An Sĩ Toàn Thư – Tập 53 (Vạn Thiện Tiên Tư Tập – Tập 13)
Phóng sanh xong, đối trước Phật tiền, chí tâm lễ bái, bạch rằng: “Đệ tử tên… nhất tâm quy mạng Tây Phương Cực Lạc A-di-đà Phật. Con theo lời Phật dạy, nay phóng sanh, được bao nhiêu phước, với công đức này, mong cho con tội chướng tiêu trừ, oan khiên dứt sạch; thiện căn ngày một tăng trưởng, thân hoại mạng chung, thân tâm an ổn, chánh niệm rõ ràng, được Phật tiếp dẫn, sanh về nước an lạc, hoá sanh hoa sen, trong ao thất bảo. Hoa nở thấy Phật, được pháp vô sanh, đầy đủ Phật huệ; nhờ đại thần lực, tất cả những sanh mạng mà con phóng sanh, cho đến tất cả hữu tình khắp mười phương, đều được giải thoát, thành vô thượng đạo. Mong Phật từ bi, ai lân nhiếp thọ”. Phát nguyện xong, niệm Phật bao nhiêu biến tùy ý.
Thuyết minh: Căn cứ cựu văn của pháp sư Lễ, có chút thêm bớt, để cho đơn giản dễ hành, sau thêm cầu nguyện vãng sanh, lại thêm phẩm Hồi Hướng của kinh Hoa Nghiêm kết thúc. Ý muốn trước vãng sanh thế giới Cực Lạc của Phật A-di-đà sau nhập Tỳ Lô Giá Na Hoa Tạng Huyền Môn.
Lại ngày hè, phóng sanh lần đầu, chiếu theo nghi thức này niệm tụng, rồi liền thả; sau mang tới nữa, phóng tiếp, không niệm tụng nữa. Chỉ niệm “chú Đại Bi” một biến, “chú Vãng Sanh” ba biến, niệm Phật A-diđà rồi phóng. Không cần phải như thả lần đầu, sợ kéo dài, tổn hoại sanh mạng. Sau nếu mang tới nữa, cũng lại như thế.
Nơi chỗ phóng sanh, thiết trí hương án, dương chi tịnh thuỷ. Đại chúng lấy mắt từ nhìn chúng sanh, thương chúng trầm luân khổ ải. Lại nghĩ đến Tam bảo có đại oai lực, có thể cứu giúp chúng. Quán như thế rồi, tay cầm chén nước, niệm thầm rằng:
Nhất tâm phụng thỉnh thập phương từ phụ quảng đại linh cảm Quán Thế Âm Bồ–tát, giáng lâm đạo tràng, gia trì nước này, đủ đại công huân, rưới lên chúng sanh, khiến chúng thân tâm thanh tịnh, có khả năng nghe diệu pháp. Xong tụng “chú Đại Bi” một biến, rảy ba lần, sau đó bạch rằng: (ngưỡngbạch)
“Thập phương Tam bảo, bổn sư Thích-ca, từ phụ Di-đà, Bảo Thắng Như Lai, Bồ-tát Quán Âm, trưởng giả Lưu Thuỷ, đại sư Vĩnh Minh các đại sĩ… duy nguyện từ bi, chứng minh hộ niệm”.
Nay có các chúng sanh cầm thú trên không dưới nước, bị người ta đánh bắt, sắp vào chỗ chết, (chúng con Tỳ-kheo…, cư sĩ…) thế là tu Bồ-tát hạnh, phát tâm từ bi, tạo nhân trường thọ, hành nghiệp phóng sanh, mua các thân mạng ấy, thả để chúng tự do. Nhưng thuận theo kinh điển Đại Thừa Phương Đẳng, thì trao Tam Quy, niệm mười danh hiệu, lại nói cho chúng nghe 12 nhân duyên.
