An Sĩ Toàn Thư – Tập 46 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 06)

Khuyên Người Cầu Sống Lâu (dưới đây nói tật bệnh không nên sát sanh)

Người ta ai cũng ham sống, sợ chết, thì phải biết tránh ác làm lành. Con người và động vật cũng bẩm thọ sinh khí của trời đất, chúng ta biết thương yêu động vật trời sinh, thì trời cũng sẽ yêu thương chúng ta. Ta mong muốn động vật không chết, thì động vật cũng muốn ta không chết. Con người từ nhỏ đến lớn, từ lớn đến già, lúc nào cũng đang sát sanh. Trẻ con vừa mới sanh ra, ăn mừng sát sanh; đầy tháng, lại sát sanh; thôi nôi, lại sát sanh. Lớn lên chút ít, đi học, có khi chiêu đãi thầy giáo mà sát sanh. Rồi đính hôn, kết hôn, lại sát sanh. Con trai lại sanh con trai, con trai của con trai lại đầy tháng, thôi nôi, rồi đi học, đính hôn, kết hôn, xoay đi chuyển lại không lần nào không sát sanh. Gia đình có con gái, con gái lấy chồng phải sát sanh. Những gia đình tín ngưỡng thần thánh, vì cúng bái quỷ thần phải sát sanh. Hào phóng hiếu khách, vì đãi khách khứa phải sát sanh. Thân thể bệnh tật hoặc thích ăn ngon, vì ba tấc lưỡi mà sát sanh. Thêm nữa đi đường vô tình dẫm đạp, cày bừa giết hại chúng sanh, vui theo người giết, khen ngợi người giết, cứ như vậy tích luỹ một đời, không biết bao nhiêu sanh mạng chết vì ta. Cầu sống lâu bằng cách này, có được sống lâu không? Do đó tôi khuyên khắp mọi người, muốn cầu sống lâu, trước phải nên giữ giới bất sát. Chỉ cần giữ được giớinày, thì tuổi thọ ắt được kéo dài.

Cứu Kiến Được Kéo Dài Tuổi Thọ (xem “Kinh Luật Dị Tướng”)

Lúc Phật còn tại thế, có một Tỳ-khưu chứng quả, có lục thông, biết chú đệ tử Sa-di thị giả của mình sau bảy ngày sẽ yểu mạng. Do đó cho chú về quê thăm nhà, và dặn dò rằng: “sau tám ngày hãy trở lại.” Mục đích là để chú mất tại nhà.

Chú Sa-di ở nhà đến tám ngày, liền trở về lại với thầy. Thầy Tỳ-khưu thấy lạ, liền nhập định coi ngọn nguồn. Thì ra trên đường về nhà, chú Sa-di thấy đàn kiến bị nước cuốn trôi, hàng vạn chú kiến đang chới với trên mặt nước, chú lập tức cởi áo ném xuống cho kiến bò bám vào áo, chú kéo áo lên bờ. Nhờ công đức đó, chú không bị yểu mạng, ngược lại rất thọ sau này. Chú sống đến 80 tuổi, và chứng quả A-la-hán.

Li bàn: Trong kinh Phật nói: “Nếu người nào không sát hại sanh mạng, sẽ được quả báo trường thọ”.

Cứu Cá Được Khỏi Bị Cõi Âm Bắt (trích “Pháp Uyển Châu Lâm”)

Mùa xuân niên hiệu Trinh Quán năm thứ 6 nhà Đường (632), Mã Gia Vận ở Nguỵ Quận, bỗng thấy hai người cưỡi ngựa đến đón anh ta, liền ngã lăn ra đất chết. Đi bái kiến chủ nhân, là Đông Hải Công, muốn mời anh đảm nhiệm chức Ký Thất, Mã Gia Vận thấy học vấn của mình thiển lậu nên từ chối. Đông Hải Công nhiều lần mời mọc, anh ta liền tiến cử Trần Tử Lương thay thế, Mã Gia Vận do đó được sống lại; Trần Tử Lương đột nhiên chết. Một ngày nọ, Mã Gia Vận đang đi với một người bạn, người bạn bỗng nhìn lên với vẻ rất sợ hãi. Mã Gia Vận hỏi, anh ta nói: “Tôi thấy sứ giả của Đông Hải Công sắp đến Ích Châu truy bắt người. Anh ta nói Trần Tử Lương cực lực tố cáo anh, anh hình như không khỏi bị bắt. Nhờ anh lúc ở Tứ Xuyên, thấy cá trong hồ sắp bị bắt, liền bỏ tiền ra cứu, nên được khỏi bị bắt”. Sau Mã Gia Vận làm quan đến bác sĩ Quốc Tử Giám.

