An Sĩ Toàn Thư – Tập 55 – Dục Hải Hồi Cuồng (Quyển 01 – Bài 01)
Dục Hải Hồi Cuồng
Ngăn Cơn Sóng Dữ Của Biển Dục
Lời tựa (nguyên bản)
Cuối mùa hè năm Tân Dậu[1], tôi cùng Chu tiên sinh hóng mát trong ngôi nhà nhỏ cạnh ao sen, hai bên cùng nhau trò chuyện, bàn luận về chuyện được mất xưa nay trong thiên hạ, nói dần đến việc làm thiện được phước – làm ác mắc họa, Chu tiên sinhbùi ngùi thở dài mà nói: “Sắc dục mê hoặc con người ta thật ghê gớm! Người hiền kẻ trí còn không thoát ra được, huống gì người thường”. Tôi cúi đầu trầm tư hồi lâu rồi trộm nghĩ “Dùng miệng khuyên người, chỉ có hiệu quả một lúc, không bằng biên soạn thành sách, vậy mới có thể truyền lưu lâu dài”, nghĩ rồi bèn thỉnh ông đem những cảm ngộ của mình biên tập thành một quyển sách khuyến thiện giới dâm.Chu tiên sinh nói: “Tôi soạn tập ‘Vạn thiện tiên tư’, bản in đã tiến hành gần hai năm nay, còn đang chờ gom góp tiền mới có thể hoàn thành, không dám nghĩ đến những việc khác”. Tôi thưa: “Nếu thấy có lợi cho mọi người thì tôi không tiếc đóng góp tiền tài”. Nghe thế Chu tiên sinh rất vui mừng, bèn phát tâm biên tập cuốn sách này.
Thấm thoắt mà đã đến tháng bảy năm Canh Ngọ[2], tôi lại đem chuyện ngày trước ra thưa, cùng ngày đó, Chu tiên sinh đốt hương rửa tay, chính thức đề bút viết sách. Mỗi một quan điểm trong sách ông đều cố gắng viết rõ ràng trong sáng để người đọc dễ hiểu,đồng thời còn dẫn chứng các sách của tam giáo để tiện tham khảo. Đêm ít nghỉ, ngày bớt ăn, đến lúc tập sách hoàn thành, đã trải qua hơn ba tháng[3]. Tôi theo ước định trước đây, bỏ tiền nhờ người in ấn, rà soát cẩn thận rồi cho lưu hành. Mong những người thấy nghe, lấy làm tiếng chuông cảnh tỉnh trong đêm thanh vắng, làm thóc gạo trong ngày tháng đói kém. Hàng ngày gối đầu giường để cùng suy nghĩ, nếu được như vậy thì lúc trí tuệ được khai thông thì phước duyên tự vững chãi. Còn như những điều cao sâu, uyên áo trong tập sách này thì đã có những vị cao kiến trong đời, tôi dám thêm bớt một lời nào nữa ư!
