An Sĩ Toàn Thư – Tập 49 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 09)
Con Hiếu Phụng Dưỡng Cha Mẹ, Cúng Tế Tổ Tiên
Hỏi: Vì tế thần mà sát sanh, hiện tại biết là không được, nhưng vì phụng dưỡng cha mẹ mà sát sanh, không biết có tội không?
Trả lời: Làm như vậy tội càng nặng. Làm con, phước nhường cha mẹ, tội mình nhận lấy. Hiện tại anh không sát sanh cho mình, chỉ vì cha mẹ mà sát sanh, đây chính là mang tội về cho cha mẹ. Thí như pháp luật nhà nước, mình không dám phạm, chẳng lẽ đẩy cha mẹ đi phạm pháp sao? Quỷ thần sau khi hưởng hết phước còn phải luân hồi, chẳng lẽ phước của cha mẹ anh hưởng mà không hết sao?
Nếu cha mẹ không thể ăn chay, có thể mua thịt làm sẵn cho cha mẹ ăn. Nếu nhất định phải giết, thì đúng là mang thuốc độc cho cha mẹ uống.
Hỏi: Nghe lời này, có người tức giận nói, hiếu đứng đầu trăm nết, sát sanh phụng dưỡng cha mẹ, danh chánh ngôn thuận, trời nhất định sẽ không bắt tội người con có hiếu. Thậm chí con vật bị giết, thiết nghĩ chúng cũng không nhỏ nhặt gì mà báo oán.
Trả lời: Với một mình anh, thì chỉ có hai cha mẹ. Nếu cả thiên hạ, thì số lượng nhiều hơn số cát sông Hằng. Nếu ai cũng vì phụng dưỡng cha mẹ mà sát sanh, thì xương sẽ như núi, máu chảy thành biển, chẳng lẽ đây không phải là tội? Hơn nữa giết vô lượng chúng sanh như vậy, có dám chắc trong đó không có cha mẹ bà con quá khứ không? Giết quyến thuộc quá khứ để phụng dưỡng cha mẹ hiện tại, đã là điên đảo rồi; huống hồ giết cha mẹ quá khứ phụng dưỡng cha mẹ hiện tại, không phải càng điên đảo hơn sao? Nếu nói, vì phụng dưỡng cha mẹ, trời nhất định sẽ tha thứ, xin hỏi trời chỉ tha thứ cho mình anh, hay đều tha thứ hết cho những người con có hiếu mà sát sanh? Xem ra mơ hồ quá!
Hỏi: Cúng giỗ cha mẹ đã qua đời, là bổn phận của con cái. Khi cha mẹ còn sống không ăn chay, hôm nay cúng chay, là không hợp lòng cha mẹ.
Trả lời: Nếu cha mẹ tổ tiên nhờ anh cúng mới no, vậy thì trong một năm, kỵ giỗ có mấy lần, còn lại 350 ngày kia, chẳng phải là họ đói sao? Nếu 350 ngày kia không đói, rõ ràng cúng tế tổ tiên chẳng qua chỉ là chút tâm thành mà thôi, tâm thành không nhất định phải sát sanh tạo nghiệp. Làm con, cha mẹ lao tâm cả đời, khi sống không lo báo hiếu, chết rồi lại hại cha mẹ mắc nợ nghiệp sát bởi cái hư danh hư lợi này, như vậy là đại bất hiếu. Người con hiếu là luôn mang một trái tim nhân ái để phụng dưỡng cha mẹ, sau khi cha mẹ qua đời, sát sanh hại mạng, đặt máu thịt chúng sanh trước mặt cha mẹ, là quá ư khuyết thiếu tâm từ!
Hỏi: Con cháu giỗ kỵ, tổ tiên có về hưởng không?
Trả lời: Tổ tiên nếu sanh làm quỷ, con cháu thập phần thành tâm, thì sẽ về hưởng. Nếu tổ tiên sanh làm trời, thì không về hưởng, bởi trên trời có đủ thứ khoái lạc. Nếu tổ tiên sanh vào các đường địa ngục, ngạ quỷ, súc sanh, vì đang thọ khổ, nên cũng không thể về. Còn nếu sanh làm người, có quyến thuộc khác, cũng sẽ không về. Con cháu hiếu kính, chẳng qua chính mình được phước có tâm hiếu mà thôi.
