Chánh văn Liễu Phàm Tứ Huấn – Bài 1

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
(Bài 1)
***
MẤY LỜI CỦA BAN ẤN TỐNG
***
LPTH là một trong ba cuốn sách “Cảm Ứng Thiên Vựng Biên”, “An Sĩ An sĩ Toàn Thư” và “Liễu Phàm Tứ Huấn” được Hoằng Hoá Xã của Đại Sư Ấn Quang – Tổ thứ 13 của Tịnh Độ Tông Trung Hoa in ấn rất nhiều, số lượng của ba quyển sách này vượt hơn ba triệu bản. Trong khi một số sách khác mỗi một bản chỉ có một ngàn đến hai ngàn bản”
“Liễu Phàm” là tên riêng của Ngài Viên Liễu Phàm tiên sinh. Họ thật của ông là Hoàng, tự là Khôn Nghị. Ông là người sông Ngô tỉnh Giang Nam. Ông sống vào thời vua Minh Thế Tông, năm 1535.
“Tứ huấn” là “Bốn điều giáo huấn”, khuyên dạy con cháu tu phúc, cải tạo vận mệnh chuyển họa thành phước, thông qua kinh nghiệm cuộc đời của chính ông. Bốn giáo huấn đó là:
1. Đạo lý cải tạo vận mệnh
2. Muốn tránh họa phải đoạn ác – Phương pháp đoạn ác
3. Muốn phúc đến phải tu thiện – Phương pháp tu thiện
4. Muốn đỗ đạt thành danh phải giữ hạnh khiêm cung
Qua đó nêu rõ tính xác thực của lý nhân quả, khuyên người phải biết sợ sệt tránh xa những việc xấu ác và nỗ lực làm thiện; Vận mệnh của con người không phải là cố định mà có thể cải tạo được.
Ban ấn tống chúng tôi nhận thấy đây thực sự là tác phẩm rất hữu dụng cho người sơ học. Đặc biệt, là trong bối cảnh hiện nay, cuộc sống quay cuồng bận rộn khiến cho việc tu học vốn dĩ đã khó nay càng trở nên khó gấp bội.
Do vậy, ban ấn tống chúng tôi phát tâm chuyển tác phẩm từ file đọc bằng mắt sang file nghe bằng âm thanh MP3, MP4 để các liên hữu gần xa cho dù trong bất cứ hoàn cảnh nào cũng đều có thể tranh thủ thời gian vừa làm vừa học, phá mê khai ngộ, chuyển họa thành phước.
Trong bài giọng đọc nam là chánh văn LPTH, giọng đọc nữ là những chú giải thêm. Nếu có chút công đức nào chúng tôi nguyện hồi hướng cho các chúng sanh tận hư không biến pháp giới.
Kính chúc các liên hữu gần xa lấy đoạn ác tu thiện, tích công lũy đức chuyển họa thành phúc ngay đời này nhất định thành tựu.
***
LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
GIÁO HUẤN THỨ NHẤT – ĐẠO LÝ VẬN MỆNH
LUẬN VỀ LẬP VẬN MỆNH
Năm 15 tuổi gặp Khổng Tiên Sinh đoán định mệnh
Ta lúc nhỏ thân phụ mất sớm, lão mẫu dạy “bỏ không theo cử nghiệp mà theo học nghề y, [Ngày xưa Trung Hoa lập chế độ thi cử để tuyển lựa người tài giỏi làm quan] vì học y cũng có thể mưu sinh, có thể cứu người giúp đời mà khi y thuật tinh thông thì được thành danh, đó là ý nguyện sớm có của cha con vậy”.
Sau đó tại chùa Từ Vân, ta gặp một lão nhân râu dài, tướng mạo tốt đẹp, dáng vẻ phi phàm, nên ta dùng lễ mà cung kính lão nhân ấy. Ông bảo ta rằng:
– Ngươi là người trong sĩ lộ. Năm tới tức phải nhập học, tại sao lại không theo học vậy?