Oai đức Tam bảo âm thầm gia hộ, ai lân nhiếp thọ, bạch rằng:
Súc sanh quy y Phật, súc sanh quy y Pháp, súc sanh quy y Tăng;
Súc sanh quy y Phật lưỡng túc tôn, súc sanh quy y Pháp ly dục tôn, súc sanh quy y Tăng chúng trung tôn;
Súc sanh quy y Phật cánh, súc sanh quy y Pháp cánh, súc sanh quy y Tăng cánh. (đọc ba lần)
Này các Phật tử, quý vị đã quy y Tam bảo xong, nay ta vì quý vị xưng dương. Bảo Thắng Như Lai thập hiệu công đức, khiến các ngươi được nghe, được sanh thiên như vô lượng cá kia không khác.
Nam Mô Bảo Thắng Như Lai, Ứng Cúng, Chánh Biến Tri, Minh Hạnh Túc, Thiện Thệ, Thế Gian Giải, Vô Tượng Sĩ, Điều Ngự Trượng Phu, Thiên Nhân Sư, Phật Thế Tôn (ba lần).
Này các Phật tử, nay ta lại nói 12 nhân duyên, tướng hoàn diệt của nhân duyên cho quý vị, khiến quý vị biết pháp sanh diệt, ngộ bất sanh diệt, cùng với chư Phật, chứng đại Niết-bàn. Đó là vô minh duyên hành, hành duyên thức, thức duyên danh sắc, danh sắc duyên lục nhập, lục nhập duyên súc, súc duyên thọ, thọ duyên ái, ái duyên thủ, thủ duyên hữu, hữu duyên sanh, sanh duyên lão tử ưu bi khổ não. Đó là vô minh diệt thì hành diệt, hành diệt thì thức diệt, thức diệt thì danh sắc diệt, danh sắc diệt thì lục nhập diệt, lục nhập diệt thì xúc diệt, xúc diệt thì thọ diệt, thọ diệt thì ái diệt, ái diệt thì thủ diệt, thủ diệt thì hữu diệt, hữu diệt thì sanh diệt, sanh diệt thì lão tử ưu bi khổ não diệt.
Này các Phật tử, ta đã theo kinh đại thừa trao tam quy, thập hiệu, 12 nhân duyên cho quý vị rồi, nay sẽ vì quý vị đối trước Tam bảo, phát lộ sám hối, mong cho tội lỗi của quý vị, sớm được tiêu trừ, sanh vào chỗ lành, gần gũi Phật pháp. Quý vị phải chí tâm, sám hối theo tôi:
“Xưa con đã tạo bao ác nghiệp, đều do vô thỉ tham sân si, từ thân miệng ý phát sanh ra, tất cả con nayđều sám hối”.
Nam mô Thanh Lương Địa Bồ-tát ma-ha-tát (ba lần)
Mong cho sau khi được thả, vĩnh viễn không gặp ác ma, không bị đánh bắt ăn nuốt, thong dong tự tại, sống hết tuổi trời; sau khi mạng chung, nương Tam bảo lực, sức từ bi bổn nguyện của Bảo Thắng Như Lai, sanh ra nơi cõi trời, cõi người, trì giới tu hành, không còn tạo ác, tín tâm niệm Phật, tuỳ nguyện vãng sanh. Lại mong cho chúng con… từ nay về sau, Bồ–đề hạnh nguyện, niệm niệm tăng trưởng, cứu khổ chúng sanh, giống như ý mình; nhờ nhân duyên đó, được sanh An dưỡng, thấy
Phật Di-đà, và các thánh chúng, chứng vô sanh nhẫn, phân thân khắp cõi, quảng độ chúng sanh, đều thành chánh giác. Hiện tiền đại chúng, đồng thanh tụng niệm thần chú vãng sanh Tịnh độ, chương Hồi Hướng của kinh Hoa Nghiêm.
Phẩm Thập Hồi Hướng, kinh Đại Phương Quảng Phật Hoa Nghiêm, tuỳ thuận kiên cố nhất thiết thiện căn hồi hướng. Phật tử, Bồ-tát ma ha tát làm đại quốc vương, tự tại đối với pháp, ra chỉ thị, cấm nghiệp sát. Cấm hẳn sát sanh toàn cõi Diêm-phù đề.
