An Sĩ Toàn Thư – Tập 47 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 07)

Ba Con Én Con Niệm Ân Tuẫn Thân (trích“Chứng Từ Lục”)

Nữ Vương Á Tam ở Nghiêm Châu, triều Tống, thấy mèo bắt con én mẹ, liền nuôi nấng ba con én con. Ba con én con lớn lên, liền bay đi. Mùa đông năm đó, Á Tam chết. Mùa xuân năm sau, có ba con chim én bay đến, đảo quanh trên nóc nhà, không nghỉ. Mẹ Á Tam nói: “Én có phải đang tìm Á Tam không? Á Tam chết rồi, chôn ở trong vườn”. Ba con én liền bay vào vườn, kêu thảm thương chết trên mộ Á Tam.

Li bàn: Con người có nhớ đến ân đức xưa, tình thâm nghĩa trọng, giống như ba con én này không? Nghe câu chuyện này nên cảm thấy đau lòng, biết hổ thẹn.

Trị Thương Cho Chim Khách, Cảm Báo Bốc Táng (trích “Quan Cảm Lục”)

Cù tiên sinh ở Vũ Tiến, Giang Tô, là người có đức, một hôm thấy một con chim khách bị trúng tên kêu thảm thiết, liền nói với chim khách rằng: “Nếu ngươi muốn rút tên ra, thì nhanh hạ cánh xuống đây”. Chim khách quả nhiên liền bay xuống. Cù tiên sinh nhổ mũi tên cho chim, nuôi dưỡng mấy ngày, liền thả cho nó bay đi. Sau Cù tiên sinh sắp mai táng người thân, có một đám đất lành, nhưng không biết đào huyệt chỗ nào. Lúc đó có một bầy chim khách huyên náo tụ tập trên phần đất mộ, một con chim khách mổ vào áo tiên sinh, rồi trở về trên phần đất mộ. Ba lần như vậy. Cù tiên sinh nói: “Nếu đúng là huyệt mộ tốt, các ngươi hãy kêu lên ba tiếng”. Chim khách liền ứng thanh kêu lên ba lần. Thầy phong thuỷ xem xét kỹ, phù hợp cách chọn huyệt mộ, bèn chôn ở đây. Về sau con cháu ông ta Cù Sĩ Đạt, Cù Sĩ Tuyển đều thi đỗ cử nhân, con cháu ngày một hưng thịnh.

Thích Lưới Bắt Chim, Mắc Báo Dị Tật (trích “Chuyết Am Nhật Ký”)

Một thợ nhuộm họ Đổng nọ ở Bà Dương, Giang Tây thích giăng lưới bắt chim, sau đó dùng tăm tre đâm ngang đầu, rồi đốt rơm thui đem bán, sát hại nhiều vô số. Sau họ Đổng mắc bệnh, toàn thân da xù xì như vỏ cây, ngứa ngáy khó chịu, chỉ có lấy rơm đốt hơ mới thấy dễ chịu. Lại mắc bệnh đau đầu, thường nhờ người dùng miếng tre đánh vào đầu. Họ Đổng bị hành hạ như vậy ba năm mới chết.

Li bàn: Dùng miếng tre đánh, dùng rơm đốt hơ, vốn là việc đau khổ, nhưng họ Đổng lại cam tâm như ăn thức ăn ngon, là vì sao? Là vì nghiệp quả phải chịu với cái nhân mình đã tạo.

Bắt Chim Vô Số, Chim Lại Mổ Thân (xem “Hiếu Sinh Lục”)

Thời Minh mạt, Cố Mưu ở Vũ Tiến, Giang Tô, cả cuộc đời đánh bắt chim nhiều vô số. Sau bệnh liệt giường, luôn miệng nói: “Hôm nay có chim mổ tay tôi”. Lại nói: “Hôm nay chim có chim mổ chân tôi”. Mỗi ngày thay một con chim, mổ nát toàn thân. Anh ta bệnh đến 49 ngày, nói: “Hôm nay có chim mổ mắt tôi”, rồi chết. Người nhà kiểm tra, quả nhiên trong mắt không có con ngươi.