Ta nói rõ nguyên cớ cho vị lão nhân ấy nghe, và lễ phép hỏi danh tính cùng xuất xứ của lão nhân. Lão nhân nói:
– Lão họ Khổng, người Vân Nam. Lão được Thiệu Khang Tiết tiên sinh chân truyền Hoàng Cực số lão nghĩ cũng nên truyền cho ngươi. [Hoàng Cực số: Sách Hoàng Cực Kinh Thế Thư, tác giả là Thiệu Khang Tiết. Sách này căn cứ trên Kinh Dịch và số học để bói về thời thế đất nước, cũng như vận mệnh của con người] Ta thỉnh lão nhân về nhà, và báo cáo với lão mẫu, thì mẫu thân dạy:
– Phải nên tiếp đãi cho thật cẩn thận tử tế và thử xem ông ấy đoán số ra sao
Thì thấy mọi việc lớn nhỏ ông đều đoán trúng cả. Ta bèn có ý định theo đòi việc đèn sách và bàn với biểu huynh là Thẩm Xứng, thì biểu huynh bảo:
– Có Úc Hải Cốc tiên sinh mở lớp dạy tại nhà ông Thẩm Hữu Phu, ta gởi ngươi tới đó trọ học thì rất là thuận tiện.
Ta bèn bái Úc tiên sinh làm sư phụ.
Khổng tiên sinh lấy số cho ta thì khi khảo thí ở huyện, đỗ đồng sinh đứng hạng thứ 14, [Đồng sinh là Học sinh chưa thi đậu lần nào. Đồng sinh theo học ở trường tư thục (tiểu học tư nhân do một người thầy tổ chức tại địa phương). Sau đó đồng sinh sẽ thi tú tài. Tú tài phải thi ba nơi; Huyện, Phủ và Tỉnh. Cả 3 nơi đều đậu mới được gọi là đậu tú tài], thi ở phủ đứng vào hạng thứ 71, và thi ở tỉnh do quan đề đốc học viện làm chủ khảo thì đỗ vào hạng thứ 9. [Đề đốc học viện: Là bộ giáo dục cấp tỉnh. Các kỳ thi cử tú tài và cử nhân đều tổ chức tại đó)
Năm tới đi thi, thì ở cả ba nơi số hạng đều đúng y như thế.
Sau đó lại lấy số chung thân cho ta, bảo rằng vào năm nào thì được khảo thí đứng hạng mấy, năm nào thì được bổ khuyết lẫm sinh, năm nào thì làm cống sinh, Lẫm sinh: Học sinh sau khi đậu tú tài sẽ học ở Học-Cung (trường trung học công lập địa phương) gọi là tiến học. Trong vòng 3 năm đầu phải trải qua 2 kỳ thi: Tuế khảo và Khoa khảo. Nếu thi đậu sẽ được liệt vào danh sách dự bị lẫm sinh gọi là “Bổ lẫm”. Đợi cho đến khi nào có chỗ trống sẽ được đôn lên làm “lẫm sinh”. Kể từ “lẫm sinh” trở đi có thể hưởng phụ cấp gạo theo tiêu chuẩn. Lẫm sinh phải thi nhiều lần để lên Cống sinh. Các kỳ thi đều tổ chức tại Đề đốc học viện. Thi đậu cống sinh sẽ coi như mãn khoá Học-Cung, gọi là “Xuất học” hay “Xuất cống”. Rồi lại phải lên thủ đô, vào Quốc Tử Giám để học tiếp và thi lên tiến sĩ], Sau khi làm cống sinh, năm nào thì được tuyển làm trưởng quan ở Tứ Xuyên, tại chức sau 3 năm rưỡi thì cáo quan về hưu. Năm 53 tuổi vào giờ sửu ngày 14 tháng 8 thì mất trên giường bệnh, tiếc rằng không có con nối dõi. Ta cẩn thận ghi lại tất cả.
Trải 20 năm tất cả đoán mệnh đều đúng
Từ đó về sau, phàm mỗi khi gặp kì khảo thí, danh số trước sau đều đúng như Khổng tiên sinh đã dự đoán sẵn.
