An Sĩ Toàn Thư – Tập 43 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 03)
Sát Sanh Luỵ Cõi Âm (trích “Trúc Song Tuỳ Bút”)
Trong Trúc Song Tuỳ Bút của đại sư Liên Trì ghi: Họ Kim nọ ở Tiền Đường, Triết Giang trì trai giữ giới rất thành kính. Sau chết thần thức gá vào một bé trai nói: “tôi tu trì thiện nghiệp, thời gian không lâu, không được vãng sanh Tịnh độ, hiện tại ở cõi âm, nhưng cũng rất an vui, đi lại tự tại.”
Một hôm nọ, thần thức lại gá vào một bé trai, rầy người vợ rằng: “sao bà lại giết gà cúng tôi, bây giờ có quỷ sứ theo tôi, không còn được tự do như trước nữa.” Lúc đó con dâu ông ta đang mang thai, mọi người thuận tiện mới hỏi ông ta là sanh trai hay gái, họ Kim nói: “sanh con trai, mẹ tròn con vuông; lần sau cũng lại sanh con trai nữa, nhưng mẹ con đều mất.” Mọi người nghe nói ai cũng kinh dị, bán tín bán nghi, nhớ trong lòng để coi có ứng nghiệm hay không?”
Quả nhiên con dâu sanh con trai, mẹ con bình an. Lần sau lại sanh con trai nữa, nhưng khó sanh, vừa sanh xong mẹ con đều mất. Lúc đó mới xác tín lời họ Kim nói, nhất nhất đều ứng nghiệm, không sai hào tơ. Từ đó có thể biết, sát sanh kỵ giỗ, chỉ làm tăng thêm nghiệp ác cho người quá cố, con hiền cháu thảo chẳng nhẽ nhẫn tâm liên luỵ cha mẹ tổ tiên?
Do đó mỗi khi đám giỗ hoặc lễ tiết, con hiền cháu thảo muốn tận hiếu, chỉ hương hoa trái quả, đồng thời trì trai, niệm Phật tụng kinh, hồi hướng Tây phương Tịnh độ, cho tổ tiên sớm ra khỏi luân hồi, mới là chân chánh báo ân.
Lời bàn: Cúng không thể dùng rau, tuy nhiên căn bản không được sát sanh. Nhưng ở đời hễ được công danh, là giết heo dê tế tổ. Người tế lại dương dương tự đắc, cho là vinh thân, kẻ bàng quan cũng chen nhau đến xem, khen ngợi ríu rít. Thử hỏi tổ tiên lúc ấy thật có hưởng được miếng thịt nào hay không? Sát sanh vô ích, khiến cha mẹ trầm luân.
Người chết nói được, ắt sẽ hận nơi chín suối. Chẳng bằng đứa con nghèo hèn, rau trái biểu hiện kiền thành mà hơn.
Khuyên Người Cúng Tế Thần Linh
Người đời cho rằng tạo tội đốt hương, nghịch trời tu phước, không bằng tế thần. Trong tế thần đáng hận nhất là dùng người làm vật tế. Bởi thọ hay yểu, đều do nhân đời trước, nghiệp quả đã kết, không thể trốn thoát. Thí như quan lại phụng chỉ bắt người, lính tráng há vì miếng ăn mà thay trên đánh trống kêu oan, thu lại thánh chỉ hay sao? Cho nên trong miếu tế thần, bên trong thấy rất u ám, miếu nào cũng thế. Nhưng làm hoài thành tục, đều do tiểu nhân nhận lầm mà ra. Tiểu nhân thấy người tật bệnh, liền gom tiền giết vật, để nịnh tà thần. Chủ nhân ngu si, không biết người bệnh âm thầm chịu hoạ, ngược cho là đức, không phải là rất đáng thương hay sao? Khuyên khắp người đời, mỗi khi gặp người bệnh, nên khuyên họ làm thiện tiêu tai, tụng kinh lễ sám. Nếu bệnh nguy kịch, thì khuyên họ chuyên tâm niệm Phật, cầu sanh Tịnh độ, đó là công đức vô biên. Chớ có nghe thầy mo nói bậy, làm cho người bệnh từ khổ vào khổ.
