An Sĩ Toàn Thư – Bài 57 – Dục Hải Hồi Cuồng (Quyển 01 – Bài 03)

Khuyên người cầu công danh, Tổng cộng tám mục: bốn pháp, hai giới, hai pháp giới.

Sắc đẹp là thứ mọi người ham muốn, khoa cử cũng là thứ mọi người thèm khát, nếu cả hai thứ đó cùng được thì khác gì mang vật nặng nghìn cân lại cưỡi trên mình con hạc mà vượt đại dương, họ không hiểu rằng thứ dễ mê hoặc con người nhất là dâm dục, với công danh, dâm dục khắc nhau như nước với lửa. Những tao nhân mặc khách xưa nay thường hay bị sông ái nhấn chìm, nếu có ai mang đạo đức ra giảng thì họ có lúc theo lúc không, hàng ngày không để tâm đến chuyện sách vở, thế là xong. Cho dù công lao bao năm theo nghiệp dùi mài kinh sử, làm cha mẹ lo lắng, đêm trông trăng mà lòng dạ bồi hồi. Người đẹp nặng nghĩa nghe tiếng gà mà lòng quặn thắt. Rồi ngày kia áo gấm không được mặc, bảng vàng không thấy tên, ở nhà mọi người trông ngóng giờ đã trở thành công cốc, ân cha mẹ chưa một ngày trả, thử xem tình cảnh lúc đó sẽ thế nào. Nam nhi muốn toại chí quan trường, nên nhớ bọn kĩ nữ nhân gian cuối cùng là không.

Lâm Mậu Tiên (Văn xương hoá thư).

Lâm Mậu Tiên, người Tín châu, suốt ngày đóng cửa đọc sách. Sau khi được tiến cử thi Hương, có một người con gái hàng xóm vì chán ông chồng không chịu học hành, hâm mộ tài danh Lâm Mậu Tiên nên tìm sang. Mậu Tiên nói: Nam nữ phải có giới hạn, lễ giáo không cho phép, trời đất quỉ thần đang đứng xung quanh ta, sao cô có thể làm ô uế tôi. Nghe thế người phụ nữ kia xấu hổ lui về, kì thi kế tiếp Mậu tiên đỗ cao, ba người con của ông cũng đỗ đạt.

Lời đầu sách Trung dung viết: Răn, thận trọng, lo, sợ. Đến lúc luận tiểu nhân lại nói: Không có gì lo sợ. Có thể thấy quan trọng nhất việc tu thân không ngoài hai chữ sợ và kính. Nam nữ phải có giới hạn, lễ giáo không dung, đó là kính. Thiên địa quỉ thần có mặt ở khắp nơi, đó là sợ. Đủ thấy lời dạy cao sâu thế nào.

La Văn Nghị (La trạng nguyên bổn truyện).

La Luân tham gia kì thi hội, xuống thuyền đến Cô tô, đêm nằm mơ đến thăm Phạm Văn Chánh, nói: Trạng nguyên năm sau chính là ông, La lễ phép cúi đầu. Phạm lại nói: Việc ở lầu kia năm nọ đã cảm động đến trời xanh. Lúc đó La mới nhớ lại chuyện ngày năm đó đã từ chối một người con gái nơi lầu kia, quả như trong mộng, đến lúc thi Đình, ông đỗ.

Trong căn nhà tối, mắt thần như điện, người quân tử nên thận trọng khi ở một mình.

Dương Hi Trọng (Khoa danh khuyến giới lục).

Dương Hi Trọng, người Thành đô, khi chưa đỗ, lúc đang học có người con gái xinh đẹp đến nhưng ông không chấp nhận. Đêm đó người vợ ở quê nằm mơ có vị Thần đến nói: Chồng con là người nghiêm túc, sau này sẽ đứng đầu tất cả mọi người. Lúc tỉnh không hiểu được câu chuyện, đến cuối năm mới hiểu ra. Năm sau người chồng quả đỗ đầu.

Kinh Ưu điền vương nói: Phụ nữ là người ác nhất, đừng nên kết nhân duyên với họ. Một khi đã bị sợi dây yêu thương ràng buộc thì sẽ kéo người ta vào con đường tội lỗi. Có thể nói ông Dương là người bị lôi kéo nhưng không thể lay chuyển.