Chỉ có một dự đoán là khi nào số gạo cấp lương lẫm sinh của ta được tới 91 thạch 5 đấu (1 thạch là 10 đấu) thì lúc đó sẽ được bổ làm “cống sinh”. Nhưng cho tới khi ta mới được lãnh hơn 70 thạch thì Đồ tông sư (tức là quan đề học), đã phê chuẩn cho ta được bổ làm cống sinh, duy chỉ có chỗ đó làm ta có điểm hoài nghi.
Nhưng thực ra sau đó, sự phê chuẩn này bị quan thự ấn họ Dương bác bỏ. Mãi tới năm Đinh Mão, tông sư Ân Thu Minh thấy bị quyển nơi trường thi của ta (tức là quyển nộp thi đáng được chấm đậu mà bị bỏ rớt lại) thì than rằng:
– Bài ngũ sách đúng là năm thiên tấu nghị, văn chương quảng bác, ý tứ sâu sắc thông suốt của một nho sĩ, sao nỡ để cho mai một mãi ru!
Bèn truyền cho huyện quan dâng thỉnh nguyện lên để ông phê chuẩn cho được bổ cống sinh. Nếu tính số lượng gạo được cấp từ trước trải qua thời gian bị bác bỏ cho tới khi được bổ thì thực đúng là 91 thạch 5 đấu vậy.
Nhân thế, ta càng tin rằng sự tiến thoái, thăng trầm nhanh hay chậm đều có thời, có số cả, nên an nhiên tự tại chẳng cần mong cầu sự gì cả.
Sau khi được bổ cống sinh, ta phải đi Yến Đô (tức Bắc Kinh), ở lại kinh đô một năm, suốt ngày tĩnh tọa mà không màng tới việc đèn sách.
Năm 35 tuổi – Gặp thiền sư Vân Cốc
VÂN CỐC THIỀN SƯ KHAI THỊ VỀ CẢI VẬN MỆNH
Năm Kỷ Tỵ, ta quay trở về, du ngoạn qua Nam Ung tức Quốc Tử Giám ở Nam Kinh, nhưng trước khi nhập học, ta tới bái phỏng Vân Cốc Pháp Hội thiền sư.
Ở trên núi Thê Hà Sơn, cùng thiền sư đối diện trong một thất, tĩnh tọa ba ngày đêm chẳng nhắm mắt.
Thiền sư hỏi ta:
– Sở dĩ người phàm không làm được thánh nhân chỉ vì bị nhiều vọng niệm lăng xăng trong lòng không ngừng, vương vấn bao quanh che lấp mất tâm thanh tịnh mà thôi. Nhà ngươi ngồi ba ngày không thấy khởi một vọng niệm nào, làm sao làm được vậy?
Ta đáp rằng:
– Tại hạ vì được Khổng tiên sinh bói mạng cho, sự vinh nhục sinh tử đều do số đã định sẵn cả, nên dù có vọng tưởng hoặc mưu cầu điều chi cũng không thể thay đổi được, vô ích mà thôi, nên không khởi vọng tưởng nữa.
Thiền sư cười mà nói rằng:
– Ta tưởng ngươi là một hào kiệt, nào ngờ ngươi vốn cũng chỉ là phàm phu mà thôi.
Ta hỏi lí do tại sao thiền sư lại nói như vậy? Thì thiền sư bảo rằng:
– Phàm là con người nếu còn chưa được vô tâm, tức tâm còn vọng tưởng chưa được thanh tịnh thì chung cuộc vẫn bị ràng buộc bởi âm dương khí số, mà đã bị ràng buộc bởi âm dương khí số thì làm sao nói là không có số được? Tuy nhiên, chỉ người phàm là có số.
Những người làm việc cực thiện, cũng như cực ác không bị số mệnh câu thúc mãi, bởi làm nhiều điều thiện có thể đương nghèo hóa giàu, còn trái lại làm nhiều điều cực ác có thể đương giàu sang phú quý trở thành nghèo hèn.
