An Sĩ Toàn Thư – Tập 44 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 04)

Vợ Chết Làm Dê, Lại Bị Chồng Giết (xem “Quảng Nhân Lục”)

Lưu Đạo Nguyên, huyện lệnh huyện Bồng Khê, trên đường giải quan, ghé ngủ lại nhà họ Tần. Mộng thấy một phụ nữ khóc kể rằng: “Tôi là vợ của họ Tần, từng đánh chết một người thiếp, sau khi chết bị đoạ làm dê. Hiện tại đang ở trong chuồng, sáng mai bị giết để đãi ông. Tôi chết cũng được, chỉ có điều tôi đang mang thai. Nếu vì tôi mà chết, thì tội tôi thêm nặng. Lưu đợi sáng mai mới nói, thì đã bị giết rồi. Cả nhà khóc lóc thảm thiết, nhét dê con vào bụng đem chôn.

Li bàn: Xưa ở nước Xá-vệ có một trưởng giả tà kiến, tên Đô-đề. Một hôm, đức Phật lần lượt khất thực đến nhà ông ta, thấy một con chó trắng, đang ăn vụng mâm cơm trên phản. Chó thấy Phật đến, bèn nhảy xuống sủa. Phật bảo: “Ngươi đời trước, keo kiết, không chịu bố thí, nên đoạ làm chó ở đây”. Chó nghe buồn bã, không thiết ăn uống. Đôđề về thấy vậy, giận dữ, đi thẳng đến chỗ Phật.

Phật bảo: “Chó là cha ông, ông nếu không tin, về nhà hỏi chó, chó sẽ chỉ chỗ giấu của cải cho ông”. Đô-đề thẹn sợ, trở về hỏi chó. Chó liền chạy đến dưới phản, dùng chân miệng đào đất, đào lên một kho báu lớn. Đô-đề mới tin, quy y Phật pháp tăng.

Cho nên Phật nói chỉ cần động vật có sanh mạng, có thể rất nhiều đều là cha mẹ lục thân nhiều đời của ta. Con người, một đời, thì có cha mẹ lục thân một đời. Từ vô thỉ cho đến ngày nay, số lượng đầu thai bằng cát một sông Hằng, thì có cha mẹ lục thân bằng cát một sông Hằng; bằng trăm ngàn cát sông Hằng, thì có cha mẹ lục thân bằng trăm ngàn cát sông Hằng. Đâu thể giết tuỳ tiện! Giống như dê nhà họ Tần, đang khi bị giết, cả nhà chỉ nghĩ là dê. Chồng không biết là giết vợ để đãi khách, con không biết là giết mẹ cho khách vui, nô tỳ không biết là giết bà chủ để cúng. Đến khi tứ chi đều bị cắt lìa, thân thể và đầu đã phân ly, mới giác ngộ được con vật quằn quại đau đớn trên dao thớt kia chính là người yêu từng cùng giường cùng gối với mình; con vật kêu gào bi ai dưới dao gậy kia, chính là từ mẫu đã từng thương yêu mình; con vật có miệng mà không thể nói, mang đầy oán hận mà chết kia, chính là bà chủ giải quyết gia vụ, siêng năng tài giỏi của mình. Phạm sai lầm lớn, cho dù tan xương nát thịt, cũng không thể chuộc lại sanh mạng con dê. Nếu nhà họ Tần giữ giới không sát, thì đã cứu được vợ, cứu được mẹ, cứu được bà chủ. Người đời vì bạn bè thâm giao, mà đã sát hại chí thân cốt nhục của mình. Vì yến tiệc khách khứa mà sát hại người thân, phải đau lòng, thực sự dứt hẳn mới được!

Đa Sát Đãi Khách, Bạo Tử Biến Làm Heo

Niên hiệu Chánh Đức triều Minh, một cử nhân nọ ở Nam Kinh nọ, nhà giàu có, hay sát sanh, mỗi lần đãi khách thường giết ba, bốn con heo. Một đêm nọ, mộng thấy thần Thành Hoàng nói với ông: “Ngươi sát sanh nhiều vô số, trước phải biến làm heo”. Ông vẫn sát sanh như thường. Nửa năm sau, ông bạo tử. Sau khi nhập liệm, người nhà nghe trong quan tài có tiếng heo kêu, mở nắp quan tài ra xem, ông ta đã biến thành heo.