Họ Tào (Bất khả bất khả lục).

Họ Tào, người Tùng giang, lên Nam đô thi, khi ông ở lại một nhà nọ thì có người con gái tìm đến, Tào đuổi ra, lúc đi được nửa đường, ông thấy bên vệ đường có tiếng ồn ào và đèn đuốc sáng trưng, vội lánh vào một ngôi miếu lén nghe. Ông nghe họ xướng tên những người vừa thi đỗ, đến tên thứ sáu, có người hầu bẩm: Đây là người không tốt nên đã gạt tên rồi, nên để người nào vào thay. Vị thần nói: Ông Tào kia không ăn ngủ với phụ nữ trong nhà trọ, có thể phong là người trinh tiết, nên phong người đó. Đến lúc trời sáng, đến xem bảng, quả ông đỗ thứ sáu.

Người hiếu sắc mà lại có phụ nữ đến thì không khác gì nhà mình có điều tai hoạ xảy đến. Những người tích đức, khi có người phụ nữ tìm đến thì đó ánh sáng tốt lành đã soi rọi đến nhà mình. Nên mới nói hoạ phước đều là những thứ tự mình rước lấy.

Lưu Nghiêu Cử (Quảng nhân lục).

Lưu Nghiêu Cử, người Long thơ, xuống thuyền đi thi, chủ thuyền là một người phụ nữ nên đứa con của bà đề phòng rất cẩn mật. Khi Lưu lên bờ, bà đã dùng màn bịt kín thuyền nên cảm thấy không còn lo lắng, bèn vào chợ một lúc. Lúc này đề thi trúng với những bài mà Lưu đã học nên ông ra khỏi phòng thi rất sớm, Lưu bèn cùng người kia tư thông. Ở nhà, cha mẹ Lưu nằm mơ thấy một người mặc áo màu vàng mang bảng đến, báo Lưu được đỗ đầu, đang lúc xem bảng lại có một người gạt đi, nói: Gần đây Lưu làm những chuyện không hay nên không cho đỗ nữa. Lúc tỉnh dậy, nhớ lại những lời đó, họ đã lo sợ. Đến lúc chấm, Lưu phạm một số lỗi nhỏ, quan chấm than tiếc cho bài của Lưu. Lúc về nhà, cha mẹ Lưu đem những chuyện trong mơ ra hỏi, nhưng Lưu giấu bặt không dám nói ra, lần thi tiếp vẫn được tiến cử nhưng cuối cùng vẫn không đỗ.

Vui một chút trong khoang thuyền mà lại bị mất chức đỗ đầu, có ai ngu hơn người đó không.

Người học sinh ở Phượng dương (Bạn người này kể lại).

Nhà một người học sinh quê Phượng dương có ao nhỏ trồng ít sen, đã mấy năm mà chưa ra hoa. Năm Kỉ dâu đời Khang hi, người học sinh sắp đến Cú khúc ghi tên, bèn thả một bụi sen tịnh đế, cha mẹ anh vui lắm, cho rằng đó là điềm lành cho kì thi mùa Thu, sáng hôm sau họ làm tiệc đãi khách. Đêm đó hai vợ chồng người học sinh đang vui vẻ thì có người hầu gái ngang qua, người chồng muốn trêu ghẹo nhưng người vợ vẫn không ngăn cản nên hai người kia bèn ăn nằm với nhau. Sáng hôm sau ra nhìn, thấy cành sen đã gãy gập. Hỏi ra mới biết chuyện người tớ gái, cha mẹ anh này bực lắm. Đêm cành hoa bị gãy, anh học sinh nằm mơ đến gặp một vị Thần, Thần cho biết khi tên anh đã được ghi vào bảng Trời thì có người đến xoá đi, anh ta liền khóc lóc cầu khẩn, ba lần như thế. Đến lúc tỉnh dậy, tự biết đó là điềm chẳng lành, lật đật lên đường. Những người làm ở Học phủ vẫn còn ba người, lúc bấy giờ những người đến Cú khúc cũng chỉ có ba, mà người học sinh kia bị rớt, ba lần tuyển mộ cũng như vậy cả, cuối cùng khóc lóc quay về.