Nhà ngươi 20 năm nay, cứ theo lời đoán của Khổng tiên sinh mà bị số mệnh câu thúc, không hề thay đổi một chút nào thì như thế chẳng gọi là phàm phu thì là gì?
Ta hỏi ngay rằng:
– Vậy thì có thể tránh khỏi số mệnh được sao?
Thiền sư đáp:
– Mệnh do chính mình tạo và phúc cũng do tự mình cầu được. Kinh Thư đã nói làm lành được phúc, làm ác bị giảm phúc, thực rõ ràng đúng là những lời minh huấn. Trong kinh Phật có nói “Cầu phú quý được phú quý, cầu con trai được con trai, cầu con gái được con gái, cầu trường thọ được trường thọ.” Này, vọng ngữ là điều đại giới của đức Thích Ca; chư Phật, Bồ Tát há lại nói dối trá, lừa người ư?
Ta hỏi thêm rằng:
– Mạnh Phu Tử nói những điều mình cầu mong mà có thể đạt được là do chính ở nội tâm mình nghĩ đủ sức làm được như vậy: Như muốn trở thành một người có đạo đức, nhân nghĩa thì tận tâm, tận lực tu tập thì sẽ được; Còn như công danh phú quý là những điều ở ngoài thân tâm mình thì làm sao mà cầu được?
Vân Cốc thiền sư nói:
– Lời của Mạnh Phu Tử không hề sai, chính tự ngươi không hiểu hết ý nghĩa mà thôi. Ngươi chẳng thấy Lục Tổ đã nói: “Tất cả phúc điền đều không rời tâm địa của con người. Từ nơi tâm mình mà tìm cầu thì mọi sự đều được cảm ứng”. Tìm cầu ở ngay nội tâm của mình thì không những được đạo đức, nhân nghĩa mà công danh, phú quý cũng được nữa, đó là nội ngoại song đắc, cầu như vậy mới hữu ích vì cầu mà được vậy; Nếu không hướng nội phản tỉnh mà chỉ biết hướng ngoại tìm cầu, thì cách cầu như vậy chỉ đạt được những cái trong số mệnh vốn có mà thôi, trong ngoài đều mất, cho nên vô ích vậy.
Nhân đấy thiền sư lại hỏi ta:
– Khổng tiên sinh lấy số chung thân cho nhà ngươi ra sao?
Ta cứ thực sự trình bày rõ ràng. Vân Cốc thiền sư hỏi:
– Ngươi tự lượng xét mình xem có nên thành công trên đường khoa cử hay không? Có nên có con nối dõi hay không?
Phản tỉnh lỗi lầm
Ta tự xét mình khá lâu rồi đáp:
– Thật không nên vậy.
 Vì những người thi đậu làm quan là những người có phước tướng.
o Tại hạ phước mỏng, hơn nữa không chịu tích công bồi đức để tạo phước dày;
o Lại thêm tính không nhẫn chịu được những sự phiền toái khổ nhọc;
o Cũng không biết bao dung người khác;
o Thường cậy tài năng chèn ép người khác;
o Muốn nói điều gì thì liền nói, không thận trọng lời nói, hay luận bàn những chuyện vô bổ.
Những điều như thế đều là tướng vô phước, sao xứng đáng đỗ đạt công danh.
 Đất bùn dơ ẩm ướt thường nhiều vật sống, chỗ nước trong vắt thường không có cá, mà tánh con lại ưa thích sự trong sạch thanh khiết (thái quá). Đó là một điều thứ nhất không nên có con vậy.
o Tánh khí ôn hòa có thể nuôi dưỡng vạn vật, mà tánh con lại thường nóng nảy sân hận. Đó là điều thứ hai không nên có con.
o Ái tức là lòng nhân ái, tâm từ bi là căn bản của sự sinh trưởng, ái là cội nguồn của sự tiếp nối sinh sản; Còn nhẫn tâm không phải là gốc rễ của sự sinh dưỡng, tại hạ trọng danh tiết của riêng mình, thường không biết xả thân cứu người, đó là điều thứ ba không nên có con.
