An Sĩ Toàn Thư – Tập 45 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 05)

Đế Quân Hiện Mộng (xem “Hộ Sinh Thiên”)

Thời Minh mạt, gia đình học trò Lưu Đạo Trinh ở Tứ Xuyên có khách, định giết một con gà, bỗng không thấy gà đâu; khách ngồi chơi rất lâu, rồi định tìm giết một con vịt, bỗng lại không thấy vịt đâu. Vừa lục lọi tìm kiếm, thấy chúng cùng nấp trong chỗ tối, vịt lấy đầu đẩy gà ra, gà lấy đầu đẩy vịt ra, giằng co không ai chịu nhường ai, im lặng không tiếng động. Lưu xúc động, liền viết thiên “Giới Sát” khuyên đời. Tháng 7 năm Tân Dậu (1621), bạn anh mộng thấy điện Văn Xương, Đế Quân mở ra một trang giấy cho anh xem nói: “Đây là văn Giới Sát của thí sinh Lưu Đạo Trinh, cậu ấy đã thi đậu”. Sau khi tỉnh dậy báo cho Lưu, Lưu không tin. Sau khi công bố điểm, quả ứng nghiệm.

Li bàn: Con người và muôn thú, tuy hình thể có khác, nhưng tri giác thì thật như nhau. Nhìn mấy con thú ấy khi bị bắt, sợ chạy kêu thảm thiết, trèo tường chui lỗ, với lúc nhân loại chúng ta bị bắt giết, mẹ cha lo lắng buồn khổ, không biết làm sao, vợ con cùng đường, chết cũng không được, có khác nhau chăng? Nhìn lúc những con vật ấy bị giết, một con gà bị cắt cổ, những con gà khác đều khóc thương; một con heo bị giết, những con heo khác liền không ăn, với nhân loại chúng ta khi bị cướp bóc, chiến loạn thiêu giết, mắt thấy cha mẹ thương tật, vợ con phanh thây, có khác nhau chăng? Nhìn lúc những con vật ấy bị giết, có con bụng đã bị mổ ra mà miệng còn thở, có con cổ họng đã đứt, mà mắt còn chưa nhắm, với nhân loại chúng ta khi sắp chết tắt hơi, đau khổ vạn trạng, gật đầu nhìn mãi, có khác nhau chăng? Đọc câu chuyện gà vịt đẩy nhau, chúng ta phải khắc cốt ghi tâm.

Cứu Vật Đồng Đăng (xem “Quảng Từ Biên”)

Đào Thạch Lương và Trương Chi Đình ở Cối Kê đến chùa Đại Thiện phóng sanh mấy vạn con lươn.

Mùa thu năm ấy, Đào Thạch Lương mộng thấy một vị thần nói với anh ta rằng: “Cậu vốn không thể thi đậu, nhưng vì công đức phóng sanh, cho nên được thi đậu”. Sau khi công bố điểm quả nhiên đậu, Đào nói: “Việc này hai người làm, sao công lao chỉ thuộc mình ta?” Mấy ngày sau, thông tri được nhận vào Nam Kinh đến, Trương cũng thi đậu.

Li bàn: Gần đây xuất hiện một thói xấu, có người đi thi, là bạn bè góp tiền cầu đảo, sát sanh vô số, gọi là bảo phước, thật thì là tạo tội, bậc cao minh ghét cay ghét đắng!

Khuyên Người Cầu Con

Nhà giàu không có con, nhiều người hao tiền tốn của, cưới nhiều thê thiếp, uống thuốc thang mắc tiền, nhưng cầu càng thiết tha, lại càng khó được. Vì sao? Do định nghiệp đã tạo, nếu không tạo nghiệp thiện cho nhiều, khó mà cứu vãn. Xưa nay những người không con, luôn nhờ một niệm giác ngộ, dũng mãnh tu đức, nhờ đó liên tiếp sanh quý tử, nhiều vô số. Cầu con không đúng đường, còn oán trời trách người vô ích, than thở không người tiếp nối tông đường, cũng quá ư hồ đồ vậy!

