An Sĩ Toàn Thư – Tập 41 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 01)

Lời nói đầu

Thánh giáo tuy nói như nhau, nhưng Phật pháp thật hơn hết. Không cần phải tìm áo nghĩa sâu xa, ngay nơi giới “không sát sanh”, cũng đã đáng được coi là Thánh trong Thánh, không gì có thể so sánh. Con người bất luận trí hay ngu, sát sanh đều đưa tới khổ báo lớn, phóng sanh đưa đến phước đức lớn. Tội, phước lớn nhất, không gì qua giết hại và phóng sanh.

Cho nên con vật thích an tránh nguy, với con người không khác nhau gì mấy! Trong thư, truyện, thấy nhan nhản những việc giết hại, đến nỗi nhìn mãi thành quen, cho là việc thường. Chỉ có đức Phật, đưa ra giới sát đầu tiên, thống thiết phá bỏ, ai hay vạn vật nhất thể? Nay Nho gia cũng nói ái vật, tôi không biết cắt xé băm vằm mà nói ái vật là ái chỗ nào. Chặt cây giết thú, không cần đúng lúc; bất hiếu, không biết hoà mục thường còn; trong vũ trụ cố nhiên lúc nào cũng có giết; hạn hán lụt lội, cũng biết cấm tuyệt giết mổ, mong cảm động lòng trời; nhưng khi chiến tranh giết chóc, thì chẳng hỏi vì sao, tôi thật không hiểu được.

Kinh nói: Chuyển Luân Thánh Vương xuất hiện thế gian, ban bố lệnh bất sát, quốc độ nhân dân được giàu mạnh thọ mạng sống lâu, đến nỗi không nghe tiếng chiến tranh đói khổ. Sanh vào thời Kiếp trược, thế vận giang hà, tiên thánh thấy thế cuộc khó phản hồi, vạn bất đắc dĩ, mới nói ra những lời gây hoạ hại cho mình.

Những kẻ phàm phu tham ăn, đâu chịu được những lời ấy. Chu An Sĩ bạn tôi, cảm thương cho cuộc đời, đã viết sách này, để cảnh tỉnh nhân tâm, vãn hồi kiếp sát, sưu tầm chọn lựa, giải thích rõ ràng, để hàng ngoại đạo cùng được biết, phá bỏ thuyết cổ hủ cố chấp của Nho gia, mong họ sớm tỉnh giác. Cùng chí hướng nên khuyên nhau, khắc in truyền bá. Nghĩ đến “sát” là giới đầu, “nhân” là gốc thiện, Phật đã ban bố, dạy bảo rõràng, nên đặt tên “Vạn Thiện Tiên Tư”. Sách này, hiện tại được vô lượng chư hiền thánh, từ bi hộ trì; chư thiên quỷ thần, cung kính vây quanh, đáng dùnghương hoa, vung rải cúng dường.

Trương Lập kính đề

 VN THIỆN TIÊN TƯ TẬP

QUYN 1

NHÂN QUẢ KHUYẾN (THƯỢNG)

Khuyên đọc sách này (Thiên này là cương lãnh của giới sát)

“Nhân” đứng đầu Ngũ thường, “Từ” đứng đầu vạn đức. Phật, Lão, Nho tuy khác nhau, nhưng cùng một cách tuyên thuyết. Ai ai cũng tham sống sợ chết, loài vật cũng thế. Con gà thấy người đầu bếp bắt lấy, sợ kêu oang oác toáng lên; con heo thấy người lại mua, hai dòng lệ như suối chảy. Miệng có đó, nhưng không biết nói năng. Huyết chảy cổ lìa, mình còn giãy giụa. Xắt thái băm vằm, nấu chưng đủ món. Chúng chịu khổ băm vằm, mình thì mâm thịnh soạn. Than ôi! Nếu việc này không tội, đâu có sợ ông trời (nhân quả)! Quả báo sanh sát xưa nay, trả vay vay trả không ngừng.

Ngày xưa, khi còn trẻ, chính mắt tôi từng thấy sự việc nhân quả báo ứng, nên đã gom góp những sự việc cổ kim, chép lại đến mấy vạn lời. Nguyện cứu khổ ba đường, chí này ngày một kiên quyết. Hễ đặt bút viết, mỗi chữ mỗi nghẹn ngào. Nhưng vì kinh tế khó khăn, quyên góp lại gian nan, gập gềnh khúc khuỷu mãi đến ba bốn năm, nay mới được lưu truyền. Khuyên nhủ cùng mọi người, để tâm đọc sách này.

