An Sĩ Toàn Thư – Tập 48 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 08)

Vn Thiện Tiên tư Tập

Quyn 3

Biện Cảm Thiên

Giải Thích Nghi Hoặc:

Vật Dưỡng Nhơn

Hỏi: Trời đất nuôi vạn vật, mà con người là tốilinh. Chim bay thú chạy, vốn là để nuôi con người, nay cấm sát sanh, bắt ăn chay, há không phải là trái ý trời sao?

Trả lời: Anh đã biết là trời đất sanh vạn vật, là cha mẹ của vạn vật, vậy thì vạn vật chính là con của trời đất, không nên tàn hại lẫn nhau, ỷ mạnh hiếp yếu, tự cho là cao quý mà khinh khi kẻ hạ tiện, vì như vậy sẽ làm cho cha mẹ đau lòng không vui.

Nếu vì ăn thịt chúng sanh, bèn nói trời đất dùng những sanh mạng này để nuôi ta, vậy thì lấy đó mà suy, hổ báo ăn thịt người, muỗi hút máu người, cũng nên nói trời đất sở dĩ sanh ra con người là để nuôi hổ báo muỗi mòng.

Hỏi: Đã như vậy, vì sao trời không cấm người sát sanh?

Trả lời: Trời vốn không muốn người sát sanh, do đó chúng ta mới thường thấy quả báo ác mà người sát sanh nhận lấy, đây chính là trời có ý cho người thấy đồng thời thúc giục người đời tỉnh ngộ. Còn như không thể cấm hết mọi người sát sanh, thì cũng không thể cấm hổ báo ăn thịt người vậy.

Hỏi: Đã như thế, cầm thú cho đến các loài thuỷ tộc không nên sanh ra, vì sao chúng lại sanh ra đầy cả thế giới này?

Trả lời: Chúng vì nghiệp lực mới sanh làm súc

sanh. Nếu quy nguyên nhân cho trời, thì trời bất công quá. Nếu nói chúng bị khí ác của trời đất mới sanh làm súc sanh, thì xin hỏi vì sao chỉ chúng bị khí ác?

Hỏi: Chủng loại cầm thú rất nhiều, nếu ai cũng giới sát, thì chúng sẽ sanh sản rất nhiều, tương lai sẽ trở thành một thế giới cầm thú thì làm sao?

Trả lời: Giun sán độc trùng, loài người không ăn, nhưng hoàn toàn không thấy một thế giới đầy giun sán. Trên thế giới súc sanh nhiều, chính vì người sát sanh nhiều, oan oan tương báo. Đời này giết súc sanh, đời sau làm súc sanh hoàn trả, thế giới này quả trở thành thế giới cầm thú! Nếu ai cũng giới sát, thì không ai bị quả báo làm súc sanh, đời sau người sanh lên làm trời sẽ nhiều, người đoạ làm súc sanh sẽ ít. Người nước Sở không ăn thịt ếch, ếch lại ít; người nước Thục không ăn thịt cua, cua ngược lại khó kiếm, đây không phải là một chứng minh sao? Hôm nay anh chưa giới sát, mà lại lo lắng súc sanh sẽ nhiều lên, có khác gì hoang đường như chưa gieo giống mà lo sợ người thiên hạ ăn tức bụng!

Hỏi: Trời đã ghét sát sanh, sao không biến máu thịt chúng sanh trở thành hôi thối, chẳng phải như vậy con người tự nhiên sẽ không sát sanh nữa sao?

Trả lời: Máu huyết súc sanh vốn hôi thối, nhưng con người ăn lại thấy ngon, có hai nguyên nhân:

Thứ nhất do nghiệp báo của những súc sanh này mà ra, nghiệp báo chưa hết, cho nên máu huyết tựnhiên biến thành mỹ vị, dụ dỗ người ta sát hại.