Phóng Sanh Được Con (xem “quảng nhân lục”)

Triều nhà Nguyên có một thương nhân giàu có cầu con, nghe chân nhân Triệu Tiên núi Thái phán sự linh nghiệm, nên đến đảnh lễ. Triệu Tiên phán: “Ngươi đời trước sát sanh nhiều, làm cho sinh vật không có con cháu, nên nay mắc quả báo này. Nay thả đủ 800 vạn sinh linh, mới chuộc được tội. Nếu ngộ sát một con côn trùng, phải thả 100 con vật mới đủ chuộc tội. Vãn hồi tạo hoá, đây là số một. Thương nhân lập thệ giới sát, bỏ tiền phóng sanh. Không lâu, sanh được con trai, lớn đậu cử nhân ra làm quan.

Li bàn: Kinh Hoa Nghiêm nói: “Quả báo của nghiệp sát sanh, làm cho chúng sanh rơi trong ba đường. Nếu sanh làm người, mắc hai quả báo, một nhiều bệnh, hai đoản mạng”. Phú thương nghiệp sát rất nhiều, nhưng quả báo bất quá chỉ không có con, có thể đã chịu quả báo ba đường, sau chịu dư báo không con, chưa biết chừng! Không thì, có thể phước báo đời trước còn nhiều, trước chịu quả báo không con, sau mới chịu quả báo ba đường, cũng chưa biết chừng! Nay biết chuộc tội lỗi trước, hồi tâm hướng thiện, tự khỏi bị hoạ được phúc vậy.

Sám Hối Lỗi Lầm, Con Trai Bệnh Sống Lại (xem “Cảm ứng Thiên Đồ Thuyết”)

Ngô Hằng Sơ ở Hàng Châu, thích ăn thịt trâu, liên tục chết yểu mấy người con gái. Nhằm lúc con trai mắc bệnh đậu mùa, thầy thuốc, cầu khấn đều không công hiệu. Ngô Hằng Sơ bỗng nằm mộng thấy xuống âm phủ, có người tố cáo Ngô Hằng Sơ ăn thịt trâu, hai bên cãi nhau rất kịch liệt. Quan viên chủ quản cho đàn trâu ngửi toàn thân Ngô Hằng Sơ, nhưng trâu rốt cuộc không nói gì. Ngô Hằng Sơ tự thừa nhận, là tuy ông ta có ăn thịt trâu, nhưng không giết trâu, và thề rằng vĩnh viễn không bao giờ ăn thịt trâu nữa. Chủ quản nói cho bầy trâu, và cho chúng đi, Ngô Hằng Sơ được thả về.

Ông ta đi ra thấy một căn nhà gác, trên gác có người gọi tên mình. Ngô Hằng Sơ ngẩng đầu nhìn lên, bỗng người trên gác ném xuống một vật, nói: “Trả cho cha nè!” Nhìn kỹ, thì ra con trai, ông bèn tỉnh dậy. Con trai ông liền hết bệnh.

Li bàn: Ăn thịt trâu mà còn chết liền mấy đứa con gái, huống hồ giết mạng trâu, quả báo không nói cũng biết.

Không Ăn Thịt Trâu, Sanh Được Con Trai (xem “Hộ Sinh Lục”)

Trạch Tiết ở Kinh thành, đến 50 tuổi vẫn chưa có con trai, liền vẽ hình Bồ-tát Quan Thế Âm, cầu khẩn rất chí thành. Người vợ vừa mang thai, mộng thấy một người phụ nữ mặc áo trắng bồng một đứa con trai đưa ông ta, vợ Trạch Tiết vừa định đến đón lấy thị bị một con bò vàng chặn lại, không cách gì bồng lấy đứa trẻ được. Sau sanh được một đứa con trai, nhưng vừa đủ tháng thì yểu mạng, Trạch Tiết lại chí thành cầu khẩn. Có người nói cho anh ta rằng: “Anh rất hay ăn thịt trâu, không chừng điều mà trong mộng nói là nguyên nhân đó”. Trạch Tiết rất kinh hoàng, cả nhà bỏ hẳn giết trâu. Không lâu lại mộng thấy có một phụ nữ tặng cho vợ anh ta một đứa con trai, người vợ đến bồng liền được. Sau quả nhiên sanh hạ một đứa con trai, nuôi dưỡng thành nhân.

Li bàn: Đây chính là điều mà kinh Phật nói, Bồ- tát Quan Âm hiện thân phụ nữ, là để nói pháp cho họ.