Niên hiệu Khang Hi thứ hai mươi mốt, ngày 16 tháng 11 năm Nhâm Tuất, Cố Ngạc Thanh, tên là Lâm viết lời tựa tại Cô tô,
Lời tựa của đại sư Ấn Quang
Trong thế gian có một mối họa hết sức thảm thiết – hết sức nghiêm trọng, thường làm cho người ta mất đi tánh mạng. Thế mà rất nhiều người đều chìm đắm trong đó, thậm chí không tiếc hy sinh thân mình, đến chết cũng không hối hận. Mối họa đó là lòng tham ái đối với sắc dục! Nó tạo ra các việc ác đồi phong bại tục, phóng túng tình dục, tầm hoa vấn liễu, vụng trộm ngoại tình, hủy hoại luân lý đạo đức, khiến cho gia đình suy bại, cha mẹbị nhục nhã, tự mình mang tiếng xấu, liên lụy con cháu đời sau. Bọn họ lúc sống bị giảm thọ, khi chết rồi còn bị đọa vào ác đạo. Báo ứng của những người này tạm thời không nói, cho dù là vợ chồng quan hệ hợp pháp, một khi mải mê sa vào đó mà không hạn chế, đến nỗi mất mạng, tình trạng như thế cũng có rất nhiều. Ban đầu nghĩ tham muốn khoái lạc, kết quả chuốc lấy tử vong. Nỗi cô đơn đau khổ của người góa vợ góa chồng, trên thực tế phần lớn là do tự mình tạo thành, không phải do số mạng như thế. Những người cả ngày mê đắm trong vui thú vợ chồng không thể tự thoát, có thể nói là tự chuốc vạ vào mình. Nhưng cũng có người bình thường không sinh hoạt vợ chồng quá độ, chỉ do là không biết chú ý các loại kiêng kỵ, tùy tiện mà làm, do vậy chuốc lấy tử vong. Tình trạng này cũng có rất nhiều. Trong sách “lễ ký” – mục “nguyệt lệnh” có quy định như sau: sắp vào tiết “kinh trập”[4], trước ba ngày sấm mùa xuân rền vang, viên chức nhà nước phải gõ mõ, thông báo lệnh cấm, cảnh báo nhân dân trong thời gian này nghiêm cấm sinh hoạt vợ chồng, tránh cho thai nhi phát triển không tốt. Thánh vương thời xưa thương yêu nhân dân, thật có thể nói là tỉ mỉ chu đáo! ( các loại kiêng kỵ, có nói rõ trong sách “thọ khang bảo giám”, cũng nên tìm đọc. )
Tôi thường nói nguyên nhân chân chính của tử vong, do sắc dục trực tiếp mà chết chiếm hết bốn phần mười. Gián tiếp mà chết cũng chiếm hết bốn phần mười; đây là do tham đắm sắc dục khiến thân thể hao tổn, rồi bị các loại phong hàn – bệnh độc mà chết. Người ta thường cho là, họ chết bởi vì số mạng không tốt, lại không biết rằng người tham sắc dục đột nhiên chết, kỳ thực không phải họ sinh ra đã bị chú định thọ mạng ngắn ngủi. Chỉ có những người tâm địa thanh tịnh – phẩm hạnh đoan chính – không tham dục, mới có thể sống đến hết tuổi thọ của mình. Còn những người tham sắc toàn bộ đều là tự hại sinh mệnh đáng quý của mình, đến nỗi bị chết sớm, làm sao có thể nói là “trong số mạngđã chú định sẵn”? Trong đóthật sự có thể “y mệnh mà sống – mệnh tận mới chết”, những người này chỉ chiếm một hai phần mười mà thôi. Từ đó có thể biết rằng, trong thế gian hơn phân nửa đều là do tham đắm sắc dục mà bị chết uổng. Sự nghiêm trọng của mối họa này, không gì có thể so sánh. Điều này làm cho người ta đau buồn biết bao, lại là làm cho người ta sợ hãi biết bao!
Tuy nhiên cũng có một phương pháp, không tốn tiền, cũng không tốn sức, mà lại có thể thành tựu đức hạnh cao nhất, hưởng thụ an vui lớn nhất, lưu lại phúc ấm vô tận cho con cháu, khiến cho tự mình có được quyến thuộc trinh khiết lương thiện trong kiếp sau, phương pháp này là“giới dâm”!
