳng lên đầu mẹ con, một lát hai mẹ con đều chết.
Lời bàn: Thời Phật, một quỷ mẹ có 500 đứa con, đứa út tên Tần-già-la, quỷ mẹ hung ác, chuyên ăn thịt trẻ con. Thế tôn bắt đứa út của của bà giấu trong bát, quỷ mẹ tìm khắp, bảy ngày không thấy. Hỏi Phật ở đâu, Phật đáp: “Bà có 500 đứa con, chỉ mất một đứa, có gì mà ưu sầu? Người đời sanh con, ai không yêu quý, sao bà ăn thịt?” Bà trả lời: “Con nay nếu được Tần-già-la, sẽ không bắt trẻ con ăn thịt nữa”. Phật chỉ chỗ cái bát, quỷ mẹ cùng 500 đứa con bưng lấy, dùng hết thần lực mà chiếc bát vẫn không nhúc nhích, trở về cầu Phật. Phật bảo: “Nếu thọ Tam quy Ngũ giới, ta trả con cho”. Quỷ mẹ đồng ý. Phật bảo: “Khéo giữ giới. Ngươi là Yết-cơ vương nữ thời Phật Ca-diếp, do không giữ giới, nay mang quả báo quỷ”. Ôi! Thiên hạ làm quỷ mẹ, đâu có ít!
Khuyên Người Cúng Tổ Tiên (dưới đây nói tế tự chớ nên sát sanh)
Cúng tế tổ tiên, chẳng qua chỉ là nhớ đến cái gốc mà thôi. Còn tổ tiên có về hay không, còn chưa biết. Vì sao? Vì tổ tiên tu phước trời người, ắt sanh lên cõi trời cõi người hưởng lạc; tạo nghiệp ba đường ác, ắt phải đoạ ba đường ác chịu khổ. Tuy nhiên người hưởng lạc ít, người chịu khổ nhiều.
Cho nên, con cháu hiếu hạnh, mỗi khi có ngày lễ, ngày giỗ, chỉ nên kiền thành trai giới, niệm Phật tụng kinh, hồi hướng Tây phương cực lạc, cho tổ tiên ra khỏi luân hồi khổ, đó là chân thật báo ân. Còn sát sanh để cúng tổ tiên, chỉ thêm nghiệp chướng cho người chết, với người có tuệ nhãn, rất là đáng thương.