An Sĩ Toàn Thư – Tập 51 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 11)
Vạn Thiện Tiên tư Tập
Quyển 4
Người đời ăn thịt, có người cho đó là lý tất nhiên, cho nên đã mặc tình giết hại, gây biết bao oan nghiệp. Lâu thành thói quen, không biết tỉnh giác.
Người xưa có nói, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi là vậy! Nay tính sự mê chấp ấy, lược có bảy điều như dưới đây:
Với người trí, thì người ăn thịt, là chuyện lạ. Nhưng sở dĩ không thấy lạ, là vì gia thế nhiều đời thành quen, làng xóm lấy đó thành tục. Thói quen đã lâu, không biết đó là trái, mà ngược lại còn cho là đúng, thì đâu có gì là lạ? Nếu có kẻ giết người ăn thịt, thì bị pháp luật trị tội ngay, vì sao? Vì đó không phải là thói quen. Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Thương thay cha mẹ, sanh ta nhọc nhằn, giờ ta vừa sanh ra, cũng chính là ngày cha mẹ mất. Ngày ấy, phải nên giới sát ăn chay, làm các việc phước thiện, khiến cho cha mẹ quá cố sớm được siêu thăng, cha mẹ hiện tại tăng diên phước thọ. Sao vội quên ơn ấy, sát hại sanh linh, trên thì để lại hoạ hại cho người thân, dưới thì bất lợi cho mình. Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Vua Đường Thái Tông là chủ của một vạn cỗ xe, ngày sinh nhật còn không tổ chức; Điền Xá Ông thu được mười đấu thóc, liền mời khách đầy nhà, yến tiệc ngày này sang ngày khác, không biết việc ấy có đáng không? thời nay có người sinh nhật mời trai tăng tụng kinh, làm các phước thiện, điều đó hay lắm!
Người đời không có con thì khổ, có con liền vui. Không nghĩ cầm thú cũng vậy, chúng cũng biết vui khi có con. Vậy mà ta vui khi sanh con, lại giết con cầm thú, tâm có an chăng? Khi sanh con cái, không tích phước cho chúng, ngược lại còn sát sanh tạo nghiệp, như vậy là dại lắm!
Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Một người thợ săn một tối say mèm, thấy con trai tưởng là con hươu, liền giết thịt. Người vợ khóc can không nghe, ông mổ bụng, treo lên, rồi đi ngủ. Sáng mai ông kêu con trai dậy cùng ông mang thịt Hươu ra chợ bán. Người vợ khóc nói: con trai ông, ông đã giết chết hôm qua rồi còn gì! Ông đau đớn quằn quại, năm hôm thì chết. Ôi! Con người và súc vật tuy khác nhưng lòng thương con chỉ một, sao đành sát sanh!
Các ngày cúng giỗ, phải nên giới sát, để tích phước cho người quá cố. Sát sanh để cúng chỉ tăng thêm nghiệp tội. Bày đầy rượu thịt trên bàn cúng, tổ tiên đâu có ăn gì được, đã không có ích mà còn hại thêm. Người trí không bao giờ làm vậy!
Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Có kẻ nói: vua Lương Võ Đế dùng bún để cúng, người đời cười tổ tiên không có thịt để ăn. Ôi! Rượu thịt chưa chắc là cao lương; rau dưa chưa hẳn là đạm bạc. Làm con, quý ở chỗ biết tu thân, tuy không chu đáo việc tế tự, đấy vẫn là lành. Đâu cần phải rượu thịt để cúng. “Cúng xuân còn hơn giết trâu”, đó là lời giáo giới chính xác. Nuôi vật hy sinh để cúng vẫn là bất hiếu, thánh nhân không bao giờ làm thế. Đâu cần phải rượu thịt để cúng.
Cưới hỏi ở thế gian, từ tên tuổi, lễ vật cho đến thành hôn. Sát sanh là không biết thời. Bởi nói đến hôn nhân là sự bắt đầu của một con người. Bắt đầu sanh ra mà sát sanh, lý đã nghịch rồi! Lại hôn lễ là lễ lành vậy. Ngày lành mà lại làm việc dữ, không thê thảm sao?
Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Người đời kết hôn, luôn chúc cô dâu chú rể sống đến đầu bạc răng long. Mong mình sống đến trăm năm, mà mong cầm thú chết sớm sao? Nhà gái, ba ngày không tắt đèn, nghĩ đến sự xa nhau. Mình xa nhau thì khổ, cầm thú xa nhau thì sướng sao? Cho nên hôn lễ không nên sát sanh.
Giờ tốt cảnh đẹp, chủ hiền khách quý, tương rau đạm bạc, cũng không hiềm gì. Cần gì phải giết sanh mạng, cao lương mỹ vị đầy bàn, ca hát yến ẩm, giết hại tiếng oán ngập trời. Ôi! Người có lòng nhân có thể không đau thương sao?
Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Nếu biết thịt trên mâm, là từ tiếng oán ngập trời mà có, lấy sự đau đớn của con vật mà làm sướng cái miệng của mình, thì chắc chắn không ai nuốt nổi!
Người đời mắc bệnh, sát sanh tế thần để cầu phước. Không nghĩ sự tế thần cầu phước của mình là muốn khỏi chết được sống. Giết mạng chúng sanh để kéo dài mạng mình, như vậy là quá ư trái với lý trời! Thần là vị chánh trực, có tư lợi như vậy hay không? Mạng không thể kéo dài mà lại mang thêm nghiệp sát. Đủ các loại tế tự không hợp lễ chế, cũng thuộc loại này.
Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Kinh Dược Sư nói: giết mạng chúng sanh để giải tấu với thần minh, kêu ma gọi quỷ xin phước, kéo dài mạng sống, là điều trọn không thể được. Mạng đã không được kéo dài, mà mang thêm nghiệp sát.
Đủ các loại tế tự không hợp lễ chế: như cầu con trai, cầu tài lộc, cầu làm quan… cho dù có được con trai, tài lộc, quan lớn đi nữa, đó cũng là nhờ phước đức có sẵn, chớ không phải quỷ thần ban cho. Ngẫu nhiên mà được, lại cho là linh ứng, rồi tin chắc, lại càng khẩn thiết mong cầu. Tà kiến quá sâu, thật hết thuốc cứu, đáng thương thay!
Người đời vì cơm ăn áo mặc, đã giăng lưới, săn bắt. Có kẻ làm nghề đồ tể giết trâu bò heo dê để sanh nhai. Tôi thấy không làm nghề này, cũng có cơm ăn áo mặc. Chưa có ai đói lạnh mà chết.
Kinh doanh bằng nghề sát sanh, thần minh trừng phạt. Lấy nghiệp sát để làm giàu, trăm người không có một. Trồng sâu nhân địa ngục, chịu ác báo đời sau, không nghề nào bằng nghề này! Tội gì mà không tìm nghề khác?
Cái thói quen không biết là lỗi này, đã làm đau khổ chảy nước mắt không thôi vậy!
Đích thân thấy kẻ đồ tể giết dê khi chết, miệng kêu tiếng dê; kẻ bán lươn sắp chết, đầu chui rúc như lươn. Hai người này đều là người hàng xóm, không phải truyền thuyết. Tôi khuyên mọi người, nếu không có kế gì sinh sống, thà đi ăn xin! Tạo nghiệp sát mà sống, không bằng chịu đói mà chết. Ôi! Có thể không ngăn chừa sao?
“Từng nghe, người đời trọng nhất là sanh mạng, thiên hạ thảm thương nhất là giết chóc”.
Thuyết minh: Nặng nhất có hai: 1. Người đời đối với tiền của, vợ con, chức tước, cho đến thân mình đều coi trọng, nhưng không thể giữ được cả hai, thì trong cái trọng lấy cái trọng hơn. Đó là cứu lấy mình, không tiếc tiền bạc; vì cứu thân mình, không tiếc chức tước; vì cứu thân mình, không đoái vợ con; nên nói quý trọng nhất. 2. Tất cả chúng sanh, đều có khả năng thành Phật, thì sanh mạng chính là hạt giống Phật, nên nói trọng nhất. Thảm thương nhất: đánh, trói tuy đau đớn, nhưng chưa đến nỗi chết, chỉ có giết là thảm thương nhất.
Cho nên thấy nguy hiểm là bỏ chạy, ruồi muỗi, kiến dế còn biết tránh chết. Trời sắp mưa là kiến kéo nhau tránh nạn.