Nếu người vợ cương quyết không cho thì người chồng có thể đã không phạm phải. Há biết rằng trong chốn u minh mà vẫn giữ được việc đỗ đạt của mình sao. Ngày xưa có bà mẹ ông Thúc Hướng, nhờ đứa con ngăn cản, muốn thoát được tội ghen ghét mà gia tộc họ Dương thiệt lâm nạn (chi tiết trong Tả truyện). Thì có thể hiểu được việc ghen ghét như thế nào.

Hai người học trò ở Trực lệ (Giới dâm vựng thuyết).

Đời nhà Minh có anh học trò đi thi ở Nam kinh, ở ngay trước chỗ hướng dẫn việc thi cử, có người con gái lén nhìn, có ý muốn đến với anh học trò. Đến lúc thi xong người kia bảo đứa hầu gái bày tỏ ý định của mình, hẹn đến đêm sẽ gặp nhau, người học trò sợ tổn âm đức nên từ chối. Người bạn cùng đi với anh học trò biết được chuyện, bèn giả làm người học sinh này để gặp, người hầu gái do đêm tối nên không nhận ra, cho anh này vào gặp, họ cùng ngủ với nhau nhưng không khép cửa, đến sáng đúng lúc người cha trở về, bước vào thấy cảnh tượng như thế. Điên tiết, ông vung gươm chém cả hai, mang đầu lên quan. Hôm sau có bảng, người học trò đang ở đó đỗ đầu.

Một người được đỗ đầu, một người bị ghi tên vào sổ quỉ, vinh nhục vui sướng, khác nhau một trời một vực. Một khoảng cách rất nhỏ nhưng nghiệp báo chỉ trong một sớm một chiều, thật đáng sợ.

Hai anh em ở Nam xương (Cảm ứng thiên quảng sớ).

Vùng Nam xương có hai anh em song sinh, giống nhau đến cả hình dáng cho đến giọng nói, cha mẹ họ cũng không nhận ra, đến nỗi phải may áo quần khác màu để phân biệt. Lúc trưởng thành, cả hai cùng kết hôn, cùng ăn ở, thậm chí những được mất vinh nhục… không gì là không giống nhau. Một ngày kia họ đi thi, cùng nhau ở một chỗ, có người con gái để ý người anh, nhưng người anh từ chối, rồi ngăn cản luôn người em, người em vờ nghe lời nhưng lại giả dạng người anh để qua lại, rồi hẹn sau khi thi đỗ sẽ cưới. Đến lúc có bảng, người anh đỗ nhưng người em lại rớt. Người con gái kia thì không nhận ra ai là anh ai là em, cho người đỗ là người mình đang hẹn hò, cô mừng lắm, nên giúp anh ta một ít hàng hoá nữa. Mùa Xuân năm sau, người anh lại đỗ, người con gái nghe tin, tự sắm đồ đạc, có ý chờ người kia đến cưới, nhưng chờ mãi không được bèn uất hận mà chết. Sau này người anh được hưởng cảnh giàu sang phú quí, con cháu vinh hiển, người em lại chết yểu, không con nối dõi.

Mạng số tốt hay xấu là do tâm ngày trước tạo nên. Ngày trước nếu làm được nhiều việc thiện thì trong thai mẹ đã có thân tướng xinh đẹp, tự chọn giờ tốt để ra khỏi thai. Nếu đời trước tạo nhiều nghiệp ác, thì cả hai điều trên đều ngược lại. Chuyện số mạng như thế không thể không tin, tuy nhiên số mạng được định nhưng tâm thì không thể. Hoạ hay phước đều do tâm tạo, không phải mạng tướng tạo nên, vì thế không thể tin cả vào số mạng. Xem hai anh em ở Nam xương thì có thể hiểu ra.

Khuyên thầy dạy học, Tổng cộng hai mục, một pháp, một giới.

Việc thân bại danh liệt, trong chốn chợ búa người ta vẫn không làm. Huống gì một người được cho Tiên sinh, là tấm gương lễ nghĩa cho học sinh noi theo. Cho dù mất một phần nhưng không để mất tất cả, dù để những học sinh chưa được tài giỏi nhưng không nên để họ trở thành những người hư hỏng, điều đó có thể hi vọng được.