Thị Khuyến Toàn Lục (trích “Mộng Giác Thiên”)

Mạnh Triệu Tường ở Giao Hà, đăng trong “Hiền Thư” năm Nhâm Tý niên hiệu Vạn Lịch, đau lá lách, mộng xuống Âm Phủ, Vua Diêm La nói: “Ông có lộc lớn, chỉ có điều sát sanh quá nhiều, đáng lẽ phải chết. Nay nên giới sát phóng sanh, viết lại những lời trong mộng để khuyên đời, có thể chuộc tội”. Tường vâng dạ, nhưng sau khi tỉnh lại quên mất. Một đêm nọ, lại mộng như trước, Tường thất kinh! Năm ấy thi rớt, vội vàng trở về thuật lại lời mộng. Đêm ấy, đòn dông nhà bị gãy, giường chõng nát bấy, liền khắc “Mộng Giác Thiên” lưu hành nơi đời. Sau đỗ tiến sĩ, làm quan đến chức Lý Khanh.

Li bàn: Người ta đều vì hai chữ “dây dưa, lần lữa” mà để một đời trôi qua vô ích. Mạnh Triệu Tường nếu có một ý niệm “lần lữa”, sẽ nát bấy như giường chõng, làm sao có thể hưởng phước về sau? “Mộng Giác Thiên” mà ông ta khắc, quả là Mộng Giác Thiên vậy!

Minh Chủ Tuân Hành (xem “Cảm ứng Thiên Quảng Sớ”)

Trịnh Khuê ở Tiền Đường, bệnh, mộng thấy cử nhân Lục Dung Thành đã chết đến thăm, cận vệ đi theo nhiều hơn cả lúc sống. Khuê hỏi làm chức gì, Thành đáp: “Minh Tào Quán Chính”, rồi tặng cho Trịnh Khuê hai cuốn sách “Hiếu Nghĩa Đồ” và “Phóng Sanh Lục”. Khuê nói: Cuốn “Phóng Sanh Lục” này, đại sư Liên Trì viết, ông ở Diêm Phủ, làm sao có được? Thành nói: Diêm Chúa thấy cuốn này hay, bèn cho chép lại, đồng thời ban bố tuân hành, chỉ sợ người ta không tin. Nếu anh làm theo, bệnh chắc sẽ khỏi. Trịnh Khuê tỉnh dậy liền tìm hai cuốn sách đó đọc, rồi quyết trì giới sát phóng sanh, quả sau bệnh khỏi.

Li bàn: Đạo có hai, gồm nhân và bất nhân mà thôi. Giới sát, là nhân; sách giới sát, cùng với người làm lớn cái nhân ấy. Lợi mình, là cái nhân nhỏ; lợi người, là cái nhân lớn. Đại sư Liên Trì, hàng lân phụng của nhà nho, coi công danh như giẻ rách, sau xả tục xuất gia, là rường cột của Phật pháp, cho nên cầu mưa trời liền cho mưa lớn, ở núi mà mãnh hổ tránh xa. Thì biết cuốn “Giới Sát”, trời còn thuận theo, huống chi con người? huống chi quỷ thần?

Ngăn cản làm lành hiện tiền chịu báo (kiến “Chứng Từ Biên”)

Trình Tự Xương ở Mật Châu, thấy người ở quận Giao Tây thích ăn sinh mạng, nên đêm bái Tinh Đẩu rằng: “Xương muốn vì tất cả chúng sanh, cùng bảy đời phụ mẫu, ấn tống cuốn ‘Giới Sát Đồ Thuyết’. Hôm nay Chân Vũ Chân Quân hạ giáng, nguyện nhờ sức thánh lưu thông”. Thị Hoa vợ Bành Cảnh người trong thôn, chụp lấy xé bỏ, ném vào chỗ uế.