Thuyết minh: Do mạng quý nhất, nên bảo toàn mạng; do giết thảm nhất, nên cố tránh giết. Do đó trùng kiến, đều biết tham sống sợ chết. Những loài nhỏ còn thế, loài lớn không nói cũng hay.
Sao lại giăng lưới, thả câu, tìm đủ mọi cách săn bắt.
Thuyết minh: Tất cả chúng sanh, đều tham sống sợ chết, sao lại còn vô lương tâm, làm các việc ác? Giăng lưới, thả câu, cho đến đặt bẫy, trăm phương ngàn kế, không thể nói hết. Quả là đau xót!
Khiến chúng sanh phải hồn phiêu phách lạc, mẹ con ly tán?
Thuyết minh: Giăng lưới, thả câu, đặt bẫy như trên, thấy là sợ hãi, nên hồn phiêu phách lạc. Mắc bẫy, mắc lưới, mắc câu là phải bỏ mạng, nên mẹ con ly tán; như con người gặp thời loạn lạc, bên binh lửa mẹ con lìa nhau, có khác gì đâu?
Có loài thì bị giam nhốt, có loài thì bị lên mâm.
Thuyết minh: Giam nhốt, có khác chi lao ngục; thọc huyết, đau đớn đồng như tùng xẻo. Đặt mình vào trường hợp đó, mình sẽ nghĩ sao?
Nai mẹ thương con, liếm vết thương mà bị đứt từng khúc ruột. Con vượn sợ chết thấy cái cung mà hai mắt lệ rơi.
Thuyết minh: Nai mẹ thương con: Hứa Chân Quân lúc nhỏ thích săn bắn, một hôm bắn trúng một con nai con, con nai mẹ liếm vết thương cho con, thấy con chết, cũng chết theo. Chân Quân mổ ruột nai mẹ, thấy đứt từng đoạn, do thương con quá độ.
Chân Quân rất hối hận, bẻ cung, vào núi tu hành, sau thành tiên, bay lên trời. Con vượn sợ chết: Vua Sở và Dưỡng Do Cơ đi săn, thấy con vượn, Dưỡng Do Cơ giương cung bắn, vượn thấy Do Cơ, liền khóc. Con vượn này có bàn tay mau lẹ, có thể bắt được tên, nhưng Do Cơ là thần xạ, biết chết chắc nên khóc.
Dựa vào sức mạnh của mình để bức hại kẻ yếu, lý e không nên. Ăn thịt kẻ khác để bổ thân mình, lòng sao nỡ!
Thuyết minh: Xét hai chuyện trên, thì biết sát sanh rất ư không nên. Nhưng người đời cho là, vật dưỡng nhơn, đâu biết như vậy là mạnh hiếp yếu. Vậy thì, hổ ăn thịt người, cũng sẽ bảo: nhơn dưỡng vật. Người đời cho rằng rau củ thiếu chất, ăn thịt mới đủ chất. Vì mập thân mình, đâu nghĩ đến cái khổ của kẻ khác, vậy thì lòng người ở đâu?
Do đó trời cao thương xót, cổ thánh hành nhân.
Thuyết minh: Đời do mê mờ, mà sát khí động trời. Trời vốn hiếu sanh, thường chỉ cho dân, mà dân không biết. Do sát sanh quá nặng, khiến mưa nắng thất thường, tai nạn binh đao. Tu thiện sự nhiều, thì mưa hoà gió thuận, thóc lúa được mùa, thế giới yên vui. Người đời sát sanh, là nghịch lại với trời.
Thánh nhân xưa, do đó trên thuận lòng trời, dưới thương vạn vật, hành nhân cứu tế.
Vua Thành Thang mở lưới, Tử Sản nuôi cá.
Thuyết minh: Mở lưới: Vua Thành Thang đời nhà Thương thấy thợ săn giăng lưới tứ phía, cầu rằng: Các loài trên trời xuống, dưới đất lên, bốn phía lại, đều vào lưới của tôi. Vua Thang mở ba phía, chỉ để lại một phía, sửa lời cầu rằng: Con nào muốn chạy sang bên trái thì qua trái, muốn chạy sang phải thì qua phải, muốn lên thì lên, muốn xuống thì xuống, con nào muốn chết thì mới vào lưới của tôi. Nuôi cá: Tử Sản làm đại phu nước Trịnh, có người biếu cho cá sống, Tử Sản không ăn thịt, cho người mang nuôi trong hồ. Nhìn hai việc này, thì biết phóng sanh, không phải chỉ có Phật giáo, quân tửnhà nho cũng nhiều người thực hành.