Hỏi: Nếu khi cúng tế tổ tiên không về, có thần khác đến hưởng không?
Trả lời: Kinh Trường A-hàm nói, phòng xá của tất cả mọi người đều có quỷ thần, không có chỗ nào là không có. Kinh Ưu Bà Tắc Giới nói, nếu cúng tế nơi gốc cây, thọ thần sẽ đến hưởng, cúng ở sôngn suối ao hồ, thần sông suối ao hồ sẽ đến hưởng.
Hỏi: Trong lịch sử Lương Võ Đế tin Phật, khi tế tự, dùng bột nặn thành hình trâu dê heo gà làm thức cúng, đây đại khái là khởi thuỷ của việc cúng đồ chay. Sau Lương Võ Đế mất nước, có phải là kết quả của việc tế tự thiếu thành kính của ông ta?
Trả lời: Lương Võ Đế từng giết hoàng thân quốc thích, nước dìm thành Thọ Dương, đây là do sự bất nhân của ông ta. Nhưng dùng bột làm tế phẩm, là đã mở ra phong khí tốt, đến nay những người cúng tế tổ tiên vẫn được lợi ích từ đó. Nếu không có việc cúng chay, không biết phải hy sinh bao nhiêu sanh mạng, tốn bao nhiêu tiền của. Võ Đế nhờ một niệm từ bi, vô hình trung, làm cho thiên hạ tiêu trừ vô số nghiệp sát, công đức này không phải là nhỏ. Còn Võ Đế về sau mất nước, đây là vận nước như thế.
Nếu nói do không dùng máu thịt để cúng, vậy thì nhà Trần và nhà Tuỳ đều tế bằng heo dê, sao mất nước nhanh thế? Có thể thấy quốc gia an nguy hoàn toàn không phải dựa vào vật phẩm cúng.
Lời bàn: Lương Võ Đế sau khi lên ngôi, bỏ rượu thịt, cần kiệm thương dân, cho dù trong phòng tối cũng áo mũ tề chỉnh, mùa hạ không dám cởi trần, mỗi khi tử hình, trai giới trước một tháng, khóc cho người bị chết. Không khởi binh gây chiến, để muôn dân an cư lạc nghiệp, lấy thiên hạ làm công. Từ giai đoạn nhà Tấn đến nhà Tuỳ, gọi là an ổn, nhưng không bằng Võ Đế, tại vị 49 năm, thọ đến 86 tuổi. Con cháu làm quan thời nhà Đường, có 8 người làm đến tể tướng. Những nhà chép sử vì ông ta tín phụng Phật pháp mà có ý chê, giấu nhẹm hết công lao và ưu điểm của ông ta, như vậy thật quá là không công tâm.
Hỏi: Vua Phục Hy dạy người dệt lưới, đánh cá săn thú, như vậy Phục Hy làm không đúng sao?
Trả lời: Đánh cá lưới chim, nông dân trẻ con đều biết, cần gì Phục Hy phải dạy? Đại khái thời hồng hoang, chim thú nhiều, không đề phòng, con người khó sanh tồn. Phục Hy dạy dân phòng ngự, chưa biết chừng. Nếu không, có thể việc làm ruộng đánh cá, hưng thịnh vào thời Phục Hy, cũng chưa biết chừng. Nếu bảo Phục Hy dạy người sát sanh, vậy thì những thuyền đánh cá vô lại, đều là công thần của Phục Hy; còn mở lưới phóng sanh, chuyển thành mắc tội nặng.
Hỏi: Khổng Tử giới sát, chẳng qua chỉ là “không kéo lưới không bắn chim ngủ trên cây” mà thôi, chớ vẫn câu và bắn. Hiện tại giới trừ hết, chẳng lẽ Khổng Tử không đáng noi theo sao?