Li bàn: Những người nuôi chim trong lồng tuy không giết, nhưng đó cũng là nghiệp nhân của quả báo địa ngục, hãy nhanh từ bỏ!

Giỏi Dùng Súng Chim, Hòn Sắt Vào Bụng (trích “Nhân Quả Mục Kích Biên”)

Cung Phúc ở Côn Sơn, Giang Tô rất giỏi sử dụng súng bắn chim, mùa Hạ năm Thuận Trị (Nhâm Dần 1662), anh ta dùng đuốc soi nhìn thuốc súng trong cây súng, tàn lửa bay vào nòng súng, lửa bắt thuốc súng bùng mạnh, râu tóc Cung Phúc cháy sạch, hòn sắt từ trong nòng phóng ra xuyên vào bụng, Cung Phúc chết cực kỳ thê thảm.

Li bàn: Quả báo của người này, chắc chắn đoạ lạc vào địa ngục Hòn Sắt Nóng. Nếu sanh làm người, mắc ba quả báo: 1. Chết thiêu, 2. Chết đạn, 3. Sợ hãi, phát cuồng mà chết. Đức Thích-ca Mâu-ni từng vô lượng kiếp trước làm trời Đao-lợi Thiên, đánh nhau với A-tu-la. Khi mang quân trở về, thấy trên cây có một tổ Kim Sí Điểu. Đế-thích Thiên Vương nghĩ: “Quân đội ta nếu đi qua đây, trứng chim chắc chắn sẽ bị hư hại”. Liền cho người xe quay lại. A-tu-la thấy Đế-thích bỗng quay xe, sợ hãi liền rút binh. Nhờ một niệm từ bi, Đế-thích được thắng lợi. Đế-thích Thiên vương còn không nỡ hại một cái trứng chim, huống hồ phàm phu, phước báo cạn mỏng, mà dám coi khinh chúng sanh, tuỳ tiện giết như cỏ rác sao?

Khuyên Người Đồ Tể

Trâu dê tuy là động vật, nhưng đều ham sống sợ chết như ta không khác. Ngay nơi những gia đình nuôi heo thì biết, vừa mới gọi người mua heo tới, con heo này liền chảy nước mắt, không muốn ăn uống, tuy không biết nói, nhưng trong lòng biết mạng sống chỉ trong thời gian chốc lát. Cho nên khi bị trói, nó kêu hét kinh thiên động địa; khi bị lùa ra khỏi chuồng, sợ hãi run rẩy, chần chừ không đi. Người đồ tể bước một bước, là nó sợ hãi một bước; thấy một người nào, nó nhìn như muốn người đó giải cứu. Khi đã bị vào bãi giết, thấy đồ tể sắn tay áo để bắt nó, tay cầm dao nhọn, nó liền hét lớn. Nhưng kêu trời mà trời không thể cho cái thang leo lên; chấn động đại địa mà đại địa không thể cho một cái lỗ để chui xuống. Nhìn trái ngó phải, toàn là người muốn giết mình; nhìn trước ngó sau, toàn là những dụng cụ giết hại. Bất ngờ, bị lật nằm ngửa trên bàn, dao nhọn đã đâm vào cổ. Lúc này giống như dầu sôi đổ trên đầu, lúc này giống như hàng vạn cái xỉa đâm vào trong tim. Tiếng kêu thê thảm vì đau đớn cực độ nhỏ dần, mắt mở không ra vì máu, sự đau khổ như vậy nói không thể hết, nói không thể hết! Còn nhẫn tâm dùng ngôn ngữ biểu đạt sao? Đáng thương! Con heo này đời trước khi làm người, chẳng lẽ không thương như tay chân, vì sao đầu bếp đối xử với nó khinh tiện như bùn đất vậy? Đời trước chẳng lẽ không có vợ con thương nó như tim gan, vì sao đồ tể tàn hại giống như cây cỏ vậy? Đời trước tạo ác nghiệp đáng sợ, đến hôm nay mới biết; ngày xưa anh hùng cái thế, hiện tại lại ở đâu? Nếu không cầu giải thoát ra khỏi luân hồi, thì khó ai mà tránh được quả báo như vậy; một mai rơi vào trong sáu đường, thì ở đâu cũng là trầm luân đoạ lạc. Do đó cầu sanh tây phương Tịnh độ, bất luận là nam hay nữ đều có thể tu trì; giới sát phóng sanh, bất kể thượng trí, hạ ngu đều nên khuyến khích mình làm. Xin mọi người hãy ngay đây quay đầu là bờ, chớ để gây ra đời sau hối hận không kịp.