Người học sinh ở Triết giang (Giới dâm vựng thuyết).

Cuối đời nhà Minh, có anh học trò kia làm thầy gia sư cho một nhóm người. Lúc bị bệnh lạnh, bảo đứa học trò vào phòng trong lấy chăn đắp, nhưng đứa học trò kéo nhầm chiếc giày rơi xuống giường. Việc đó cả thầy trò đều không biết, nhưng người chỉ huy thấy được, nên nghi vợ mình tư thông, không phục ông thầy, bèn bảo người hầu nói dối bà chủ có việc cần gặp thầy, trong lúc đó người chỉ cầm dao đợi sẵn phía sau, chờ khi của mở sẽ ra tay giết cả hai. Nghe tiếng gõ cửa thầy hỏi có việc gì, đứa hầu gái bảo có lệnh bà mời đến, thầy cả giận đuổi đi. Nhà kia lại bắt người vợ đích thân đến, thầy nói: Vị trí của tôi là người gia sư, đâu dám làm những việc sai trái, xin về ngay cho. Lòng nghi của người chủ nhà đã có phần sáng tỏ. Hôm sau thầy chào từ biệt, lúc đó ông mới tạ tội và giải thích mọi việc. Sau này thầy dạy thi đỗ, làm đến chức quan Thông hiển.

Người đẹp gọi cửa, dao sắc đã kề, chỉ một chút giác ngộ, đã cứu được lắm người.

Trương Đức Tiên (Từ nhỏ tôi đã thấy việc này).

Trương Đức Tiên, người Côn sơn, làm thầy dạy học trong làng. Tư thông với một người con gái, nhưng bị người chồng cô này phát giác nên bỏ quê mà đi. Năm Nhâm dần đời Khang hi, đi qua một vùng đất kia, lại chứng nào tật nấy, nhân đêm gõ cửa, người chồng lại phát giác bèn bắt lại đánh một trận thừa sống thiếu chết, mọi người lại phụ giúp nữa, tên kia chết ngay, họ mang xác đi vứt, sau đó không ai còn biết đến hắn nữa.

Đức Phật dạy: Giáo pháp của đức Phật, vua hay các quan đại thần cũng không phá được, nhưng các đệ tử của Ngài lại phá được. Như con trùng trong thân sư tử mới ăn được thịt sư tử. Những người trong đạo Nho cũng thế.

Khuyên người trẻ, Tổng cộng bốn mục, hai pháp, một giới, một pháp giới.

Là người trẻ, ai không muốn giàu có, nhưng do dâm dục mà trở nên khốn cùng. Là người trẻ ai không muốn đứng đầu các khoa thi nhưng do dâm dục mà trở nên trắng tay. Là người trẻ ai không muốn sinh quí tử, nhưng vì chơi bời quá nên thành ra không người nối dõi. Là người trẻ ai không muốn sống lâu, nhưng do ham muốn sắc dục quá mà thành ra chết yểu. Phong lưu một ngày mà suốt đời khốn khổ. Những người có ý chí, đừng để những việc đó vùi lấp thân mình rồi đam mê nơi chốn ăn chơi. Rất mong những người thanh niên mạnh khoẻ, nên thận trọng.

Đường Bôn (Đường thị phổ).

Đường Bôn, người huyện Hâm, lúc bé đọc sách dưới ánh đèn thì có người con gái đến trêu ghẹo, mấy lần cô này xé mảnh giấy dán nơi cửa sổ để nhìn trộm. Thấy thế ông dán lại, rồi viết mấy chữ: Giấy xé rồi sẽ dán lại được, làm tổn âm đức người khác thì không hối được đâu. Một đêm nọ có vị sư ngang qua nhà ông, thấy biển đề Trạng nguyên, hai bên treo hai ngọn đèn, liền đọc, thấy hai câu hôm trước ông viết lên. Thấy lạ, sư bèn hỏi mới hay đó là đèn Thần, sau này Đường đỗ đầu thiên hạ.

Trước cửa sổ đề thơ, ngoài cửa treo đèn, nhân duyên cảm ứng, đúng như lời tiên đoán.

Mao Lộc Môn (Mao công văn tập hậu tự).