Li bàn: Người đời sát sanh, phần lớn là để đãi khách. Nhưng lại không nghĩ, khi họ ăn uống của ta, không ai không tự xưng là người giao tình thâm hậu với ta. Nhưng một ngày nào gặp trên đường, thì chỉ chào một tiếng mà thôi. Những người có thể giúp nhau trong hoạn nạn, ngàn người khó có được một hai. Còn khổ báo trong ba đường của mình, thì đã được ghi lại rõ ràng. Có ai thấy trước điện của Diêm vương, có người khách nào đến chia sẻ tội cho anh ta đâu? Ngay như vị cử nhân mời khách này, lúc bấy giờ hoàn toàn không tự cho rằng là hào phóng trọng nghĩa, trọng tình. Đến khi thi thể biến thành heo, tiếng dữ truyền ra ngoài, lúc ấy còn hứng thú gì nữa?

Hiếu Khách Sát Sanh, Hắc Khí Biểu Thị Tai Hoạ (người bạn kể lại)

Một người họ Hứa nọ ở Ngọc Phong, Côn Sơn, Giang Tô, giàu có và hiếu khách, ăn uống cốt phải thịnh soạn, vì vậy giết hại không biết bao nhiêu sanh mạng mà tính.

Năm Thuận Trị thứ 2 (1645), nhà bếp bỗng nhiên có khói đen, lớn như bánh xe bay quanh sân nhà một vòng rồi tản mất. Không bao lâu, lính nhà Thanh đánh chiếm toàn thành, 44 người trong nhà đều bị giết sạch.

Li bàn: Nhà bếp của những người giàu có, là chỗ tụ tập của oán thù sâu nặng. Không gian tuy chỉ vài chục mét vuông, nhưng những tiếng kêu bi thương, hy vọng được cứu, thường là ở đây; động vật mẹ con chia lìa, thường là ở đây; bị cắt cổ nhổ lông, moi tim lột da, thường là ở đây.

Tích luỹ thời gian lâu, sẽ xuất hiện khắp nơi tiếng khóc bi thương đầy oán hận, tiếng kêu sầu thảm thâu đem của ác quỷ. Có khi chúng hiện hình những thi thể không đầu, có khi chúng hiện hình toàn thân máu me, có khi chúng hiện hai mắt kín mít, hai mắt lồi ra, có khi chúng hiện hình đi lắc lư, hai tay vẫy vẫy. Có đứa cười khanh khách miệng phun đầy máu, có đứa khóc hu hu nhận chịu khổ đau. Đứa nào cũng nghiến răng, đấm ngực, nhe nanh múa vuốt, muốn đối đầu với oan gia mới cam tâm.

Do đó thần linh trong trời đất, quỷ thần qua lại giám sát, đều đã ghi tên lên cuốn sổ tạo ác nghiệp, lúc sống sẽ phải gặp đủ các tai hoạ, sau khi chết đoạ lạc ba đường ác, không ai cứu được. Xem đó, nhà bếp chẳng lẽ chẳng phải là chỗ tụ tập oan nghiệp lớn hay sao?

Các nhân sĩ hiếu khách, xin chớ giẫm lên vết xe đổ này!

Khuyên Đãi Thầy Giáo Chớ Có Sát Sanh

Người đời ai cũng yêu con cái, nhưng lại không biết cách yêu. Ví như mời thầy giáo về nhà dạy cho con cái, vốn là mong chúng thành danh, đi vào giới tri thức. Nhưng do đãi thầy ăn uống, luôn sát sanh hại vật. Nếu một năm sát hại một ngàn sanh mạng, mười năm thì là mười ngàn sanh mạng. Lâu dài tích luỹ lại, con cái cho dù vốn có phước lớn, cũng đều tiêu mất hết, huống hồ phước báo vốn đã ít? Nếu nói thức ăn rau thịt đơn giản, e không thể làm cho thầy giáo vừa lòng, thì phải nên dùng phí tổn của sát sanh, dùng để đãi ngộ ngoại ngạch thêm cho thầy giáo, làm cho người làm thầy giáo hăng hái trong việc giáo dục học sinh, thì đối với không mua rượu thịt, tự nhiên sẽ có thể bỏ qua. Và phước báo thọ mạng của con cháu cũng sẽ ngày một tăng dần. Cần gì giết hại sanh mạng động vật, để rồi tương tục đoạ trong ba đường ác Địa ngục, Ngạ quỷ, Súc sanh!