Ban sự vô uý đến tất cả các loài không chân, hai chân, bốn chân, nhiều chân, rộng tu tất cả Bồ– tát hạnh, thương yêu tất cả loài vật, làm cho chúng sanh an ổn, nơi chỗ các Phật, thường tự an trụ ba loại tịnh giới, cũng làm cho chúng sanh an trụ như thế, Bồ-tát Ma-ha-tát. Làm cho chúng sanh trụ trong ngũ giới, vĩnh viễn đoạn trừ nghiệp sát, dùng thiện căn này, hồi hướng như thế. Đó là nguyện tất cả chúng sanh phát Bồ–đề tâm, đầy đủ trí tuệ, vĩnh viễn giữ được thân mạng, không có ngày mất; nguyện tất cả chúng sanh sống vô lượng kiếp, cúng dường tất cả Phật, cung kính siêng năng tu hành, tăng thêm thọ mạng; nguyện tất cả chúng sanh đầy đủ pháp hành lìa già bệnh chết, tất cả tai hoạ không hại được thân thọ; nguyện tất cả chúng sanh được thân không bệnh khổ, thọ mạng tự tại, sống bao lâu cũng được; nguyện tất cả chúng sanh thọ mạng vô lượng, tận cùng đời vị lai, giáo hoá điều phục tất cả chúng sanh; nguyện tất cả chúng sanh thiện căn đầy đủ, thành tựu đại nguyện; nguyện tất cả chúng sanh đều gặp chư Phật, cúng dường thừa sự, sống vô lượng tuổi, tu tập thiện căn; nguyện tất cả chúng sanh ở nơi chỗ Phật, khéo tu tập, được thánh pháp hỷ, sống vô lượng tuổi; nguyện tất cả chúng sanh không bị già bệnh chết, dũng mãnh tinh tấn vào trí tuệ Phật. Đó là Tam Tụ Tịnh giới của Bồ-tát Ma-ha-tát, vĩnh viễn đoạn trừ sát nghiệp, thiện căn hồi hướng, vì làm cho chúng sanh được thập lực viên mãn trí của Phật.
Kế đến tụng chú vãng sanh ba lần, tụng xong bạch rằng:
Công đức phóng sanh trên đây, báo khắp bốn ân, ba cõi được nhờ, pháp giới chúng sanh, đồng viên chủng trí. Thập phương tam thế tất cả Phật, tất cả Bồ-tát Ma-ha-tát, ma-ha bát-nhã ba-la-mật.
Kệ “Giới Tửu Nhục Từ Huệ Pháp Môn”
Kệ “Giới Tửu Nhục Từ Huệ Pháp Môn” của từ Vân sám chủ Tuân Thức đời nhà Tống. Bài kệ này trích từ các kinh đại tiểu thừa “Kinh Lăng Già”, “kinh Ương Quật”, “Kinh Niết-bàn”, “Kinh Tát Giá Ni Càn”, “Kinh A Hàm”, “Kinh
Chánh Pháp Niệm”, do khi đọc tụng, chép ra thành 100 bài kệ, đặt tên “Giới Tửu Nhục Từ Huệ Pháp Môn”. Mong muốn hàng tín sĩ, do dự đọc kỹ, thâm tư hiện nghiệp, sợ hãi quả báo tương lai, hòn sắt nóng nước đồng sôi, đâu dễ nhẫn chịu.
Nam mô Phật Pháp Tăng, biển đại từ Tam bảo; nay con theo lời dạy, khuyên khắp các chúng sanh; chớ giết chớ ăn thịt, cùng chứa hạnh nhân từ; không bệnh mạng sống lâu, vị lai thành Phật đạo. Chư Phật đại Bồ-tát, thường vì cứu chúng sanh; bỏ đầu mắt tuỷ não, trải trăm ngàn vạn kiếp. Cắt thịt cho chim ưng, cứu kiến bỏ mạng rồng; Lưu Thuỷ cứu cá cạn, Tát đoả thân hiến cọp; trải nhiều kiếp hành từ, sức từ thiện thành tựu. Phật không tất cả tâm, duy chỉ một tâm từ; nếu có ai hành từ, không giết không ăn thịt; nguyện cho sức oai thần, đời đời thường gia hộ.
