An Sĩ Toàn Thư – Bài 56 – Dục Hải Hồi Cuồng (Quyển 01 – Bài 02)
Ngăn Cơn Sóng Dữ Của Biển Dục
(Quyển 1)
Ngọc Phong, Chu Tư Nhân, tên là An Sĩ biên tập.
Pháp Giới lục.
Khuyên chung.
Tổng cộng hai mục: một Pháp[1], một Giới[2].
Thường nghe rằng “Nghiệp Hải Mang Mang , Nan Đoạn Vô Như Sắc Dục ; Trần Hoàn Nhiễu Nhiễu , Dịch Phạm Duy Hữu Tà Dâm” (Biển nghiệp mênh mông, khó đoạn không chi hơn sắc dục. Cõi đời phồn tạp, dễ phạm nhất là tà dâm). Những bậc anh hùng cái thế cũng vì đó mà tử vong mất nước, những tài sĩ miệng thêu hoa tâm dệt gấm cũng nhân đây mà thân bại danh liệt. Xưa nay đều vậy, hiền ngu đều vướng. Huống gì gió chướng ngày càng dữ, đạo đức truyền thống mất dần. Kẻ trẻ tuổi phóng đãng cố nhiên dễ đắm chìm trong chốn ăn chơi đàng điếm mà bậc văn nhân sĩ tử cũng đua đòi “thanh sam chi thấp” (trong bài thơ “tỳ bà hành” của Bạch Cư Dị có câu “tọa trung khấp hạ thùy tối đa, giang châu tư mã thanh sam thấp” = “trong cử tọa ai khóc nhiều nhất, chiếc áo xanh của quan tư mã giang châu đã ướt đẫm” biểu thị sự đồng tình của Bạch Cư Dị đối với cô gái đánh đàn tỳ bà. Về saumượn tích chuyện này để chỉ sự ái mộ đối với cô gái thanh lâu). Nói bỏ dục mà lòng dục ngày càng tăng, nghe khuyên bỏ dâm mà lòng dâm càng nặng. Gặp cô gái duyên dáng bên đường thì ánh mắt chăm chăm; thấy phụ nữ mỹ miều đứng bên cửa thì ruột gan đảo lộn.
Nói chung là lòng đã bị vẻ bên ngoài sai sử, ý thức cũng bị tình cảm lôi kéo. Nhan sắc bình thường, nếu như trang điểm phấn son, liền dễ nghĩ đó là Tây Thi mỹ nữ. Da dẻ quê mùa, chỉ thêm xông xạ ướp hương, tức thì quên mất Đông phụ chi hình (Đông phụ tức là Đông thi trong tích chuyện “Đông thi bắt chước nhíu mày”. Đông thi vốn xấu, nghe kể Tây thi rất đẹp, khi nhíu mày lại càng đẹp hơn, cũng bắt chước nhíu mày. Sau này chữ Đông phụ chỉ cho cô gái xấu xí). Họ đâu biết trời đất không tha, quỉ thần căm giận. Hoặc có người phá hoại tiết hạnh phụ nữ, rồi vợ hay con gái phải đền bồi; hoặc có người làm tổn hại thanh danh phụ nữ, để con cháu phải chịu quả báo. Những ngôi mộ không người hương khói, không ai ngoài những kẻ ngông cuồng bạc bẽo; tổ tiên những cô gái lầu xanh đều là những kẻ lãng tử tham dâm. Đang giàu thì bị tịch thu tài sản, đáng lẽ có công danh lại bị gạt tên bảng vàng, lâm vào cảnh tù đày roi vọt. Còn sống thì chịu năm loại tội hình: roi đánh, gậy đập, ngục giam, lưu đày, tử hình. Chết đi bị đọa vào ba đường ác: địa ngục, ngạ quỷ, súc sinh. Ân ân ái áithuở trước, bây giờ trống trơn; hùng tâm tráng chí xưa kia, ngày nay mất hết.
