An Sĩ Toàn Thư – Tập 50 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 10)
Hỏi: Con người là tối linh của vạn vật, nhưng lại thường luôn ân oán điên đảo, trong khi đó súc sanh ngu muội, ngược lại ân oán rõ ràng, là vì sao?
Trả lời: Báo ân báo oán, có cái nghĩ bàn được, có cái không thể nghĩ bàn được. Biết ân biết oán mà báo, đây là nghĩ bàn được. Không biết có ân, nhưng đời trước có thiện duyên với ta, đời nay gặp nhau tự nhiên vui vẻ, không sanh hiềm khích. Còn đời trước có ác duyên với ta, đời nay gặp nhau tự nhiên sanh hiềm khích. Đây đều là không thể nghĩ bàn được. Quả báo của nghiệp sát có nhanh có chậm, một mai nghiệp duyên thành thục, bất luận trời người quỷ thần, đều không tránh khỏi.
Giả sử sang đời vị lai, kẻ giết sanh làm người, kẻ bị giết sanh làm súc sanh, thì quả báo đưa tới là rắn cắn hổ vồ. Nếu kẻ giết làm người, kẻ bị giết làm quỷ, thì quả báo đưa tới là bệnh dịch, chết yểu. Nếu người giết làm người, kẻ bị giết làm thần, thì quả báo đưa tới là tai ương, bệnh tật, bạo tử. Nếu người giết làm thường dân, kẻ bị giết làm quan, thì quả báo đưa tới là lao ngục, án oan. Nếu người giết làm lính, kẻ bị giết làm tướng, thì quả báo đưa tới là đao thương chết trận. Nếu người giết sanh lên trời, kẻ bị giết sanh làm A-tu-la hoặc người giết sanh làm A-tu-la, kẻ bị giết sanh lên trời, thì quả báo đưa tới là đại địa chấn động, đồi núi ngả nghiêng, chiến tranh thuỷ lục. Người đời hễ gặp hoạn nạn là oán trời trách người, đâu biết tất cả đều có nguyênnhân.
Hỏi: Thuyết địa ngục, chẳng qua là để khuyên người hướng thiện, đâu có thật!
Trả lời: Dương thế có lao ngục, thì âm gian cũng có địa ngục. Phật tuy khuyên người làm thiện, nhưng tuyệt đối không lừa dối người. Vương Long Thư nói, người đời nói dối, không vì lợi thì cũng vì sợ. Phật coi vương vị như giẻ rách, vàng bạc như gạch ngói, thì cầu lợi cái gì? Phật coi đao kiếm cắt thân như cắt hư không, mãnh hoả đốt thân như đốt hình bóng, thì sợ cái gì? Phật không nói dối, cũng không cần nói dối. Phật-đà vô lượng kiếp trước, từng làm vua trời Đao-lợi, tên Thiện Nhật Nguyệt Quang, thế giới này tên San Hô Trì, cả thế giới đều hiếu sát. Đức Phật bèn biến làm một Dạ-xoa đi ăn xin; mọi người sợ hỏi ăn gì, dạ-xoa trả lời muốn ăn người hiếu sát. Mỗi khi đến lò mổ, ngài biến hoá ra người rồi bắt ăn thịt, mọi người rất sợ hãi, ồ ạt giới sát. Phật nói, Ta làm như vậy giáo hoá được vô số người, nhưng vẫn vì dối người mà bị quả báo. Từ đó thấy được, Phật đâu có loạn thuyết chuyện địa ngục.
Hỏi: Nếu nói không có địa ngục, vậy thì những kẻ ăn xin đói rách, chính là ngạ quỷ; kẻ bị tù tội gông cùm, chính là đang ở trong địa ngục; súc sanh bị giết mổ, chính là leo lên núi đao rừng kiếm; súc sanh bị chiên nấu, chính là vào vạc dầu sôi, nào thật có địa ngục, ngạ quỷ, vạc dầu, núi đao, rừng kiếm!
Trả lời: Cách nói này dường như đúng mà sai. Nói ngay nơi cuộc đời có địa ngục, điều này đúng. Nhưng nếu nói ngoài địa ngục trần gian, không có địa ngục nào khác, thì sai. Thí như hạng người ngu si được dụ làm súc sanh, chẳng lẽ nói người này chính là súc sanh; ngoài ra không có súc sanh mang lông đội sừng sao? Xưa kia Tư Mã Ôn Công giải kệ thiền, cho rằng quân tử phóng khoáng là thiên đường, tiểu nhân thường ưu sầu là địa ngục, đại sư Liên Trì cười cách nói này, cho rằng ông ta sai ở chỗ phá nhân quả. Nếu điều anh nói là đúng, vậy thì kinh điển của Phật đều là dối người hết sao?