Bầy Heo Đòi Mạng (trích “Tỉnh Mê Toả Ngôn”)

Năm đầu niên hiệu Thuần Hy, Hiếu Tông nhà Nam Tống, ở Lộ Khẩu, Kính Sơn, Đài Châu, Triết Giang, có một người tên Triệu Nghê, gia đình đời đời làm nghề đồ tể. Một đêm nọ anh ta mộng thấy trăm ngàn cái đầu heo, nói tiếng người, nói với anh ta rằng: “Chúng tôi bị anh sát hại, chịu đau đớn tột cùng; nay tội anh đã đủ, có thể sắp đi rồi”. Sáng sớm anh ta sắp dậy giết heo, bỗng hét lớn, phát cuồng mà chết.

Li bàn: Tôi nghe nói người đồ tể giết heo, dùng dao đâm vào tim, để heo chết liền, không kêu thảm. Ôi! Con heo này đời trước, tôi đoán định nó chắc chắn sát sanh, và nó sở dĩ sát sanh, là do trái tim này sai khiến; tôi đoán định nó chắc chắn ăn thịt, và sở dĩ nó ăn thịt, là do trái tim này sai khiến; tôi đoán định nó chắc chắn huỷ báng Phật pháp, và sở dĩ nó huỷ báng Phật pháp, cũng là do trái tim này sai khiến. Chính trái tim này tạo ác nghiệp, làm sao không chính nó chịu quả báo được?

Giận Tức Giết Heo, Lập Tức Thọ Báo (xem“Kính Giới Đường Bút Thừa”)

Một người họ Thiệu nọ ở Chiết Giang, làm nghề mổ heo, anh ta nuôi mấy con heo, con nào mập là giết đem bán. Một hôm bỗng một con heo quỳ xuống khóc, họ Thiệu chẳng chút thương tâm, ngược lại còn sân si phát cáu lập tức đem giết.

Hôm đó trời mưa, họ Thiệu bày thịt ra bán, đến tối mà vẫn không có một người đến mua. Họ Thiệu rất tức giận, chân mang đôi guốc đứng lên chiếc ghế mắc thịt lên cái móc sắt trên xà nhà. Không ngờ thịt nặng, vừa trợt chân, chiếc ghế ngã ra, thịt thì rơi xuống đất, mà móc sắt thì móc vào lòng bàn tay, họ Thiệu bị treo trên không. Người nhà lập tức đỡ xuống cấp cứu, anh ta đau đến ngất xỉu. Lúc ấy trong nhà đang ủ rượu, khi anh ta đau đớn kêu gào, liền lấy rượu và hèm rượu ăn, người nhem nhuốc đầy phẩn uế giống như một con heo. Họ Thiệu cứ như vậy gào la hơn 20 ngày thì chết.