Mao Lộc Môn, người Qui an, thuở nhỏ đến học ở Dư dao, thờ thầy Tiền Ứng Dương, nhà họ Tiền có đứa con gái lén nhìn ông, vờ đến thư phòng gọi mèo để tìm cách tiếp cận. Thấy thế ông nghiêm mặt nói: Tôi từ xa đến đây để tìm thầy học, nếu không giữ lễ mà phạm tội thì mặt mũi đâu để về gặp cha mẹ, còn mặt mũi đâu để nhìn chủ của ngươi. Người hầu gái xấu hổ lui về, sau này ông thi đỗ, văn chương nổi khắp thiên hạ.

Nhớ đến cha mẹ, bà con, đó là người nhân, tôn trọng thầy tổ đó là người có nghĩa, giữ tiết tháo là người có lễ, không mê mờ là người có trí. Một khi không tham sắc thì bốn điều trên đều đủ.

Lục Trọng Tích (Quảng nhân phẩm).

Khoảng năm Gia tĩnh, con Lục Quí Trai là Trọng Tích, là người có biệt tài. Theo thầy Khưu đến Kinh đô học tập, thấy một người con gái ở nhà đối diện, người thầy không ngăn cản, mà lại nói: Miếu Thành hoàng rất linh, nên đến đó cầu đảo, nghe thế, Trọng Tích liền tìm đến. Đêm đó nằm mơ rồi kêu khóc thảm thiết, mọi người kinh hãi hỏi, ông cho biết thần Thành hoàng đang tìm hai thầy trò ông, hỏi nguyên do, lại khóc nói: Thần tra cứu tước lộc hai thầy trò tôi, dưới tên tôi ghi chú đỗ Trạng nguyên năm Giáp tuất, nhưng thầy tôi lại không có gì. Thần chuẩn bị tấu lên thiên đình để gạt tước lộc tôi ra, còn thầy thì rối ruột vì bị giết. Nói xong khóc mãi không thôi, đúng lúc đó đứa tiểu đồng gõ cửa, cho biết thầy Khưu đã chết do chứng rối ruột, sau đó quả nhiên Lục cũng khốn khổ đến suốt đời.

Chọn thầy dạy cho con nên thật thận trọng, gương hai thầy trò Khưu, Lục vẫn còn trước mắt.

Hai người học sinh ở Bô điên (Dục hải thần chung).

Vùng Bồ điền có hai anh em họ, cùng học với nhau, Giáp xấu trai nhưng giàu có, Ảt khôi ngô nhưng nghèo. Giáp muốn cưới vợ lẻ nơi nhà giàu nhưng nhà kia bắt phải nhìn mặt chàng rễ tương lai mới gã con. Giáp nhờ Ảt đi thay, nhà giàu kia chấp thuận, đến lúc gần tổ chức lễ cưới, họ lại muốn đích thân chàng rễ đến rước, lại nhờ Ảt đi, vừa đến nơi thì trời bỗng đổ mưa to, đường lại cách trở khó đi, Ảt đành phải ở lại nhà kia. Nhẫn nhịn mấy lần, Ảt không dám nói ra sự thực, nhà giàu kia lại sợ trễ mất giờ tốt nên muốn cử hành hôn lễ ngay, Ảt cố từ chối nhưng nhà kia không nghe, đến lúc ngủ Ảt cũng không dám cởi áo. Hôm sau trời tiếp tục mưa to, lại phải ngủ lại, nhưng Ảt vẫn không dám gần. Ngày thứ ba, rước dâu về nhà Giáp, Giáp giận rồi đến tố cáo với quan Huyện. Quan Huyện lúc bấy giờ là Lôi Ứng Long tra hỏi, Ảt khóc lóc thưa thật tình những gì đã xảy ra, quan xét thấy không có gì sai trái, nói với Giáp: Vợ anh đã ăn nằm với anh, nhưng bây giờ không thuộc về anh, anh không phải sợ không lấy được vợ. Lại quay qua Ảt: Ngươi không coi thường vợ mình nên trời đã đem người con gái này đến cho ngươi, tiền cưới ta sẽ cho, bèn lấy ba mươi lạng vàng cho Giáp, lệnh cho Ảt kết đôi vợ chồng.

Coi thường nhà người khác, lấy thật làm giả. Không coi thường bạn bè lấy giả làm thật.