Ăn Ba Ba Cầu Con, Chết Thảm Không Con Nối Dõi (Viên Ngọ Quỳ Thuật)

Vào thời Minh Mạt, ở Hàng Châu có một người tên Phan Đức Trai, tuổi đã già nhưng chưa có con trai. Ông ta tình cờ thấy trên một cuốn sách ghi: “Ăn ba ba sẽ sanh được con trai”. Ông ta liền mua ba ba về nuôi, và dùng lươn con cho chúng ăn, ngày nào cũng giết thịt ba ba. Cứ như vậy hơn một năm sau, toàn thân ông ta nổi đầy nhọt độc, có tới mấy cái miệng mụn nhọt, giống như miệng ba ba, đau nhức thấu xương. Không bao lâu thì ông ta chết, rốt cuộc không có con trai nối dõi.

Li bàn: Những kẻ tà kiến, nói bằng miệng chỉ hại người một lúc, nói bằng sách hại người trăm đời, chính là đây vậy. Cho nên viết sách lập luận, dù thiện nhân quân tử, cũng không thể không cẩn thận, huống là kẻ khác?

Khuyên Người Tránh Chiến Tranh

Thế nhân lúc loạn ly, tránh giặc khắp nơi, đủ thứ khốn khổ. Thấy cờ xí, thì mẹ con ly tán; nghe chiêng trống, thì phách lạc hồn bay. Khổ đau lênh đênh này, tuy toàn bộ đất nước, nhưng cũng do nghiệp riêng chiêu cảm. Thiền sư Từ Thọ nói: “Ở đời do sát sanh, nên mới có chiến tranh. Nợ mạng trả bằng mạng, thiếu tiền đốt nhà cửa. Từng bắt phá tổ chim, nay vợ con ly tán. Quả báo tương ứng nhau, lắng tai nghe Phật nói”. Từ đó mà thấy, không chỉ tan thân mất nhà, là do nghiệp cũ, mà ngay cả bị thương ngón tay, bị mất cây kim, cho đến sợ hãi một giây, đều có nhân duyên. Khuyên khắp thế nhân, khi gặp chiến tranh, nên tự nghĩ rằng: “Thân ta chưa bị bắt trói, mà đã sợ hãi như vậy, huống hồ con vật khi bị trói, sự sợ hãi càng đến mức độ nào? Xương thịt còn chưa phân tán, mà còn thê thảm như vậy, huống hồ con vật khi bị phân thây, thê thảm càng như thế nào? Tay chân còn chưa bị chặt, mà còn bi ai thống khổ như vầy, huống hồ con vật khi bị cắt xẻ, bi ai thống khổ càng như thế nào?” Do đó nghiệp sát quá khứ, thì niệm Phật siêu tiến; nghiệp sát vị lai, phải lập tức đoạn trừ. Làm được như thế, chắc chắn tương lai sanh vào thời đại thái bình, chắc chắn không sanh vào thời gặp loạn; cho dù sanh vào thời gặp loạn, cũng không sanh vào chốn bị hoạ chiến tranh. Chẳng lẽ không phải tránh nạn là tối thượng sách sao? Lên non xuống biển, chẳng phải là kế vạn toàn! Người xưa nói: “Muốn thế gian không bị chiến tranh, chỉ có nhân loại không ăn thịt”.

Cùng Tạo Nghiệp Sát, Thê Thảm Bị Giết Hàng Loạt

Thời Tống Huy Tông, Kim Binh xâm lược, đến đâu đốt giết cướp bóc đến đó, nhưng chỉ có An Dương là gặp hoạ chiến tranh nặng nề nhất. Sau có một vị tăng, có khả năng toạ thiền biết việc tương lai. Mọi người đến hỏi sự tình, ngài nhập định quán sát, biết rõ hoàn toàn nguyên nhân trong đó, nên đã nói với mọi người: “Chỗ này tạo nghiệp sát khốc liệt hơn các chỗ khác, nên chịu quả báo cũng khốc liệt hơn các chỗ khác. Nhưng nghiệp báo còn chưa kết thúc, oan gia đối đầu mới vừa tới, các ông vẫn chưa an ninh đâu”. Sau đó chỗ này liên tục nhiều năm chiến loạn, người dân bị sát hại nhiều vô số, quả nhiên không một ai may mắn tránh khỏi.