Li bàn: Thường tình ai cũng nghĩ tới giàu có, nhưng những kẻ đồ tể luôn nghèo đến mạt; thường tình ai cũng nghĩ tới chết an, nhưng những kẻ đồ tể luôn bị hoạnh tử; thường tình ai cũng nghĩ tới đoàn tụ, nhưng những kẻ đồ tể luôn gia đình ly tán. Vậy thì tội gì phải làm nghề này? Thời Phật tại thế có một kẻ đồ tể, dạy con cách giết dê; con trai lại muốn xuất gia theo Phật, không chịu nghe theo lời dạy bảo của cha. Người cha tức giận, cầm một con dao, dắt một con dê vào nhà đóng cửa lại, nói: “Nếu mày không giết con dê này, thì hãy dùng con dao này tự sát”. Người con suy nghĩ giây lâu, nghĩ rằng nếu phá giới, chi bằng kết liễu. Liền cầm dao tự sát, trong khoảng thời gian một búng tay, thần thức sanh lên cõi trời Đao-lợi, hưởng thọ vô lượng phước lạc. Cho nên đại sư Liên Trì nói: “Tôi khuyên khắp mọi người, nếu không biết làm gì sống, thà đi ăn xin. Tạo nghiệp ác mà sống, chẳng thà chịu đói mà chết”.

Khuyên Đầu Bếp Không Nên Sát Sanh

Người bây giờ chỉ vì hai chữ cơm áo, mà chịu biết bao thiệt thòi, chịu biết bao thống khổ, kết biết bao oan nghiệt với chúng sanh. Nhưng rốt cuộc, những thiệt thòi, đau khổ, kết oán này, đâu cần thiết. Vì sao? Bởi vì sống bằng nghề giết hại sanh mạng chúng sanh, chẳng qua chỉ vì phụng dưỡng cha mẹ, nuôi dưỡng vợ con ngày ba bữa cơm mà thôi. Song những người làm các nghề nghiệp khác, đâu phải là không nuôi được cha mẹ, vợ con? Do đó kết oán cừu vạn kiếp khó hoá giải một cách oan uổng, chẳng phải là quá ư ngu si sao? Nếu nói đã rơi vào một ngành nghề nào rồi, đành phải như vậy, vậy thì rơi vào hầm xí, lại ở trong đó cho đến chết luôn sao? Thương ôi! Người thời nay động một chút là nói đổi nghề không tiện, nhưng lại không biết đến khi đoạ làm súc sanh, đầu mọc sừng, thân mang lông, càng không tiện hơn nhiều! Tại sao không từ cái không tiện nho nhỏ, kiên quyết đổi nghề?

Giúp Người Giết Thay, Chết Thảm Như Ngũ Xa Phanh Thây (xem “Tự Triệu Biên”)

Phương Hồ ở Hàng Châu làm nghề Đầu Bếp, và mở cửa hàng bán thịt. Tập tục của Hàng Châu, đến cuối năm, lệ thường là phải giết ba con vật để cúng thần linh. Phương Hồ liền mang dao mổ heo đi mổ giùm, làm như vậy tới mấy năm. Sau anh ta đến Trường An, uống rượu say ngủ bên lề đường, bỗng một chiếc xe chạy ngang qua, cán nát vùng ngực bụng, máu thịt lẫn lộn, thúi không chịu nổi, đi ngang qua không ai mà không bịt mũi.

Li bàn: Người làm nghề sát sanh, khi chết phát ra tiếng kêu trâu dê heo chó, trợn mắt, le lưỡi mà chết, chính tôi tai nghe mắt thấy nhiều lắm, không thể kể hết. Những kẻ này đều không biết Phật pháp, cho nên tạo những ác nghiệp như vậy, hàng quân tử thiện lương, nên khởi lòng từ, uyển chuyển dẫn dắt họ, khuyên họ đổi nghề. Nếu họ biết giác ngộ, sám hối lỗi lầm, thì không khác gì cứu được hàng vạn sinh linh. Cho dù có bị mỉa mai là cổ hủ, không thiết thực, cũng đâu có gì đáng tiếc!

Chết Trạng Như Cá Chạch (xem “Sát Sanh Quýnh Giới”)

Trần Ngũ người Tú Châu, làm món cá chạch nướng rất ngon, ai cũng tranh mua. Sau Trần Ngũ mắc bệnh, nhảy dựng trên giường, toàn thân thối vữa. Vợ anh ta nói, cách nướng cá chạch của Trần Ngũ rất là tàn nhẫn, hiện tại dáng vẻ mắc bệnh của anh ấy, rất giống với dáng vẻ của cá chạch lúc chết.