Thứ hai do nghiệp báo của chính con người, cho nên đầu lưỡi tham ái mỹ vị, khiến món nợ nghiệp báo càng tích càng nhiều, nếu tập nghiệp trừ hết, tự nhiên sẽ không còn tham ăn máu huyết chúng sanh nữa, không cho là mỹ vị nữa. Giống như một người, đời trước làm mèo, lúc nào cũng nghĩ đến bắt chuột; đời trước làm hạc, lúc nào cũng nghĩ đến bắt rắn. Một mai chuyển làm thân người, thì không nghĩ đến bắt chuột, bắt rắn nữa. Có thể thấy mỗi hình thể có một sở thích riêng; sở thích khác nhau, là do hình thể khác nhau; hình thể khác nhau, là do nghiệp duyên khác nhau; nghiệp duyên khác nhau, là do dụng tâm khác nhau, hoặc thiện hoặc ác. Trời còn không thể thay đổi được tâm thiện ác, làm sao có thể biến máu thịt thành hôi thối được!

Hỏi: Những người đồ tể, thợ săn sống bằng nghề sát sanh, dựa vào đó để nuôi gia đình, nay anh khuyên họ không sát sanh, không phải đã cắt đứt đường sống của họ sao? Thương vật không thương người, tôi cho là không thích hợp

Trả lời: Sống bằng nghề sát sanh, tuy được cơm ăn áo mặc tạm thời, nhưng lại trăm ngàn vạn kiếp chịu ác báo, không có ngày ra. Tôi chính vì thương họ, mới khuyên họ tìm kế sanh nhai khác, anh ngược lại nói tôi cắt đứt đường sống của họ, đây quả là cái thấy của kẻ tiểu nhân.

Giải Thích Nghi Ngờ:

Sát Sanh Theo Cái Thấy Thế Gian

Hỏi: Trâu cày ruộng, chó giữ nhà, những loài này đáng yêu mến. Còn heo dê đâu có khả năng gì, nếu không làm thức ăn cho người, thì đâu có giá trị gì?

Trả lời: Chúng ta giới sát phóng sanh, chỉ là để nuôi dưỡng tâm từ bi của mình, chớ không phải vì những chúng sanh kia hữu dụng hay vô dụng. Nếu chỉ vì chúng hữu dụng đối với chúng ta mới không giết không ăn, như vậy vẫn là phát xuất từ tâm tự tư của nhân loại, chớ không phải từ bi. Xin hỏi, những loài dơi, bò cạp, con gián, chúng vô dụng, nhưng nhân loại sao không ăn chúng, có thể thấy vô dụng hoàn toàn không phải là lý do chính đáng để ăn thịt chúng.

Hỏi: Trâu dê gà chó đều kêu thảm sợ chết, giết chúng lòng không nỡ; còn các loài thuỷ tộc tôm cá không kêu không khóc, sao lại giới sát luôn?

Trả lời: Hình thể của chúng sanh tuy có lớn nhỏ, nhưng bản chất tham sống sợ chết thì hoàn toàn không có lớn nhỏ, do đó giết một oai hùng, tội lỗi không khác giết một đứa trẻ. Nếu cho rằng hình thể nhỏ có thể mặc ý sát hại, thì người nhỏ hơn trâu ngựa, sao không mặc ý giết người? Nếu nói không kêu gào thì không có đau đớn, vậy thì người câm khi bị giết không có đau khổ sợ hãi hay sao?

Hỏi: Chính mình giết thì tổn thương tâm từ bi, còn mang đi chỗ khác nhờ người khác giết rồi mang về nhà, hợp với nghĩa “tránh xa nhà bếp” của Mạnh Tử, như vậy chắc được?

Trả lời: Đây chẳng qua là “bịt tai trộm chuông”. Anh nhờ người khác giết thay mình, tội sát sanh anh vẫn phải mang. Anh nghĩ xem, những người oan uổng bị roi gậy kia chỉ hận những sai nha hành hình mà không hận những quan lớn sao? Nếu đổi một chỗ giết khác thì có thể đẩy giận cho người khác, thì những người oan uổng bị biếm trích, chỉ nên hận vùng biên địa xa xôi mà họ đến mà không hận những người đã phán xử họ, đây rõ ràng là không thể, do đó xin đừng dối mình dối người.

Hỏi: Tôi phóng sanh, người khác bắt, làm sao?