Trả lời: Anh có hiểu thâm ý của “câu” và “bắn” của Khổng Tử không? Câu là không trắng trợn bắt hàng loạt; bắn là chớ có tuỳ tiện săn bắt. Người đời sau vì dưỡng và tế mà sát sanh, cũng quá coi nhẹ thánh nhân rồi! Thử hỏi, sở dĩ đời sau tôn kính Khổng Tử, là do ngài giỏi “câu”, “bắn”, hay là vì đạo đức của ngài không ai hơn? Nếu tôn trọng vì sự câu bắn của ngài, thì những ngư phủ thợ săn, giỏi hơn ngài nhiều. Nếu vì đạo đức của ngài cao thượng, xin hỏi đạo đức của anh có đuổi kịp Khổng Tử không? Nếu đạo đức đuổi kịp Khổng Tử, trước lấy câu bắn noi theo Khổng Tử, đây giống như học Nhan Tử, chỉ học cái đoản mạng của ông ta; học Tăng Tích, chỉ học cái thích ăn táo của ông ta. Đội khăn đầu mô phỏng họ Quách, thay tên đổi họ mô phỏng họ Lận, vẫn không phải là Quách, Lận. Học tư tưởng của Liễu Hạ Huệ, mới có thể làm đại trượng phu nước Lỗ.
Hỏi: Quân tử lấy người làm quý, súc vật làm tiện; lấy quý sát tiện, là lý đương nhiên, bình đẳng như nhau, có phải là quá cổ hủ không?
Trả lời: Đạo thánh hiền đều nói, thiên địa vạn vật, với ta vốn là nhất thể. Thí như tay và chân của một người, tuy phân quý tiện, nhưng không thể dùng tay chặt chân. Nếu chỉ lấy trước mắt cao hạ làm quý, thì nô tỳ ở nhà bếp cũng biết mắng chửi súc sanh, đâu cần quân tử nói quý nói tiện?
Hỏi: Thiên địa vạn vật, vốn một thể với ta, ở đâu nói?
Trả lời: Chưa đọc qua sách của Tử Tư sao? Tử Tư nói “chỉ có người thiên hạ chí thành, mới có thể kiệt tận thiên tánh của anh ta; kiệt tận được thiên tánh của anh ta, thì có thể kiệt tận nhân tánh của mọi người; kiệt tận được nhân tánh của mọi người, thì có thể kiệt tận vật tánh của vạn vật; kiệt tận được vật tánh của vạn vật, thì có thể giúp thiên địa dưỡng dục; giúp thiên địa dưỡng dục được, thì có thể ngang hàng với thiên địa. Thể ngoạn mấy chữ “thì” một cách tỉ mỉ, đạo lý tự hiểu.
Hỏi: Quân tử thân nhân dân, nhân dân ái vật, khi thực thi có thứ tự nhất định. Đề xướng giới sát phóng sanh, chẳng phải từ sau làm tới sao?
Trả lời: Lời của Mạnh Tử, là thứ tự thân sơ, không phải thứ tự trước sau. Nếu nhất định phải làm theo thứ tự, thì những người từ nhỏ đã mất cha mẹ, mà giúp cho bá tánh; chưa đỗ làm quan, mà phóng sanh tu thiện, e mắc tội với cha anh mất! Mạnh Tử đâu có lời lẽ cứng nhắc như vậy. Huống hồ thân, nhân, ái ý nghĩa vốn như nhau, không nên chia làm ba. Hữu Tử lấy hiểu để làm gốc của nhân, đây chính là nhân và ái không thể phân chia. Mạnh Tử nói lấy dê đổi trâu là nhân thuật, đây là nhân và ái không thể phân chia. Khổng Tử nói chặt cây giết thú phi hiếu, là thân và ái lại không thể phân chia.
Thí như đầu và chân, tuy có phân cao thấp, nhưng chúng huyết mạch nối liền, nương tựa vào nhau, đâu thể cắt chia chúng ra!
Hỏi: Nho gia giới sát, chẳng qua nói đến thấy sống không nỡ thấy chết, nghe tiếng kêu không nỡ ăn thịt. Phật giáo nhất định phải côn trùng không giết, vậy thì cũng giống như thuyết kiêm ái của Mặc Tử.