Hỏi: Địa ngục cố nhiên là có, nhưng sách nhà nho không có ghi lại, do đó người học nho không nên thường nói về địa ngục.
Trả lời: Tránh không nói, chi bằng tránh trồng nhân địa ngục. Có được con đường tránh địa ngục, thì khuyên người không nói về địa ngục, cũng được. Nếu không, ngậm miệng không nói, có ích gì cho người cho mình đâu?
Hỏi: Sát sanh hại mạng, cố nhiên là tội rất lớn; nhưng ăn thịt đâu có tội gì. Trong kinh nói, ăn thịt chắc chắn bị ác báo, vậy thì pháp luật âm gian hà khắc quá!
Trả lời: Chẳng phải chỉ pháp luật âm gian hà khắc, pháp luật thế gian cũng hà khắc chẳng kém. Nếu lấy trộm cắp dụ cho sát sanh, lấy tổ chim dụ cho ăn thịt; trộm cắp và lấy tổ chim khác nhau bao nhiêu?
Đức Phật nói với Bồ-tát Đại Huệ, có vô số lý do không nên ăn thịt. Tất cả chúng sanh luân hồi trong sáu đường, làm quyến thuộc qua lại, nghĩ chúng sanh là người thân, không nên ăn thịt. Máu thịt tanh hôi dơ uế, người ăn thịt thiên thần tránh xa, vì lý do này không nên ăn thịt. Trong miệng người ăn thịt hôi dơ, thường gặp ác mộng, vì lý do này không nên ăn thịt. Mùi của người ăn thịt nồng nặc, ở trong núi rừng hổ lang từ xa có thể đánh hơi, vì lý do này không nên ăn thịt.
Hỏi: Ăn mặc đời này đều do đời trước, phước nhiều thì hưởng dụng nhiều. Ăn chay chính do phước bạc.
Trả lời: Ăn thịt là lộc của bạn, không ăn thịt là phước của bạn. Giới sát ăn chay là nhờ phước dày.
Nếu nói chỉ cần có thể vào miệng chính là phước, vậy thì gà ăn rết, hạc ăn giun, con người ngược lại phước không bằng gà và hạc.
Hỏi: Tin mấy lời này, quả là phải ăn chay mới được. Nhưng xin hỏi, Khổng Tử có ăn chay không?
Trả lời: Khổng Tử ăn chay. Kinh Thư nói, trai giới nhất định thay đổi thức ăn, đây là việc Khổng Tử rất cẩn thận. Lễ Ký nói, trì trai đối với bên trong, tán trai đối với bên ngoài, những điều này có ghi rõ ràng trong cổ thư, có thể tra khảo. Nhất định phải trai giới, sau đó mới có thể cảm ứng với thần minh, vậy thì ăn thịt đúng là dơ uế. Người thời nay mọi việc không bằng Khổng Tử, lại không trì trai giới, mà lấy lý do nơi Khổng Tử, có phải muốn lấy ăn thịt làm cửa nhập thánh không?
Hỏi: Người có học thức xử thế, phải có mục tiêu lớn, làm sự nghiệp lớn, nếu câu nệ vào không ăn thịt uống rượu, thì có khác gì những kẻ ngu muội?
Trả lời: Trong 10 người ngu muội trai giới khó được một hai, còn người ăn thịt thì lại khắp nơi. Chẳng lẽ chỉ có người ăn chay ngu muội, còn người ăn thịt không ngu muội sao? Xin hỏi từ xưa đến nay những người đại gian ác kia có ăn chay không? Không. Lại xin hỏi, những kẻ đao phủ, đồ tể cho đến bọn lưu manh vô lại có ăn chay không?
Cũng không. Do đó có thể biết những người ăn chay là người gì rồi.
Hỏi: Ích lợi của ăn chay tôi đã biết rồi. Nhưng suy dinh dưỡng, thân thể gầy gò, làm sao?
Trả lời: Chân thân mới là trọng, thân giả là khinh.