Trả lời: Họ bắt cái của họ, anh thả cái của anh. Như thầy thuốc chữa bệnh cho người, hoàn toàn không bảo đảm tương lai người bệnh không chết; lại như năm đói kém cho cơm, hoàn toàn không cam đoan những người bị đói kém này sau này không bị đói nữa; lại như xây nhà cao tầng, cũng không bảo đảm nó vĩnh viễn không đổ. Vạn sự vạn vật ở đời đều là như vậy, đâu chỉ riêng phóng sanh mà đắn đo lo ngại? Người thời nay tranh danh đoạt lợi thì không chút lo ngại, còn làm việc lành thì thoái bên này thoái bên kia, luôn cho rằng làm như vậy không được, làm như kia cũng không được, trói chân không tiến. Nên biết, thế giới Ta-bà của chúng ta đây do nguyên do này mà có.

Hỏi: Những súc sanh khi bị bắt đã bị thương rồi, cho dù có mua phóng sanh, cũng chưa chắc đã sống, thả chi cho tốn kém?

Trả lời: Đã bị thương, lại càng đáng thương. Nếu anh mua thả mà được sống, đây là công đức lớn; nếu chết, cũng được chết an lành, không bị cái khổ mổ xẻ chiên nấu. Giống như tù nhân, biết là vô tội sắp được phóng thích, đâu thể vì anh ta gầy gò, bịnh hoạn mà để anh ta vào chỗ chết!

Hỏi: Hành thiện lấy bồi dưỡng thiện tâm làm gốc, chỉ cần thiện tâm, cần gì phải giới sát?

Trả lời: Loại người thiện tâm mà anh nói, chỉ vì ngon cái miệng của mình, bất kể súc sanh đau đớn chịu thống khổ, nhưng những “thức ăn ngon” ấy, vừa nuốt qua khỏi cổ, liền biến thành đồ phẩn uế hôi hám, như vậy ở đời còn tàn nhẫn nào hơn? Thử hỏi thiện tâm ở đâu? E rằng trong ba đường dữ toàn là hạng người thiện tâm này đây!

Hỏi: Súc sanh nhiều hơn cát sông Hằng, nay cứu cũng chỉ một số nào thôi, e rằng cũng chẳng giải quyết được gì?

Trả lời: Trời có đức hiếu sanh, cứu được một sanh mạng cũng là hợp ý trời, huống hồ gì cứu được rất nhiều sanh mạng! Giống như người nghèo, anh không thể cho họ cả núi vàng, chỉ cần vài cân gạo cũng đã cứu sống họ.

Giải Thích Mối Nghi:

Nghiệp Nặng Khó Trốn

Hỏi: Súc sanh bị đồ tể mổ giết là điều tất nhiên, không thể tránh khỏi. Tôi không giết nó, người khác cũng giết nó, vậy thì tôi giới sát có ý nghĩa gì?

Trả lời: Súc sanh bị giết cố nhiên là nghiệp báo, tội không thể trốn, chẳng lẽ anh không thể thoát khỏi tội sao? Nếu vì tội chúng không thể trốn thoát mà sát hại, thì anh tương lai cũng sẽ bị như chúng vậy, bị tội không thể trốn thoát. Anh không nghĩ xem những súc sanh hôm nay chịu quả báo này, đời trước có thể đã tạo những nghiệp “tội không thể trốn liền giết nó” như anh, do đó đời nay nó mới trốn cũng không trốn được. Nghĩ đến điều này, sao anh không nghĩ nên sớm đào thoát từ trong nhân sát!

Hỏi: Tôi thì không thể không không thể, không khởi tâm niệm, chẳng giới sát, chẳng không giới sát.

Trả lời: Giới sát với thái độ vô tâm này, công đức đương nhiên rất lớn, nhưng lấy thái độ vô tâm mà sát, tội cũng không nhỏ. Nếu khi bọn cướp cướp nhà bên cạnh, lỡ làm anh bị thương, anh có tha thứ cho sự vô tâm của họ không?

Hỏi: Súc sanh rất nhiều là do đời trước thiếu nợ, đời nay biến làm món ăn trên mâm đền trả nợ cũ, giết chúng có gì tội?