Giết Chim Làm Cơm, Họa Đến Con Trai (xem “Quảng Nhân Lục”)

Thường Thục có một người dùng súng bắn chim rất giỏi, do đó đã giết chết vô số chim. Lúc anh ta 40 tuổi, mới sanh được một đứa con trai, mặt mũi khôi ngô, trong lòng anh ta rất thương đứa con trai này, nên sám hối tội cũ, không bắn chim nữa. Sau đứa con dần lớn, vào học trường tư thục, vì để chiêu đãi thầy giáo, anh ta lại làm lại nghề xưa.

Hơn một năm sau, đứa con trai mắc bệnh đậu mùa, toàn thân nổi đầy những bọc nước đỏ, da thịt đều cháy vữa, từ trong lỗ chân lông trồi ra những viên sắt, cứ như vậy rồi chết.

Li bàn: Những viên sắt trong lỗ chân lông từ đâu mà ra? Chẳng phải tất cả đều do tâm tạo hay sao?

Giết Dê Đãi Thầy Giáo, Chiêu Hoạ Cho Con Trai (xem “Tục Bút Thừa”)

Phương Thượng Hiền ở Huy Châu, nhà giàu có, mời hai thầy giáo đến nhà dạy cho hai đứa con trai.

Cậu út là con của sủng thiếp, rất dễ thương, do đó đặc biệt hậu đãi thầy của chú. Thầy giáo chú họ Điền, thích ăn thịt dê, Phương Thượng Hiền mỗi ngày đều đãi món thịt dê, nên đã nuôi ba, bốn con dê trong chuồng, chọn con mập nhất giết. Đến năm Bính Ngọ năm thứ 5 niên hiệu Khang Hy (1666), trên cổ cậu út mọc nhọt độc, gào khóc thê thảm cả nửa tháng, miệng nhọt mãi không vỡ, Phương Thượng Hiền hằng ngày bận lo mời thầy thuốc chữa trị, cầu khấn thần Phật. Một ngày nọ, con trai ông bỗng kêu be be như dê rồi chết.

Li bàn: Phương đã thọ báo, Điền cũng khó tránh.

Khuyên Thầy Dạy Trường Tư Thục

Người làm thầy giáo đã khó, gia đình chiêu đãi thầy giáo lại càng khó hơn. Cơm nước sáng tối, hết lòng chăm lo; đi ra ngoài, phải có nô tỳ theo hầu. Thậm chí lo cho cha mẹ thiếu thốn, nhưng trên mâm cơm thầy không thể không có cá thịt. Thầy giáo thời nay không nghĩ sự khó khăn của gia đình, hễ được mời dạy, là cho rằng lẽ tất nhiên là phải cung phụng ta, có chút không vừa ý, là mặt tỏ ra rất khó coi, còn học vấn của học sinh, thì ngược lại không để tâm tới. Kính báo đồng tâm thiện sĩ, con người không phải súc vật, chỉ ăn rồi thải. Phải dụng công nhiều trên tu hành, không nên dụng công trên khẩu vị. Nếu học sinh thật sự ngu dốt, không thể dạy dỗ, thì nên ngoài giờ học giảng qua đạo lý làm lành lánh dữ, ân cần khuyên nhắc, khiến cho gia chủ có được một người tiếp nối có đức, đó chính là công đức lớn của người thầy giáo. Còn về miếng ăn, vốn có hạn định. Nếu hưởng thọ hết, mạng cũng theo đó mà mất. Như có một ngàn đồng, ngày tiêu trăm đồng, thì tiêu được mười ngày. Nhưng nếu tiêu hơn, thì vài ngày sẽ hết. Do đó, nên biết, thô trà đạm phạn, có thể tăng phước tăng thọ; sơn hào hải vị, chắc sẽ đoạ lạc tam đồ.