o Hay nhiều lời mất khí lực, cũng là điều thứ tư không nên có con.
o Uống rượu nhiều, tinh thần suy nhược, là điều thứ năm không nên có con.
o Thích ngồi lặng suốt đêm dài không ngủ, không biết bảo tồn nguyên khí, dưỡng dục nguyên thần. Đây là điều thứ sáu không nên có con vậy.
o Ngoài ra, còn nhiều thói hư tật xấu khác kể ra không hết.
Vân cốc thiền sư khai thị: Làm lành được phước, làm ác gặp họa
Vân Cốc nói:
– Nào chỉ riêng vấn đề khoa bảng (như ông vừa nói đó)!
o Người đời thụ hưởng tài sản ngàn vàng, ắt phải là người đáng hưởng ngàn vàng;
o Kẻ nhận tài sản trăm lượng, ắt phải là kẻ đáng nhận trăm lượng;
o Người chịu chết đói, ắt phải là người đáng phải chết đói.
(Nói là mệnh) trời, bất quá chỉ là do nơi nhân quả nghiệp báo riêng của mỗi người mà thành, vốn chưa từng có chút thêm bớt nào (gọi là ý trời trong đó cả).
Vấn đề sinh con nối dõi cũng vậy:
o Có người tích công đức trăm đời sẽ để lại cho trăm đời con cháu hưởng;
o Người tích công đức mười đời sẽ để lại cho mười đời con cháu hưởng;
o Người chỉ tích được công đức hai đời, ba đời thì chỉ để lại cho hai đến ba đời con cháu hưởng;
o Còn những người phúc đức quá bạc thì bị vô hậu, không con nối dõi, dòng giống bị đứt đoạn.
Nay ông đã biết rõ những thói hư tật xấu, biết mình phước bạc, nhưng muốn trong tương lai được khoa bảng đề danh, muốn sinh con, thì ông nên tận tâm, tận lực cải sửa:
o Nhất định phải lo tu nhân tích đức;
o Nhất định phải bao dung rộng lượng với người khác;
o Nhất định phải hòa nhã thương yêu kẻ khác;
o Nhất định phải biết tồn dưỡng nguyên khí tinh thần.
Hết thảy những việc từng làm trước đây, xem như đã chết từ hôm qua.
Hết thảy những việc từ nay về sau, xem như mới được sinh ra từ hôm nay.
Đó là nghĩa lý của thân tái sanh vậy.
Cái thân máu mủ huyết nhục của chúng ta hẳn nhiên đã có số nhất định, còn (đã biết sửa đổi lỗi lầm, đã được giác ngộ, tâm được thanh tịnh) thân nghĩa lý ấy há không cùng thượng thiên cảm ứng, tương thông, thay đổi số mạng hay sao?
Chương Thái Giáp trong Kinh Thư có nói: “Chúng ta có thể tránh khỏi tai hoạ do trời đã đặt, chứ còn tự mình gây ra những điều oan nghiệt, những điều ác thì phải tự gánh chịu ác báo, không thể sinh sống an lành, yên ổn được”.
Kinh Thi cũng có nói: “Việc mình làm phải phù hợp với ý trời, (làm lành lánh dữ ắt hẳn phải được thiện báo), đó là tự mình biết cầu được nhiều phúc”.
Khổng Tiên Sinh đoán ngươi không đậu tiến sĩ, không con nối dõi, tuy đó là số trời đã định nhưng vẫn có thể không tuân theo. Nay ngươi nên đem cái thiên tính đạo đức trời đã phú cho mọi người, khai mở thật rộng rãi: Hết lòng làm thiện, tích trữ âm đức, đó là tự mình tạo lấy phúc cho mình thì sao lại không được báo đáp, thụ hưởng ư?