Con trai Lưu Thuỷ chở nước cứu tôm cá, đức Thích-ca cứu nguy vong cho chim ưng mà cắt thịt.
Thuyết minh:
Chở nước: Kinh Kim Quang Minh, con trai trưởng giả Lưu Thuỷ, dạo chơi thấy hồ cá bị cạn nước, sắp chết, dùng voi chở nước đổ vào, cá được sống sót. Rồi nói pháp cho cá nghe, sau chúng chết, đều được sanh lên cõi trời.
Cắt thịt: Đức Phật Thích-ca Mâu-ni, lúc còn hành đạo Bồ– tát, thấy con chim Ưng đuổi theo chim Bồ câu. Bồ câu chui vào lòng Bồ–tát. Chim Ưng nói: Ngài cứu Bồ câu, để tôi đói chết sao? Bồ-tát hỏi: Ngươi cần ăn gì? Ăn thịt. Bồ-tát cắt thịt nơi cánh tay đổi lấy Bồ câu cho chim Ưng. Chim Ưng yêu cầu phải bằng trọng lượng thịt của chim bồ câu. Bồ-tát tiếp tục cắt thịt trên thân mình, nhưng càng cắt lại càng nhẹ, cho đến sắp hết thịt trên thân, mà vẫn không đủ trọng lượng của chim bồ câu. Chim ưng bèn hỏi Bồ-tát: “bây giờ ông hối hận rồi phải không?” Bồ-tát trả lời: “tôi không hề hối hận.” Để cho chim ưng tin, Bồ-tát nói tiếp: “nếu lời nói của tôi là thật, xin cho thịt trên thân thể tôi phục nguyên như cũ.” Vừa nói xong, thì thịt trên thân bỗng nhiên hồi phục như cũ. Chim ưng cảm động bội phục, lập tức hiện thân Đế Thích, cung kính lễ bái Bồ-tát.
Thiên Thai Trí giả đào ao phóng sanh, Tiên nhân đại thụ bảo hộ chim.
Thuyết minh: Đào ao: Thiên Thai Trí giả đại sư, huý Trí Khải, Tuỳ Dạng Đế ban hiệu Trí Giả, từng đào ao khuyên người phóng sanh. Không chỉ Trí giả, xưa nay nhiều người từng làm việc này, Tây Hồ ở Hàng Châu ngày nay, chính là ao phóng sanh được thiết lập vào thời nhà Tống. Bây giờ trở thành thắng địa nổi tiếng. Đáng tiếc thời gian trôi qua, những người đề xướng đều khứ thế, thời cục thay đổi, thiện pháp cũng bại hoại, như đèn bắt cá ngày nay, như sao trên trời. Ban đêm cá thấy đèn, liền bơi lên mặt nước. Bình thời lại có những hoạt động thi câu cá, quả thật khiến đau lòng! Bảo hộ chim: Xưa có một tiên nhân, thường toạ thiền dưới gốc cây, có một con chim con do mưa gió rơi trên tổ xuống, sợ chim sợ hãi, ngồi yên bất động, đợi chim bay đi mới xuất định.
Chuộc cá mà đắc độ, sự để lại nhân ái cho hậu thế của Thọ thiền sư vẫn còn. Cứu rồng mà được truyền phương thuốc, phong cách nhân từ của Tôn chân nhân còn đó.
Thuyết minh: Chuộc cá: Đại sư Vĩnh Minh, nhà Tống, tên Diên Thọ, tổ thứ sáu Tịnh độ tông. Bình sanh sư thích mua vật phóng sanh, lúc Ngô Việt Vương Tiền Văn Mục trấn thủ Hàng Châu, là lúc sư làm thủ khố huyện Hàng. Sư đã sử dụng tiền trong kho mua tôm cá phóng sanh. Vì thế đã mang tội danh “ăn trộm quốc khố.” Theo pháp xử tử. Ngô Việt Vương tín phụng Phật giáo, biết rõ sư lấy tiền kho là để phóng sanh. Do đó ra lệnh cho quan chấp hành hình phạt, khi sắp chém, chú ý quan sát sắc mặt, lời nói của sư thế nào, về bẩm báo trước. Khi đại sư đi ra pháp trường, trên mặt không biểu hiện một chút sợ hãi nào, mọi người ai cũng rất kinh ngạc, đại sư nói: “đối với quốc khố, tôi không có dùng cho riêng mình, tất cả tôi đều mua vật phóng sanh. Nếu nay chết, sanh thẳng lên Tây phương cực lạc, chẳng phải là một niềm vui lớn sao?” Ngô Việt vương nghe tâu lại thế, liền phóng thích cho sư. Đại sư từ đó xuất gia tu hành, siêng năng tu tập thiền định, lễ Phật sám hối, đắc vô ngại biện tài.