Trả lời: Mặc tử lúc còn sống, chưa hề nói qua thuyết giới sát. Khảo chứng cổ thư, đều không thấy có. Huống hồ chỗ nhầm lẫn của học thuật của ông ta, ở chỗ thân sơ, không ở chỗ kiêm ái. Nếu cho rằng kiêm ái không đúng, thì Khổng Tử nói “phiếm ái chúng”, Mạnh tử nói “nhân giả vô bất ái”, vậy thì xin hỏi “phiếm” và “vô bất” khác với “kiêm” sao? Đến như thuyết “không từ gian khổ”, là hiếu nhân không hiếu học mà đến, tương đồng với đạo lý “cứu người dưới giếng”. Chính mình chết mà chẳng cứu được người, kết quả ấy quy tội cho lòng nhân. Mạnh tử thấy được thói xấu trong đó, cho nên la trách. Những lời này chớ nói cho người vô trí.
Hỏi: Mạnh tử nói người ta yêu thương con của anh mình khác với yêu thương con của hàng xóm, còn nhà Phật có thuyết bình đẳng, do đó nói học thuyết của Phật gia với Mặc gia tương cận.
Trả lời: Lời này của Mạnh tử là theo nhân tình mà nói, không phải theo bản chất của đạo mà nói. Anh không nghe Khổng Tử nói sao? Khổng Tử nói đại đạo thực hành, thiên hạ làm công. Do đó mọi người không chỉ là coi người thân của mình là thân, mà là lấy người thân của mình mở rộng đến người thân của người; mọi người không chỉ coi con mình là con, mà là lấy con mình mở rộng đến con của người. Hiện tại đại đạo đã mất dần, thiên hạ phân chia thành những gia đình nhỏ, mỗi gia đình lấy người thân của mình làm thân, lấy con của mình làm con. Khổng Tử lại nói, đại đạo thực hành, ta không thấy, nhưng có chí đi thực hiện. Từ đây có thể thấy được, những lời công kích sâu sắc của Mạnh Tử, chính là điều mà Khổng Tử than thở ngưỡng mộ, lập chí muốn thực hiện. Tiến một bước phát huy lời của Khổng Tử, thì giống với trời vô tư che đại địa, đại địa vô tư chở vạn vật, nhật nguyệt vô tư chiếu tất cả. Tiến một bước phát huy lời của Mạnh tử, thì thương yêu con của anh trai, lại không như thương yêu con của mình. Do đó, một niệm của Khổng Tử, có thể mở rộng, nhưng một niệm của Mạnh tử, thì không thể mở rộng. Huống hồ danh giáo sở dĩ bị phá hoại, đều do người người tranh danh đoạt lợi, quá ư tự tư, hoàn toàn chẳng phải lo lắng tâm này quá vô tư. Như vậy lời của Khổng Tử, chính là thuốc hay cứu thời của nhà Nho ta, còn lời của Mạnh tử, chẳng ích lợi gì! Người luận đạo nên lấy Khổng Tử làm chính.
Hỏi: Người hộ sinh phóng sinh được trường thọ, người sát sanh bị đoản mạng, đây là định lý. Nhưng vì sao có người hộ sanh giới sát lại đoản mạng, sát sanh lại trường thọ?
Trả lời: Một người làm thiện hoặc làm ác, nhất định có báo ứng. Nhưng quả báo đến nhanh hay chậm, chung quy có ba tình huống: 1. Đời này làm đời này chịu, 2. Đời này làm đời sau chịu, 3. Đời này làm nhiều đời sau mới chịu quả báo. Người hộ sanh giới sát mà đoản mạng, đây là ác báo đời trước tạo quyết định, nếu anh ta không hộ sinh, mạng nhất định càng ngắn. Người hiếu sát trường thọ, đây là thiện báo đời trước của anh ta, nếu đời nay không hiếu sát, mạng càng dài hơn.
Hỏi: Có một người nọ từng giới sát phóng sanh, tụng kinh trì chú, nhưng không thấy có phước báo, vì sao?