Li bàn: Người ta thấy người đánh cá bắt được cá to, là vỗ tay vui mừng, đâu biết đây như vậy là tăng thêm một oán đối. Thương xót cứu giúp, còn e không kịp, sao lại trở ngược khen ngợi, hâm mộ?

Khen ngợi, là tán thán sát; hâm mộ, là tuỳ hỷ sát. Nhìn bằng tuệ nhãn, đều là hạt giống chiến tranh!

Không Ăn Thịt Cá Lớn, Được Thoát Tai Nạn

Trường Giang khúc Sào Hồ nước dâng cao, rồi rút xuống đột ngột. Có một con cá to hơn một vạn cân bị mắc cạn, ba ngày sau chết, cả quận ra xẻ thịt ăn, chỉ có một bà cụ không ăn. Bỗng có một ông cụ nói với bà rằng: “Đây là con trai ta, không may gặp tai hoạ này, ta sẽ báo đáp cho bà. Nếu con rùa đá ở cửa Đông mắt biến thành màu đỏ, thì bà phải rời thành ngay, thành này sắp bị chìm rồi”. Vì thế bà cụ ngày nào cũng đi xem con rùa đá ấy. Có một đứa trẻ kinh ngạc, bà cụ liền nói rõ sự tình cho nó nghe. Đứa trẻ muốn trêu bà, liền lén lấy màu đỏ bôi lên mắt rùa đá. Bà cụ nhìn thấy, vội vàng ra khỏi thành, gặp một đứa trẻ mặc áo xanh nói: “Cháu chính là con rồng”, liền mang bà cụ lên trên đỉnh núi. Và toà thành này quả nhiên lún xuống thành hồ.

Li bàn: Thời Phật có một đại thần, cùng lính quyết chết với giặc, đêm ngày phòng thủ, thậm chí mang kiếm ngủ. Một hôm, ông thỉnh Phật về nhà cúng dường, Phật không nhận, nói với đức vua của ông rằng: “Vị đại thần này đêm nay sẽ chết”. Đêm đó, có bốn người lính cũng phòng thủ ở nhà ông, người vợ thấy chồng ngủ say, mang kiếm treo lên. Rồi, người vợ cũng đi ngủ, bỗng kiếm rơi chém đứt đầu ông. Đức vua nghe báo, nghi bốn người lính cùng vợ ông ám sát, liền chặt đứt hết tay phải.

A-nan hỏi Phật nguyên do, Phật nói: “Người chồng đời trước là người chăn dê, người vợ là con dê mẹ, bốn vị đại thần lúc bấy giờ là bốn tên trộm, thấy người chăn dê, liền dùng tay phải chỉ vào dê nói: “Giết dê cho chúng ta ăn thịt”. Người chăn dê vừa khóc vừa làm theo. Vì nhân duyên đó, đền trả qua lại”. Đứa trẻ trêu bôi đỏ mắt rùa, cũng là phước tới. Nhân duyên hội ngộ, tự nhiên mà vậy, không thể cưỡng lại.

Khuyên Người Ăn Thịt Trâu Chó (dưới đây nói ăn uống chớ nên sát sanh)

Khuyên người không nên ăn thịt trâu thịt chó, chi bằng khuyên người chớ giết trâu chó; khuyên người chớ giết trâu chó, không bằng khuyên quan trên cấm chỉ giết trâu chó. Vì sao? Vì khuyên người không nên ăn, có thể họ trước mặt nghe lời, nhưng khi thức ăn ngon bày trước mặt, chưa hẳn họ đã làm chủ được mình. Do đó có thể biết khuyên người không ăn, không bằng khuyên người không giết. Khuyên người không giết, mười người chưa chắc nghe theo được một, nếu không dùng danh nghĩa của quan chức nghiêm cấm, dùng hình phạt nghiêm khắc làm cho họ sợ, thì cho dù ngày ngày vào lò mổ để khuyến cáo họ, cũng chẳng ích gì. Chi bằng ra lệnh ngăn cấm, những kẻ hung bạo sẽ cất dao đi. Huống hồ việc nghiêm cấm giết trâu chó này, cho dù là nho sinh cũng được sự giúp đỡ của quan trên, khi công bố cấm giết được treo lên, sau đó nghiêm túc chấp hành, phát hiện giám sát, một khi chấp hành thành nếp, cho dù không khuyên bỏ hẳn, thì cũng không có thịt để ăn. Đáng tiếc là, những quan lại thân sĩ ấy hễ chỗ nào có lợi, là liền nịnh hót người đương quyền, tranh cãi không thôi, nhưng gặp việc này, thì ngậm miệng không nói.