Khuyên người gây bất hoà trong gia đình, Tổng cộng sáu mục, hai pháp, bốn giới, phụ lục nữ nhân.

Vợ chồng lục đục, nếu không phải lỗi người chồng thì là sự yếu kém của người vợ. Nói chung những lỗi nhỏ nhặt trong đó rất nhiều, không thể nói hết nên hai người thường đổ lỗi cho nhau. Tuy thế trong thời đại ngày nay đươc coi như của người đàn ông, không phải của người phụ nữ, Nên những bất hoà trong gia đình đều qui lỗi người đàn ông. Sách Luận ngữ viết: Sinh ra đời xin đừng làm thân đàn bà, tất cả vui buồn đều do người khác quyết định. Họ phải xa người thân, quên đi tình cảm gia đình, sống chết theo chồng con, tất cả mọi lời nói hành động đều dâng hết cho người chồng. Đói không dám ăn, lạnh không dám mặc, chân tay đầy đủ mà không thể đi đâu xa, miệng lưỡi có mà không dám kêu than một lời, bỏ thân họ cũng vì thân ta, bỏ cha mẹ họ để phụng sự cha mẹ ta. Nhưng nếu gặp người buôn bán làm ăn hay gặp một kẻ học hành thi cử thì phải vò vỏ một mình trong phòng vắng, hình tự thương lấy bóng, há đó là một tình cảnh dễ chịu đựng. Trong lúc đó ta gửi gắm tình cảm mình nơi chốn ăn chơi, tạo vô số nghiệp, xa lánh quê hương, một mình vui chơi thoả thích. Đến lúc ông trời giáng hoạ thì cả gia đình phải chịu tai ương, cho dù sắt đá cũng phải nhỏ lệ đau buồn. Hoặc có lúc đang hưởng cảnh sung túc thì cưới thêm vợ lẻ, coi nhẹ tình cảm vợ chồng. Khi lo lắng thì lo cho chồng, đến lúc vui mình ta hưởng, sao không thấu hiểu cho tình cảnh đó. Khuyên rộng mọi người, cho dù nghèo khổ, đừng theo thói đa tình, cho dù gặp người xinh đẹp cũng xin kết bạn, đừng để đời sau làm thân phụ nữ rồi khóc than không kịp.

Ô Ức Xuyên (Tiết nghĩa truyện).

Ô Ức Xuyên, huý Mạnh chấn, người Tứ minh, năm hai mươi chín tuổi, khi người vợ họ Hà mất, ông thề không đi thêm bước nữa. Suốt đời không để ý đến chuyện nam nữ. Có người phụ nữ kia tái hôn, muốn đem của cải đến mua chuộc, ông khẳng khái nói: Nếu còn biết hổ thẹn thì đừng làm ô uế tôi. Chiều hôm có người con gái tìm đến chỗ ông, ông lớn tiếng đuổi đi, không nói với ai về chuyện đó, đêm đến ông ôm hai con nhỏ ngủ như người goá phụ. Những người đương thời thấy vậy, đem lúa gạo đến giúp, gắn biển đề Người chồng có nghĩa. Đứa con đỗ đầu kì thi Hội, làm quan đến chức Thái thú ở Tân an.

Theo tục cưới xin, khi nhà trai đến rước dâu, họ phải lễ bái nhà gái. Nói chung, đó là biểu hiện lòng chung thuỷ, suốt đời bên nhau. Không chỉ người con gái phải làm như thế mà người đàn ông cũng phải giữ. Tuy nhiên vì người đàn ông lấy việc nối dõi làm trọng nên một khi mất vợ, việc nội trợ không có người thì nhà cửa không tươm tất. Sau khi việc ma chay đã xong, bất đắc dĩ phải cho cưới thêm vợ, không phải quá ưu ái cho người đàn ông mà tự mở lối thoát cho họ. Than ôi, con người ta có thể chưa thoả chí tang bồng, khó thoát được hố sâu nguy hiểm, âu đó là cảnh ngộ khốn cùng vậy. Nếu không như thế thì nghĩa vợ chồng là điểm khởi đầu của đạo làm người, sao lại để chính khí của trời đất nghe những lời của những người phụ nữ có khí phách, còn bọn đàn ông chúng ta lại nín thở để trốn bặt tăm. Vĩ đại thay ông Ô, tôi xin bái phục ông.