Mục đích của Kinh Dịch là giúp cho con người biết tìm phước tránh hoạ. Nếu nói số mạng không đổi thì làm sao mà tìm phước tránh hoạ được? Ngay chương đầu của Kinh Dịch đã nói: “Một nhà làm thiện ắt dư thừa niềm vui (phước)”, ngươi có tin những điều đó không?
Ta tin những lời chỉ dẫn của thượng sư, lễ bái xin học làm theo.
Phát lồ sám hối những tội lỗi cũ
Nhân đó liền đem hết thảy những điều lỗi lầm xấu ác đã qua, đối trước bàn thờ Phật mà phát lồ sám hối.
Sau đó ta phát tâm dâng sớ nguyện cầu thi cử đỗ đạt, nguyện làm đủ 3.000 điều thiện để báo đáp ân đức của tổ tiên, trời đất.
Vân cốc Thiền sư dạy phải đoạn ác tu thiện và thanh tịnh tâm ý
Vân Cốc thiền sư đưa cho ta cuốn sổ “Công quá cách”, bảo ta ghi hết những điều đã làm trong ngày; thiện thì được điểm, ác thì trừ điểm.
Ngoài ra còn dạy ta trì chú Chuẩn Đề và chờ ngày ứng nghiệm.
Thiền sư dạy ta rằng:
– Những người chuyên vẽ bùa chú cho rằng: “Vẽ bùa không đúng cách sẽ bị quỷ thần chê”. Thực ra bí quyết vẽ bùa là vẽ trong lúc không động niệm. Bắt đầu đặt bút họa, trước hết phải dứt bỏ hết mọi sự trần duyên không được khởi một ý niệm nào để cho tâm thực thanh tịnh. Rồi từ chỗ niệm chưa động chấm xuống, chấm đó gọi là “hỗn độn khai cơ”, rồi vẽ một hơi liên tục đến hết.
Cho đến việc cầu đảo mệnh trời, điểm cốt yếu vẫn là phải từ nơi tâm niệm rỗng rang không động niệm như thế, mà tạo ra sự cảm ứng thay đổi.
Bàn về việc lập mệnh, Mạnh phu tử trong Thiên Tận Tâm có viết: “Yểu và thọ chỉ là một chẳng phải hai”, tức “thọ” “yểu” chẳng có khác nhau, mà nếu phân biệt cho thọ yểu là hai, thì khi không khởi một động niệm nào (tức là tựa như lúc con người mới sinh chưa có ý niệm gì, chưa có tâm phân biệt) thì đâu biết thế nào là yểu, là thọ.
[Mạnh tử, chương Tận tâm, phần thượng. Trọn câu này là: “Yểu thọ bất nhị, tu thân dĩ sĩ chi, sở dĩ lập mệnh dã” (Chết yểu với sống lâu vốn chẳng phải hai điều khác nhau, hãy tu thân để chờ đón mọi việc, như thế gọi là tự lập số mệnh]
Phân tích đến chỗ sâu xa tinh tế thì:
– “Giàu” với “Nghèo” vốn cũng chẳng phải hai điều khác nhau, nhân đó mới có thể tạo ra số mạng giàu, nghèo;
– “Bế tắc” với “Hanh thông” vốn cũng chẳng phải hai điều khác nhau, nhân đó mới có thể tạo ra số mạng “sang”, “hèn”;
– “Yểu” với “Thọ” vốn cũng chẳng phải hai điều khác nhau, nhân đó mới có thể tạo ra số mạng sống, chết.
Con người ta ở thế gian lấy việc thọ yểu, sống chết làm tối quan trọng, nên chỉ nói tới yểu thọ để mà bao gồm cả các sự thuận nghịch khác [như “Phong, Khiêm”, “Cùng và Thông vậy].
Cho đến câu “Cho đến việc tu thân phải biết chờ đợi” Không phải chỉ ngày một ngày hai mà vận mệnh được cải tạo ngay mà cần có thời gian từng giây, từng phút cố gắng tinh tiến tu hành, tích công lũy đức, thành tâm nguyện cầu thì mới có thể chuyển được mệnh trời.