Sau khi đại sư thị tịch, Phủ Châu có một thầy mắc bệnh, thần thức xuống âm phủ, thấy bên trái đại điện vua Diêm vương, thờ tượng một tăng nhân, Diêm vương thường vào ra cung kính lễ bái. Thầy ấy thấy lạ hỏi, quỷ sứ trả lời: “tôn tượng đó chính là Vĩnh Minh Thọ thiền sư. Thiền sư khi tại thế tu hành tinh tiến, nay đã vãng sanh Tây phương cực lạc lên ngôi cửu phẩm, vua Diêm Vương đặc biệt tôn kính đức hoá của đại sư, nên đã tôn thờ hàng ngày lễ bái.”
Cứu rồng: Tôn Chân Nhân khi chưa đắc đạo tiên, một lần đi ra ngoài gặp một bé trai bắt một con rắn, đùa nghịch chơi, rắn chảy máu rất nhiều sắp chết. Tôn Chân nhân thương cho con rắn không may bị nạn, nên đã mua rắn về, dùng thuốc chữa trị, rồi phóng sanh.
Hơn một tháng sau, Tôn Chân nhân khi đang tĩnh toạ, thấy một thiếu niên áo xanh đến mời. Chân nhân đi theo, đến một cung thuỷ tinh, thấy Long vương đầu đội mũ kháp, mình mặc áo đỏ ra nghinh tiếp, mời lên toà ngồi và nói: “con trai tôi hôm qua đi ra ngoài chơi, bị bọn trẻ làm bị thương, may có đạo nhân cứu, tôi cảm kích vô cùng.” Liền bảo bé trai áo xanh ra, lạy tạ ba lạy, đồng thời ân cần thiết tiệc khoản đãi, giữ lại ba ngày, khi về còn tặng rất nhiều báu vật để cảm ơn. Chân nhân kiên quyết không nhận, nói: “từ lâu nghe nói Long cung có rất nhiều phương thuốc bí truyền, xin hãy truyền cho tôi để tôi cứu đời, còn hơn kim ngọc.”
Long vương vì cảm kích tình cứu con trai mình, nên đã tặng 36 phương thuốc ngọc cấp. Bảo người hầu mang đến tận nhà. Qua nhiều lần thử nghiệm đều có công hiệu, thế là viết vào trong Thiên Kim phương truyền thế, từ đó y thuật càng thêm tinh thông, cứu người không kể xiết. Sau chứng được tiên phẩm, sống đến 120 tuổi
Cứu đàn kiến, đoản mạng của Sa-di được kéo dài; Thư sinh đổi sự hạ tiện gọi là thượng đệ. Mao Bảo phóng rùa mà được thoát nạn; Khổng Du lấy chức nhỏ mà được phong hầu.
Thuyết minh:
Hai việc cứu kiến: 1. Đoản mạng được trường niên là: Lúc Phật còn tại thế, có một Tỳ–khưu chứng quả, có lục thông, biết chú đệ tử Sa-di thị giả của mình sau bảy ngày sẽ yểu mạng. Do đó cho chú về quê thăm nhà, và dặn dò rằng:“sau tám ngày hãy trở lại.” Mục đích là để chú mất tại nhà.
Chú Sa-di ở nhà đến tám ngày, liền trở về lại với thầy. Thầy Tỳ–khưu thấy lạ, liền nhập định coi ngọn nguồn. Thì ra trên đường về nhà, chú Sa-di thấy đàn kiến bị nước cuốn trôi, hàng vạn chú kiến đang chới với trên mặt nước, chú lập tức cởi áo ném xuống cho kiến bò bám vào áo, chú kéo áo lên bờ. Nhờ công đức đó, chú không bị yểu mạng, ngược lại rất thọ sau này. Chú sống đến 80 tuổi, và chứng quả A-la-hán.