Khuyên rộng tất cả những người thanh niên ý chí, những bậc học thức công danh, nên khơi tâm giác ngộ, phá tan chướng ngại sắc dục. Mặt mày đẹp đẽ, nên biết đó là đầu lâu mang khối thịt, hình dáng mỹ miều chỉ là hố xí khoác áo hoa. Cho dù gặp người đẹp như hoa như ngọc, cũng nên xem như chị gái như mẹ hiền. Những người chưa phạm tà dâm nên đề phòng đừng để vướng vào, người lỡ phạm rồi, nên bảo họ sớm quay đầu.Mong rằng cùng nhau khuyên nhủ, cùng nhau dạy bảo, khiến cho tất cả đều quay về đường giác, người người đều ra khỏi lối mê. Nếu cho những lời khuyên này là những lời nhảm nhí, xin xem quả báo tốtcủa ông họ Mạo; còn như nghĩ chuyện phong lưu là câu chuyện hay, xin xem vết xe đổ của người họ Kim.
Mạo Tung Thiếu (trích trong “Mạo Hiến Phó Kỉ Sự”).
Mạo Tung Thiếu, huý Khởi Tông, người đời Minh, ở Giang Tô-Như Cao. Năm Kỷ Mùi (1619), sau khi thi rớt, ông trở về nhà, chú giải cuốn Thái Thượng Cảm Ứng Thiên. Đối với câu “kiến tha sắc mỹ” ( thấy sắc đẹp của người khác) ông chú giải rất kỹ. Người phụ giúp cho ông lúc đó là thầy giáo[3] La Hiến Nhạc.Sau này ông La trở về Nam Xương, tháng Giêng năm Mậu Thìn niên hiệu Sùng Trinh (1628), ông nằm mơ thấy một ông lão mặc áo đạo sĩ, hai bên có hai tiểu đồng đứng hầu, trong tay ông lão cầm một cuốn sách bảo tiểu đồng đứng bên trái đọc, La lén nghe, đúng là đoạn chú giải về “kiến tha sắc mỹ” mà ông Mạo đã từng chú ngày trước. Đến lúc đọc xong, ông lão nói: “Xứng đáng thi đậu”. Lại bảo tiểu đồng bên phải ngâm thơ, ngâm rằng: “tham tương chiết quế quảng hàn cung, na tín tam thiên sắc thị không. Khán phá thế gian mê nhãn tướng , bảng hoa nhất đáo mãn thành hồng” (ham mê bẻ quế cung Quảng hàn, đâu tin ba nghìn sắc là không. Nếu nhìn rõ những huyễn tướng của thế gian, bảng hoa vừa đến cả thành đầy hoa hồng).
Tỉnh dậy, La đoán rằng ông Mạo sẽ thi đậu, liền ghi lại điềm lành báo cho đứa con của ông. Đến lúc có bảng, quả nhiên đậu cao, sau này ông Mạo làm quan đến chức Hiến phó.
Kim Thánh Thán (chuyện được lưu truyền rộng rãi vùng Cô Tô).
Kim Thánh Thán, tên Vị, quê Giang Nam, là người thích sưu tầm chuyện lạ, học hành rất uyên bác, thông minh tuyệt bậc. Ông tự cho là ‘người trong thiên hạ không ai hơn mình’. Ông viết nhiều sách nói về tình dục nam nữ để trổ tài của mình. Ông đã từng bình luận truyện ‘Tây Sương’, ‘Thuỷ Hử’. Những chi tiết ô uế nhất trong đó thì lại hay trích dẫn những đoạn kinh Phật, mọi người ai cũng khâm phục tài năng của ông, truyền tai nhau khắp thiên hạ. Rồi ông biên soạn cuốn “Pháp Hoa bách vấn” (một trăm câu hỏi về kinh Pháp hoa), dùng quan điểm kém cỏi của mình mà đo lường sự sâu xa của kinh Phật, làm cho người ta hiểu sai. Năm Tân Sửu niên hiệu Thuận Trị(1661), nhân một chuyện mà bị giam vào ngục, rồi bị kết án tử hình.
Ghi chú: Nguyên bản không ghi rõ tên ‘Kim Thánh Thán’, mà chỉ ghi là‘người họ Kinh’.Lý do là lúc đó kiêng kỵ tránh đụng chạm vì chuyện xảy ra rất gần thời của tác giả. Bây giờ không cần kiêng kỵ nữa, nên phải đính chính lại.
Khuyên người làm quan. (kể cả quan lại, nha dịch) Tổng cộng năm mục, bốn Pháp một Giới.