Hỏi: Ngũ vị tân do đất sanh ra, vì sao cũng kiêng luôn?
Trả lời: Bởi vì chúng có mùi hôi, có khả năng chướng ngại tu hành. Người ăn ngũ vị tân chư thiên tránh. Ngũ vị tân chín ăn vào giúp tăng dâm dục, ngũ vị tân sống dễ nóng tính. Ngoài ra, người ăn ngũ vị tân ma quỷ nghe mùi đêm đến liếm môi.
Hỏi: Có người nói tôi tuy không ăn chay, nhưng còn hơn người ăn chay mà ngã mặn. Có người nói tuy tôi ăn chay ngã mặn, nhưng vẫn hơn người không ăn chay. Xin hỏi hơn kém thế nào?
Trả lời: Thí như con đường làm quan, những người không ăn chay ấy, chính là những người chưa vào con đường làm quan. Những người ăn chay ngã mặn, chính là những người đã làm quan nhưng lại bị cách chức. Vừa ăn chay liền ngã mặn, như mới vào triều làm quan liền bị đi đày; ăn lâu ngã mặn, như trước kia có quyền lớn trong tay, bỗng thất nghiệp về vườn.
Hỏi: Tôi rất muốn ăn chay, nhưng trước mặt đầy món ngon, thường không kìm được muốn ăn, phải làm sao?
Trả lời: Quán năm pháp bất tịnh, liền không muốn ăn nữa. 1. Quán chủng tử bất tịnh, thịt đều từ máu huyết chúng sanh mà ra, 2. Quán món ăn bất tịnh, những thứ heo dê ăn vào toàn là cám bã phẩn uế, 3. Quán chỗ ở bất tịnh, trong chuồng phẩn uế dơ dáy, 4. Quán trong ruột bất tịnh, trong ruột tanh hôi, cứt đái nhét đầy, 5. Quán sau khi chết bất tịnh, khi thối rữa không khác gì người chết.
Hỏi: Anh trình bày và phân tính về giới sát, luôn dẫn kinh Phật, vậy thì giáo lý Phật dường như đáng tin. Nhưng Sở Vương Anh ban đầu tín phụng Phật giáo, vì sao lại gặp hoạ?
Trả lời: Sở Vương Anh gặp hoạ, là do không tín phụng pháp. Một khi đã tin theo Phật, thì phải kính thuận lời Phật. Phật dạy con hiếu, thần trung. Lời dạy rõ ràng, khắp cả đại tạng. Vua Sở đã kính Phật pháp, lại mưu tính làm loạn, chính là tội nhân cửa Phật, làm sao được sự gia hộ của Phật? Những lời không hợp chánh pháp, người quân tử còn không nói, huống hồ là Phật, lại vì bè đảng riêng tư mà làm ngược lại với pháp của mình sao? Những người nông cạn viện cớ để huỷ báng Phật, có thể thấy được kiến thức nông cạn của anh ta.
Hỏi: Vua Sở gặp hoạ, đã nói rồi. Nhưng Lương Võ Đế tín phụng Phật, cuối cùng chết đói ở Đài Thành, là vì sao?
Trả lời: Chết đói ở Đài Thành là nhà nho đồn đại. Khảo chứng sử tịch, Hầu Cảnh đánh chiếm Đài Thành, thấy Võ Đế trong Thái Cấp Đông cung, sắc mặt không đổi, Hầu Cảnh không dám nhìn lên, trở về báo cho Vương Tăng Quý, nói có “thiên oai nan phạm, không dám gặp lại”. Sau Võ Đế muốn điều gì, cũng không được toại ý, ăn uống cũng bị Cảnh Công cắt giảm. Vương Quan dâng lên mấy trăm cái trứng gà, Võ Đế đắng miệng xin mật, không cho, Võ Đế “hít hà” một cách sân si, rồi chết. Vua nói đắng miệng, thì biết không phải là đói; vua muốn ăn mật, thì biết không phải chống đói; thức ăn chỉ nói cắt giảm, rõ ràng không phải giam đói.
Vương gia, thức ăn thừa của họ, cũng đủ ăn no cho mấy người, đâu như nô tỳ, cắt giảm là đói! Trứng gà đến mấy trăm cái, thì những thực vật khác chắc chắn cũng tương đương. Đâu thể có mấy trăm cái trứng gà bên cạnh, mà bảo là chết đói được? Ôi!