Li bàn: Trong kinh Phật nói: “Tất cả chúng sanh đều sợ đao trượng, động vật cũng yêu tiếc sanh mạng của mình”. Thường thấy người đời, cắt sống đầu cá chạch, cá vẫn đang nhảy đành đạch, sao mà tàn nhẫn? Làm sao để cho Trần Ngũ đứng lên, phổ biến quả báo thê thảm của anh ta cho những người giết cá chạch?

Làm Nghề Bán Lươn, Mắc Bệnh Ghẻ Như Đầu Lươn (trích “Hộ Sanh Lục”)

Một người dân ở Ngô Hưng, làm nghề bán lươn. Sau anh ta mắc bệnh mụn độc, cái miệng mụn độc nào cũng giống cái đầu con lươn, khắp cả thân, chết trong đau đớn, vợ con anh ta lần lượt chết đói.

Li bàn: Học sĩ Chu Dự từng nấu lươn, thấy một con lươn trườn cho phần bụng lên khỏi mặt nước, chỉ phần đầu và phần đuôi ở trong nước sôi. Chu Dự rất lấy làm lạ, bắt ra mổ bụng ra xem, thì ra trong bụng lươn có trứng, trườn phần bụng ra khỏi mặt nước là để tránh cho trứng khỏi bị chết. Chu Dự rất lấy làm ân hận, về sau vĩnh viễn đoạn trừ, không ăn lươn nữa.

Giết Gà Gặt Báo, Hồi Tâm Vãng Sanh (trích “Long Thư Tịnh Độ Văn”)

Trương Chung Quỳ thời nhà Đường làm nghề mổ gà. Sau anh ta mắc bệnh, hoảng hốt thấy một người mặc áo đỏ lùa một bầy gà tới, mổ vào hai tay và hai mắt anh, đau đớn tận xương tuỷ. Một lão tăng nghe tiếng gào thê thảm của anh ta, vội vàng đặt tượng Phật, đốt hương niệm danh hiệu Phật A-diđà cho anh ta, đồng thời bảo Trương Chung Quỳ cũng chuyên tâm niệm Phật. Vừa mới niệm được một buổi, bỗng hương lạ đầy nhà, Trương Chung Quỳ an tường vãng sanh.

Li bàn: Kinh Địa Tạng nói: “Một người khi mạng sắp chung, người khác niệm Phật hộ, tội của người ấy cũng dần được tiêu trừ, huống hồ chúng sanh tự mình xưng niệm, việc tiêu trừ tội chướng đương nhiên càng thù thắng. Trương Chung Quỳ vì tướng quả báo ác đã hiện ra trước mắt, lúc này hồi tâm sám hối, niệm Phật A-di-đà, sự chí thành khẩn thiết của anh ta vượt qua sự niệm Phật của người thường vạn vạn lần. Dù có tội rất nặng, như căn nhà tối ngàn năm, chỉ cần một ngọn đèn liền phá bóng tối ngàn năm, có tội nào không thể tiêu diệt, có phước thiện nào không thể sanh khởi? Ngày xưa khi Phật A-di-đà chưa thành Phật, phát 48 đại nguyện, nguyện rằng: “Nếu tôi thành Phật, thanh danh vượt hơn tất cả chư Phật mười phương, trời người nghe đến danh hiệu tôi, vui vẻ xưng niệm, đều có thể vãng sanh nước tôi; chúng sanh ba đường ác địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, chí tâm xưng niệm, cũng có thể vãng sanh nước tôi”. Do đó có thể biết, bất luận trời người quỷ thần, chỉ cần niệm Phật, đều được Phật A-di-đà tiếp dẫn vãng sanh. Đây chẳng lẽ không phải đường tắt vượt qua luân hồi sanh tử sáu đường sao?