Tuy đều là người, có người lao động trí óc, có người lao động chân tay; có người được hưởng vinh hoa phú quí, có người phải chịu nghèo khổ bần hàn. Đây có phải là nóithiên đạo không công bằng hay sao ? Hay là do chính ta tự chuốc lấy? Kinh Thi viết: “vĩnh ngôn phối mệnh, tự cầu đa phước” (luôn nói lời tốt làm việc tốt, tự minh cầu được nhiều phước). Kinh Dịch nói: “tích thiện chi gia, tất hữu dư khánh” (Nhà nào làm nhiều việc thiện thì nhất định được nhiều điều lành). Những người giàu sang phú quý đời này, nói chung là họ đã làm nhiều việc phước đức đời trước. Con cháu được hưởng quả báo phú quí vinh hoa đều nhờ phúc ấm ông bà để lại. Đạo lý nhân quả là như thế. Nhưng mà lúc đang hưởng phước, chớ nên quên tu phước. Giống như cày ruộng, năm nào cũng thu hoạch, năm nào cũng gieo giống. Nếu ỷ vào quyền uy của mình để buông thả vào những nơi ăn chơi trác táng, đó há không phải là “được lộc người mà bỏ đi lộc trời ban”[4] sao! Điều khó khăn là: trong thuận cảnh người ta thường chỉ lo hưởng lạc, chỉ lo hưởng lạc thì dễ quên việc thiện, quên việc thiện thì lòng dâm dục nổi lên. Ngay chỗ này nếu có thể thức tỉnh,vậy tức là nền phước rất sâu dày.
Hàn Ngụy Công (Tống sử).
Đời Tống, Hàn Ngụy Công tên là Kỳ, lúc đang cầm quyền làm tể tướng, mua một người thiếp họ Trương, nhan sắc xinh đẹp. Khi viết xong hợp đồng, cô gái liền khóc. Ngụy Công hỏi, cô đáp: “Thiếp vốn là vợ ông cung chức lang[5]Quách Thủ Nghĩa, năm trước vì bị một người sứ giả của bộ vu oan kết tội, nên bây giờ mới đến đây”. Ngụy Công thương cảm, bèn bảo đem tiền về, hẹn khi mọi việc sáng tỏ thì quay lại. Khi cô gái đi rồi, Ngụy Công ra sức rửa mối oan cho chồng cô. Lúc ông ta sắp trở lại làm quan, cô Trương quay lại như lời hẹn, NgụyCông không gặp mà bảo người ra nói thay rằng: “Tôilà Tể tướng, không thể lấyvợ của người khác để làm thiếp của mình, tiền lúc trước không cần phải trả lại”. Nói rồi trả lại giấy tờ, lại giúp thêm hai trăm tiền, để cô về đoàn tụ với chồng. Cô gái cảm động rơi lệ, vọng bái rồi quay về. Sau này ông Hàn Kỳ được phong Ngụy quận vương, ban thụy Trung Hiến, con cháu thành đạt không ai bì kịp.
Lời nhận xét: Ngày xưa khi ông Tư Mã Quang chưa có con, phu nhân của ông sắp xếp một người thiếp, đưa vào phòng đọc sách của ông, ông vẫn không thèm nhìn. Người thiếp muốn thử, bèn cầm cuốn sách đến hỏi: “đây là cuốn sách gì?”, ông nghiêm mặt, chấp tay nói “đây là Thượng thư[6]”. Người thiếp chần chừ rồi lui ra. Nói chung, một khi lòng dục đã phai nhạt thì có thể làm chủ được mình. Bản lĩnh của Hàn Ngụy công, toàn nhờ nơi việc ít ham muốn.
Tào Văn Trung (Quảng Nhân Phẩm).
Năm Tuyên Đức đời nhà Minh (1426 – 1435), Tào Đỉnh làm quan Thái Hòa Điển Sứ. Nhân một lần bắt giặc cướp, cứu được một người con gái ở Dịch đình, cô này ý muốn thân cận ông. Ông tự hỏi: “ Có thể xâm phạm một người xử nữ[7] sao?”, rồi lấy ra một mảnh giấy, viết bốn chữ ‘Tào Đỉnh không thể’sau đó mang đốt đi, suốt cả đêm mà lòng ông không chút xao xuyến, sáng hôm sau ông cho tìm người nhà cô gái đến rồi cho trả về. Sau này khi tham dự kỳ thi Đình, bỗng đâu bay đến trước mặt ông mảnh giấy, trong đó có bốn chữ ‘Tào Đỉnh không thể’. Ngay lập tức văn chương của ông tự nhiên lưu loát, thi đỗ Trạng nguyên.