Li bàn: Lúc bấy giờ Đường Thái Tông đang ở Cửu Thành Cung, nghe chuyện này, liền ra lệnh cho trung thư thị lang Sầm Văn Bổn đi hỏi thăm Mã Gia Vận, nên biết rõ sự việc.

Giới Sát Khỏi Bị Hồn Bắt (xem “Trúc Song Tuỳ Bút”)

Trong “Trúc Song Tuỳ Bút” của đại sư Liên Trì có ghi: “một người họ Triệu ở Hoa Đình huyện Tùng Giang, tỉnh Giang Tô, đến Thanh Phố thăm bà con. Trên thuyền đi, bỗng thấy một người đứng trên thuyền, nhìn kỹ, lại là một hồn ma của một người hầu đã chết. Họ Triệu kinh sợ hỏi hồn ma đến đây làm gì, hồn ma trả lời: “tôi được minh ty sai, hôm nay đến đây bắt ba người.” Họ Triệu hỏi ba người đó là ai, hồn ma trả lời: “một người là người Hồ Quảng, một người là người thân của ông đang đi thăm.” Họ Triệu hỏi người thứ ba là ai, nhưng hồn ma không nói. Họ Triệu lo lắng hỏi: “chẳng lẽ họ Triệu tôi sao?” Hồn ma gật đầu nói: “chính ông.” Họ Triệu kinh sợ vô cùng, nhưng hồn ma an ủi nói: “Ông chớ sợ, đến nửa đêm nếu tôi không tới, thì coi như thoát nạn.” Họ Triệu hỏi vì sao, hồn ma nói: “trên đường đi, tôi thấy có người giải trừ nguy ách cho ông, vì thường ngày cả nhà ông giới sát ăn chay.”

Khi họ Triệu lên bờ đến cổng nhà bà con, đã nghe tiếng khóc từ trong nhà vọng ra, họ Triệu lại càng sợ, lập tức lên thuyền về nhà, đợi đến nửa đêm, hồn ma quả nhiên không đến, họ Triệu bình an vô sự, đến nay vẫn còn khoẻ mạnh, đã hơn mười năm rồi. Chuyện xảy ra vào tháng bảy năm Bính Ngọ niên hiệu Vạn Lịch nhà Thanh.

Li bàn: Đây chính là câu “thần linh sẽ bảo hộ anh ta” mà trong “Thái Thượng Cảm Ứng Thiên” nói.

Bỏ Tàn Bạo, Thọ Đến Một Trăm (xem “Cảm Ứng Thiên Đồ Thuyết”)

Tiêu Chấn, quan Thừa huyện Ôn Châu tỉnh Chiết Giang, lúc thiếu niên, mộng thấy thần nói với ông ta rằng: “tuổi thọ của con, chỉ có sống đến 18 tuổi.” Sau, cha của Tiêu Chấn phụng mệnh đến Tứ Xuyên làm tổng soái. Tiêu Chấn cảm niệm thân mạng vô thường, không muốn đi theo, nhưng cha bắt buộc đi theo.

Đến Tứ Xuyên, chủ soái thiết yến tiệc khoản đãi tướng sĩ, khi rượu qua ba tuần, theo lệ phải dâng lên một món gọi là “ngọc trước canh”. Cách làm món ăn này, là trước tiên đốt đỏ đôi đũa sắt, sau đó đâm vào vú sữa con bò mẹ, sữa liền chảy ra ngưng kết trên đũa, lấy đó làm gia vị nêm nếm. Tiêu Chấn tình cờ đi vào nhà bếp, thấy rất nhiều bò mẹ đang bị cột, thấy lạ, hỏi biết nguyên do, thất kinh, nghĩ: “con người nhất thời chỉ vì cái miệng, mà hành động tàn khốc như thế!” Liền lập tức đi bẩm báo cho cha, để tránh bò mẹ phải chịu hành động tàn khốc này, đồng thời xin hạ lệnh vĩnh viễn cấm món ăn này.