Sinh hoạt vợ chồng, phía trước đã nói sơ qua lợi hại trong đó, tạm không nói đến. Về phần các loại hành vi tà dâm, cũng là vô liêm vô sỉ , rất xấu rất ác, hoàn toàn là dùng thân người mà làm việc của súc sinh. Cho nên khi có giai nhân đến gần ước hẹn, hoặc là người đẹp quyến rũ hiến thân; người quân tử cự tuyệt, xem đó như tai họa to lớn, do vậy mà phúc tinh cao chiếu, thiên thần ủng hộ; còn kẻ tiểu nhân thì vui mừng nhận lấy, xem đó là hạnh phúc to lớn, do vậy mà tai tinh giáng lâm, quỷ thần tru lục. Người quân tử nhân họa mà đắc phúc, kẻ tiểu nhân nhân họa mà thêm họa. Đây tức là chỗ mà cổ nhân nói “họa phúc vô môn, duy nhân tự triệu”. Người thế gian nếu như không quan sát triệt để rõ ràng cửa ải nữ sắc, vậy tức là đem những gì vốn thuộc về mình: đức hạnh cao nhất – an vui lớn nhất, cùng với phúc ấm vô tận của con cháu – quyến thuộc trinh khiết lương thiện trong kiếp sau của mình, tất cả ném vào trong niềm hoan lạc chớp nhoáng, đây quả là hết sức bi ai!
Đời nhà Thanh, tiên sinh Chu An Sĩ biên soạn cuốn sách “Dục Hải Hồi Cuồng”- (Ngăn Cơn Sóng Dữ Của Biển Dục), nội dung phân loại rất tỉ mỉ, lại thêm phân tích tường tận, dùng bút pháp “sang hèn đều thưởng thức được”, văn phong vừa có chân thành khuyến khích, lại có nghiêm khắc răn dạy cảm động lòng người. Các sự tích xưa nay, không dâm mà được phúc – phạm dâm mà gặp họa, đầu đuôi ngọn nguồn trích dẫn ghi chép lại rất rõ ràng tỉ mỉ. Trong sách, tác giả dùng hết sức mình hô hào kêu gọi, vang vọng như tiếng trống buổi chiều chuông buổi sớm, khiến người tỉnh ngộ, chính là muốn cho mọi người trên thế giới đều có được hạnh phúc khoái lạc, sức khỏe sống lâu, hưởng hết tuổi trời. Nên biết rằng sách này tuy là viết với mục đích giới dâm, những nghĩa lý và chuẩn tắc giải thích trong đó, vô luận là quản lý quốc gia – tự mình tu dưỡng – hoàn thiện gia đình, hoặc là tìm kiếm sự huyền diệu của vũ trụ nhân sinh – ngộ minh tự tánh – liễu thoát sinh tử, tất cả đều bao gồm đầy đủ không thiếu sót. Người đọc nếu có thể cẩn thận lĩnh hội, tự mình gắng làm, dung hội quán thông , nhất định sẽ đạt đến cảnh giới hoàn toàn mới mẻ viên dung tự tại – mắt thấy tai nghe đều là đạo. Tấm lòng ưu thế cứu dân của An Sĩ tiên sinh, thật có thể nói là chí thâm chí thiết! Vì thế, vào năm dân quốc thứ bảy (1918), ở Tàng Kinh Viện tại Dương Châu, tôi đã từng đem “an sĩ toàn thư” khắc bản để in ra. Năm dân quốc thứ tám (1919), lại in riêng hai cuốn “Dục Hải Hồi Cuồng” – “Vạn Thiện Tiên Tư”. Năm dân quốc thứ mười (1921), lại quyên tiền in ra bản “An Sĩ Toàn Thư” thu nhỏ. Vốn kế hoạch định in mười vạn bộ, khiến bộ sách này phổ biến khắp toàn quốc, nhưng vì phước đức mỏng manh, không được hưởng ứng, chỉ ấn tống được bốn vạn bộ. Ngoài ra, trung hoa thư cục tự in ra để bán, cũng có gần hai vạn bộ . Các vùng Hàng Châu – Hán Khẩu cũng đều mô phỏng theo sắp chữ in ra, số lượng cũng không ít.