Sát sanh mà Phật nói, chính là giết cha mẹ, cũng là giết vợ con, anh em cùng thân quyến. Hết thảy nam cùng nữ, đều từng là cha mẹ; đời đời khi sanh ra, đều từ tinh huyết ấy; nhận một thân súc sanh, mỗi mỗi thân một loài, đời đời không tính kể; luân hồi trong sáu đường, qua lại làm quyến thuộc; nên ăn thịt chúng sanh, gọi ăn thịt cha mẹ.
Lại quán tất cả thân, đều là bản thể ta; thịt ta và thịt người, thật chỉ là một thịt; Như ở trước sau nhà, cũng gọi nhà của ta; nên biết ăn thịt người, chính là ăn thịt mình; Phật quán Như Lai tạng, cõi Phật cõi chúng sanh, một cõi không hai cõi, tất cả thịt chỉ một; người diễn đóng nhiều vai, thật chỉ là một người.
Nếu muốn giết chúng sanh, nên khởi tâm của Phật; thợ săn cùng đồ tể, người đánh bắt cá chim; chúng sanh thấy từ xa, đều sanh lòng sợ hãi; có nghĩa kẻ ác này, tham lợi và vị thịt, tay cầm tên đao bén, nghĩ muốn giết thân ta, chim bay và thú chạy, sợ hãi mà tránh xa.
Thường cùng các chúng sanh, khởi ý đại oán đối, tất cả đều tiếc mạng, người súc sanh không khác. Nếu muốn ăn chúng sanh, trước thử cắt thịt mình, chết là cái khổ lớn, ai mà không sợ nó. Chỉ cần tự quán thân, vì sao ăn thịt chúng, vì lợi giết chúng sanh, vì tiền giăng lưới bẫy, cả hai đều nghiệp sát, chết đoạ ngục Kêu La.
Bạn biết người sát sanh, chết rơi vào địa ngục, thành sắt cao tám vạn, bốn ngàn du-thiện-na, dài rộng cũng như thế. Trong thành đầy lửa dữ, nội ngoại đều đỏ rực; chó dữ canh bốn cửa, ngục tốt tiếng như sấm; hai mắt như ánh đèn, rượt đuổi người có tội. Vào trong mà chịu khổ, lực sĩ cầm giáo sắt, cán giáo dài một trượng, lưỡi giáo rộng tám tấc; đâm vào bụng tội nhân, xuyên thấu ra đằng sau; đau đớn khó kham nhẫn, trong trăm ngàn vạn kiếp, chịu thống khổ lớn này.
Bạn biết người ăn thịt, chết đoạ ngục A-tỳ, nhà sắt cũng cao rộng, tám vạn du-thiện-na. Bốn cửa lửa cháy rực, nam bắc đều thông nhau; tường sắt cùng lưới sắt, gông cùm đều bằng sắt, mỗi mỗi bị lửa thiêu, tất cả đều đỏ rực; ăn thịt chịu khổ này, trải trăm ngàn vạn kiếp.
Bạn biết người nấu thịt, chết đoạ ngục nước sôi, sâu rộng cả một vạn, hai ngàn du-thiện-na. Ngày đêm lửa dữ đốt, sùng sục nước trào ở trong đó chịu khổ, một vạn hai ngàn năm.
Bạn biết người nướng thịt, đọa ngục giường sắt nóng, ngục ấy dài và rộng, tám ngàn du-thiện-na. Dưới giường châm lửa đốt, tội nhân nằm ở trên, thân thể cháy đen thui, mười hai ngàn năm thế.
Bạn biết người cắt thịt, chết đoạ ngục chém chặt; năm trăm đại lực sĩ, dùng dao chém tội nhân; băm vằm nhuyễn như bụi, nghiệp phong thổi lại sống; như vậy chết lại sống, trải vạn hai ngàn năm.
Bạn biết nuôi heo gà, gà vì tham thịt béo; mỗi ngày một con gà, ăn năm trăm trùng sống; chủ nhân chịu nửa tội, chết đoạ ngục như gà; ngục ấy đầy phân nóng, tám vạn du-thiện-na; người gà đều vào trong, tròn năm trăm vạn năm.