Trả lời: Làm súc sanh đền trả nợ cũ là lý đương nhiên, nhưng anh giết chúng, thì có đối thọ quả báo và phi đối thọ quả báo khác nhau. Gọi là đối thọ quả báo, là đời trước nó giết mình, thiếu nợ mạng mình, đời nay oan gia gặp nhau, mình lại giết nó, đó là quả báo phải trả. Còn phi đối thọ quả báo, là đời trước nó giết người khác, đời nay đáng phải chịu báo ứng, nhưng nó chẳng phải thiếu nợ mạng mình, mà là thiếu nợ mạng người khác, nếu ta giết nó, chính là phi đối thọ quả báo. Người đời ngày ngày sát sanh ăn thịt, trên mâm luôn rất nhiều sanh mạng, anh dám chắc những con vật mà anh giết đều là đối thọ quả báo hay không? Trên thực tế những chúng sanh đáng trả nợ mạng cho anh chỉ chiếm một hai phần ngàn, còn những chúng sanh vốn không nợ mạng anh, vì anh mà chết, chính là trở ngược anh nợ mạng chúng. Những món nợ này đời sau anh phải lần lượt mà trả. Nghĩ đến đây quả thật khiến người nổi gai ốc, thật đáng kinh sợ!

Hỏi: Giết chúng sanh phi đối thọ, tương lai cốnhiên là phải chịu quả báo, còn nếu giết  chúng sanh đối thọ, nợ mạng trả mạng, là điều hiển nhiên, nay sẽ không còn quả báo sát sanh nữa, có gì không đúng?

Trả lời: Anh chưa từng thấy người ta đánh nhau trên đường sao, anh đánh tôi một cái, tôi đánh trả lại một cái, hai người đánh đá qua lại,; có khi nào thấy anh đánh tôi một cái, tôi đánh trả lại một cái rồi huề đâu? Oan oan tương báo, đâu có lúc dừng.

Bồ-tát chính vì thấy rõ nhân duyên quả báo đời sau, nên gặp oán cừu mà không báo thù, chính là vì để tránh đời đời kiếp kiếp làm oán cừu nhau.

Hỏi: Phật nói súc sanh nhiều đời làm cha mẹ bà con quyến thuộc của ta, lời này có căn cứ không?

Trả lời: Chúng sanh từ vô lượng kiếp đến nay luân hồi trong sáu đường, nếu lấy một kiếp mà nói, chúng ta đã có vô số cha mẹ quyến thuộc, cha mẹ quyến thuộc của vô lượng kiếp thì quả là nhiều hơn số cát sông Hằng, làm sao có thể biết những chúng sanh trước mắt đây không phải là cha mẹ đời đời kiếp kiếp trước của mình? Nghĩ đến cha mẹ quyến thuộc đời quá khứ nay trầm luân làm chúng sanh, trong lòng còn không nỡ, nếu hôm nay vì nhận không ra mà giết, hoặc thấy giết không cứu, nỡ lòng như thế sao?

Hỏi: Lục thân đời trước đã nhiều, thì rơi vào làm súc sanh cũng nhiều; đã là lục thân, nhất định có duyên với ta, nhưng dù làm súc sanh, cũng chưa hẳn chết trong tay ta.

Trả lời: Anh không biết lục thân cũng từ oan gia đối đầu mà đến sao? Những người chịu ân huệ của ta, thì đến để trả nợ ta; những người ban ân huệ cho ta, thì đến để ta trả nợ. Cốt nhục chí thân là do thiện duyên đời trước mới tụ tại một chỗ, cũng có thể vì yêu thương quá sâu mà kỳ vọng quá cao, yêu cầu quá nghiêm. Một khi thất vọng, liền sanh ý kiến và bất mãn, thậm chí oán hận. Đời này có chút oán hận bất mãn, liền gieo nhân oán hận đời sau, đời sau liền trở thành oan gia đối đầu. Cứ như vậy lại trồng nhân oán hận cho đời thứ ba thứ tư… đến nỗi ỷ mạnh hiếp yếu, ỷ lớn hiếp nhỏ. Oán hận là do thân mà ra. Nếu không thân, sẽ không sinh oán; không oán, cũng không thân; oán không lìa thân, thân không lìa oán, oán thân là gốc của luân hồi.

Do đó đức Phật dạy chúng ta oán thân bình đẳng, không khởi tâm phân biệt, chính vì để cho chúng ta không còn quanh quẩn trong luân hồi nữa.

Hỏi: Thấy người khác sát sanh, tuy muốn cứu giúp, nhưng lực bất tòng tâm, phải làm sao?

Trả lời: Có thể niệm thầm một câu thần chú nào đó, hoặc niệm danh hiệu Bồ-tát, hoặc sám hối giúp chúng, như vậy con vật bị giết có thể được lợi ích.