Khuyên Người Mở Quán Ăn Không Nên Sát Sanh

Ai cũng biết có mùa xuân năm tới, mọi nhà đều dự trữ lương thực cho mùa xuân năm tới. Ai cũng biết có đời sau, tại sao không tu tích phước báo cho đời sau? Thí như những người sống bằng nghề sát sanh, vốn là để sống qua ngày, nhưng khi sanh mạng còn chưa kết thúc, tai hoạ do đó mà tới, sợ hãi lo lắng do đó mà tới; khi sanh mạng kết thúc, đền bồi nợ mạng do đó mà tới, đoạ lạc địa ngục do đó mà tới. Đó chẳng phải là cái được thì nhỏ ít, cái mất thì to lớn sao? Những người nhân từ lương thiện nếu dùng lý nhân quả báo ứng và sự thật khuyên bảo, thì có thể được quả báo vô lượng.

Dị Tướng Khi Chết (xem “Hiếu Sinh Lục”)

Một họ Trịnh nọ ở Hàng Châu bán quán ăn, giết rất nhiều loại, khi chết thấy một đàn đủ loài vật đến đòi mạng. Miệng anh ta nói: “Gà đến rồi”, liền vỗ hai cánh tay như gà đập cánh khi bị giết. Miệng nói: “Vịt đến rồi”, liền rướn cổ, đập hai cánh ta, miệng kêu cạp cạp bi thương. Miệng nói: “Ba ba đến rồi”, liền rụt cổ lại, tay chân thụt vào duỗi ra như con ba ba. Mỗi khi nói đến một loại động vật nào, liền thao tác dáng của loại động vật ấy khi bị giết, làm hết đủ các dáng xấu xa, cuối cùng rồi chết.

Li bàn: Có thể có người hỏi: “Phật pháp nói tất cả duy tâm tạo. Họ Trịnh khi sống giết hại rất nhiều loài, và khi chết cũng rất nhiều loài đến đòi mạng, vậy thì thân đời sau mà anh ta thọ, phải là trong mấy loài này, hay chỉ mang thân một loài mà thôi?

Hay ngoài những loài này, còn mang thân những loài khác? Trả lời: “Nghiệp sát của anh ta đã rất nặng, chắc chắn trước phải chịu quả báo khổ dữ trong ba đường ác, khi chịu hết quả báo của ba đường ác, sau đó oan gia từng loài từng loài đến đòi nợ, lần lượt trả bằng mạng sống. Nếu đời trước giết gà nhiều, thì trả quả báo làm gà trước; giết ba ba nhiều, làm ba ba trước… Thí như mắc nợ ai nhiều, trả người đó trước.

Chuyên Bán Bún Lươn, Sanh Rắn

Mùa hạ năm thứ 17 niên hiệu Khang Hy (1680), Nam Kinh có một người bán bún lươn, bán rất đắt hàng, người ra vào ăn uống tấp nập. Một hôm, người vợ lâm bồn, sanh ra một con rắn lớn, một lát lại sanh ra mấy trăm rắn nhỏ, bò khắp nhà, sản phụ sợ quá mà chết.

Li bàn: Giết hại sanh mạng tàn nhẫn như vậy, tâm trước đã biến thành rắn độc rồi, làm sao không sanh ra rắn được?

Mộng Cảm Quần Thần (trích “Hiện Quả Tuỳ Lục”)