Bạn biết người săn bắt, giăng bẫy và thả lưới; chết đoạ ngục trục sắt, khắp trục cắm vạn đinh; bắt lên lăn một vòng, khắp thân đầy đinh sắt; đau khổ thật khó nhẫn, trải trăm ngàn vạn kiếp.
Kẻ sát sanh ăn thịt, từ trong địa ngục ra, thọ làm thân quỷ đói; sư tử báo hổ lang, mèo chồn kim xí điểu, chỉ ăn máu thịt tươi; lửa đói thường thiêu tâm, thường luôn nghĩ đến thịt; do đó huân tập ác, hạt giống từ mất biệt. Nếu được sanh làm người, tàn tật mạng ngắn ngủi; ngu si báng nhân quả, chết lại vào địa ngục. Khi Phật nói lời này, vô lượng các quỷ đói, gào than thề dứt thịt, và hộ người dứt thịt. Nay bạn nghe kinh này, sao không chịu đổi thay, vô ích sanh làm người, không bằng hàng quỷ đói. Chớ có đốt núi rừng, chớ có phá bờ đê, chớ chặt cây có ổ (chim), chớ đốt củi có trùng; nếu thấy vật bị giết, phương tiện thường cứu hộ.
Nam mô Thập Phương Phật, đại trí đức Thế tôn; con muốn khuyên chúng sanh, bỏ rượu cầu minh tuệ. Như lời Phật đã nói, uống rượu nhiều lỗi lầm, tám vạn môn trần lao, với ba mươi sáu lỗi, đều do rượu làm gốc, các ngươi nên quán kỹ, say rượu tâm tán loạn, sáu thức thảy hôn mê; vua tôi trái lễ tiết, cha con bỏ tôn ti, mẹ con gái bất hoà, phẩm hạnh không được giữ. Như ở nước Xá-vệ, có Ương-quật-ma-la, uống rượu dâm với mẹ, rồi nhân đó giết cha, rồi mẹ đi ngoại tình, lại mang gươm giết mẹ.
Lại như Sa-già-đà, La-hán có thần thông, hôm đến nước Chi-đề, vào thôn tên Bạt-đà; ở đó có rồng độc, tên Am-bà-la-đề, rồng ấy rất ác độc, thường xâm hại thôn dân; La-hán dùng thần thông, hàng phục rồng độc rồi, thôn dân muốn báo ân, bày dọn nhiều cháo sữa; có một người con gái, yêu say mê La-hán, mới dùng rượu như nước, dâng lên cho La-hán; La-hán tưởng là nước, uống vào rượu tác dụng, mê loạn chùa quay cuồng, y bát đều vứt bỏ; lúc tỉnh dùng thần lực, hàng phục được rồng dữ; say rồi như người chết, không hàng được cóc ếch; Thế tôn bảo la-hán, cùng các Tỳ-kheo tăng, đến chỗ La-hán kia, nhân đây chế cấm rượu, kinh thánh Pháp Niệm nói. Diêm La quở tội nhân, sắp xua vào địa ngục, trước nói kệ như thế, rượu làm loạn lòng người, khiến người như chó dê, không biết làm không làm, như vậy nên bỏ rượu, vì với người say rượu, như người chết không khác. Nếu muốn thường bất tử, người ta nên bỏ rượu, rượu là nơi tội lỗi, thường luôn không ích lợi. Nguyên nhân của ác đạo, nguyên nhân của tối tăm, uống rượu đến địa ngục, cũng đi đến quỷ đói, là đường đến súc sanh, nguyên nhân bởi tại rượu. Rượu là độc trong độc, địa ngục trong địa ngục, là đại bệnh trong bệnh, chính là điều Phật nói.
Ai đã uống rượu rồi, không duyên cớ mà cười, không duyên cớ mà giận, không duyên cớ làm ác. Không tin Phật ra đời, chuyện hoại thế xuất thế, thiêu giải thoát như lửa.
Gọi là pháp rượu này, nếu mà ai bỏ được, đúng như pháp giữ giới, người ấy đến Niết-bàn, không còn chỗ sanh tử. Chớ uống rượu vô minh, là nhân của các khổ, Thanh-văn trụ minh thoát, vậy say thuộc về người.