Giải Thích Mối Nghi:

Yến Tiệc Trái Với Thế Thường

Hỏi: Đãi đằng bạn bè bà con ăn uống, nếu chỉ rau củ đơn sơ, không khí sẽ không vui, phải có rượu thịt mới được coi là hết lòng. Nếu vì con vật mà bỏ yến tiệc, thì không phù hợp quy luật đãi khách.

Trả lời: Nếu bạn bè bà con tâm địa thiện lương, nhất định tán dương việc giới sát của mình, sẽ không cho rằng trên bàn không có rượu thịt là coi thường khách. Nếu cho rằng ta làm như vậy là không hiếu khách, thì những người ấy khẳng định là những kẻ tham ăn, ta có coi thường cũng không có gì đáng ngại. Mang tội nặng sát sanh để thoả mãn tham muốn ăn uống của người khác, việc ngu xuẩn ấy ta không làm.

Hỏi: Tận tình đãi khách, đó là lễ tiết. Nếu rau trái đơn giản quá, đâu được gọi là lễ tiết?

Trả lời: Lễ tiết mà xa xỉ, chi bằng tiết kiệm. Bày ra cả một bàn sơn hào hải vị, là điều mà người có lòng nhân không làm. Làm người mà thiếu lòng nhân, có được gọi là lễ tiết không?

Hỏi: Nếp sống xã hội bây giờ lấy xa xỉ làm vinh, yến tiệc càng ngày càng thích phô trương, quy cách. Tôi cho dù muốn vãn hồi phong khí này cũng một tay vỗ không kêu, làm sao?

Trả lời: Không kéo lại được, chẳng lẽ không thể lo cho chính mình, trước nên bắt đầu từ mình. “Cả thế giới đều dơ cả, chỉ mình ta sạch; mọi người đều say, chỉ mình ta tỉnh”, mới đáng gọi là đại trượng phu. Nếu theo sóng lên xuống, một bề hùa theo, gả gà theo gà, gả chó theo chó thì có gì khác biệt?

Hỏi: Vì đãi khách mà sát sanh là không đúng, nhưng nếu bạn bè không hẹn mà đến, không kịp đi chợ mua rau, phải làm sao?

Trả lời: Đã giới sát ăn chay,thì nên dự trữ sẵn thức ăn chay đểphòng có khách. Sợ thất lễ mà sát sanh, là không có tình thương rồi. Thiền sư Nguyện Vân có bài kệ rằng: “Xưa nay trong một bát canh, oán sâu như biển hận bằng non cao; muốn hay nguồn gốc binh đao, lắng nghe lò mổ tiếng gào đêm thanh”. Những người thường hay đãi khách nên khắc nó lên chỗ ngồi.

Giải Thích Mối Nghi:

Máu Huyết Cầu Thần

Hỏi: Cầu con, hoặc cầu công danh phú quý, nếu không sát sanh để cúng, làm sao biểu hiện lòng cung kính của mình đối với thần linh?

Trả lời: Trời thần, hiếu sinh ghét sát, anh giết con của động vật để cầu con, giảm tổn thọ mạng của chúng sanh để cầu thọ mạng, hy sinh loài vật để cầu danh lợi, không nói lý trời không dung, chính lương tâm mình cũng không đành vậy. Làm như vậy, không những không đạt được sở cầu, mà kết quả còn ngược lại. Mạng vốn có con, không chừng ngược lại do sát sanh mà tuyệt tự; vốn được trường thọ, ngược lại do sát sanh mà đoản mạng; vận mạng vốn có danh lợi, ngược lại do sát sanh mà bị tổn phước. Đây vẫn chỉ là báo ứng đời này, càng đáng sợ hơn là do sát sanh mà đoạ vào trong ba đường ác, oan oan tương báo với những oan gia kết đời này, sẽ không có ngày ra. Vì nhất thời thuận theo nhân tình thế tục mà tương lai gặp ác báo vạn kiếp khó ra, quả thật đáng sợ!

Hỏi: Nếu cha mẹ bệnh nặng, thầy thuốc trị không khỏi, nếu không cầu thần, chẳng lẽ nhìn cha mẹ chết sao?