Tế Trời Gặp Phật (ghi lại “kinh Pháp Cú”)
Thời Phật có một quốc vương, tên Hoà Mặc. Ông thờ phụng ngoại đạo, cả nước tin theo tà giáo, sát sanh cúng tế. Vương mẫu nằm bệnh, lâu ngày không khỏi, liền cho mời Bà-la-môn đến hỏi nguyên do. Bà-la-môn đáp: “Tinh tú đảo loạn, âm dương bất điều, khiến cho như thế”. Vua hỏi: “Phải làm thế nào cho bệnh lành?”. Trả lời: “Giết 100 con heo dê trâu ngựa để tế trời, thì bệnh lành”. Vua liền theo lời cho lùa đủ số đến đàn tế. Phật vì từ bi, thương vua ngu mê, nên đến chỗ vua. Vua từ xa thấy Phật, xá bạch Phật rằng: “Mẹ con nằm bệnh đã lâu, nay muốn tế trời, cầu xin lành bệnh.” Phật bảo: “Muốn được lúa, phải cày cấy; muốn được giàu, phải bố thí; muốn được trường thọ, phải hành đại từ; muốn được trí tuệ, phải biết học hỏi. Làm bốn việc này, gieo nhân nào gặt quả đó. Tế tự quá loạn, lấy tà làm chánh, sát sanh mà mong được sống lâu, quả là cách đạo sinh tồn xa”. Phật bèn phóng ánh sáng lớn, chiếu khắp trời đất. Vua nghe pháp thấy ánh sáng, hổ thẹn hối lỗi, không tế trời nữa. Vương mẫu nghe chuyện lấy làm hoan hỷ, bệnh hoạn liền được tiêu trừ. Vua từ đó về sau, tin kính Tam bảo, thương dân như con, thường hành thập thiện, ngũ cốc bội thu.
Người sanh cõi trời đều được sắc thân thanh tịnh, ánh sáng chói lọi, không có cái hôi dơ của máu mủ đàm giãi, đại tiểu tiện lợi. Món ăn cam lộ tự nhiên hoá thành. Nhìn xuống cõi Diêm-phù-đề, gò nổng hầm hố, xú uế tanh hôi, không muốn thấy nghe, mong họ cỡi mây đến hưởng, không có chuyện đó.
Gà dù yêu rết, đâu thể ngậm chúng mà để đầy miệng mình. Nếu bảo chỉ hưởng mùi, thì khắp thiên hạ lúc nào mà chẳng có mùi thịt, trời lúc nào mà chẳng hưởng? Lại nếu bảo vì trời mà giết mới được hưởng, thì quốc vương Hoà mặc tế chỉ một ngày, những ngày khác trời đói sao? “ngũ cốc không thơm, chỉ minh đức thơm”, sách Thượng Thư nói đáng suy ngẫm. “Người hàng xóm phía Đông giết trâu, phước không bằng người hàng xóm phía Tây cúng phẩm vật đơn giản”, Kinh Dịch ghi rõ. Tiếc người đọc sách không khéo hiểu.
Giết Dê Cúng Cây Trở Lại Làm Dê (ghi lại “Tạp bảo Tạng Kinh”)
Thời Phật có một ông lão, nhà rất giàu có. Một hôm ông bỗng muốn ăn thịt, bèn chỉ vào cây đầu vườn, nói với mấy đứa con rằng: “Nhà ta giàu có, là nhờ thọ thần của cây này ban ân, con hãy giết một con dê để cúng”. Mấy đứa con nghe lời, giết một con dê cúng cây. Lại lập dưới gốc cây một cái miếu thờ.
Sau đó người cha chết, liền tái sanh làm dê trong bầy dê trong nhà. Gặp lúc mấy đứa con muốn cúng thần cây, bắt lấy định giết, dê bỗng tự nghĩ: “Cây này không có thần, ta năm xưa vì muốn ăn thịt, nên đã xúi bậy các ngươi cúng cây, các ngươi cùng ăn. Nhưng nay không ngờ đền trả, ta phải trả trước.” Lúc ấy có một vị A-la-hán khất thực ngang qua, dùng thần thông, làm cho mấy đứa con đều thấy cha. Mấy đứa con liền chặt bỏ cây, hối lỗi tu phước, không sát sanh nữa.
Lời bàn: “Tăng Nhất A-hàm kinh” nói: “Có năm loại bố thí không được phước: 1. Bố thí dao, 2. Bố thí thuốc độc, 3. Bố thí trâu rừng, 4. Bố thí dâm nữ, 5. Xây dựng dâm tự (miếu thờ)”.