Nói “Tu thân” là bao gồm cả thân lẫn ý, nếu trong quá khứ có nhiều hành động bại hoại, ý tưởng xấu xa thì đều phải đối trị, dứt trừ đi;
Còn nói tới “Chờ đợi” thì cứ một mực tu nhân tích đức, chẳng nên loạn tưởng nghĩ tới nghĩ lui hay nhen nhúm một chút hi vọng nhỏ nhoi nào trong thân tâm mà hóa ra vọng niệm, cần phải diệt bỏ ngay.
Đạt được mức độ đó có thể nói là đã tới chỗ tự tánh biểu lộ, tâm thực thanh tịnh không chút động niệm của cảnh giới tiên thiên, đó là chân chính thực học
Hiện giờ ngươi chưa đạt đến trình độ vô tâm, [là chưa được nhất tâm bất loạn] cho nên phải trì chú Chuẩn Đề, liên tục niệm đừng để gián đoạn, cũng không cần đếm số, niệm sao cho được thuần thục, niệm mà hóa không niệm, tự mình cũng không hay là mình đang niệm chú nữa, trì đến lúc niệm không khởi sẽ thấy linh nghiệm.
Quyết tâm sửa đổi
Ta trước đây hiệu là Học Hải, ngay ngày đó đổi lại là Liễu Phàm, khi biết được đạo lý lập mệnh, ta không muốn rơi vào khuôn khổ của phàm phu nữa.
o Từ đó trở đi, ta hoàn toàn khác hẳn. Trước kia ta thong dung buông tuồng, bây giờ suốt ngày đề cao cảnh giác.
o Ở nơi phòng tối không ai thấy, ta vẫn thường lo âu, không biết có đắc tội với thiên địa quỷ thần không.
o Nếu có ai thù ghét ta, hủy báng ta, ta có thể điềm nhiên nhận chịu.
Sang năm sau, bộ Lễ mở kỳ thi khảo thí [Đây là khoa thi để chuẩn bị cho kỳ thi tuyển cử nhân. Thí sinh buộc phải vượt qua được kỳ thi này mới được tham dự kỳ thi Hương], Khổng tiên sinh từng đoán trước rằng khoa này ta sẽ đỗ hạng ba, nhưng ta lại đỗ hạng nhất. Lời tiên đoán của Khổng tiên sinh không còn ứng nghiệm nữa, nên (khoa thi Hương) vào mùa thu ta lại đỗ tiếp Cử nhân.
Tuy nhiên, ta tự kiểm thảo thấy sự thi hành các việc đạo nghĩa chưa được thuần thục tự nhiên, mà còn nhiều sai trái khuyết điểm;
– Hoặc khi thấy việc thiện mà không mạnh dạn làm ngay;
– Hoặc muốn cứu giúp người mà trong tâm thường ngần ngại không quyết định nên hay không nên giúp;
– Hoặc thân muốn gắng sức làm điều thiện, mà miệng còn nhiều lời nói đến sự lỗi lầm của người làm họ bất mãn để bụng;
– Hoặc lúc tỉnh thì hăng hái, nhưng khi say lại phóng túng không tự chủ được.
Vì vậy sợ rằng việc thiện làm ra không đủ bù đắp lại lỗi lầm, và ngày lại ngày để thời gian trôi qua một cách uổng phí. Vậy nên từ lúc ta phát nguyện vào năm Kỷ Tị, mãi đến năm Kỷ Mão, trải qua mười năm, ta mới làm xong ba ngàn điều thiện.
Lúc đó ta cùng Lý Tiệm Ấn tiên sinh từ quận ngoại nhập nội chưa kịp đem công đức trên hồi hướng. Sang năm sau là năm Canh Thìn từ Kinh trở về phương nam, mới thỉnh hai vị pháp sư Tính Không và Huệ Không, làm lễ hồi hướng tại Đông tháp thiền đường.