Hàng tu mi nam tử xưa nay trong thiên hạ, tự cho là rất nhiều. Nhưng, chỉ một đoạn văn này, lại lấy tai làm mắt, không chịu đọc qua nguyên văn, huống hồ nghĩa kinh thâm áo khác!
Hỏi: Sử luận sau này, đều nói Võ Đế xả thân, xả luôn cả thiên hạ, tôi nghĩ không nên.
Trả lời: Từ xưa đến nay, bất kể hiền ngu, chưa ai là không xả thân. “Ba tấc hơi dùng vào ngàn việc, vô thường hễ đến vạn sự thôi”. Người đời sau tuy cười Võ Đế xả thân, không biết thân mình, cũng đã sớm xả. Hiện tại mình đang khoẻ mạnh, liền cho Võ Đế xả thân là sai, không biết tương lai chính mình cũng chắc chắn có một ngày xả thân trong lục đạo. Kẻ huỷ báng Phật, xả thân trong địa ngục; kẻ huỷ báng pháp, xả thân trong đường ngạ quỷ; kẻ huỷ báng tăng, xả thân trong loài bàng sanh. Lúc đó, muốn xả thân ở chùa Đồng Thái e cũng không được!
Lời bàn: Những sách do Cựu Giám, Tăng Sử, Kim Thang viết, đều ghi Đại Thông Nguyên niên, sau khi xây xong chùa Đồng Thái to lớn, Lương Võ Đế vào chùa, xả thân ba ngày, quần thần đều bố thí tiền tài chuộc về. Trung Đại Thông Nguyên niên, Võ Đế lại vào chùa Đồng Thái, giảng kinh Niếtbàn, chẳng phải xả thân nữa. Đời đồn ba lần xả thân, là sai. Lại thêm hai chữ “hầu hạ”, lại nói quần thần bỏ tiền bạc ra chuộc, có hơi khoa trương, có ý huỷ báng. Ôi! Thời Khổng Tử, người viết sử đã không công tâm, làm sao có thể hy vọng sử quan đời sau, không tuỳ tục vì khen chê?
Hỏi: Sự nhầm lẫn Lương Võ Đế chết đói, đã rõ. Nhưng chư Phật Bồ-tát, cứu khổ tầm thanh, Võ Đế xả thân phụng Phật như thế, sao không cứu?
Trả lời: Xả ở nơi tâm, không phải ở nơi thân. Võ Đế thân tuy xả, nhưng tâm chưa xả. Nếu một lòng xuất thế, liền bỏ thiên hạ như vứt giẻ rách. Tại sao lại còn vào lúc tuổi già, chiêu nạp Hầu Cảnh, mưu đồ chiếm lấy Trung Nguyên? Từ đó thấy được, biết ba ngày xả thân, có chút niệm cầu phước, hoàn toàn chẳng phải một lòng xuất thế. Dù vậy, tất cả công đức chép kinh tạo tự của ông ta, cũng đã không thể phai mờ. Cho nên tuy gặp phản nghịch, nhưng cũng chết vào tuổi khá cao, không thể nói là không có phước. Thời Xuân Thu, những người hận Khổng Tử nhất, không ai qua Đạo Chích, Hoàn Đồi. Nhưng hai người ấy, một người chết tuổi rất cao, một người làm quan Tư Mã. Những người kính tin Khổng Tử, không ai qua Nhan Uyên, Nhiễm Bá Ngưu, Tử Lộ, nhưng ba người này, hoặc đoản mạng, mắc bệnh hiểm nghèo, hoặc gặp nạn, bị xử chết, điều này lại phải nói thế nào? Định nghiệp khó chuyển, trong kinh Phật đã nói rất rõ.
Biến loạn Đài Thành, chớ có nghi ngờ. Thiền sư Chí Công khi sắp viên tịch, đến nội cung cáo biệt Võ Đế. Võ Đế thất kinh, hỏi vận nước thế nào. Thiền sư không trả lời, chỉ chỉ vào hầu (yết hầu) và cảnh (cổ) của vua gợi ý. Vua không hiểu, lại hỏi. Sư nói: “Tháp lão tăng hoại, thì thiên hạ của bệ hạ cũng hoại”. Thiền sư viên tịch, Võ Đế xây tháp ở chung Sơn. Công trình đã xong, bỗng vua nghĩ: “Tháp gỗ làm sao lâu dài được?” Cho xây lại, thay tháp đá, hy vọng lâu dài không hoại. Dỡ tháp chưa xong, thì lính của Cảnh Hầu đã đánh vào. Số mạng đã định, khó mà tránh thoát.