Lời nhận xét: Con người ta có những điều không nên làm, rồi sau này mới có việc để mình làm được, hai chữ “không thể” này cần gắng sức mới giữ gìn được.
Vương Khắc Kính (Bất khả bất khả lục).
Vương Khắc Kính, làm quan coi việc vận chuyển muối vùng Lưỡng Chiết, lúc đang giải những phạm nhân buôn lậu muối, họ bắt đến một phụ nữ, Vương nổi giận mắng: “Sao có thể áp giải một người phụ nữ đi hơn một nghìn dặm, ăn ở chung với những lính tráng, làm vấy bẩn đạo giáo? Từ nay về sau, quyết không cho bắt phụ nữ”.
Lời nhận xét: Quan lại bắt người thường bắt luôn cả phụ nữ, đó là việc làm rất tổn đức. Nói chung, lòng hổ thẹn của người nữ cao gấp mấy lần nam giới. Chưa nói đến việc mắng nhiếc bức bách khiến họ quyên sinh;cho dù nhẹ nhàng tra hỏi, nhưng một khi dẫn đến cửa quan thì họ đã run sợ, lo lắngcoi đó là vết nhơ mang theo suốt đời. Than ôi! vợ mìnhso với vợ người, chẳng qua là khác nhau giữa sang và hèn.Giả sử vợ hay con gái ta quì trước công đường, rồi quan phủ nghênh ngang bước tới, trăm nghìn ánh mắt nhìn xem, họ sẽ cảm thụ ra sao? Nếu là những bậc vương công, nên châm chước cho họ.
Cố Đề Khống (Ý hạnh lục).
Người họ Cố, là một quan chức trong huyện Thái Thương tỉnh Giang Tô, hễ có đưa đón quanviên, đều tạm trú nhà ông Giang bán bánh ở ngoài thành. Một lần ông Giang bị người vu cáo liên quan đến trộm cắp nên bị bắt giam, Cố rửa mối oan cho Giang, Giang cảm kích lắm bèn đem người con gái mười bảy tuổi của mình đưa cho Cố để làm thiếp (vợ bé). Cố không nhận, lễ phép đem cô trả lại. Chuyện như thế xảy ra ba lần. Sau đó Giang làm ăn khó khăn, bán con gái cho một nhà buôn. Mấy năm sau, Cố được điều về kinh thành làm việc dưới quyền quan Thị lang họ Hàn. Một ngày nọ Thị lang có việc ra khỏi nhà, Cố ngồi trước cửa thì nghe tiếng hô có phu nhân đến, ông quì trong sân không dám ngước lên nhìn. Phu nhân nói: Mời đứng lên, ông có phải là Cố Đề Khống ở Thái Thương không? Tôi là con gái nhà họ Giang đây, nhờ nhà buôn kia coi như con gái, nuôi nấng rồi gả cho Tướng công làm vợ thứ, nay đã thành vợ chính. Được giàu sang như bây giờ đều nhờ ơn của ông cả, đang lo không biết làm sao báo đáp, nay đã được gặp, tôi sẽ thưa chuyện với Tướng công. Khi quan Thị lang trở về, bà đem mọi chuyện kể lại với chồng, quan Thị lang bảo: “Quả thật là người có lòng nhân”. Rồi sau ông tấu chuyện này lên trên, được vua Hiếu tông khen ngợi, ra lệnh rà soát xem bộ nào hãy còn thiếu chức, cuối cùng ông được làm quan chủ sự bộ Hình.
Lời nhận xét: Làm ơn nhưng không nhận đáp đền, đó là lòng nhân của Cố Đề Khống. Thọ ơn nhất định báo đáp, đó là lòng nghĩa của Giang phu nhân. Tiến cử người hiền cho đất nước, đó là lòng trung của quan Thị lang họ Hàn. Dùng người hiền mà không câu nệ đó là sự quyết đoán của bậc minh quân.