Không lâu sau, Tiêu Chấn lại mộng thấy thần nói với anh ta: “tâm địa con nhân từ, đã làm một âm đức lớn, không những tránh khỏi yểu mạng, mà còn phúc thọ trăm năm.”

Về sau, Tiêu Chấn quảnhiên sống đến hơn 90 tuổi, không bệnh mà chết.

Li bàn: Một miếng thịt đã có thể kéo dài tuổi thọ, thì một miếng thịt cũng có thể cắt giảm tuổi thọ.

Khuyên Thầy Thuốc, Không Nên Giết Hại Mạng Sống Làm Thuốc

Y thuật được coi là quý, là nhờ nó có công đức cứu người. Tuy nhiên, thuốc chỉ có thể trị bệnh mà không thể trị thọ mạng. Nếu giết hại sanh mạng để bào chế thuốc, không những khiến cho bệnh nhân kết thêm oan trái, mà còn chính mình phải chịu quả báo khổ trong tương lai. Vì sao? Tham sống sợ chết, người vật như nhau. Giết một sanh mạng để cứu một sanh mạng, người có lòng từ bi còn không làm, huống hồ không chỉ một sanh mạng? Huống hồ chưa chắc đã cứu sống được? Nếu nói người bệnh nguy kịch, mình không nỡ khoanh tay đứng nhìn, nên dùng pháp môn niệm Phật khuyên họ, khiến họ vĩnh viễn thoát khỏi sanh tử luân hồi, cứu độ như thế, lợi ích không phải càng lớn sao? Phần đông, khi có bệnh, người ta dễ nghe theo, bình thường tuy bài xích, bất bình đối với Phật pháp, nhưng đến lúc này cũng sẽ hoá giải tiêu trừ. Nhân cơ hội này khuyến hoá dẫn dắt người bệnh niệm Phật, mới là phương thuốc tốt nhất.

Sửa Bản Thảo Chuộc Tội (xem “Lương Thư”)

Đào Hoằng Cảnh thời Nam Triều, tự Thông Minh, mẹ họ Hoắc, mộng thấy thần mang lư hương đến nhà, sau đó sanh Đào Hoằng Cảnh. Thời Lưu Tống Mạt Niên làm chức Thị Độc (dạy học cho vương tử), vào những năm niên hiệu Vĩnh Minh Tề Vũ Đế, ông cởi áo quan treo ở Thần Võ Môn cửa Tây hoàng cung, từ quan ẩn cư ở động Hoa Dương, núi Cú Khúc. Ông là bạn cũ của Lương Võ Đế, quốc gia đại sự, Lương Võ Đế đều đi bái phỏng ông, nghe ý kiến của ông, được người đời xưng là tể tướng núi rừng. Hoàn Khải đệ tử ông sau khi thành tiên bay lên trời, một hôm bí mật giáng lâm xuống chỗ ông ở, nói với ông rằng: “Bản Thảo của tiên sinh sửa chữa, dùng đỉa, ruồi muỗi làm thuốc, tuy có ích cho người, nhưng sát hại sanh mạng động vật, thượng đế vì vậy khiển trách ông”. Đào Hoằng Cảnh vội vàng sám hối, bèn dùng những dược vật khác có thể thay thế, ngoài ra còn trước tác ba quyển “Bản Thảo” bù vào lỗi của mình, còn đến trước tháp xá-lợi chùa A-dục Vương ở huyện Mậu tiếp thọ năm giới. Ông từng mộng thấy Phật thọ ký cho ông, tên là Thắng Lực Bồ-tát. Khi Đào Hoằng Cảnh lâm chung dùng ca-sa che thân, ra đi rất nhẹ nhàng.

Li bàn: Giết vật cứu người, tợ hồ như không lỗi đạo, nhưng vẫn bị trời khiển trách, quả là đáng sợ!