Thật lòng thật dạ dùng đạo lý giới sát khuyên bảo gia chủ, nhờ đó con cháu chủ nhà đều nhờ lời ta mà tích đức. Như vậy mới không ăn cơm một cách vô ích!

Tích Phước Sát Sanh, Diên Thọ Phục Sinh (xem “Nhân Quả Mục Kích Biên”)

Tiên sinh Tào Thuấn Thông ở Phúc Kiến, dạy học cho nhà họ Trịnh ở Đinh Châu. Ông phụng trì thập trai rất cung cẩn, ông không bao giờ ăn cá thịt tươi, sợ chủ nhà vì mình mà giết. Trên mâm nếu dọn rau dưa đơn giản, thì sau khi vui vẻ tận tình với chủ nhân mới ra về. Năm Thuận Trị thứ 13 (1656), ông mắc bệnh dạ dày, thân thể đã cứng lạnh 33 ngày đêm, cả nhà khóc lóc, hậu sự đã chuẩn bị xong. Bỗng ông tỉnh lại, nói với vợ con rằng: “mạng ta đáng lẽ bị bọn thổ phỉ giết vào năm Thuận Trị

Nguyên niên (1644). Nhờ từ lúc dạy học đến nay, ta biết thương yêu sanh mạng, chủ nhân chưa giết một con vật nào vì ta, do đó kéo dài tuổi thọ được 12 năm, khỏi bị chết bất đắc kỳ tử. Hiện tại ta còn sống được hai năm nữa. Quả nhiên hai năm sau thì ông mất.

Li bàn: Tôi có một người bạn ở Sùng Châu, bản tánh nhân từ, giữ giới bất sát, chỉ có điều không ăn chay, nên cá thịt tươi, sanh bình không bao giờ ăn. Thân hữu mời tiệc, trên mâm chỉ toàn đồ làm sẵn. Cho dù đến nhà thích sát sanh, cũng chưa từng có một con vật bị giết vì mình. Nếu các quân tử nhân từ làm theo được như vậy, thì vĩnh viễn không có ác báo liên luỵ do sát sanh mang lại!

Tham Ăn Thịt Chó, Thọ Báo Đền Mạng

Quách Chỉ Nhất ở quận Tùng Giang, lúc 36 tuổi, mạo danh bài thi của một người họ Hà mà được vào trường, trở thành sinh viên. Niên hiệu Khang Hy năm thứ 14 (1675), mở tư thục ở một gia đình nọ. Chủ nhân vì Quách Chỉ Nhất thích ăn thịt chó, nên thường làm thịt chó cho ông ăn. Một ngày nọ, Quách Chỉ Nhất chỉ vào con chó vàng của chủ nhà nói: “Đùi con chó này rất mập, không biết có thể thui cho tôi ăn được không?” Chủ nhân liền giết thịt cho ông ăn.

Qua mấy hôm, Quách Chỉ Nhất bỗng hôn mê bất tỉnh, bị bắt đến miếu Thành Hoàng trong quận, lúc đó chó vàng đã ở trong đó trước rồi. Thần Thành Hoàng nói: “Này Hà…, vì sao ngươi xúi chủ nhân giết chó?” Quách Chỉ Nhất cãi lại nói: “Tôi họ Quách, không phải họ Hà, người họ Hà học chung một trường với tôi”. Thần Thành Hoàng rất tức giận, trách mắng bọn quỷ tốt bắt nhầm người, Quách Chỉ Nhất liền tỉnh lại. Sau khi sống lại, liền khoe khoang với mọi người về biện tài của mình. Không lâu sau, người họ Hà lập tức lìa đời, qua hôm sau bỗng tỉnh lại, nói: “Tôi bị Quách Chỉ Nhất vu cáo tôi giết chó, tôi ra sức giải thích xưa nay không ăn thịt trâu và thịt chó, con chó kia cũng nói tiếng nói không giống người kia.