Nay có cư sĩ Ngô Tử Tường ở Giang Tô – Thái Thương, lo lắng cho thế gian tai họa ngày càng tăng, trong nước xuất hiện rất nhiều học phái mới, công nhiên đề xướng loại bỏ truyền thống luân lý đạo đức và quan niệm trinh tiết, một mực chủ trương tự do luyến ái, giống như bỏ đi bờ đê trên sông lớn, mặc cho hồng thủy cuồn cuộn dâng tràn, khiến cho một nhóm thanh niên nam nữ rơi vào trong dòng nước chảy xiết của biển dục không đáy. Vì thế ông phát tâm in ấn rộng rãi cuốn sách “Dục Hải Hồi Cuồng”, gửi tặng cho các giới nhân sĩ trong xã hội, mong có thể ngăn cơn sóng dữ, mọi người đồng tâm hiệp lực, mỗi người một tay thì dễ xong việc, kính mong các bậc trưởng giả phát tâm cứu đời, tùy theo khả năng bỏ tiền ấn tống , lại khuyên người có duyên phổ biến lưu thông. Đồng thời hi vọng bậc cha mẹ lấy đây dạy dỗcon cái, anh lấy đây khuyến khích em, thầy lấy đây răn dạy học trò, bạn bè lấy đây nhắc nhở lẫn nhau. Khiến cho người người đều biết rõ tác hại của dâm dục, lập chí như sơn, giữ thân như ngọc, không chỉ là không làm việc tà dâm, mà ngay đến vợ chồng quan hệ hợp pháp cũng biết được hạn chế. Từ đây trên thế gian nhất định là sẽ càng ngày ít đi những kẻ góa vợ góa chồng – cô nhi hay người già mà con chết sớm. người người đều được giàu có – sống lâu – mạnh khỏe – an bình. Tự mình cùng gia đình từ đây bình an may mắn, quốc gia xã hội từ đây hòa hài an định, uế đức chuyển hóa thành mỹ đức , tai ương chuyển biến thành cát tường. Đã không tốn tiền, không tốn sức, mà lại có thểcó kết quả mỹ mãn như thế, tôi nghĩ các bậc trưởng giả nhất định sẽ vui vẻ mà làm, việc nhân đức không nhường ai! vì thế trịnh trọng lược thuật yếu nghĩa, cống hiến cho các vị đồng học.
Phụ lục: người có đức hạnh đáng khâm phục. (Chép tại huyện Cam Tuyền, Dương châu)
Đời nhà Nguyên có ông Tần Chiêu, người Dương châu, vào tuổi nhược quán[5] ông đến Kinh đô du lịch. Khi đã lên thuyền sắp khởi hành, có người bạn họ Đặng mang rượu đến tiễn. Hai người đang uống rượu, bỗng thấy có một cô gái xinh đẹp ngồi kiệu tới. Đặng bảo côgái ch ào hỏi Tần Chiêu rồi nói: “Cô này là người thiếp[6] mà tôi mua dùm cho một ông quan trong kinh thành, nhân tiện anh sắp đi kinh thành, làm ơn giúp tôi đưa cho ông ta”. Tần Chiêu cảm thấy hai người nam nữ độc thân cùng đi có nhiều bất tiện, mấy lần từ chối, Đặng ra vẻ giận, nói: “Anh làm sao phải cố chấp như thế, tôi tín nhiệm mới đem việc này giao phó cho anh. Nếu anh khống chế không được, vậy coi như là đem cô ấy tặng cho anh. Dù sao cũng chỉ tốn hai ngàn năm trăm xâu tiền mà thôi”. Bất đắc dĩ, Tần Chiêu phải nhận lời. Lúc bấy giờ trời đang mùa nóng, muỗi nhiều, cô gái không mang theo mùng, trên thuyền bị muỗi cắn rất khổ, Tần Chiêu thấy vậy bảo cô vào ngủ chung trong mùng của mình. Thuyền đi đường sông,trải qua hơn mười ngày mới tới Kinh thành.Tần Chiêu đưa cô gái đến ở khách sạn, nhờ bà chủ chăm sóc, rồi mang thư của Đặng đến cho ông quan. Khi gặp mặt, ông này hỏi Tần Chiêu “ông đi một mình hay mang theo người nhà cùng đi”, Chiêu cho hay chỉ đi một mình. Ông quan nghe xong mặt có vẻ giận, nhưng bởi vì có thư của Đặng, chỉ có thể miễn cưỡng tiếp nhận đem cô gái vào nhà. Đêm đến, mới biết được cô gái chưa thất thân, ông quan này xấu hổ, ngày hôm sau lập tức gửi thư cho Đặng, khen Tần Chiêu phẩm đức cao thượng. Sau đó đến thăm Tần Chiêu, nói rằng: “Ngài quả là bậc quân tử đức độ xưa nay hiếm gặp, hôm qua tôi còn hoài nghi, quả thật là đã lấy bụng tiểu nhân để đo lòng quân tử, tôi thật xấu hổ quá”.