Khuyên Người Đời Chớ Đánh Rắn Mà Kết Oán Mới (dưới đây nói việc nhỏ cũng không nên sát sanh)

Người thế gian đều nói rắn có thể cắn chết người, phải giết chúng. Thậm chí có người nói, đánh rắn nếu đánh không chết, sẽ để lại hoạ hoạn cho người sau. Nhưng đâu mấy ai nghĩ tới, đánh rắn không đánh chết, nó còn báo thù; nếu đánh chết, oán hận của nó không phải càng sâu hơn sao? Tiếc rằng phạm vi cái thấy của người thế gian quá nhỏ hẹp, chỉ biết đời nay, mà không biết có đời sau, nên mới có cách nghĩ tuyệt diệt, không vô này. Lại huống hồ rắn làm hại ta nhất định có nguyên nhân đời trước, nếu không có nghiệp nhân đời trước, nó chắc chắn sẽ không hại ta, cần gì phải dự liệu trước nó sẽ hại ta mà giết nó. Cho dù nó muốn hại ta, ta cũng không nên hại nó. Vì sao? Vì đời trước ta hại nó mà nó đến báo phục, nếu ta lại giết chết nó, thì là oán thù đời trước chưa trả, lại kết thêm oán hận đời nay, để lại hoạ hoạn bị báo thù hai đời. Người đời sao không suy xét?

Đốt Chết Rắn, Tông Tộc Diệt Vong (xem “Hiếu Sinh Lục”)

Phương Hiếu Nhụ triều nhà Minh, cha ông khi chuẩn bị lo hậu sự thì mộng thấy một ông lão mặc áo đỏ xá ông nói: “Chỗ cái huyệt của ông, chính là chỗ ở của chúng tôi. Xin ông thư thả cho ba ngày, đợi con cháu tôi dọn đi hết, sau tôi nhất định sẽ báo đáp ông”. Nói xong lại lạy ông mấy lạy. Cha Phương Hiếu Nhụ tỉnh dậy không tin, vẫn cho người đào mộ, bên trong có mấy trăm con rắn đỏ, đều đốt chết hết. Đêm đó lại mộng thấy ông già khóc nói: “Tôi đã chí thành khẩn thiết xin ông, vì sao ông lại làm cho 800 con cháu tôi chết trong lửa đỏ? Ông đã tuyệt diệt gia tộc của tôi, tôi cũng sẽ tuyệt diệt gia tộc của ông”. Sau sanh Phương Hiếu Nhụ, lưỡi anh ta giống như lưỡi rắn. Phương Hiếu Nhụ làm quan đến Hàn Lâm Học sĩ, do chọc giận Minh Thành Tổ, Minh Thành Tổ đã hạ lệnh tịch thu và tru di thập tộc. Tính số người bị giết vì chuyện đó, khớp với số rắn bị giết.

Li bàn: Phật nói: con cái vì ba nhân duyên mà sanh vào nhà mình: một là đến đòi nợ, hai là đến trả nợ, ba là oan gia đối đầu. Người đời chỉ biết, những kẻ thích bài bạc hút chích, tiêu xài phung phí tán gia bại sản là oan gia đối đầu; đâu biết quyền uy thế lực hơn người, mang tai hoạ cho đến cả gia tộc, cũng là oan gia đối đầu. Người đời chỉ biết thiếu thể diện, làm cho người thân bị sỉ nhục, là oan gia đối đầu; đâu biết những người xây dựng sự nghiệp, làm rạng tổ tông, hậu thế ngàn đời hưởng thọ tế tự, cũng là oan gia đối đầu. Người đời tranh đoạt tài sản, đều là để cho con cháu, nhưng nếu nghĩ đến kết quả sau này, tuy là hiện tại con cái vây quanh, lại có ích gì? Một đời làm lụng vất vả, chỉ là tự tìm khổ não mà thôi! Cho nên lấy cắp vật nhà người, người lại đầu thai làm con để phá tán. Người đời ngày ngày sống trong điên đảo mê hoặc, ngày ngày trói mình trong lợi hại được mất, trường kỳ trần luân đoạ lạc mà không giác ngộ, thật là đáng sợ!