Quan Ngự sử họ Giả (Ý hạnh lục).

Đời nhà Minh có quan Ngự sử họ Giả, thuở nhỏ hỏi con gái họ Nguỵ, năm sau người con gái đó bị mù, cha cô muốn đem về, Ngự sử bèn cưới gấp, vợ ông Nguỵ xin quan Ngự sử cưới vợ lẻ, nhưng ông từ chối. Lúc bấy giờ quan Ngự sử có người anh đang làm ở bộ Hộ, được vua thương nên đưa về Kinh đô, phu nhân lại cố sức cầu khẩn, Ngự sử vẫn một mực từ chối. Sau sinh người con tên Hằng, nhỏ mà đỗ cao, làm quan đến chức Chủ sự bộ Hình.

Những người ngày xưa cưới vợ mù, thời Đường có Tôn Thái, thời Tống có Chu Thế Nam, Lưu Đình Thí, Chu Cung Thúc, Trương Hán Anh. (chi tiết trong sử Đường, Tống). Ngoài ra không còn mấy người. Việc làm của họ Giả, người xưa khó bì. Việc phu nhân họ Nguỵ tìm cách cưới vợ cho ông quả thực đáng khâm phục.

Sử Đường (Cảm ứng thiên đồ thuyết).

Thuở nhỏ Sử Đường đã cưới vợ, đến lúc thi đỗ, hận mình không cưới được con gái nhà giàu, không ngủ với vợ nữa, ngày càng xa lánh. Vợ ông uất ức sinh bệnh, nằm đến mấy năm nhưng Đường vẫn không đoái hoài. Lúc gần mất, bên kia vách, bà nói vọng sang: Tôi sắp đi đây, ông có thể nhẫn nhịn nhìn tôi một lần cuối không, thế mà Đường Sử vẫn không thèm để mắt. Lúc vợ mất, ông thấy lòng mình không yên, rồi theo những lời xúi bẫy, lấy đồ đựng bằng đất úp lên mặt vợ, rồi dùng dây trói tử thi lại. Đêm đó cha ông nằm mơ, thấy một người phụ nữ nói người chồng là thứ không phải người, lúc sống chịu nhiều điều đau khổ, mà chết đi cũng bị đối xử không ra gì, tất cả đều vì một người đàn bà, vì thế cả tuổi thọ và chức tước đều bị mất. Năm sau quả nhiên Đường mất.

Đời Thiên thuận, Đô chỉ huy Mã Lương được vua sũng ái, đến lúc vợ mất, hoàng thượng thăm hỏi. Nhân mấy hôm không thấy mặt, lấy làm lạ, vua hỏi thăm thì nghe hai bên tả hữu bảo đã lấy vợ mới. Vua giận nói: Đạo vợ chồng mà nó còn coi khinh, làm sao thờ được ta. Bèn ra lệnh cho phạt trượng rồi không còn sũng ái như trước nữa. Vợ chồng Sử Đường chắc gì không phải là oan gia từ kiếp trước. Muốn phá bỏ mối oan đó, mỗi người nên chia tay một ngã. Bỗng thấy ý vị khi nhớ lại lời dạy của Đại sư Liên.

Bùi Chương (Khoa danh khuyến giới lục).

Bùi Chương, người Hà đông, lúc cha ông làm quan trấn giữ Kinh châu, có vị sư tên Đàm Chiếu đoán sau này Chương sẽ làm chức quan cao hơn cha ông. Từ bé Chương đã cưới người phụ nữ họ Lí làm vợ, sau đó đến nhậm chức ở Thái nguyên, ông để vợ lại Lạc trung, không hỏi han thăm viếng gì. Người vợ tự thấy mình là người phận mỏng bèn ăn rau mặc vải thô, mỗi ngày đều tụng kinh Phật. Sau mười năm, ông lại gặp sư Đàm Chiếu, sư kinh ngạc nói: Mười năm trước tôi đoán ngài là người quí hiển, nhưng nay sao tướng ấy đã biến mất. Vì sao vậy? Nghe thế Chương không còn giấu nổi, sư nói: Hồn sống của phu nhân đã tố cáo lên thượng đế, e ông sắp có nạn lớn. Sau đó mười ngày, ông này bị ngã vào nồi nước tắm, ruột gan lòi hết ra ngoài.