Hôm sau, Thị Hoa mua cá về, sắp làm thịt, cá bỗng nhảy lên, đập đuôi móc mắt Thị Hoa, máu chảy lênh láng, hoá thành côn trùng cắn rỉa khắp thân. Tin vừa loan ra, Giám Trấn Quách thấy một vị thần, tự xưng: “Ta là Chân Vũ, quan sát biết đại thiện nhân Trình Tự Xương ở vùng này, ấn tống “Giới Sát Đồ Thuyết”, Thị Hoa ném vào chỗ uế, tội nặng phải chết. Nếu không sám hối, cũng phải chịu tội, lần sau tôi đến bắt tội”.

Li bàn: Người thời mạt pháp, ác nghiệp chuyển nhiều, thiện căn ít ỏi, thấy ai làm việc thiện, nói lời lành là liền ngăn cản. Nếu thấy ai giới sát, liền nói: “Làm chuyện viễn vông! Tướng bạc phước!” Thấy ai phóng sanh, liền nói: “Thả chúng cũng không sống đời, vừa quay rồi cũng bị bắt lại”. Thậm chí còn đàm tiếu, phỉ báng không nhân không quả. Hoặc trước mặt người chê họ ngu si, mắng họ phỉnh gạt. Khiến cho người thiện đỏ mặt xấu hổ, thoái khuất sơ tâm mà không làm nữa. Ôi! Bọn ác nhân này, Tiên nhân thấy cũng phẫn nộ, mắng là quỷ Cưu-bàn-trà, sau khi nhắm mắt, không biết đoạ vào đường nào? Xin khuyên những người có tâm hiền thiện, nếu có gặp những kẻ cản trở này, dù bị phỉ báng, chỉ nghe mà thôi, xin chớ khởi tâm sân hận; khuyến hoá mà thôi, xin chớ có lời lẽ khoa trương; thương xót mà thôi, chớ có sanh tâm mặc kệ. Nhìn vào Thị Hoa, không đáng sợ sao?

Khuyên Tể Quan (dưới đây nói làm quan không nên sát sanh)

Trong thiên hạ, phú quý sang hèn, có vạn điều khác biệt. Có người thì, lên xe xuống ngựa, oai đức cao vời; có người thì, gánh thuê vác mướn, lẻ loi cô khổ; có người thì, giàu sang sung sướng, vàng ngọc đầy nhà; có người thì, cùng khổ nghèo hèn, xin ăn khắp chốn. Trong đó vinh nhục cách nhau, như trời với vực. Nếu không tin thuyết báo ứng, lý vay trả của nhà Phật, thì những cái trời phú cho người, cũng rất là bất bình đẳng.

Cho nên kinh nói: “Làm người sang cả, quốc vương trưởng giả, đều từ cung kính Tam bảo mà ra. Làm người giàu có, từ bố thí mà được. Làm người trường thọ, từ trì giới mà được. Làm người đoan chánh, từ nhẫn nhục mà được”.

Đời trước tạo nhân gì, đời nay gặt quả ấy, đánh chuông thì được tiếng chuông, đánh khánh thì được tiếng khánh; cũng như người nông dân, trồng bắp được bắp, trồng đậu được đậu, đây là lý do sự giàu sang bần tiện cách nhau như trời với đất. Đánh cái chuông nhỏ nghe tiếng nhỏ, đánh cái chuông lớn nghe tiếng lớn. Cho đến trồng một giống cây được một loại trái, trồng mười giống cây được mười loại trái, y là lý do sự giàu sang bần tiện lại có sai khác. Đời nay trẻ tuổi đỗ cao, hưởng bổng lộc hậu, là nhờ đời trước siêng làm việc thiện, rộng tu phước đức. Nếu không như thế, sao ông trời chỉ hậu hĩ đối với tể quan? Nhưng cư cao thừa thế, thuận gió hét to, làm thiện nhiều, làm ác cũng nhiều, như người uống sâm, phục linh, lành bệnh cũng đó, mà mang bệnh cũng đó, đó là lý do mà Mạnh Tử nói: “Chỉ có người nhân thích hợp ở ngôi vị cao”.

Lại huống nữa tước lộc đã cao, thì nấu nướng ăn uống hằng ngày, tân khách yến hội, việc giết hại càng nhiều. Thân đến nơi nào, thì chúng sanh trên khô dưới nước nơi đó, bỗng nhiên mà bị chết thảm. Ngồi trên ngôi vị một ngày, một ngày chúng sanh vô tội liên tục bị cắt cổ nhổ lông.