Chết Đoạ Thân Rắn, Sám Hối Được Độ (trích “Trúc Song Tuỳ Bút”)

Con gái cư sĩ Tào Lỗ Xuyên ở Tô Châu, gả cho nhà họ Văn, có một con rắn đuổi theo con chim bồ câu vào nhà, người nhà đánh chết con rắn. Qua mấy ngày sau, rắn nhập vào con gái Tào Lỗ Xuyên nói tiếng người rằng: “Ta ngày xưa là thái thú Kinh Châu, Hầu Cảnh làm phản, đuổi theo ta, ta chết trận bên bờ sông. Cha mẹ vợ con ta không biết có bình an không?” Lỗ Xuyên kinh ngạc nói: “Hầu cảnh là người thời Lục Triều, hiện tại đã trải qua Trần, Tuỳ, Đường, Tống, Nguyên và đến triều Minh rồi”. Hồn ma mới giác ngộ được đã chết rất lâu, bèn nói: “Tôi đã làm thân rắn, bị đánh chết cũng không oán hận, chỉ cần các người lạy cho một bộ “Lương Hoàng Sám”, tôi sẽ đi ngay”. Lạy sám hoàn tất, hồn ma đòi cơm chay, lại mở một đàn cúng cô hồn. Hôm sau, con gái Tào Lỗ Xuyên liền tỉnh lại, bình thường trở lại.

Li bàn: Đời người ở thế gian, sanh tử luân hồi, qua lại, giống như hít thở, chốc vào bào thai, chốc lại xuất thai; chốc vào, chốc ra vô cùng tận. Sanh, không biết từ đâu đến; chết, cũng không biết đi về đâu, mê mê mờ mờ, thiên sinh vạn kiếp đều không biết. Chốc sanh lên trời, chốc xuống địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chốc lên chốc xuống, chìm chìm nổi nổi, trăm kiếp ngàn đời cũng không biết. Ngày xưa trưởng giả Tu-đạt xây tinh xá cho Phật, Phật thấy trùng kiến trên đất, nói với Tu-đạt: “Tổ kiến này từ thời Phật Tỳ-bà-thi ra đời đến nay, hiện tại đã trải qua bảy đời Phật, chúng vẫn còn đoạ lạc làm thân kiến”. Một vị Phật xuất hiện ở đời, phải trải qua thời gian rất dài, huống hồ là bảy vị Phật? Sau Phật Thích-ca Mâu-ni, phải trải qua 1720 vạn năm Phật Di-lặc mới từ cung trời Đâu-suất giáng sanh thành Phật, không biết tổ kiến này có thoát thân kiến hay không? Từ thí dụ này mà nhìn, con rắn này từ thời Nam Bắc Triều đến nay, hơn 1100 năm đã giải thoát được thân rắn, cũng không gọi là quá chậm.

Ôi! Chịu báo sanh tử luân hồi như vậy mà không biết cầu sanh Tây phương Tịnh độ, vĩnh viễn ra khỏi sáu đường, thì có khác gì súc sanh một đời trôi qua vô ích?

Khuyên Dứt Nuôi Cá Vàng, Dế Mèn Đấu Nhau

Kinh Chánh Pháp Niệm Xứ nói: “Đời người ngắn ngủi, như tiếng vỗ tay, nháy mắt đã qua đời khác. Vợ con tài sản, toàn bộ đều phải để lại. Chỉ có các nghiệp thiện ác, luôn theo bên ta, như bóng theo hình”. Do đó có thể biết, chim cá tuy vui mắt, nhưng rốt cuộc chẳng chút lợi ích gì, chỉ có vì việc này mà tạo nghiệp sát dài dài. Tội gì vì hai con mắt mà đời đời kiếp kiếp kết oán cừu, vay trả mãi!

Bắt Trùng Nuôi Cá Vàng, Chết Thọ Khổ Báo (xem “Hiếu sinh Lục”)

Thời Minh mạt, Tiết Tử Lan ở Vô Tích thích nuôi cá vàng, thường bắt trùng đỏ cho cá ăn, trùng đỏ bị giết nhiều không thể tính đếm. Sau anh ta mắc một loại bệnh kỳ quái, gãi khắp người, rồi ném vứt. Anh ta nói: “Có vô số con trùng đỏ bò khắp trên thân”. Sau đau đớn không chịu nổi, lở loét toàn thân rồi chết.