Do đó thả tôi tạm thời trở về, đợi Quách Chỉ Nhất đến rồi cùng thẩm vấn. Nhưng thọ mạng của tôi cũng sắp hết rồi, không thể sống thêm nữa”. Anh ta sắp xếp việc nhà xong, liền ra đi. Tối hôm đó, một người hàng xóm của Quách Chỉ Nhất trên đường đi thấy Quách Chỉ Nhất bị quỷ tốt còng chặt dắt vào thành. Trở về đến nhà Quách Chỉ Nhất xem thử, đã nghe tiếng khóc rồi.

Li bàn: Thịt cá đãi thầy giáo, tuy do chủ nhân giết, nhưng vì ta mà giết, ta không thể không chịu một phần tội lỗi. Nếu thầy giáo đẩy qua cho chủ nhân, chủ nhân lại đẩy qua cho thầy giáo, thì động vật chỉ có thể âm thầm nhận chịu oan khuất, không cách gì khiếu nại.

Khuyên Người Cầu Công Danh (dưới đây nói cầu phước không nên sát sanh)

Những người học hành viết lách ở đời, sáng tối, quên ăn bỏ ngủ, một lòng chỉ vì cầu lấy công danh. Cha khuyên răn con, thầy động viên học trò, tranh thủ từng phút từng giây, một lòng chỉ vì cầu lấy công danh. Nhưng, những thiếu niên trẻ ấy, thường là kim bảng đề tên; còn những lão nho bác cổ thông kim, luôn là có tài nhưng không đắc chí.

Như vậy, được mất hơn thua, há chẳng phải do trời làm chủ? Đã do trời làm chủ, thì hợp lòng trời trời ắt phù hộ, trái lòng trời trời ắt ghét bỏ. Việc giới sát này, hàng trí thức thường cho rằng có thể từ từ làm, không phải vội, cho rằng việc này chẳng qua chỉ là lời dạy của Phật mà thôi. Ôi! Đâu chỉ có Phật hiếu sanh, nhà nho chúng ta cũng hiếu sanh mà!

Ngày xưa, khi Trình Minh Đạo làm Huyện bạc (buông rèm chấp chính) Thượng Nguyên, thấy người làng thường bôi mủ trên sào bắt chim, bèn hạ lệnh thu lấy bẻ hết sào, sau đó hạ lệnh cấm đánh bắt chim (trích “Tống Sử”). Lã Nguyên Minh được chánh truyền của họ Trình, nhưng gia đình họ nhiều đời phụng Phật giới sát phóng sanh. Khi làm quận thủ, trong quan dinh dự trữ rất nhiều măng khô, nấm bào ngư, để thay thịt cá (xem “Thánh Học Tông Truyền”). Họ nhận thức được ham sống sợ chết là lòng trời, không thể trái ngược. Ai lấy lòng trời đất làm lòng mình, người ấy sẽ được phước lộc theo sau.

Thích Ăn Ngao Sò, Thi Rớt (xem “Long Thư Tịnh Độ Văn”)

Năm đầu triều nhà Tống, Trấn Giang có một người học trò, tên Thiệu Bưu, mỗi lần khoa cử, anh ta đều trượt. Bình thường anh ta không có sở thích đặc biệt gì, ngoài thích ăn ngao sò.

Một đêm nọ, mộng thấy mình đến âm phủ, phán quan hỏi: “Anh có biết vì sao anh luôn thi trượt không?” “Không biết!”, anh ta trả lời. Thế rồi phán quan bèn cho anh ta thấy, vô số ngao sò anh ta đã từng ăn thịt trước đây đến đòi mạng, những con sò này đều hả vỏ sò gọi: “Thiệu Bưu! Thiệu Bưu!”

Anh ta thấy vậy rất sợ hãi, bèn chắp tay niệm: “Adi- đà Phật”. Lúc ấy, những con sò đều biến thành chim sẻ bay đi.

Thiệu Bưu sau khi giật mình tỉnh dậy, vĩnh viễn không ăn sò nữa, thậm chí còn giới sát ăn chay, quy y Tam bảo. Sau anh ta không chỉ thi đậu tiến sĩ, mà còn làm quan cao An Phủ Sứ.