- Đổi sự hạ tiện gọi là thượng đệ là: Hai anh em Tống Giao, Tống Kỳ thời nhà Tống cùng học ở trường Thái học. Một lần nọ, hai anh em gặp một cao tăng, biết đoán tướng mạo, biết trước việc cát hung hoạ phước.
Cao tăng nói với hai anh em rằng: “Tống Kỳ khoa này sẽ trúng trạng nguyên, Tống Giao tuy đăng khoa Giáp, nhưng danh vị không cao.”
Sau sự việc đó, một lần nọ, Tống Giao vào rừng, gặp một hang kiến, đang bị nước ngập lụt, hàng triệu con kiến sắp bị nước cuốn. Tống Giao thương tình, bắt cầu cho kiến leo, cứu được vô số.
Khi đến khoa thi, hai anh em cùng ứng thí. Sau khi khảo thí, còn chưa công bố kết quả, lại gặp cao tăng ngày nọ. Vừa thấy Tống Giao, cao tăng kinh ngạc nói: “tiên sinh tướng mạo đã đổi, tất có âm đức lớn, hình như đã từng cứu hàng vạn sanh mạng.” Tống Giao trả lời: “bần nho nào có năng lực ấy?” Cao tăng nói: “không nhất thiết phải sanh mạng lớn, động vật nhỏ cũng là sanh mạng.” Tống Giao bèn kể lại sự thật đã cứu kiến. Cao tăng nói: “đúng rồi, em trai tiên sinh trúng trạng nguyên, nhưng công danh của tiên sinh không thấp hơn em trai.” Khi điểm danh trúng tuyển, Tống Kỳ quả nhiên được đứng nhất. Lúc bấy giờ thái hậu Chương Hiến cho rằng em trai không thể đứng trên anh nên đã đổi Tống Kỳ đứng thứ 10, cho Tống Giao đứng nhất. Lúc ấy hai người mới tin lời cao tăng quả nhiên ứng nghiệm.
Hai việc thả rùa:
- Lâm nguy thoát nạn là: Mao Bảo khi chưa thành danh, một lần nọ trên đường đi thấy một ông lão đánh cá bán một con rùa trắng lớn. Mao Bảo thương tình, mua về đem thả xuống sông.
Sau Mao Bảo làm đại tướng quân, trấn thủ Chu thành. Tướng địch Thạch Quý Long mang hàng vạn quân, vây Chu thành. Mao Bảo lãnh binh đối chiến đại bại, sáu ngàn sĩ tốt chạy tán loạn, những người nhảy xuống sông đều chết chìm. Chỉ có Mao Bảo mặc giáp, khi nhảy xuống sông, cảm giác như rơi trên tảng đá lớn, trong nước có một vật đưa Mao Bảo đi, nhờ đó được thoát chết. Đến khi đến bên bờ, nhìn kỹ, thì ra là con rùa trắng lớn trước đây được ông ta phóng sanh. Rùa trắng báo ơn, điều này chính là quả báo hiện tiền.
- Lấy chức nhỏ mà được phong hầu là: Khổng Du người Sơn Âm, triều nhà Tấn, là một quan nhỏ. Một lần nọ, đi qua Dư Can Đình, thấy một con rùa bị nhốt, thương tình, Khổng Du mua về phóng sanh. Con rùa sau khi được thả, mấy lần ngoái đầu lại nhìn Khổng Du, biểu thị lòng biết ơn, sau đó mới bơi đi.
Sau Khổng Du nhờ có công thảo phạt Hoa Dật, được phong làm hầu Dư Can Đình. Khi đúc ấn quan hầu tước, thì phần đầu của con rùa trên ấn ngoái đầu nhìn lại. Quan đúc ấn nấu lại, đúc lại từ đầu, nhưng đúc mấy lần, phần đầu con rùa trên ấn vẫn như cũ ngoái đầu nhìn lại. Quan đúc ấn thấy lạ quá, báo cho Khổng Du hay. Khổng Du chợt nhớ lại lúc thả con rùa, con rùa mấy lần ngoái đầu nhìn lại. Lúc đó ông mới hiểu, nay được phong hầu, là nhờ công đức thả rùa, liền giữ ấn hầu “ngoái đầu” sử dụng.