Li bàn: Bạch Khởi một đêm chôn sống 40 vạn lính nước Triệu đầu hàng; Hạng Vũ một đêm chôn sống 20 vạn lính nước Tần; Trương Hiến Trung ở Tứ Xuyên, chỉ chặt chân tay của người mà chất cao như núi. Lúc ấy chúng sanh máu huyết lẫn lộn, chất đống thối rữa, có khác gì trùng đỏ? Ôi! Những người chết trong chiến tranh, đời trước chắc chắn đã tạo nghiệp nhân này; những người hiện tại nuôi động vật mà sát hại những sanh mạng khác, tương lai chắc chắn mắc những quả báo tương ứng. Do đó Phật nói: Bồ-tát sợ nhân, chúng sanh sợ quả.

Thích Đấu Dế, Bị Mụn Độc

Thời Minh mạt, một người họ Trương nọ ở Hàng Châu Thích đấu dế, con dế nào thua, anh ta ngắt đầu vứt. Về sau, sau lưng họ Trương mọc mụn độc, có tới mấy trăm cái mụn lở loét, giống như đầu dế, đụng vào là đau tận xương tuỷ, họ Trương chết trong tiếng gào la thê thảm.

Li bàn: Người đời tạo nghiệp thiện ác, căn bản từ nơi sáu căn, chỉ cần một giác quan hoạt động, là năm giác quan kia phát động qua lại. Thí như việc nuôi dế, vốn là để mắt hưởng thụ, nhưng khi lắng nghe tiếng dế để bắt, thì là nhĩ căn tạo nghiệp; dùng tay ra lệnh cho dế đánh nhau, là thân tạo nghiệp; tính toán hơn thua, là ý căn tạo nghiệp; cá độ, uống rượu, là tỷ căn và thiệt căn tạo nghiệp.

Câu “sáu căn tạo nghiệp thọ báo qua lại”, chính là nói tình huống này.

Khuyên Yêu Thương Trùng Kiến, Chớ Cho Việc Lành Nhỏ Mà Không Làm

Người tích đức hạnh, giống như con cháu chấn hưng gia nghiệp, tợ hồ không thấy sự tiến ích của chúng. Song, tích luỹ ngày này qua tháng nọ, tự nhiên trở nên giàu có; người mất đức, giống như con cháu làm cho gia nghiệp lụn bại, tợ hồ không thấy có tổn thất gì, song, tiêu hao tổn giảm tháng này qua năm khác, một ngày sẽ trắng tay. Do đó người xưa nói: Chớ cho việc thiện nhỏ mà không làm.

Cứu Kiến chúa, Trả Báo Thoát Nạn (xem “Cổ Sử Đàm Uyển”)

Đổng Chiêu Chi ở Phú Dương, Ngô Quận qua sông Tiền Đường, thấy một con kiến bu trên cọng lau trên sông. Đổng Chiêu Chi muốn vớt kiến lên thuyền, mọi người đều không đồng ý. Đổng Chiêu Chi bèn lấy dây buộc cọng lau sau thuyền, kiến nhờ đó được cứu. Tối anh ta mộng thấy một người mặc áo đen cảm tạ rằng: “Tôi là kiến chúa, bất cẩn rơi xuống sông, may nhờ được tiên sinh cứu. Sau này nếu có gặp nạn, xin hãy báo cho tôi”. Mười mấy năm sau, Đổng Chiêu Chi bị đạo tặc vu cáo và bị bắt vào ngục, liền nhớ tới lời kiến chúa nói trong mộng năm xưa, muốn báo cho kiến chúa nhưng không biết báo bằng cách nào. Có một người nói: “sao anh không bắt hai ba con kiến, bỏ trên tay nói cho chúng?” Đổng Chiêu Chi làm theo, tối quả nhiên mộng thấy người mặc áo đen nói: “Nhanh chạy vào núi Dư Hàng, có thể thoát nạn”. Tỉnh dậy, Đổng Chiêu Chi liền trốn đến núi Dư Hàng, sau gặp đại xá mà được khỏi tội.

Li bàn: Đừng cho rằng kiến báo ân là chuyện hoang đường, côn trùng thường có những chuyện không thể lý giải được. Ngày xưa vua Phù Kiên nước Tần cùng hai người Vương Mãnh và Phù Dung bí mật bàn chuyện đại xá ở Linh Đài, vừa mới hoạch định bản thảo, bỗng một con ruồi rất lớn bay đến đậu nơi ngòi bút, âm thanh rất lớn.