Thêm: Phật nói tất cả do tâm tạo, tại sao Lương Võ Đế không thể cải tạo vận mạng của mình? Phật pháp cho rằng, con người có định mệnh, định mệnh đây chính là do nhân quả ba đời quyết định.
Một người một đời phải hết sức cải tạo vận mạng của mình, đây là bản chất của Phật giáo. Nhưng, những người không có ý chí, luôn chạy theo vận mạng. Nhất là đại kiếp nạn, không có sức đại hùng thì khó mà thay đổi. Trước khi thiền sư Chí Công viên tịch, đã thấy kiếp nạn của Lương Võ Đế hiện ra trước mắt, thế khó thay đổi, đã thành cục diện không thể thay đổi, cho nên đã khẳng định khi tháp hoại, giang sơn của Võ Đế liền hoại.
Hỏi: Nhà nho chúng ta đã học theo Khổng Tử, trách nhiệm là bài xích dị đoan, ngài ngược lại bao che, là vì sao?
Trả lời: Anh hoàn toàn không biết thế nào gọi là dị đoan. Đại phương hướng của dị đoan là đi ngược lại với thánh nhân. Ví dụ: Trắc ẩn là đoan của nhân, vô trắc ẩn chính là dị đoan; xấu hổ và căm giận là đoan của nghĩa, không xấu hổ và căm giận chính là dị đoan.
Khổng Tử không có bốn tật: không suy đoán vu vơ, không khẳng định tuyệt đối, không câu nệ cố chấp, không chỉ ta là đúng; có chính là dị đoan. Đạo ta một mà quán thông tất cả, không nhất quán chính là dị đoan. Tống Hiếu Tông nói: “Năm giới của nhà Phật chính là Ngũ thường của nhà Nho”. Đạo của Khổng Tử, rất gần với chúng ta. Người thời nay không tìm rõ nguyên do, vừa nghe thuyết từ bi của nhà Phật, liền nhất định phản đối, mà “nhân” của nhà Nho ta, mất ngay tại đây; vừa nghe giới trộm cắp, tà dâm của nhà Phật, liền nhất định phản đối, mà “nghĩa” của nhà nho ta, tiêu vong ngay tại đây; vừa nghe giới không vọng ngữ của nhà Phật, nhất định phải phản đối, mà “trọng tín” của nhà nho ta, liền diệt vong ngay tại đây. Chẳng phải muốn bảo vệ đạo mà ngược lại hại đạo sao? Huống hồ đạo của thánh hiền, chí công vô tư, Nghiêu quả thật khiêm tốn cung kính người, nhường cho người phần hiền, ánh sáng của ngài cũng chiếu khắp thiên hạ; Thuấn thì bỏ ý kiến của mình, theo chủ trương của người; Hạ Võ không kiêu căng không khoe công lao, Văn Vương cầu đạo không ngừng nghỉ, chưa từng loại trừ nhau.
Mạnh tử gạt bỏ bài bác Dương-Mặc, cũng là vạn bất đắc dĩ. Thí như đại Hoàng Ba Đậu, thầy thuốc có lúc dùng nó, không phải là thứ ngày nào cũng cần. Nếu nói công lao của Mạnh tử, hoàn toàn ở chỗ gạt bỏ bài bác Dương-Mặc, vậy thì năm đó nếu không có Dương-Mặc, Mạnh tử sẽ không có công lao, Mạnh tử cũng sẽ không được lưu danh muôn thuở. Từ đó cho thấy, học thuyết của họ Mạnh truyền nhau, gia miếu họ Mạnh đời đời hương hoả thạnh vượng, vĩnh viễn không suy bại, không phải chính nhờ âm đức của Dương-Mặc sao? Tống Nho thua kém Mạnh tử, nhưng sự sân si của họ, ngược lại hơn Mạnh tử; người thời nay thua kém Tống Nho, nhưng sự sân si của người thời nay, lại hơn Tống Nho. Từ nay về sau, không biết sẽ còn đi xuống như thế nào nữa? Tôi lo sợ cho điều này, buộc phải nói đến đây, khen tôi chê tôi, cũng được!