Trả lời: Nếu thọ mạng đã hết, thì trời cũng không cứu nổi, huống hồ quỷ thần. Anh sát sanh để cầu thần, như vậy càng tăng thêm nợ nghiệp. Nếu thân tình khó bỏ, lại không biết còn có cứu được hay không, có thể dùng ít hoa quả cúng quỷ thần, chớ có nghe lời những kẻ ngu si giết heo gà để cúng.

Hỏi: Nếu trong gia đình vốn ăn chay, dùng rau quả hoa trái cúng thần thì được; còn nếu ăn mặn, mà cúng chay e không cung kính.

Trả lời: Khi con chim khách ăn con chuột thúi, phượng hoàng chắc chắn không tranh giành.

Hỏi: Quỷ thần hưởng cúng phẩm máu thịt, tương lai đoạ địa ngục, có đúng không?

Trả lời: Không chỉ quỷ thần hưởng cúng phẩm máu thịt tương lai đoạ địa ngục, mà ngay cả trời Phi Tưởng, Phi Phi Tưởng, sau khi hưởng hết phước báo, cũng còn phải thọ báo. Xưa kia phu nhân Ma-da hỏi Bồ-tát Địa Tạng, địa ngục Vô Gián là gì, Bồ-tát trả lời, bất luận trai gái, hoặc rồng hoặc thần, hoặc trời hoặc quỷ, đều thọ báo trong địa ngục này, do đó gọi là Vô gián địa ngục. Phước báo của thần hết, căn cứ nợ nghiệp luân hồi ba ác đạo, đây là lý tất nhiên.

Hỏi: Đều là thần, tại sao có thần hưởng máu thịt, có thần không hưởng máu thịt?

Trả lời: Đời trước làm người chánh trực, do đó đời nay làm thần. Tuy chánh trực, nhưng có người tâm sân nặng, do đó đời nay tuy làm thần nhưng thích máu thịt. Cũng có người vì đời trước thích bố thí, làm việc thiện, do đó đời nay làm thần, nhưng nếu đời trước không tiếp xúc Phật pháp, không biết Tam bảo, chỉ tu thiện pháp thế gian, thì phước nhiều mà tuệ ít, chắc chắn rơi vào loại thích máu thịt. Còn nếu vốn tin sâu nhân quả, thân cận Phật pháp, đồng thời làm Phật sự hồi hướng bố thí, thì tuệ nhiều hơn phước, sẽ không rơi vào loại thích máu thịt.

Hỏi: Thọ mạng dài ngắn của con người, nếu quỷ thần không làm chủ được, thì khi cầu đảo sẽ không ứng nghiệm. Nhưng có một số người bị bệnh, thuốc thang vô hiệu, nhưng khi cầu thần, bệnh lập tức lành, điều này rõ ràng chứng minh thọ mạng dài ngắn của con người nằm trong tay quỷ thần. Người ta làm sao không ùn ùn kính phụng quỷ thần?

Trả lời: Cầu quỷ thần mà bệnh lành, rõ ràng bệnh này do quỷ thần gây nên. Nhưng thọ mạng sau khi bệnh lành, thì không phải do quỷ thần ban cho. Nếu thọ mạng chưa hết, thì không cầu cũng lành; nếu thọ mạng đã hết, thì cầu cũng không lành.

Bệnh do quỷ thần mà ra, chẳng qua là những tà quỷ thích máu thịt kia lợi dụng thời cơ kiếm chút thức ăn mà thôi. Những kẻ ngu si lại vì vừa cúng liền được lành bệnh, liền cho rằng đó là công lao của quỷ thần. Thấy không lâu sau khi cầu người bệnh chết, lại nói không cầu thần cho sớm, để bệnh chết.

Loại người này, tôi tin chắc họ tương lai đời đời làm súc sanh. Kinh Thí Dụ nói, quỷ thần có thể biết rõ thọ mạng dài ngắn và tội nghiệp phước báo của người, nhưng quỷ thần không thể kéo dài cũng không thể tổn giảm thọ mạng của người, không thể làm chủ sự giàu sang bần tiện của người, nhưng lại có thể khiến cho người làm ác tạo nghiệp sát sanh.

Quỷ thần nhiễu loạn khi thân thể suy nhược, tinh thần khốn đốn, chẳng qua chỉ là để kiếm ăn mà thôi.