Ở đời có những bọn bất tri, gặp phước điền Tam bảo, không chịu bố thí, nhưng đối với miếu thờ quỷ thần, thì lại vui vẻ xây dựng, là do chưa mở được con mắt pháp.
Xây miếu thờ xong, viết lên: “xây dựng ngày…tháng… năm…”. Rồi dương dương tự đắc, cho là ta đã làm phước. Ôi! Đâu biết từ đó về sau, lớn thì trâu, dê… nhỏ thì gà, vịt kêu thảm thiết dưới lưỡi dao bén, nhảy đành đạch trong chảo nước sôi, không biết bao nhiêu ngàn vạn? Gọi là “thiên đường chưa đến, địa ngục đã sa”.
Khổng Tử nói: “Chẳng phải nhân vật đáng cúng mà xây miếu để cúng, gọi đó là Dâm tự, Dâm tự không phước”.
Hay thay lời đức Khổng Tử, không khác kim khẩu của Phật!
Thần Thái Sơn Thọ Giới (trích “Truyền Đăng Lục”)
Thiền sư Nguyên Khuê, nhà Đường, họ Lý, người Y Khuyết. Năm Vĩnh Thuần thứ 2, thọ giới Cụ túc, đến chùa Nhàn Cư ở Tung Sơn nghiên cứu giới luật. Sau đó tham yết Quốc sư Huệ An, đốn ngộ huyền chỉ, rồi dời đến Bàng Ổ ở Thái Sơn.
Một hôm, có dị nhân đội nón quan cao đến, tuỳ tùng hiển hách. Dị nhân hỏi: “Sư nhận ra tôi không?” Sư đáp: “Ta Xem chúng sanh như nhau, không có phân biệt”. Thần nói: “Ta là Nhạc Đế, nắm quyền sanh tử của con người, sao có thể xem như nhau
được?” Sư trả lời: “Ta vốn vô sanh, ông làm sao bắt tôi chết được? Thân ta như hư không, ông có thể hoại hư không được không?” Thần liền dập đầu nói: “Ta cũng thông minh chánh trực, hơn các thần khác. Nguyện thọ chánh giới, khiến được giải thoát”.
Sư bèn soạn toà thắp hương, hỏi: “Trao cho ông năm giới. Ông có thể không dâm dục không?” Thần trả lời: “Ta có vợ”. Sư nói: “Không phải chánh dâm, tà dâm kia”. Thần dập đầu nói: “Giữ được”. Sư lại hỏi: “Thứ hai là giới không trộm cắp, ông giữ được không?” Thần đáp: “Ta không thiếu, lẽ nào ăn cắp?” Sư đáp: “Không phải thế, mà là không vì được cúng tế thì ban phước, không được cúng tế thì giá hoạ”. Thần dập đầu nói: “Giữ được”. “Giới thứ ba là bất sát, ông giữ được không?” Thần đáp: “Làm quan tư pháp, làm sao có thể không sát?” Sư đáp: “Chẳng phải nói điều đó, mà là không lạm quyền, nghi kỵ, nhầm lẫn, tuỳ tiện”. Thần dập đầu nói: “Giữ được”. “Giới thứ tư là không nói dối, ông giữ được không?” Thần đáp: “Thần chánh trực, chưa từng nói dối”. Sư đáp: “Chẳng phải nói điều đó, mà là trước sau đều hợp lòng trời”. Thần dập đầu nói: “Giữ được”. “Giới thứ năm là không uống rượu, ông giữ được không?” Thần dập đầu nói: “Giữ được”. Sư nói: “Năm giới trên, là nền tảng của giới luật Phật”.
Nói chuyện qua lại hồi lâu, thần nói: “Con thọ giáo thầy, xin được báo ân. Xin thầy sai con làm việc gì đó, để con hiện chút thần thông, cho những người chưa tin, đều sanh tín niệm”. Sư không sai bảo, thần xin mãi, sư nói: “Chùa Đông Nham cách trở, không có cây cối. Ngọn núi phía bắc cây cối sum suê. Ông có thể dời cây cối ở đó đến đây không?” Thần đáp: “Con xin tuân mạng”. Chỉ có điều đêm khuya ắt có tiếng động lớn, xin thầy đừng sợ”. Nói xong xá thầy rồi đi. Sư tiễn, thấy nghi trượng và vệ sĩ như vua, mây ngũ sắc trên đầu, từ từ bay lên mất hút. Đêm đó, quả nhiên có gió lớn sấm sét ầm ầm.