Tiên sinh Trương Nhĩ Cầu ở Côn Sơn, Giang Tô, là anh của tiên sinh Trương Băng Am, tin sâu Phật pháp, hay làm việc lành. Vào năm Sùng Trinh thứ 17 (1638), ông ta từng thỉnh thiền sư Đại Thọ Hoăng Chứng ở núi Tam Phong, Thường Thục chủ trì thiền kỳ ở am Thanh Lương. Giữa chừng, ông ta bỗng về nhà, ăn cá tươi, trứng gà, đêm đó, ông ta mộng thấy đến cổng am Thanh Lương, thấy Thiên Long Bát Bộ, năm mươi mấy thần hộ pháp nanh dài mặt xanh, đầu tóc bờm xờm trong cổng đi ra. Trương Nhĩ Cầu vội hỏi họ, thần Hộ pháp nói: “Chúng tôi là các thần hộ trì đạo tràng, ông là trai chủ thiền kỳ, lại vền nhà ăn mặn, nên chúng tôi đi đây”. Nhĩ Cầu trong mộng khẩn thiết cầu xin, nhiều lần sám hối, các thần mới quay trở vào. Do đó mãi đến kết thúc thiền kỳ suốt ba tháng, Nhĩ Cầu kiên trì ăn chay.

Trì Trai Khỏi Hoạ, Phá Giới Đền Báo

Nguỵ Ứng Chi ở Côn Sơn, là cháu trai của Nguỵ Tử Thiều. Mùa xuân năm Canh Ngọ niên hiệu Sùng Trinh (1630), anh ta ở cùng với Nguỵ Tử Thiều, bỗng nằm mộng vừa khóc vừa niệm Phật.

Nguỵ Tử Thiều kinh ngạc hỏi nguyên do, anh ta nói: “Con mộng thấy xuống âm phủ, thấy một vị quan mang sổ sanh tử đến, tên con trong sổ treo cổ chết, dưới chú thích: “Vào một ngày sau ba năm, sẽ treo cổ chết trong phòng”. Con hỏi ông ta vì tội gì, ông ta nói “nghiệp lực đã định, khó có thể trốn thoát”. Con hỏi ông ta có cách gì có thể tránh được, ông ta nói: “Nếu ăn chay trường, niệm Phật, tinh tấn tu hành, có thể còn tránh được”. Nguỵ Tử Thiều liền khuyên Nguỵ Ứng Chi : “Cháu từ nay về sau nhất tâm nhất ý tu hành đi!” Thế là Nguỵ Ứng Chi bèn ăn chay trường, sáng tối niệm Phật, tinh tấn được 8 tháng như vậy. Sau đó bạn bè ồ ạt nhiễu loạn rằng: “Đó chỉ là một giấc mộng mà thôi, đường đường là đại trượng phu, sao lại để cho một giấc mộng làm mê?” Do đó Nguỵ Ứng Chi dần dần bỏ trai giới. Đến mùa xuân năm Quý Dậu (1633), Nguỵ Ứng Chi vô duyên vô cớ đóng cửa phòng lại, treo cổ chết trong phòng. Bấm ngón tay đếm, vừa đúng ba năm.

Ăn Mặn Đoạ Lạc

Mã Gia Thực ở Bình Hồ, Gia Hưng, tự Bồi Nguyên, năm Giáp Tuất niên hiệu Sùng Trinh (1634) thi đỗ tiến sĩ, thanh liêm chánh trực. Khi ông ta làm huyện lệnh, theo sự dặn dò của một quan trên, dùng hình phạt đánh chết hai quan viên ăn lận thuế. Ngày mồng 1 tháng giêng năm nọ ông ta đi tảo mộ, bỗng thấy hai hồn ma kia trần thuật oan tình với ông. Mã Gia Thực nói: “Đây là ý của quan trên nọ”. Hồn ma nói: “Hai chúng tôi là người chịu tội thay, nếu lúc đó hễ biện bác đối chất, liền có thể thấy rõ chân tướng sự thật”. Do ngài lúc đó đang nổi giận, không cho biện bác, cho nên hai chúng tôi hàm oan mà chết. Hiện tại hai chúng tôi tuy không dám đòi mạng, nhưng ngài không bao lâu nữa cũng sẽ thệ thế, đi làm thành hoàng ở huyện Bồ Kỳ. Trong lòng Mã Gia Thực rất ghét việc này, liền thọ trì trai giới, xin xuất gia với hoà thượng Thạch Kỳ ở chùa Tuyết Đậu, pháp danh Hành Đán, hiệu Tăng Tường, thanh tịnh trì giới tu hành 12 năm. Sau ông ta vì chút bệnh, ăn trứng gà, đêm lại mộng thấy hai hồn ma kia nói: “Ngài vì phá giới, không thể lưu lại cõi người được nữa, một ngày kia phải đến Bồ Kỳ nhậm chức”. Đến thời gian quả nhiên ông ta thệ thế.