Ham Ăn Thịt Trâu Chó, Mạng Chung Trả Báo (trích “Nhan Thị Gia Huân”)

Thời Bắc Tề có người bà con của một người giàu có được phong làm Phụng Triều Thỉnh, tính tình xa hoa truỵ lạc, thích ăn thịt trâu và thịt chó, bữa ăn nào cũng sát sanh. Khi anh ta hơn 30 tuổi, một hôm thấy bỗng nhiên một con trâu lớn chạy đến, toàn thân đau đớn như bị dao cắt, rồi gào lên phát cuồng mà chết.

Li bàn:Trong loài động vật có công với con người nhất, không động vật nào qua trâu chó. Ăn thịt những con vật tổn âm đức nhất, cũng không động vật nào qua trâu chó. Vậy mà người đời lại nhất định phải nếm mùi vị của chúng, là vì sao?

Không Ăn Thịt Trâu Chó, Được Đứng Đầu Thiên Hạ (trích “Quảng Từ Hội Yếu”)

Chu Chi Phiên ở Nam Kinh khi chưa đậu tiến sĩ, mộng thấy thần nói với mình: “Trạng nguyên năm nay đáng lẽ thuộc về Từ Hy Mạnh ở Trấn Giang, nhưng vì anh ta gần đây gian dâm với một cô gái, nên bị giáng cấp. Phía dưới đáng lẽ là lần lượt đến anh. Nhưng nhà anh ta ba đời không ăn thịt trâu, còn cha con nhà anh chưa bỏ ăn thịt trâu, nếu sám hối lỗi lầm, vẫn còn kịp”. Sau khi tỉnh dậy nói cho cha hay, cha anh ta không tin. Đêm đó, cha anh ta cũng mộng thấy như vậy, mới cảm thấy rất kinh ngạc, thề không ăn thịt trâu nữa. Năm đó, Chu Chi Phiên quả nhiên đỗ Đệ Nhất Danh (Trạng Nguyên), Từ Hy Mạng chỉ đỗ Đệ Lục Danh.

Li bàn: Có người nói: Trâu là động vật để cúng tế, chỉ có người có phước mới được ăn. Đọc câu chuyện này, liền ngậm miệng.

Quỷ Hiển Nghiệp Nhân (trích “Quan Cảm Lục”)

Vương Thư Lại ở Vô Tích, vào năm Đinh Dậu niên hiệu Thuận Trị (1657) vì chuyện thuế khoá, chết trong ngục ở Bắc Kinh. Mùa hạ năm Quý Mão (6 năm sau, năm 1663), Kim Hán Quang con trai Kim Thái Truyền ở Bắc Kinh trở về Tô Châu. Khi thuyền đi ngang qua nhà Trương Gia Loan, nghe trên bờ có người gọi, muốn đi thuyền, tự xưng là Vương Thư Lại ở Vô Tích. Dừng thuyền đợi anh ta, không thấy người đến, thuyền vừa chèo đi anh ta lại gọi. Hỏi han kỹ càng, Vương Thư Lại kể hết sự tình cho mọi người, mọi người trên thuyền đều rất sợ hãi. Hồn ma của Vương thư Lại nói: “Không sao, tôi ngồi ở góc thuyền cũng được”. Thuyền cập bến, giống như có người nhảy lên thuyền. Một lát, anh ta lại giậm chân la lớn, hỏi anh ta chuyện gì,anh ta nói: “Tôi bị rơi mất một cái túi nhỏ trên bờ, bên trong có sổ thuế đất, xin dừng thuyền lại cho tôi lên lấy”. Kim Hán Quang liền vâng theo. Thuyền đi ba ngày, hồn ma nói: “Tạm dừng thuyền một tí, ở đây đang thí thực, tôi muốn đi tham dự”.