Do đó thánh hiền xưa, thương xót dè chừng, ở đâu lập ao phóng sanh ở đó, treo bảng cấm giết hại, phát lịnh rằng “ai giết trâu bò bị phạt”, mà trâu bò được sống sót nơi lò mỗ; phát lịnh “ai giết chó mèo bị phạt”, mà chó mèo thoát khổ báo thảm nơi dao thớt. Lên núi xuống đầm, đều đưa ra hiệu lịnh nghiêm khắc cấm chỉ sát sanh. Chỉ e một khi không còn chức quyền nữa, có thiện nguyện nhưng không có sức để làm việc thiện.

Khuyên khắp người nhân đương quyền, nhanh trồng thiện duyên, thừa cơ làm phước. Mong thể hội ý hiếu sinh của trời, lòng hoà mục của vua. Hễ nắm quyền, liền nên tích chứa âm đức. Nếu bảo toàn được sự sống, thì làm liền không để lỡ dịp. Người làm quan, căn dặn thuộc hạ không nên giết; người làm dân, xin lập hiến pháp bất sát sanh. Nếu hành nhân được cho vạn thế, chắc chắn tên tuổi vang xa. Cho dù ơn rộng ban một lát, phước cũng ban bố cho muôn đời. Không thì, cũng như vào núi báu mà về tay không!

Khắc Đá Ban Từ (trích “Cựu Đường Sử”)

Nhan Chân Khanh đời nhà Đường, tự Thanh Thần, giỏi thư pháp, tín phụng Tam bảo, từng thọ giới với thiền sư Huệ Minh ở Hồ Châu. Năm thứ 3 niên hiệu Càn Nguyên, Đường Túc Tông cho thiết lập ao phóng sanh khắp thiên hạ, bất cứ chỗ nào thuận tiện, đều cho làm ao, cộng có 81 chỗ. Mỗi ao ông Nhan đều xin vua viết bi văn, khắc đá để được bền lâu. Ông làm đến chức Thượng Thư Hữu Thừa, phong Lỗ Quận Công, là hiền thần một thời.

Li bàn: Làm ao phóng sanh, nên lập bia đá, tất cả thuyền chài đều không được đến, mới được lâu dài. Bi văn mà Lỗ Quận công xin, tuy nói rằng vua viết, nhưng thật chính tay ông viết. Từ thời nhà Đường đến nay, đã hơn ngàn năm. Trong khoảng thời gian đó biết bao sinh vật được cứu, trồng được biết bao âm đức, đều nhờ sức khởi xướng của Nhan Chân Khanh vậy!

Ngư Khấp Chí Cảm (xem “Quảng Nhân lục”)

Phan Hoa huyện lệnh Chư Ký thời nhà Tống, tu Phổ Hiền Sám Pháp, cấm đánh bắt cá. Sau phụng chiếu vào triều làm quan, mộng thấy vô lượng cá trong sông hồ đều khóc rằng: “Trưởng giả đi, dòng họ chúng tôi không khỏi bị chưng nấu!” Tiếng gào khóc vang thấu trời. Hoa lấy làm lạ, viết “Mộng Ngư Ký”, dặn dò huyện lệnh nhiệm kỳ tới, cũng nên bảo hộ loài thuỷ tộc.

Li bàn: Tâm thánh nhân, đâu ai không muốn hết thảy loài vật đều được sống? Nhưng heo dê, tình thế khó cấm. Còn như trâu, chó trong loài thú; tôm, cua, ba ba… trong loài thuỷ tộc, thì không loài nào là không cấm được. Nên đưa ra hiệu lịnh trước mấy ngày. Ai làm trái, bán động vật, người nào thấy thì giật lấy, rồi mang hiện vật lên quan xử lý. Người làng bên, cũng không được mua sinh vật vi phạm lệnh cấm, nếu ai mua, thấy cũng giật lấy. Ai có công thì thưởng, ai có tội thì phạt, đầu cũng như cuối. Riết như vậy thì những người sống bằng nghề đánh bắt, không sống được, gọi là nhổ cỏ tận gốc vậy.