Không lâu trong nước khắp nơi đều truyền ra tin tức sắp đại xá, Phù Kiên nghĩ ngoài hai người kia ra, không ai hay biết chuyện này, do đó tra vấn quan lại vì sao mà biết. Quan viên tâu rằng: “Hôm kia trên đường gặp một đứa trẻ mặc áo đen, thân cao 3 xích, loan báo khắp nơi rằng: “Triều đình sắp có đại xá, triều đình sắp có đại xá”. Nói xong liền biến mất. Phù Kiên mới tỉnh ngộ chính là con ruồi lúc đó. Thế giới rộng lớn, có gì là không thể xảy ra? Kiến chúa báo ân đức cứu mạng, cũng không có gì là đáng kinh ngạc!

Khuyên Người Đi Săn (dưới đây nói kinh doanh không nên sát sanh)

Phật nói: làm người niệm niệm nhân ái từ bi, tu thiện tích đức, chính là tạo phước trời người cho tương lai; niệm niệm đều nghĩ đến sát sanh ăn thịt, chính là tạo nghiệp địa ngục cho tương lai. Người thợ săn từ sáng đến tối, thấy chim là muốn bắn, thấy thú là muốn bắt, không lúc nào là không có niệm sát sanh. Cho nên oan gia đối đầu liên miên không dứt, sát hại nhau qua lại mãi, khiến cho trăm ngàn đại kiếp luân hồi khổ ải, không có ngày ra.Những người giết hại sanh mạng chúng sanh tuỳ tiện như cỏ rác, sao không suy nghĩ?

Từ Điểu Cảm Động Lòng Người (xem “Hậu Hán Thư”)

Danh tướng Đặng Chi thời Tam Quốc chinh phạt Phù Lăng (năm 284), thấy một con chim đang mớm mồi cho con, bắn một mũi tên nhưng không trúng. Chim mẹ vì có chim con bên cạnh, không bỏ con mà bay. Đặng Chi lại bắn một phát nữa, trúng, chim mẹ vẫn mang mũi tên trên mình cho con ăn, lại gắp thức ăn để bên cạnh, chíp chíp kêu các con tự lấy ăn, cứ như vậy kêu chíp chíp đau thương rồi chết, các con chim non cũng kêu bi thương không ngừng. Đặng Chi rất hối hận, nói: “Ta làm trái thiên tính của động vật, e sắp phải chết rồi”. Không lâu sau, quả nhiên bị Chung Hội hãm hại mà chết.

Li bàn: Người đời thê thảm nhất, là lúc mẹ hiền nguy kịch sắp mất, gọi con nhỏ đến bên giường bệnh, nắm tay con nhỏ mà từ biệt. Dặn đi dặn lại, miệng nghẹn ngào không nói ra lời, gan ruột đứt từng đoạn; bịn rịn lưu luyến không rời, giờ phút ngắn ngủi mà khóc như mưa. Đã sợ người khác ngược đãi, lại lo lắng mẹ ghẻ đánh đập mắng chửi.

Thấy dáng con cái bơ vơ lẻ loi, linh hồn do đó mà đau thương vô cùng; nghe tiếng con khóc, tâm can như bị cắt từng đoạn. Sự thê thảm cùng cực này của cõi nhân gian, đều do nghiệp nhân đời trước chiêu cảm, khiến không cách gì giải thoát.

Bẫy Thú Bằng Lửa, Chết Đoạ Địa Ngục Nước Sôi (trích “Cảm ứng Thiên Đồ Thuyết”)

Lưu Ma Nhi ở Phần Châu, Sơn Tây, làm nghề thợ săn, cùng con trai Lưu Sư Bảo lần lượt chết đi. Một người hàng xóm tên Kỳ Lũng Oai, bệnh chết sống lại. Trở về nhân gian anh ta kể lại, ở âm gian thấy cha con Lưu Ma Nhi bị nấu trong chảo nước sôi, thịt nát nhừ, chỉ thấy đầu lâu, rất lâu sau lại khôi phục như cũ. Hỏi họ vì duyên cớ gì, họ nói: “Do đời trước thích đốt lửa vây bắt thú, nên nay bị quả báo này”.