Anh ta đi một lát rồi trở lại, nói: “hôm nay Bồ-tát Quán Thế Âm chủ trì đàn tràng, tôi ăn cơm không được, bởi vì sanh tiền tôi thích ăn thịt trâu”. Kim Hán Quang nói: “Trên đời có những chuyện lạ kỳ như vậy, tôi bình thường cũng thích ăn thịt trâu, bây giờ chắc phải bỏ hẳn thôi!” Một lát hồn ma Vương Thư Lại khóc ầm lên, hỏi, anh ta nói: “Giới đàn Bồ-tát trên trời đến rồi, tôi không dám lưu lại ở đây”. Kim Hán Quang liền dừng thuyền, hồn ma liền mất tăm vô tung tích.

Li bàn: Du-già Diệm Khẩu lấy diệu vị của Phật pháp, cứu khắp lục đạo chúng sanh, trên đến Thiên Long Bát bộ, dưới đến ba đường ác Địa ngục, Ngạ Quỷ, Súc Sanh, đều nằm trong phạm vi bố thí của Phật Bồ-tát. Làm gì có chuyện đàn tràng Bồ-tát chủ trì, không cho người thích ăn thịt trâu ăn. Hồn ma của anh chàng họ Vương nọ ăn không được, là nghiệp lực của chính mình biến hiện ra. Chúng sanh trong đường ngạ quỷ, trong trường kiếp lâu dài, không nghe tới danh tự nước, cho dù đi trên nước, nhìn xuống cũng chỉ thấy máu mủ, chẳng lẽ không phải do nghiệp lực khiến nó biến thành như vậy sao? Xưa kia Đại Mục-kiền-liên dùng thiên nhãn quan sát thế gian, thấy mẹ đoạ lạc trong đường ngạ quỷ, liền dùng bát đựng cơm mang cho mẹ. Mẹ ngài dùng tay trái bưng bát, tay mặt bốc cơm, cơm chưa đến miệng đã biến thành than lửa.

Đại Mục-kiền-liên khóc oà, về cầu Phật phương giải cứu. Phật nói: “Tội của mẹ ông rất nặng, không phải sức của một mình ông mà mong cứu được, cho dù hiếu tâm của ông động tới trời, nhưng trời đất quỷ thần cũng đành chịu. Cần phải nhờ sức oai thần của tăng chúng mười phương, mới được giải thoát. Đại Mục-kiền-liên liền mở pháp hội lớn, cúng dường tăng chúng. Mẹ ngài ngay ngày hôm đó được thoát khổ ngạ quỷ. Từ thí dụ này, thì hồn ma của họ Vương ăn không được, chẳng lẽ không phải do nghiệp lực của chính mình chiêu cảm hay sao? Có thể có người nói: “Đã như vậy, thì cúng thí phần nhiều chẳng ích gì”. Trả lời: “Chúng sanh và Phật, chia làm hai loại hữu duyên và vô duyên, chúng sanh hữu duyên liền được ân trạch. Không được lợi ích, là vô tình không có duyên phận với Phật pháp, không nên chấp nhất.

Đùa Khinh Bồ-tát, Gặt Lấy Tai Ương (trích “Hiện Quả Tuỳ Lục”)

Huyện Ma Thành, Hồ bắc có hai cử nhân, một tin Phật, một lại huỷ báng Phật, cùng đọc sách trong Địa Tạng Điện. Có một người bưng thịt chó đến, người tin Phật khoát tay đuổi đi, không cho vào, còn vội vàng trốn sau cánh cửa. Người huỷ báng Phật pháp nói: “Tôi theo Nho gia, không biết Phật gia, Đạo gia gì cả”. Anh ta leo lên bảo toà của Bồ-tát, đùa bỡn như đang đút thịt cho Bồ-tát. Anh ta vừa đưa đũa lên, thì cảm thấy có ai đó quơ cho một cái, rơi xuống đất chết lập tức. Không lâu sau, người nấp sau cánh cũng hôn mê, thấy người huỷ báng Phật pháp ấy chịu đủ các thứ hình phạt, cổ bị đeo gông lửa, toàn thân bị thiêu cháy. Diêm vương nói cử nhân tin Phật: “Ngươi có tín tâm với Phật pháp, đáng lẽ không đến đây. Nguyên nhân để ngươi đến, là mong ngươi thấy nỗi thống khổ của anh ta thọ, trở về truyền đạt nhắc nhở người đời”. Cho anh ta hồi dương, liền tỉnh lại.