Nếu khi mắc bệnh khổ, nên quán gốc của bệnh; từ si mà sanh ái, tập nghiệp chiêu quả bệnh; Kỳ-bà thầy thuốc giỏi, còn không thể chữa trị, huống hồ rượu thuốc này, có khả năng trừ bệnh?
Rượu là gốc phóng dật, không uống đóng ác đạo; thà bỏ thân trăm ngàn, không huỷ phạm giới rượu; thà để thân khô gầy, trọn không uống rượu này. Cho dù huỷ phạm giới, thọ mạng cả trăm năm, không bằng sống một ngày, mà giữ được cấm giới.
Chắc chắn chữa lành bệnh, mà ta còn không uống, huống hồ chưa biết chắc, có lành bệnh hay không. Tâm quyết định như thế, liền sanh đại hoan hỷ, lập tức được kiến đế, bệnh tật liền tiêu trừ.
Bạn biết người nấu rượu, chết đoạ ngục phẩn hèm, cũng đoạ ngục nước sôi, một vạn tám ngàn năm.
Bạn biết người bán rượu, chết đoạ ngục hồ rượu, rượu như nước đồng sôi, rơi vào trong chịu khổ.
Bạn biết người uống rượu, chết đoạ ngục Quán Khẩu, tay tự đổ đồng sôi, vào trong miệng chịu khổ.
Bạn biết người mang rượu, ép người trì giới uống, chết đoạ ngục hồ băng, tám vạn năm chịu khổ; da thịt đều rách nát, ngày đêm trăm tử sanh; sau đó năm trăm đời, sanh ra không có tay.
Bạn biết hoặc dùng lực, hoặc vì đùa vui chơi, mang rượu cho tăng ni, cưỡng ép người ta uống, chết đoạ ngục cưa chân. Trong sáu trăm vạn năm, năm trăm đại lực sĩ, luôn cắt chân người ấy. Cho đến đưa bình rượu, năm trăm đời không tay, thường mang thân dòi bọ, ruồi nhặng và muỗi mòng, loài côn trùng nhỏ nhít, mỗi mỗi năm trăm đời.
Bạn biết Cát-đà-bà, mua rượu đổ xuống giếng, Lahán uống nước giếng, tám vạn thánh đều say. Do đó hại thánh nhân, chết đoạ ngục cưa xẻ, liền trong tám vạn kiếp, thường bị khổ cưa xẻ. Sau được sanh làm người, lùn xấu như dị nhân, tai mũi đều bít lỗ, môi sứt răng hô hở, tay chân đều thiếu ngón. Huống hồ tâm phá giới, mang rượu ép người uống.
Thường thấy kẻ ngu si, ép người khác uống rượu; tự mình không trong sạch, đã không tâm hổ thẹn, lại mang thứ bất tịnh, ép người khác phá giới.
Chẳng thà đoạn thân mạng, không phá thiện tâm người; bỏ mạng một đời này, chưa hẳn vào ba cõi; phá giới dứt trời người, và mất pháp giải thoát.
Bạn biết dứt rượu thịt, được phước đức không cùng; ví người mang thất bảo, quốc thành cùng vợ con, đem bố thí hết thảy, không bằng một phần ngàn, của người dứt rượu thịt; cho đến cả đại thiên, thất bảo mang bố thí, không bằng một phần ngàn, của người dứt rượu thịt. Giả sử vì cầu phước, dùng trăm ngàn lượng vàng, mang ra bố thí khắp, không bằng một phần ngàn, của người dứt rượu thịt. Giả sử có Phật tử, tạo phan hoa bảo cái, đầy khắp cả đại thiên, mang dùng cúng dường Phật, không bằng một phần ngàn, của người dứt rượu thịt.
Phạm rượu mắc tội nặng, giữ rượu phước cũng sâu; thiện ác hai cái đối, khổ lạc cũng theo chiều; hãy nhanh sớm quay lại, hối cải thiện tâm sanh; chớ đợi vô thường đến, như bình đầy tự chìm; khuyên ai nên cố gắng, cùng sánh bước tiến lên.
Kệ này đều trích từ các kinh, khi đọc nên bảo hộ; nếu khinh mạn, tức là khinh mạn các kinh đại thừa, mắc tội không nhỏ.