Sáng sớm ra nhìn, thì tất cả tùng bách ở ngọn núi phía bắc, đều được dời sang hết bên ngọn phía Đông, rậm rạp um tùm. Năm thứ 4 niên hiệu Khai Nguyên, Sư dặn dò môn nhân rằng: “Ta sống ở ngọn Đông Lãnh này, chết dựng tháp ở đây”. Nói xong, an nhiên thị tịch.
Lời bàn: Thần thánh trên cạn dưới nước, đời trước cũng từng tu phước, nhưng không thể phát Bồ-đề tâm. Cho nên vừa thọ phước báo, liền lại hôn mê.
Ở đời có những vị tăng trì giới, đời sau sanh ra trong gia đình quyền quý, bèn ăn thịt uống rượu, huỷ báng Tam bảo, là đều do tu phước không tu huệ. Ngày xưa lúc Thế tôn chưa thành đạo, tọa thiền dưới cội Bồ-đề. Ma vương Ba-tuần sợ ngài thành đạo, mới mang 80 ức chúng, muốn đến hại Phật. Ma vương nói với Phật rằng: “Này thái tử Tất-đạt-đa, ngươi có dậy đi không. Nếu ngươi không đi, ta sẽ nắm chân ngươi ném qua bên kia biển”. Phật bảo với ma Ba-tuần: “Ta thấy tất cả thế gian, không ai có khả năng ném ta qua bên kia biển. Ngươi đời trước từng làm chủ một ngôi chùa, thọ Bát Quan Trai Giới một ngày đêm. Bố thí cho Phật Bích-chi một bữa ăn, nên sanh lên cõi trời Lục dục, làm đại ma vương. Còn ta đã từng trong a-tăng-kỳ kiếp, rộng tu công đức, cúng dường vô lượng chư Phật, ngươi làm sao hại ta được?” Ba tuần hỏi thái tử: “Lời ngươi, có chứng cứ gì không?” Phật chỉ tay xuống đất nói: “Đất này làm chứng cho ta”. Nói xong, đại địa chấn động, vô lượng địa thần từ dưới đất vọt lên, quỳ gối chắp tay bạch Phật rằng: “Bạch Thế tôn! Chúng con làm chứng, như lời Phật nói, chân thật không dối!”
Nên biết phước huệ, không được thiên trọng bên nào, Thần Đông Nhạc, có thể gọi là không quên chánh nhân vậy. Cho nên có lời nhắc rằng: “Không vì được cúng mà ban phước, không vì không được cúng mà giáng hoạ”. Rành rành là lời sau thọ giới.
Người đời không xét, giết mạng oan uổng, thật đáng thương xót!
Quan Công Hộ Pháp (xem Đạo Thư “Quan Đế Kinh Chú”)
Quan Công huý Tập, tự Vân Trường, người Hậu Hán. Sau khi chết phụng mệnh Ngọc Đế, chưởng quan Văn hàm và sổ sách thiện ác của thế gian. Bao đời đều có huy hiệu. Quy y cửa Phật, phát nguyện độ người. Vào thời Minh Sơ, từng giáng cơ là một quan gia, khuyên người tu thiện, đồng thời nói: “Tôi đã quy y Quán Âm đại sĩ, cùng hộ pháp với Vi Đà Thiên tôn, cúng ta chớ dùng rượu thịt”. Do đó truyền bá xa gần, trong chùa miếu đều có nặn tượng. Hiển linh rất nhiều.
Lời bàn: Tôi xem thư tịch của Đạo gia, thấy có “Văn Xương Sám” 3 quyển, là Đế Quân giáng cơ, ngôn từ toàn dùng lời lẽ nhà Phật, tuy không viên dung quảng đại như “Lương Hoàng Sám”, nhưng sự quy tín Tam bảo của ông, có lẽ không thua kém Quan Công. Do đó khen ngợi hai vị Đế hiện xuống chưởng quản Văn hàm, tất cả sĩ tử trường thi, đều phải trải qua sự xét duyệt của họ. Xuất thiên môn, nhập địa phủ, oai nghiêm hiển hách như thế, mà còn một lòng hướng về, thì sự quảng đại của Phật pháp, không cần phải nói cũng rõ! Mạnh Tử coi Bá Di, Thái Công là cha của thiên hạ, rằng: “Cha của thiên hạ theo Văn Vương, các con cháu theo ai được?” Tôi đối với hai vị Đế cũng nói vậy.