Li bàn: Kinh Phật nói: “Trong địa ngục, một ngày một đêm có một vạn lần chết. Sau khi chết được gió thổi sống lại, rồi tiếp tục chịu khổ. Nếu nghiệp báo chưa hết, cho dù thế gian có huỷ diệt, khổ báo cũng không được ngừng nghỉ cho dù chỉ trong chốc lát. Cho nên kinh Địa Tạng nói: “Khi thế giới này huỷ diệt, tội nhân được gửi đến thế giới khác;

Khi thế giới khác huỷ diệt, lại được gửi sang thế giới khác nữa. Cứ mãi như vậy cho đến khi thế giới này thành tựu trở lại, liền trở lại tiếp tục chịu khổ. Ôi! Việc này không nghĩ đến thì thôi, nghĩ kỹ quả thật là đáng sợ!

Bắn nai giết con

Ngô Đường, người Lô Lăng huyện Cát An tỉnh Giang Tây, giỏi bắn cung, thích săn bắn, thường mang con trai đi săn. Một hôm nọ, thấy một con nai mẹ dẫn một con nai con đi dạo trong rừng, Ngô Đường giương cung bắn chết nai con, nai mẹ thương con, chạy lui chạy tới kêu lên bi thảm. Ngô Đường không những không thương xót, mà còn nấp vào chỗ khuất, đợi cho nai mẹ đến bên nai con liếm yêu thương, rồi giương cung bắn chết nai mẹ. Khi định chạy lại lấy hai mẹ con nai, bỗng phát hiện thấy một con nai bông, liền giương cung bắn, không ngờ bắn nhằm đứa con trai. Ngô Đường ôm đứa con trai yêu quý, đau khổ muốn chết.

Bỗng nhiên nghe trong hư không có tiếng gọi: “Ngô Đường! Ngô Đường! Tình thương nai mẹ yêu con, đâu có khác gì ngươi?” Khi Ngô Đường ngạc nhiên ngẩng đầu nhìn lên, thì bất ngờ trong lùm cỏ lao ra một con hổ, đâm nhào vào Ngô Đường, Ngô Đường ngã xuống, gãy tay mà chết.

Li bàn: Có thể có người sẽ hỏi, trị tội phải trị người có tội, không nên liên luỵ đến vợ con, Ngô Đường cố nhiên là có tội, con trai ông ta có tội gì? Ghét cha mà giết con, luật pháp âm gian cũng nghiêm khắc quá. Đây là do họ không biết, người làm thiện, thì sanh vào nhà tích luỹ thiện nghiệp để hưởng phước; người làm ác, thì sanh vào nhà tạo ác nghiệp để chịu tai hoạ. Con trai ông ta chắc chắn đời trước tích luỹ ác nghiệp, phải bị hổ giết chết, nên mới sanh vào nhà họ Ngô để chịu quả báo, thức tỉnh mọi người biết mà sợ nhân quả, làm cho người cha biết sự trừng phạt của sát sanh. Đây là nhân duyên tụ hội, chiêu cảm bởi nghiệp lực bất khả tư nghị. Phật nói: “Khi đại kiếp này sắp tận, tuổi thọ con người chỉ còn 10 tuổi, tất cả chúng sanh khi gặp nhau, đều khởi niệm độc hại tàn sát, không có chút tâm từ bi lân mẫn. Giống như người thợ săn thấy cầm thú trên khô dưới nước, chỉ có niệm giết hại. Cho nên, trong bảy ngày cuối của đại kiếp này, cây cỏ thậm chí đất đá đều biến thành đao kiếm côn gậy, người người giết nhau, như vậy sau khi mạng chung, tất cả đều rơi vào ba đường ác. Do đó tôi khuyên khắp mọi người, thấy tất cả nhân loại, nên khởi tâm cứu giúp tất cả; thấy tất cả cầm thú, cũng nên sanh khởi ý niệm cứu giúp tất cả. Đâu đâu cũng phát Bồ-đề Tâm thương yêu, cho dù kiếp trước có nghiệp chướng tội lỗi, như mặt trời chiếu trên núi băng, lúc ấy liền có thể được hoá giải.