Sau đó bèn phát nguyện cầu sinh con và cũng hứa làm ba ngàn điều thiện. Năm Tân Tị sinh con tên là Thiên Khải. Mỗi khi ta làm một việc gì thì tùy tiện lấy bút ghi lại, mẹ con không biết chữ nên khi làm điều gì bèn lấy bút lông ngỗng khuyên một vòng son vào tờ lịch ngày hôm đó. Hoặc bố thí thức ăn cho người nghèo, hoặc mua vật phóng sinh…. Những ngày làm nhiều kể có đến hơn 10 khuyên. Đến tháng tám năm Quý Mùi, 3.000 việc thiện đã làm viên mãn. Lại thỉnh các vị Tính Không làm lễ hồi hướng công đức tại nhà.
Vào ngày 13 tháng chín cùng năm, ta lại bắt đầu phát nguyện cầu đỗ tiến sĩ và hứa làm 10.000 điều thiện. Năm Bính Tuất thì trúng cử và được bổ làm tri huyện huyện Bảo Đề.
Ta chuẩn bị sẵn một quyển sổ trắng, đặt tên là sổ Trị tâm. Sáng sớm khi lên công đường, ta dặn người nhà đem sổ ấy trao cho nha dịch để mang đặt trên bàn làm việc của ta. Mỗi một việc làm trong ngày đều phân ra tốt xấu, ghi chép tỉ mỉ vào sổ ấy, mỗi đêm lại bày hương án trước sân, noi gương Triệu Duyệt Đạo ngày xưa cáo trình tất cả lên Thượng đế.
Mẹ con thấy không làm được nhiều điều thiện, nên thường lo lắng nói:
– Trước kia ở nhà, thiếp còn có thể làm điều thiện giúp, nên ba ngàn điều có thể làm xong. Nay phát nguyện làm mười ngàn điều, mà đời sống trong nha huyện không có nhiều cơ hội làm thiện, biết đến bao giờ mới làm xong?
Có một đêm ta nằm chiêm bao gặp một vị thần. Ta than rằng:
– Mười ngàn điều thiện khó mà làm xong.
Thần bảo:
– Chỉ việc giảm thuế đã đầy đủ công đức cho mười ngàn điều rồi.
Nguyên là ruộng đất ở huyện Bảo Đề (trước đây) phải nộp thuế mỗi mẫu 2 phân 3 ly 7 hào (ta thấy quá cao, nên khi về nhậm chức) ta có xem xét lại, giảm xuống còn 1 phân 4 ly 6 hào. Quả thật có việc đó, nhưng lòng ta vẫn còn chút nghi hoặc “Việc này sao thiên thần lại biết? Và liệu việc ấy lại có hiệu quả lớn lao đến mức viên mãn cả mười ngàn việc thiện được chăng?”
Thì vừa may có thiền sư Thích Huyền Dư từ Ngũ Đài Sơn đến. Ta kể giấc mơ cho thiền sư nghe và hỏi giấc mơ này có đáng tin không.
Sư nói:
– Nếu có lòng chân thiết làm thiện, thì làm một điều có thể tương đương với vạn điều. Huống hồ cả huyện đều được giảm thuế, toàn dân đều được hưởng.
Ta bèn quyên góp lương bổng nhờ thiền sư trở về Ngũ Đài Sơn làm trai tăng cúng dường một vạn người và đem công đức ấy hồi hướng hộ cho.
Khổng tiên sinh đoán là năm 53 tuổi ta gặp tai ách, ta chưa từng cầu xin tăng thọ, mà năm đó lại vô sự, và nay thì ta đã 69 tuổi rồi.
Kinh Thư nói: “Thiên mệnh khó tin, mệnh người không cố định». Lại nói: “Mệnh trời thì vô thường, không ở mãi với một ai cả”. Những lời trên đều không hư dối.
Ta nhân đó mà hiểu rằng họa phúc là tự mình chuốc lấy. Đó chính là lời dạy của các vị thánh hiền. Nếu nói rằng họa phúc là do mệnh trời định, thì đó là bàn luận của thế nhân vậy. (31,02)