Lời nhận xét: Trong tâm của Tần Chiêu, nếu không phải đã hoàn toàn đoạn tuyệt tư dục, đạt đến cảnh giới đạo nghĩa thuần nhiên, thì làm sao ngày cùng ăn, đêm cùng ngủ, trải mười mấy ngày với một người con gái tuyệt đẹp như thế mà không có tình dục. Cố nhiên Tần Chiêu là một bậc quân tử phẩm đức cao thượng, nhưng cô gái cũng là một trang thục nữtrinh khiết. Phẩm đức tốt đẹp, tâm linh thuần khiết, khiến cho mọi người ngưỡng mộ biết bao!Vì thế ghi thêm câu chuyện gương mẫu này vào đây để lưu truyền rộng rãi.
Năm Nhâm Tuất, Dân Quốc thứ 11 (1922), Thích Ấn Quang chứng minh.
Quy tắc chung. (mười hai điều)
1/ Tập này được chia làm ba quyển, quyển một kể lại những câu chuyện điển hình trong quá khứ, để mọi người phát khởi tâm giữ giới dâm. Quyển hai chia ra từng loại, lại thêm phân tích chi tiết, để chỉ rõ phương pháp giới dâm. Quyển ba là phần hỏi đáp nhằm củng cố quyết tâm giữ giới dâm. Nội dung từng quyển đi từ nông đến sâu, không thể đảo ngược vị trí được.
2/ Trong sách có kể lại những chuyện nhân quả, những lời bàn của người xưa, đều ghi rõ xuất xứ để tiện tham khảo kiểm chứng. Nếu một chuyện mà có nhiều bản ghi khác nhau, sẽ chọn một bản mang tính đại biểu.
3/ Những chuyện đời xưa liên quan đến tiết trinh hay dâm dục, phần nhiều đều lưu truyền rất rộng, nếu không có những chứng cứ rõ ràng thì đều cắt bỏ.Còn những chuyện có nhân quả thấy rõ trong hiện tại, dù chưa ai biên tập, phần nhiều được giữ lại.
4/ Cổ nhân ghi chép sách truyện, thường chỉ ghi một mạch liên tục đơn giản, không phân chia chương tiết, người đọc dễ nhàm chán.Nay chúng tôi lấy nội dung câu chuyện để đặt tiêu đề, nhân tiêu đề để nói lên việc khuyên răn, người đọc cũng dễ phân biệt.
5/ Những chuyện trong quyển đầu được trích dẫn từ nhiều sách khác nhau, nên văn phong bất đồng, khi biên tập lại, chúng tôi đã thay đổi một số cách dùng chữ để văn phong được thống nhất.
6/ Người xưa viết sách khuyên răn giới dâm, hầu hết đều là dẫn chứng những chuyện cũ để khuyên răn mà thôi. Còn như thế nào áp dụng thực tế, giảng rõ từng điểm khi đối mặt các vấn đề trong sinh hoạt hằng ngày, thì chưa thấy sách nào nói tới.
7/ Những cuốn sách khuyên đời, có cuốn khi đọc thì thấy văn chương mênh mông bao la, rất hấp dẫn; nhưng xem kĩ lại thì thấy có thể chỉ cần dùng một hai câu là đủ. Trong tập này chúng tôi kiên quyết loại trừ những khuyết điểm đó, nên trong thiên Thọ trì, tuy chúng tôi viết đơn giản nhưng ý nghĩa lại rộng rãi đầy đủ, tuy tên gọi là “sách khuyên giữ giới dâm”, nhưng bao gồm cả đạo lý tu thân trị quốc. Mong người đọc đừng nên đọc một cách qua loa như cưỡi ngựa xem hoa, để khỏi cô phụ sự dụng tâm lương khổ của tác giả.