Trì Trai Bán Trai, Lập Tức Bị Âm Gian Bắt

Ở Ma Thành, Hồ Bắc có một người họ Vương, ăn chay trường ba năm, bỗng bị bệnh ghẻ nặng, trong lòng liền sanh tâm chán nản hối hận. Người bạn an ủi: “Anh là người ăn chay, Phật Bồ-tát sẽ phù hộ anh”. Họ Vương nói: “Tôi ăn chay ba năm, bị ác báo này, có gì hay đâu?” Người bạn nói: “Anh không cần trai pháp này, bán cho tôi đi”. Họ Vương hỏi bán thế nào, người bạn nói: “Một ngày một phân bạc, ba năm được 10 lạng 8 tiền”. Họ Vương rất vui, liền viết khế ước, được tiền, ngày mai liền bỏ chay ăn mặn. Đêm mộng thấy hai tiểu quỷ mắng rằng: “Mười tháng trước, mạng của ông đã hết rồi; nhờ ăn chay, mới kéo dài đến hôm nay; nay tính lại thọ mạng ông ngược lại đã vượt quá”. Lập tức bắt anh ta đi. Họ Vương xin xỏ trì hoãn cả đêm, anh ta muốn trả bạc lại, thề ăn trường trai trở lại. Hôm sau, anh ta mời người bạn đến đòi lại khế ước, người bạn nói: “Hôm qua tôi mang về nhà, liền đốt trước Phật”. Họ Vương hối hận không kịp, lập tức bị quỷ tốt bắt đi.

Vô Tình Trì Trai, Khỏi Bị Chết Chìm (trích “Quan Cảm Lục”)

Năm thứ 2 niên hiệu Khang Hy (1663), có một chiếc thuyền đánh cá đỗ ở bến Tiểu Cô Sơn, đêm nghe tiếng thần núi mệnh lệnh với quỷ tốt: “Ngày mai có hai chiếc thuyền chở muối chạy qua, có thể bắt họ lại”. Đến sáng mai, quả nhiên có hai chiếc thuyền đến, lập tức trên sông sóng gió nổi lên, mấy lần cơ hồ sắp chìm, rất lâu sau mới may mắn thoát.

Đêm đó, thuyền đánh cá vẫn đỗ chỗ cũ, nghe thần núi la bọn quỷ tốt trái lệnh, quỷ tốt nói: “Khi tôi đi bắt họ, một chiếc thuyền đằng sau có Bồ-tát Quan Âm, một chiếc thuyền đằng trước có tam quan đại sĩ, cho nên không dám đến gần”. Hôm sau, người đánh cá đi hỏi một người trên thuyền chở muối, người trên thuyền chở muối không tin. Nghĩ một chốc, anh ta bỗng nhận ra nói: “Người lái cuối thuyền là trì trai Quan Âm, ăn chay; người quản lý đầu thuyền là trì tam quan trai”.

Ph: Quan Âm trai kỳ: mồng 8 tháng giêng, mồng 7 tháng 2, mồng 9 tháng 2, 19 tháng 2, mồng 3 tháng 3, mồng 6 tháng 3, 13 tháng 3, 19 tháng 3, mồng 8 tháng 4, 22 tháng 4, mồng 3 tháng 5, 17 tháng 5, 16 tháng 6, 18 tháng 6, 19 tháng 6, 23 tháng 6, 13 tháng 7, 16 tháng 8, 19 tháng 9, 23 tháng 9, mồng 2 tháng 10, 19 tháng 11, mồng 8 tháng 12, 24 tháng 12.