Li bàn: Bồ-tát Địa Tạng phát đại hoằng thệ nguyện ở cõi Ta-bà: Nếu có một chúng sanh chưa ra khỏi khổ luân hồi của sáu đường, thì giống như chính mình đã đẩy họ xuống rãnh. Thế tôn giảng kinh ở cung trời Đao-lợi, khen ngài Địa Tạng Bồ- tát rằng: “Cho dù tất cả chư Phật mười phương thế giới, khen ngợi công đức của ông, trải qua ngàn vạn đại kiếp cũng không thể nói hết”.

Lại nói: “Nếu người trời phước báo đã hết, khi sắp mạng chung, năm tướng suy hiện ra, phải đoạ trong tam ác đạo. Lúc này thấy hình tượng của Địa Tạng Bồ- tát, với tâm cung kính chiêm ngưỡng lễ bái, thiên thần này liền được tăng phước trời, không bị đọa lạc tam ác đạo nữa”. Nếu chúng sanh chuyên tâm trọn đời cúng dường Bồ-tát Địa Tạng, tương lai đời đời kiếp kiếp được hưởng quả báo khoái lạc cõi trời. Cho dù phước trời hết, sanh làm người, cũng được sanh làm quốc vương trong trăm ngàn vạn kiếp”. Ôi! Bồ-tát Địa Tạng có sức thần lực không thể nghĩ bàn như thế, tiếng tăm chấn động hằng hà sa cõi Phật, oai đức nhiếp thọ vạn ức chư thiên thần. Tất cả chúng sanh, nghe đến danh hiệu của Bồ-tát Địa Tạng, thấy tượng của Bồ-tát Địa Tạng, đều được phước báo thù thắng. Có người ngược lại, lấy thân phận phàm phu ngu si, dùng kiến giải sai lầm của mình, ngạo mạn chế giễu huỷ báng.

Những hành vi như vậy có khác gì so sánh lửa đom đóm với mặt trời, cánh ruồi muốn chặn đứng hư không? Cũng không tự biết phân lượng của mình!

Khuyên Người Đời Chớ Ăn Cóc Nhái Tôm Cua

Người đời nghe đến sự thống khổ ở địa ngục, cho rằng là hư nguỵ khó tin, không thực tế; nhưng đâu biết cảnh người đời nướng cua, kỳ thực cũng là cảnh địa ngục Phất thang, chẳng qua tập quen thành thói thấy thường nên không nhận thấy. Khi củi bắt lửa, ngọn lửa bốc lên, nồi bắt đầu nóng lên, lúc này những con cua trong nồi sợ hãi kinh hoàng, toàn thân nóng rực khó chịu. Lát sau càng nóng, thế là đều bò lui bò tới quanh nồi, con nào cũng muốn thoát ra. Lát sau càng nóng hơn nữa, thế là dẫm đạp lên nhau, tâm thần hoảng loạn, ý thức hôn mê. Lúc này, nổi trên mặt nước, đau đớn khó chịu; chìm dưới mặt nước, đau đớn khó chịu; đè lên nhau, đau đớn khó chịu. Thêm một lát nữa, nước trong nồi sôi cuồn cuộn vây quanh toàn thân. Nước sôi vào mắt, như cây đinh sắt nung đỏ đâm vào mắt; nước sôi đi vào cơ thể từ phía sau lưng, giống như nước đồng sôi đổ lên thân, cứ như vậy chịu vô lượng đau khổ rồi oán hận mà chết, toàn thân biến thành màu hồng.

Ôi! Chúng sanh chẳng qua chỉ vì miếng ngon trước mắt, mà lại tạo biết bao ác nghiệp, mang đến chướng ngại cho mình. Nếu lấy con mắt của Phật Bồ-tát mà nhìn, thì người ăn thịt cua và con cua, vô thỉ đến nay đã từng là cha mẹ, anh em, lục thân quyến thuộc của nhau. Chỉ vì luân hồi chuyển kiếp, thay đầu đổi mặt, không nhận ra nhau. Vì duyên cớ này tạo ác nghiệp qua lại, giết hại qua lại, cho đến báo phục oán hận qua lại không có lúc dừng. Do đó tôi khuyên khắp đại chúng, nên phát tâm từ, trước cố gắng tu đạo nhân ái khoan dung, đây kia hỗ tương làm gương để quan sát, thì tâm ham ăn sẽ chuyển hoá thành tâm từ bi.