Hai Lần Sống Lại (trích “Cảm ứng Thiên Quảng Sớ”)

Tư Lý ở Ngô Quận đột tử. Qua một đêm sống lại, vội gọi người nhà, mời Thái Thủ và thuộc quan đến, dập đầu nói: Tôi xuống âm ty, tha thiết xin tha mạng, ban đầu Diêm chúa không cho, nhưng sau nói: “Ngươi có thể khuyên 1000 người không ăn thịt trâu được không? Kỳ hạn trong ba ngày”. Nay may được sống lại, chẳng phải các anh vì tôi khuyên khắp bá tánh, thì không ai làm được chuyện này”. Mọi người làm bộ hứa. Qua ba ngày sau, Tư Lý lại chết. Quận Thủ thất kinh, triệu thuộc quan cùng trì giới này. Lại đem sổ sách để bên đường, sai bá tánh đều ghi tên vào. Đủ ngàn người, đem đốt. Lát sau, Tư Lý sống lại, nói: “Bị sứ dẫn đi, người chủ vừa la trách thì chợt người mặc áo vàng mang sổ đến, nói là danh tánh của những người giữ giới không ăn thịt trâu. Người chủ giở ra xem, vui mừng nói: Không những sống lại, mà còn kéo dài tuổi thọ thêm 72 tuổi. Thái Thủ và mọi người, đều được phước vô lượng. Tư Lý sau sống đến 100 tuổi.

Li bàn: Xưa nay quan chức, cũng có thể cấm người giết trâu, chỉ có điều không biết cách. Cho nên bảng cấm tuy treo khắp phố, nhưng thịt trâu vẫn có khắp nơi. Người ta làm nghề mổ trâu, vốn ở có lời, nếu không lời, chắc chắn người ta sẽ bỏ. Nên cho lính, luân phiên canh gác. Nếu bắt được thịt trâu, lập tức phạt người bán. Cái chính là phạt thật nặng, gấp mấy lần lợi nhuận, thì lính sẽ vui vì lợi cho quan mà không bỏ qua. Không thì, nhận hối lộ của người ta, rồi che giấu cho nhau, quan làm sao biết, quan làm sao thấy.

Cấm Giết Trâu Tăng Tuổi (trích “Giới Ngưu Vựng Biên”)

Vào niên hiệu Gia Tĩnh, Hồ Đạt bố chính tỉnh Phúc Kiến, làm tiệc đãi khách. Thượng thư Lâm Tuấn đang ăn bỗng chết giấc, lay hoài không tỉnh. Lâu sau tỉnh dậy nói: “Lạ thật! Tôi vừa bị gọi xuống âm phủ, ông chủ là tổ tiên của tôi Lâm Thông, nói: “Nay Diêm La Vương tức chánh công Tống Phạm Văn, ta là thuộc hạ của ông”. Do con xưa làm huyện lệnh, không cấm giết trâu, bị trừ 12 tuổi, nên nay bắt con”. Tôi nói: “Ngày xưa khi làm huyện lệnh, con từng có treo bảng cấm giết mổ trâu, hồ sơ vẫn còn mà”. Thông ngạc nhiên nói: “Có phải đã nhầm không?” Liền cho điều tra lại.

Lát sau, Thổ thần huyện mang bảng cấm của tôi lên. Thông sung sướng, tấu lên Diêm La, trả lại cho tôi 12 tuổi, rồi sai sứ đưa tôi về. Tân khách hôm ấy đều thất kinh, đều thề không ăn thịt trâu nữa. Tuấn sau quả đúng sống thêm 12 tuổi.

Li bàn: Bần thì mong phú, phú thì mong quý, quý thì mong sống lâu. Ở địa ngục, chỉ một việc giết trâu, những vị quan tăng tuổi thọ, không biết bao nhiêu? Những người bị giảm bớt tuổi, không biết bao nhiêu? Tiếc là âm dương cách trở, không thể thấy biết!