Người nha dịch[8] họ Lưu (anh người này kể với họ Vương).
Nhà Thanh niên hiệu Thuận TrịNăm Nhâm Thìn (1652), có người họ Lưu làn nha dịch ở Giang Ninh, đến Giang Bắc bắt người, bắt xong nhốt lại, bảo rằng cần mười mấy lượng vàng là có thể chuộc về. Người bị giam nói: “Tôi có đức con gái, nhờ ông nhắn về bảo bán đi để chuộc tôi”. Lưu đồng ý, bèn đến thương lượngvới vợ người tù, bán được hai mươi lượng vàng, tất cả đều đưa cho Lưu, Lưu nhận vàng mà không thả người, người tù biết được, uất ức mà chết. Mười ngày sau Lưu cũng ngã bệnh, tự nói:“người tù tố cáo tôi ở Đông Nhạc, lưỡi của tôi sắp bị móc sắt kéo ra rồi. Chốc lát lưỡi Lưu thè ra mấy phân, thất khiếu ứa máu rồi chết.
Lời nhận xét: Người làm việc trong nha môn cần phải có đức độ, nếu như ông Lưu, sẽ bị đọa vào ba đường ác (địa ngục – ngạ quỷ – súc sinh).
Khuyên tướng sĩ, Tổng cộng hai mục: một pháp giới, một giới.
Trong vũ trụ mênh mông,đều là sinh linh do đất trời nuôi dưỡng, đều là con dân được quân vương che chở. Thật không may gặp nhằm lúc chiến tranh loạn lạc, vợ chồng li tán, mẹ con mất nhau. Lúc đó mà có ai mở cho con đường sống, không phải chết trong binh đao, thì người đó chỉ có thể là những tướng sĩ. Nếu gặp một đội quân không kỉ luật, cướp bóc tiền tài, gian dâm phụ nữ,giết chóc dân thường; vậy thì chẳng khác nào trời đã đổ tuyết lại thêm sương xuống, lửa đã cháylại châm thêm dầu. Tôi thay mặt cho những dân nghèo trăm ngàn năm sau, mà bái lạy những tướng sĩ trăm ngàn năm sau, mong các vị đừng chém giết dân thường, đừng cướp bóc, đừng đốt làng xóm, đừng cưỡng bức phụ nữ. Thấy những bậc cha mẹ đang tìm cách trốn chạy, nên nghĩ đến cha mẹ ta đang hoảng hốt cuống cuồng, thấy vợ con người khác tán loạn chia lìa, nên nghĩ đến vợ con ta khó rời khó bỏ. Cổ nhân có dạy: “Giàu sang quyền thế sao có thể chỉ thuộc về một gia tộc”. Đang nắm quyền mà không tu nhơn tích đức, thì không khác gì đi vào trong núi có nhiều châu báu mà ra về tay không. Những bậc tướng sĩ, cho dù không lo lắng cho những sinh linh được đất trời nuôi dưỡng, không lo lắng cho những con dân được quân vương che chở, ít ra cũng nên lo lắng cho con cháu đời sau của mình. Nên sớm tự tỉnh giác thì phước đức sẽ vô lượng.
Hai tướng quân họ Tào (Tống sử).
Tào Bân, tướng đời Tống, là một người hiền lành khiêm nhường, chưa bao giờ giết người vô tội. Lúc phá thành Toại châu, các tướng muốn tàn sát cả thành, ông không chịu. Những phụ nữ bị bắt, ông cho tập trung một chỗ, sai người canh giữ bảo vệ. Đến lúc chiến sự yên bình, lại hỏi nhà cửa rồi đưa trả về, nếu không có người thân thì chuẩn bị đủ lễ vật rồi gả. Khi đánh phạt thành Kim Lăng, trước hết ông đốt hương phát nguyện, ngày hạ được thành, không giết một người nào. Sau này các người con của ông như: Tào Vĩ, Tào Tôn, Tào Xáng đều được làm đại tướng.Người con út là Tào Ký được truy phong tước Vương, con gái của ông này là thái hậu Quang hiến. Con cháu nối đời vinh hiển.