Khuyên Những Người Coi Sao Bói Toán
Sát sanh bằng dao gậy, rõ ràng dễ thấy; sát sanh bằng lời nói, vi tế khó biết. Cứ như bói bệnh cho người, ắt nói: “Thần… bắt tội”, rồi bảo sát sanh để cúng. Do đó những con vật bị giết, đời đời kết oán với người bệnh, cũng kết oan với người xem bói.
Như vậy một lời của người xem bói, cái hại đâu phải nhỏ! Khuyên khắp những người xem bói cho người bệnh, mỗi khi gặp bệnh, nên khuyên làm thiện tu phước, niệm Phật trì trai. Nếu quả thật là quỷ thần bắt tội, phải cúng, nên khuyên làm chay thay cho máu thịt.
Thầy Mo Đền Báo (trích “Quảng Nhân Lục”)
Thầy Mo họ Lã ở Giang Lăng, quyết đoán sự việc đều bảo sát sanh. Một lần nọ đến nhà người bệnh, sắp phán đoán, bỗng lăn ra đất chết. Hai ngày sau tỉnh lại, được hỏi, ông nói: “Một ác quỷ cao hơn một trượng, bắt xuống Diêm cung, vua Diêm La mắng tôi nói bậy hoạ phúc, sát hại biết bao sinh linh. Lại thấy mấy trăm tù quỷ, khóc chửi tôi rằng: ‘do nghe lời xằng bậy của ngươi mà chúng tôi bị tội’. Lại thấy vô số cầm thú, đều gầm gừ trợn trừng, tranh nhau tới vồ lấy cấu xé. Lúc Diêm La vương định đưa tôi vào ngục, thì một người làm chức quan nhỏ nói: ‘Nó chưa tới số chết, tạm thả, truy cứu sau’. Do đó được sống lại. Người bệnh nhà ấy, nghe xong thượng bài, nghĩ rằng không qua khỏi”. Không mấy ngày sau, quả nhiên chết.
Thầy mo từ đó đổi nghề, viết lại việc ấy để nhắc nhở mọi người.
Lời bàn: Thành hoàng xã lệnh, giang hà thổ thần, người đời đều mạo xưng là Bồ-tát. Đến nỗi sát sanh để cúng, cũng gọi là hiến Phật. Ôi! Những quỷ thần tép riêu này, lạm xưng hiệu Phật, Bồ-tát, thì gỗ mục cũng có thể nói là chiên-đàn. Đến như các sách Sử, Giám, cũng nói Tây vức có thần, tên là Phật. Thì là Phật trở ngược gọi là thần vậy. Không có con mắt chánh nên mới như vậy!
Khuyên Người Làm Tiệc Đãi Khách (dưới đây nói yến tiệc chớ nên sát sanh)
Người đời đều không thích thiệt thòi, mà lại ai ai cũng làm những việc đưa đến thiệt thòi. Người đời đều sợ đoạ lạc, mà đâu đâu cũng trồng nhân đoạ lạc. Có người bị cha mẹ vô ý mắng rằng: “mày là heo chó, mày là súc vật”. Là buồn giận, hận cha mẹ sỉ nhục mình.
Cái danh heo chó súc sanh, đã ghét nó e rằng không tới, chớ cái thật heo chó súc sanh, nên dứt nó chỉ sợ không sâu. Mỗi khi yến tiệc, là giết trâu dê heo gà. Sợ là sợ cái khổ đoạ trong ba đường ác, đâu phải chỉ ghét cái hư danh mà không sợ cái hoạ thật?
Kinh lăng Nghiêm nói: “Do người ăn dê, dê chết làm người, người chết làm dê”. Ăn các chúng sanh khác, cũng lại như vậy. Tử tử sanh sanh, qua lại ăn nhau. Câu sanh ác nghiệp, cùng đời vị lai”. Phật không nói dối, đâu dám không tin! Nên biết giết gà trả quả báo làm gà, giết dê trả quả báo làm dê, là lý tất nhiên. Than ôi!
Xưa tuy cha mẹ chửi mà ta không bị, nay vì miếng ăn cho người khác mà làm (heo chó súc sanh); xưa tuy cha mẹ chửi mà ta không bị, nay vì một lúc vui cười mà làm (heo chó súc sanh). Điều đó chẳng lẽ đáng làm sao?