8/ Căn nguyên của dâm dục là xuất phát từ lòng tham ái, nếu không cắt đứt tâm tham ái thì như nhổ cỏ mà để lại gốc, sang mùa xuân lại mọc.Nên trong quyển hai giảng về những phép quán Bất tịnh, là để dứt trừ những tư tưởng dâm dục tận gốc rễ, không cho nó phát sinh ra nữa. Phải tự thực hành mới thấy được kết quả. Nếu chỉ đọc suông, cho là râu ria không quan trọng thì đã uổng một phen tâm huyết của tác giả.
9/ Trong hai quyển đầu, đạo lý về “giới dâm” gần như đã đầy đủ, nhưng có thể có nghi ngờ về nguyên nhân và căn cứ. Vì thế ở quyển cuối, chúng tôi soạn một trăm câu hỏi đáp để nội dung cuốn sách được hoàn chỉnh.
10/ Vấn đề quan trọng nhất đời người, không gì hơn “sinh tử”, không cứ là Nho hay Phật đều phải để tâm nghiên cứu. Người đời nay đều cho là vấn đềnày thuộc về Phật học, vì vậy lâu nay tránh mà không nói đến. Ý nguyện của tập sách là “lợi ích cho mọi người”, thì đâu dám sợ đầu sợ đuôi, nên trong hai quyển thứ hai và thứ ba, về nguyên nhân của sinh tử, cảnh giới của cõi âm cõi dương … đều nói qua một chút.
11/ Ba quyển của tập này được chia nhỏ thành hơn mười chương, mỗi chương đều có số chữ cố định, giữa các chương có mấy trang trắng. Người đọc có thể ghi chú bổ sung sau mỗi chương, cũng có thể dán lên những câu châm ngôn, tự sách tấn chính mình.
12/ Viết sách phổ biến là một việc khó khăn, thông tục thiển cận thì bậc học thứckhông hứng thú, quá văn vẻ lại không hợp cho giới bình dân. Dù viết đơn giản, người ngu độn vẫn cảm thấy khó hiểu; dù viết tinh tế,bậc học thức vẫn chê thô cứng. Giả sử bậc Thánh hiền sống trong thời này, cũng khó mà thỏa mãn yêu cầu của mọi người, huống gì chúng tôi là những người hậu học. Tập sách này bàn về việc giữ gìn “giới dâm”; có phần là vì giữ gìn hạnh phúc gia đình;có phần là vì thân thể mạnh khỏe; có phần là vì hoạch phước tiêu tai; có phần là vì tu thân dưỡng tánh;có phần là vìthoát sanh tử xuất tam giới. Giống như một cửa hiệu thuốc, có đủ tất cả các loại thuốc, người đọc có thể tùy theo bệnh của mình mà chọn đúng thuốc để uống.
Ngọc Phong – Hoài Tây Cư Sĩ – Chu An Sĩ kính ghi
[1]Năm 1681
[2] Năm 1690
[3] Nguyên văn: Minh Giáp Tam Canh. Minh Giáp là một loại cỏ mang điềm lành, Tam Canh là ba lần biến hóa. Minh Giáp Tam Canh là cỏ Minh Giáp đã qua 3 lần biến hóa, nghĩa là 3 tháng.
[4]ngày 5 hoặc 6 tháng ba
[5]thời xưa gọi thanh niên khoảng 20 tuổi là nhược quán
[6] Thời đó ngoài vợ chính gọi là “thê”, có thể cưới thêm một hay nhiều vợ bé gọi là “thiếp”, chỉ cần trả một số tiền cho nhà gái, hình thức này có vẻ như là dùng tiền mua Thê hay thiếp đều được pháp luật công nhận.