Khuyên Người Ở Cửa Quan

Những kẻ ở cửa quan, thấy người bị còng nhốt, bị đánh đập, hầu như họ chẳng thấy thương xót. Họ coi giới sát, lại càng viễn vông. Cho nên vừa đến thôn làng, là không nể nang kiêng kỵ gì cả. Thấy gà lấy gà, thấy vịt lấy vịt, thậm chí còn bắt người ta bán cho, để cung cấp cho sự ham ăn ham uống. Ăn uống đã rồi, lại khoe với bạn bè, do đó mà tập tục hung bạo ngày một thạnh. Đâu biết đạo trời có báo ứng, rồi có lúc hoặc chết dưới đao gậy, hoặc chết bị tù đày, hoặc rồi táng gia bại sản con cháu ăn xin. Do tâm hung bạo, mà mang vạ nhanh. Khuyên khắp thiện sĩ ở cửa quan, nên lúc nào cũng, thấy người khốn khó dùng lời lành an ủi; thấy người vô tội bị oan, giải oan cho họ. Còn về ăn uống, không có cùng tận. Nếu làm cho trời giận, chi bằng tích phước tăng thọ, con cháu thạnh hưng?

Người xưa nói: “Đẩy người dìu người, cùng một vận động của cánh tay; ăn thịt ăn rau, cùng một cái nhai của miệng”. Người rõ lý sao không suy nghĩ?

Khuyên Hiếu Dưỡng Mẹ Cha (Dưới Đây Nói Trong Nhà Không Nên Sát Sanh)

Con cái hiếu dưỡng cha mẹ, có nhiều đường hiếu. Đầy đủ hạ dưỡng là tiểu hiếu, đầy đủ thứ dưỡng là trung hiếu, đầy đủ thượng dưỡng là đại hiếu, chỉ có đầy đủ tối thượng dưỡng là đại hiếu của đại hiếu. Vì sao?

Hạ dưỡng, chỉ biết phụng dưỡng ăn uống, cơm ngon rượu ngọt, không để cha mẹ than phiền, cũng là điều thế gian khó làm, gọi là tiểu hiếu.

Thứ dưỡng, theo chí của cha mẹ, cái gì cha mẹ yêu cũng yêu, cái gì cha mẹ kính cũng kính, làm lòng cha mẹ vui, đó là trung hiếu.

Thượng dưỡng, khuyên cha mẹ học đạo, cha mẹ làm lành tán thành, cha mẹ làm ác can gián, khiến cha mẹ đức ngày một lớn, đó là đại hiếu.

Còn tối thượng dưỡng, là tiến thêm nữa. Thường nghĩ đến ân của cha mẹ, đồng với trời đất, thọ mạng của cha mẹ, ngày một đến gần, phải làm cách nào để báo ân cha mẹ? Làm cách nào để kéo dài tuổi thọ cho cha mẹ? Làm cách nào làm cho cha mẹ ra khỏi sanh tử? Làm cách nào cho cha mẹ tội chướng tiêu trừ? Làm thế nào cho cha mẹ được vào dòng thánh, cứu cánh thành Phật? Thí như gặp chiến tranh, cõng cha mẹ chạy, trốn vào núi, không biết giặc cướp có đến không? Chạy xuống biển, không biết giặc cướp có đến không? Trốn vào rừng, không biết giặc cướp có đến không? Suy nghĩ kỹ càng, bèn đưa cha mẹ đến nơi an ổn. Đó là tối thượng dưỡng, cũng gọi là vô thượng dưỡng, cũng gọi là siêu xuất nhất thiết thế gian dưỡng, chẳng lẽ không phải đại hiếu của đại hiếu?

Nếu giết động vật nuôi cha mẹ, khiến loài vật mang oán đời sau, cha mẹ phải đền trả nhiều đời, đâu chỉ là lấy thịt độc giúp cha mẹ đỡ đói, rượu độc cho cha mẹ đỡ khát! Tội nghịch nào nặng hơn, mà còn cho đó là hiếu? Có người hỏi: “Kẻ sĩ công thành danh toại, rạng danh tổ tông, có được gọi là hiếu không?” Trả lời: “Công thành danh toại, cố nhiên là đáng có. Nhưng nếu lấy đó giúp thiện, thì cha mẹ được vinh danh; nếu lấy đó trợ ác, chẳng phải là ngược lại làm nhục cha mẹ sao? Cha của Cối, Tung, chính là cha của tể tướng, nếu là thời nay, ắt người ta sẽ ghét!” Nên biết hiếu tử làm rạng danh cha mẹ, không bằng tích đức, công danh chỉ là thứ yếu mà thôi.