Trả lời: Quả báo có nhanh chậm, phải nhìn nhân duyên đã chín chưa. Nhân duyên chưa chín mà cầu có phước báo liền, cũng như vừa gieo giống mà cầu thu hoạch, đương nhiên không thể. Huống hồ chẳng phải hoạ hoạn do quan, nước lửa, trộm cướp, bệnh tật mang lại, một người nào đó hôm nay tất cả không gặp phải, đó là đã có phước báo rồi. Làm sao anh biết đây không phải là phước báo anh ta có được một cách âm thầm nhờ giới sát phóng sanh, tụng kinh trì chú?
Hỏi: Chỉ có đời này làm ác đời này chịu báo, người ta mới biết sợ. Nếu đời này làm ác đời sau mới chịu quả báo, người ta liền cho rằng mơ hồ khó tin. Trời vì sao không làm cho người làm ác gặp quả báo liền?
Trả lời: Quả báo nhanh chậm, do nghiệp lực tự thân quyết định. Người thiện tuy đời này làm thiện, nhưng quả ác đời trước nay đã chín muồi, thì phải chịu quả báo ác trước. Người ác tuy đời này làm ác, nhưng quả thiện đời trước nay đã chín muồi, nên hưởng quả báo lành trước. Giống như trong vườn trồng mít trước trồng xoài sau, cách nhau thời gian khá xa, dù hết lòng chăm sóc, xoài vẫn có trái sau mít. Nếu nhất định phải báo ứng hiện đời mới tin nhân quả, như vậy thì ngu xuẩn quá!
Hỏi: Một người nọ khi chưa tu phước thì cái gì cũng thuận lợi, nhưng sau khi tu thiện thì mọi việc đều trái nghịch, đây có phải là nghiệp báo đời trước vừa vặn đúng lúc không?
Trả lời: Cũng có thể ác nghiệp đời trước vừa vặn đúng lúc, nhưng cũng có thể đời trước làm ác, đáng lẽ bị quả báo nặng, nhưng nhờ đời hiện tại hành thiện, nên quả báo nặng chuyển thành nhẹ.
Giống như tù nhân bị án tử hình, đến mùa thu mới ra pháp trường, thời gian tử hình tuy chưa tới, nhưng nhờ có quý nhân đắc lực giúp đỡ, nên chuyển thành bị đánh 90 gậy, sau khi bị đánh liền được thả.
Hỏi: Người bố thí tương lai nhất định giàu có, người tham lam keo kiệt tương lai nhất định bần cùng, đây là lý đương nhiên. Nhưng hôm nay những người thích bố thí làm việc lành phần nhiều nghèo cùng, giàu có lại phần nhiều keo kiệt, đây là vì sao?
Trả lời: Người ta ở vào hoàn cảnh nghịch thì chịu suy tư, suy tư thì có thể tăng trưởng thiện tâm. Người ta ở vào hoàn cảnh thuận thì khoái lạc, khoái lạc nhiều thì tự nhiên quên điều thiện. Quên mất điều thiện thì sẽ khởi tâm ác, đây là lý tự nhiên. Huống hồ chuyện luân hồi, làm nhân quả qua lại, bần khổ mà keo kiệt đời sau lại càng khổ; giàu sang mà ham bố thí, đời sau lại càng giàu, cứ như vậy giàu nghèo lại càng cách xa. Kinh “Nghiệp Báo Sai Biệt” nói, nếu người nào thường bố thí, nhưng sau khi bố thí lại hối hận, đời sau trước giàu sau nghèo; nếu người nào khuyên người ít bố thí, nhưng sau khi bố thí trong tâm hoan hỷ, đời sau trước nghèo sau giàu. Có người đời trước tuy từng bố thí, nhưng chưa gặp phước điền, bố thí không như pháp, do đó quả báo nhỏ nhoi, vừa được liền hết, nhưng nhờ có thói quen bố thí, nên tuy nghèo vẫn thích bố thí. Có người keo kiệt, nhưng gặp thiện tri thức chỉ dẫn, tình cờ bố thí một lần, nhờ bố thí như pháp, gặp phước điền, nên đời sau giàu có, nhưng do không có thói quen bố thí, nên tuy giàu mà lại rất keo kiệt.