Sinh Bình Giết Cua, Chết Vào Núi Cua (trích “Nam Dương Quảng Ký”)

Thầy thuốc Sa Trợ Giáo ở Hồ Châu, Chiết Giang, mẹ ông rất thích ăn cua, sát hại vô số. Năm thứ 17 niên hiệu Thiệu Hưng nhà Tống (1147), lão thái thái mắc trọng bệnh mà chết. Sau đứa cháu của bà thấy bà đứng ngoài cửa, toàn thân đầy máu. Bà nói với đứa cháu: “Bà do cả đời giết cua rất nhiều, nên nay chịu khổ báo trong núi cua. Mau nói với cha cháu, tu phước siêu tiến cho bà”. Nói xong liềnbiến mất.

Li bàn: Những người làm món cua nhồi, mang con cua đang sống móc ruột, nhét hoa tiêu xào nóng và muối vào, nỗi thống khổ ấy quả thật khó mà hình dung. Quả báo núi cua, là do sức mạnh ác nghiệp của chính mình chiêu cảm. Chúng ta quan sát con cua bò ngang trên đất, biết đời trước của nó chắc chắn làm những việc bất chánh; sợi dây bị buộc trên lưng, biết đời trước của nó chắc chắn bị tham ái, dục vọng trói buộc, không thể giải thoát phiền não. Đây chính là câu “muốn biết nhân đời trước, nhìn kết quả hôm nay” mà Phật nói.

Ếch Thay Lời Kêu Oan (xem “Hiện Quả Lục”)

Vương Đồng Tri người Tô Châu, một hôm ở Cú Dung, bỗng thấy một bầy ếch nhảy loạn xạ trước mặt. Vương Đồng Tri nói với chúng rằng: “Nếu chúng bay quả thật có oan uổng, hãy chỉ chỗ cho ta”. Bầy ếch liền tụ tập tại một nơi. Vương Đồng Tri cho người khai quật, phát hiện một xác chết, trong miệng nhét một cây roi da, trên cán có tên người đánh xe. Anh ta đến Đơn Dương, vừa hỏi thăm liền bắt được. Vốn là một thương nhân mua ếch phóng sanh, không cẩn thận để tiền rơi ra, người đánh xe tham mà giết, liền phán quyết anh ta lập tức đền mạng. Người Giang Tô nhân đó gọi Vương Đồng Tri là “Điền Kê Vương” (Vương Ếch).

Li bàn: người giết Ếch, phải chịu thống khổ của tám địa ngục nhỏ; người giết ếch, tạo nghiệp nhân tám địa ngục nhỏ. Thí dụ như khi ếch bị giết, trước chặt đầu, đây là địa ngục thứ nhất, địa ngục chặt đầu. Sau khi chặt đầu, kế đến là lột da, đây là địa ngục thứ hai, địa ngục lột da. Chặt bốn chân của nó, đây là địa ngục thứ ba, địa ngục chặt chân. Moi tim gan tỳ phế, đây là địa ngục thứ tư, địa ngục moi ruột. Ướp gia vị, đây là địa ngục thứ năm, địa ngục ướp muối. Bỏ vào nồi nấu, đây là địa ngục thứ sáu, địa ngục dầu sôi. Ăn uống nhồm nhoàm, đây là địa ngục thứ bảy, địa ngục cối giã. Nuốt xuống dạ dày, đây là địa ngục thứ tám, địa ngục phẩn uế. Do đó có thể biết, giết ếch để bán, bốn nghiệp địa ngục đầu là tự mình làm; bốn nghiệp địa ngục sau là sai bảo người làm. Người mua thịt ếch ăn, bốn nghiệp địa ngục sau là tự mình làm; bốn nghiệp địa ngục trước là bảo người làm. Người giết ếch ăn, tám nghiệp địa ngục đều là tự mình làm. Nếu mình không làm, cũng không ăn, nhưng phụ hoạ theo, tám nghiệp địa ngục đều là bảo người làm. Quán tưởng được như thế, mới thấy giữa mắt thấy tai nghe, nói năng hành động, không một động tác nào là không tạo tội. Và cõi Ta-bà, quả thật là cõi năm trược thạnh vượng, ô uế bất tịnh, khó sống!