Cùng thời đó có một tướng quân cùng họ, tên Tào Hàn.Tào Hàn giận dữ vì vây công thành Giang Châu lâu ngày mới đánh hạ được, ra lệnh cho binh lính tàn sát cướp bóc hãm hiếp dân trong thành.Tào Hàn chưa được ba mươi mà đã chết, con cháu suy bại, có người nghèo khổ phải đi ăn xin.
Lời nhận xét: Người làm tướng tự mình không ô nhiễm tất nhiên là tốt, không cho phép quân lính cướp bóc càng tốt hơn. Những người phụ nữ được ông Bân cho lính canh gác đều là những người do quân lính bắt được, ông đã không tự giữ riêng cho mình mà còn tự tay mình trả về, lại còn giúp họ cưới gả nữa. Có thể tôn Tào Bân là thầy của những vị tướng có lòng nhân hậu.
Họ Chi (Hiện quả tùy lục).
Mùa Xuân năm Kỉ dậu đời Khang hi, học sinh họ Chi, quê Gia thiện, nói với người bạn họ Cố: Không hiểu sao mà đầu óc tôi cứ quay cuồng như có oan hồn theo sau, đến lúc ngã bệnh, Cố đến sư Tây liên hỏi chuyện, tự nhiên trong bụng có tiếng quỉ: Thời đầu nhà Minh ta là một phó tướng họ Hồng tên Châu, chủ tướng họ Dao, thấy người vợ họ Giang của ta quá xinh đẹp nên khởi tâm tham lam, hẹn đến chỗ kia làm phản, đem hơn bảy trăm tàn quân lệnh cho ta chinh phạt, một mình ta không chi viện nổi, cả đám quân lính bị giết hết, Dao bắt vợ ta, vợ ta bèn thắt cổ tự vẩn. Ghi nhớ mối thâm thù này nên mấy kiếp quyết trả cho được, nhưng lúc cùng đường Dao lại xuất gia tu hành, đời kế đó lại làm cao tăng, đời kế nữa làn Đại từ lâm, đời thứ ba là vị sư có giới hạnh, đời thứ tư là người giàu có, hay bố thí nên ta không trả thù được. Đời thứ năm này, đương lúc thắng trận liên tiếp trong hai năm Tuất và Dậu, năm trước lại vung dao giết hại bốn người trong quán trà, bị mất lộc, ta mới đến trả thù được. Nghe câu chuyện có đầu có cuối, sư Tây liên bèn khuyến hoá rồi hứa sẽ tụng kinh lễ sám để hoá giải mối oan đó. Nghe thế quỉ thưa vâng. Họ bèn thỉnh sư Tây liên làm lễ, bệnh của Chi lập tức thuyên giảm, sau mấy hôm, lại nghe nói tiếng quỉ: Nhờ sức che chở của Phật con đã được siêu sinh, không bao giờ báo oán nữa. Những người đến đòi mạng đó là bốn người bị giết ở quán trà, không phải con, chỉ sợ sư nghi bọn con không giữ lời nên đến thưa cho rõ. Nói xong bèn đi, lát sau bệnh Chi lại phát, chưa hết đêm đã mất.
Đức Phật dạy: Cho dù trải qua muôn nghìn đời kiếp thì những nghiệp báo của mình tạo vẫn không mất đi. Khi hội đủ nhân duyên sẽ chịu lại quả báo đó. Đền nợ hai ba trăm năm trước thế vẫn còn gần lắm.
[1] Pháp: câu chuyện người tốt được quả báo tốt, kể ra để khích lệ người đọc làm chuyện tốt.
[2] Giới: câu chuyện người xấu bị quả báo xấu, kể ra để khuyên răn người đọc đừng làm điều xấu.
[3] Nguyên văn là Tây Tân – danh từ kính xưng chỉ cho giáo sư trường tư thục, hoặc bạn đồng chức, quan đồng liêu.
[4] Đây là câu nói của Mạnh tử “đắc nhân tước nhi khí thiên tước”
[5] Cung chức lang: tên gọi của một chức quan.
[6] Tức là kinh Thư, một trong 5 bộ kinh của Nho giáo: Thi, Thư, Dịch, Lễ, Xuân Thu
[7] Cô gái còn trinh
[8]Tương đương vói công an bây giờ.