Có thể nói bà họ Lí là người phá xiềng xích oan gia, hai người đường ai nấy đi.

Công tử họ Trần (Bạn người này kể lại).

Vùng Gia định kia có công tử họ Trần làm con rễ ông Từ Văn Học nhưng lại yêu thương người hầu gái tên Nguyệt Lan, nên hai vợ chồng hục hặc, đúng lúc gặp bà thầy bói đến nhà, bà này biết chuyện, đòi giá cao rồi đưa cho từ một hình nhân, trên hình nhân có gim bảy cây kim, bảo Từ lén khâu vào gối chồng, ba đêm sau, chồng cô sẽ không yêu thương người tớ gái nữa. Theo những gì bà thầy bói nói, Từ nhất nhất làm theo, nửa đêm người chồng bỗng kêu la thảm thiết, nôn máu lai láng. Khiếp quá, Từ đem bẻ hình nhân, không lâu sau, Từ cũng kêu la thảm thiết, tự nói mình là Vạn Quyển Thư, người Hàng châu, mười ngày sau thì bà mất, gia đình từ đó cũng tan nát.

Người chồng đã không ra gì, nhưng người vợ cũng cố chấp. Cả chủ lẫn tớ đều không khỏi nghiệp báo.

Vợ người Bà la môn (Chi tiết trong kinh Tạp thí dụ).

Lúc đức Phật còn tại thế, có người dòng Bà la môn không có con với người vợ chính, người thiếp sinh được một đứa con trai nên được người chồng yêu quí lắm. Thấy thế người vợ đố kị nhưng giả vờ thương quí, một hôm lén lấy cây kim chích vào trán đứa bé, xuyên vào óc, nhưng cả nhà không ai hay, đứa bé khóc mãi rồi mất, mẹ nó thương cảm như trời đất sụp trước mặt. Sau một thời gian, bà nghi ngờ, bèn tìm đến một vị sư , hỏi: Muốn thoả mãn được tâm nguyện, con nên làm những việc công đức gì. Sư nói: Con nên thọ giới Bát quan trai thì tâm nguyện được như ý. Người vợ lẻ làm theo lời vị sư, bảy ngày sau bà mất, đầu thai làm người con gái đẹp đẽ của người vợ chính, nhưng chỉ sống được một năm, người vợ chính khóc lóc đau đớn, còn hơn những gì ngày xưa người vợ lẻ đã khóc con. Không lâu bà lại sinh được bé gái nữa, đẹp gấp bội đứa trước, vẫn lại chết yểu… Trải bảy lần như vậy, cuối cùng lại sinh một đứa con gái, lần này sống đến mười bốn tuổi, định gã thì chết, bà lại lăn lộn khóc lóc, không thiết ăn uống, nhập liệm đứa con, bà không dám đậy nắp quan tài, suốt ngày nhìn xác con, nhưng kì lạ là xác đứa con ngày càng đẹp ra. Đã hơn hai mươi ngày, có vị La hán hoá làm một vị Sa môn đến trước cửa xin được gặp, rồi nói thẳng tất cả những gì đã xảy ra cho bà nghe, lúc đó bà mới tỉnh ngộ, ngoái nhìn lại đứa xác đứa con, nhưng lúc này thân thể nó đã trương sình, hôi hám không chịu nổi. Lúc đó bà mới thỉnh vị Sa môn truyền giới cho mình, hôm sau bà muốn đến chùa, nhưng giữa đường thì có con rắn chắn ngang, vị Sa môn biết đó là người vợ lẻ đầu thai bèn sám hối, giải nhưng mối oan thù của nó, rắn chết, liền được sinh làm người.

Người chồng ăn ở bạc bẻo, phần trước đã mô tả khá chi tiết. Người vợ ác độc như thế, há có thể tha thứ được sao. Kinh Chính pháp niệm xứ nói: Ghen ghét là đặc tính của người đàn bà, vì thế sau khi mất, phần nhiều họ bị rơi vài chốn quỉ đói. Nay xin kể một câu trong kinh Phật để làm rõ những điều răn.