Hỏi: Người sát sanh, làm cho súc sanh không thể bảo tồn nòi giống, đáng phải bị quả báo tuyệt hậu; tuy nhiên, ngư dân nghiệp sát rất nặng, vì sao cứ đông con cái?
Trả lời: Con cái ở đời, có người vì phước báo mà đến, cũng có người vì nghiệp báo mà đến. Ngư dân vì cơm áo mà rộng tạo nghiệp sát, do nghiệp lực chiêu cảm, sẽ có quyến thuộc ác đến đòi nợ. Chúng ăn chúng mặc, làm cho ngày đêm lao khổ mà nhập không đủ chi. Con cái càng nhiều, gánh nặng càng nặng. Anh không thấy heo gà chó dê, mỗi lần mang thai sanh một bầy, còn tiên trên trời vĩnh viễn đâu có sanh con, chúng ta nên nghĩ một chút về đạo lý ấy.
Hỏi: Người ta sanh ra ở đời, nên học cổ thánh tiên hiền, trên noi gương trung với nước, dưới làm phúc với bá tánh, như vậy tự nhiên sẽ được phú quý. Về thuyết nhân quả báo ứng, có quan hệ gì với nhân tâm thế đạo?
Trả lời: Lý nhân quả chính là đạo của thánh hiền.
Sách nho nói, “làm thiện được cát tường, làm ác bị tai ương”, làm thiện làm ác là nhân, được phước bị hoạ là quả. Kinh Dịch nói: “Cát hung tiêu trưởng”.
Trong kinh Phật nói nhân quả, thật ra cùng một đạo lý mà thôi, chỉ có cách nói khác nhau. Thời mạt pháp, lòng người bại hoại, làm xằng làm bậy, chẳng sợ phép nước, không cần liêm sỉ, nhưng những người những lúc yên tĩnh nghĩ lại sợ hãi không dám tiếp tục làm ác, đều là những người có tin chút nhân quả, sợ bị quả báo. Nếu nói chết rồi là hết, thiện ác không có quả báo, người đời liền chẳng chút kiêng nể; cho rằng thánh hiền tự chuốc khổ, mà vi phạm phá hoại kỷ cương không việc ác nào mà không làm, thì thiên hạ sẽ học theo người ác mất. Người thời nay nói thánh nói hiền, mà không bao giờ đề cập đến nhân quả, hạng người này cách đạo thánh hiền xa mấy ngàn vạn dặm!
Năm Vĩnh Gia thứ 4 đời nhà Tấn, Phật Đồ Trừng người Thiên Trúc đến Lạc Dương, thấy tính cách Thạch Lặc tàn nhẫn hiếu sát, liền muốn cảm hoá ông ta. Thạch Lặc hỏi Phật pháp có linh nghiệm gì không, Phật Đồ Trừng biết Thạch Lặc không biết Phật pháp, chỉ có thể dùng thần thông làm cho ông ta tín phục mà thôi; liền lấy một cái bát đựng đầy nước, đốt hương trì chú, trong bát nở ra một đoá hoa sen xanh. Sau này mỗi khi Thạch Lặc sắp giết người, Phật Đồ Trừng liền giảng nhân quả báo ứng, cứu được biết bao nhiêu người. Lại như Chu Ngung thời Nam Tống, thấy Minh Đế giết người dùng ngục hình rất tàn nhẫn, nhưng không dám khuyên trực tiếp, liền đọc những câu chuyện nhân quả trong kinh, Minh Đế nghe liền sợ nhân quả báo ứng mà hối cải. Học thuyết nhân quả có sức mạnh uy hiếp này, không cần khen thưởng mà có thể khuyến hoá người đời, không cần trừng phạt mà có thể làm cho người sợ. Bởi vì tin nhân quả, dần dần bước lên chánh đạo, nhưng còn chưa biết học thuyết nhân quả phát xuất từ đâu, không biết đây chính là lời dạy của đức Phật đối với thế nhân.