Chánh văn Liễu Phàm Tứ Huấn – Bài 4

LIỄU PHÀM TỨ HUẤN
BÀI 4
***
GIÁO HUẤN THỨ BA
PHƯƠNG PHÁP TÍCH THIỆN
(tiếp theo)
***
Tùy duyên tu 10 điều thiện (tiếp theo)
Thứ 3: Thế nào là thành tựu cho người?
Ngọc có từ đá, nếu để rơi ắt sẽ như viên ngói vụn, nhưng khi mài giũa lại trở thành ngọc quý.
Bởi vậy, khi thấy người làm một việc thiện, hoặc chí hướng và tài năng của họ có thể tiến bước thêm, thì đều phải trợ giúp mà thành tựu họ. Hoặc khen ngợi giúp đỡ; Hoặc gìn giữ bảo vệ; Hoặc làm sáng tỏ lời vu khống và chia sẻ sự gièm pha, bằng mọi giá giúp họ đứng vững mới thôi.
Đại khái, con người thường không ưa thích những người không giống như mình: Chẳng hạn như ác không ưa thiện, tiểu nhân không thích quân tử.
Người trong một xóm làng thiện thì ít mà xấu ác thì nhiều, vì thế người thiện ở đời bị kém thế khó có thể tự lập được vững vàng.
Người hào kiệt thường không chịu khuất phục ai, cũng không chú trọng bề ngoài và những điều vụn vặt, nên dễ bị chỉ trích. Cho nên việc tốt thường dễ thất bại, người tốt thường bị người khác hủy báng.
Duy có người trưởng giả nhân hậu mới hiểu rõ được sự tình mà phù trợ giúp cho họ được thành công. Thành toàn cho người thì công đức thực là lớn lao vô cùng.
Thứ 4: Thế nào là khuyên người làm thiện?
Sinh ra làm người, ai không có lương tâm? Nhưng đường đời khó khăn, rất dễ bị sa đọa.
Chúng ta nên khéo dùng phương tiện để nhắc nhở, để khai mở cho họ trong cơn mê lầm. Giống như họ trong giấc mộng dài, một khi được đánh thức họ liền tỉnh ngay;
Hoặc giống như họ bị hãm vào vòng phiền não tích tụ từ lâu đời mà ta giúp họ đoạn trừ, khiến họ cảm thấy nhẹ nhàng, mát mẻ thì ân huệ đó thật vô biên vô lượng.
Hàn Dũ nói: «Khuyên người bằng lời được lợi tức thời; Viết sách khuyên người, được lợi ngàn đời».
So với cách “cùng người làm thiện – Lấy thân làm gương”, cách này tuy có hình tích (còn lưu lại dấu vết) nhưng áp dụng đúng lúc thì có kết quả bất ngờ, không thể bỏ qua.
Tuy nhiên, dùng lời nói hay sách vở khuyên người cũng giống như gặp bệnh nào thì phát thuốc trị bệnh ấy cho bệnh nhân kể cũng có hiệu lực nhưng còn lưu lại dấu vết; Còn như dùng chính bản thân mình hành động làm mẫu mực, làm gương cho người trông thấy để họ tự nhiên tỉnh ngộ biết được lỗi lầm mà sửa đổi thì hiệu quả cũng chẳng kém mà không để lại hình tích gì. Cả hai phương tiện này đều chẳng thể bỏ qua.
Muốn giúp người, khuyên người cần phải biết tùy thời, tùy người, không để mất lời tức phí lời nói của mình mà người không nghe; cũng không để mất người, tức là gặp người có thể khuyên cải được mà mình không hành động để lỡ mất dịp làm thiện, như thế là kém hiểu biết, không có trí tuệ vậy.
Thứ năm: Thế nào là cứu người gặp lúc nguy khốn?
Người ta ai cũng có lúc gặp phải sự tai ương hoạn nạn xảy ra. Ngẫu nhiên mà ta gặp trường hợp người bị nạn thì coi sự bệnh hoạn đau đớn của người cũng như là mình đau mà mau mau cứu giúp.
Hoặc dùng lời nói làm nhẹ nỗi oan uổng uất ức cho họ; Hoặc tìm mọi cách giúp họ khỏi sự thống khổ triền miên. Thôi Tử có nói:
– Làm ân không cần để ý tới là nhỏ hay lớn, chỉ cần lúc người gặp nguy khốn mà tới giải cứu, giúp đỡ ngay là được.
Đó thực là lời nói của người nhân hậu vậy.
Thứ sáu, thế nào là kiến thiết, tu bổ có lợi ích lớn?
Nhỏ như một thôn xóm, lớn như trong một huyện, thành phố, phàm những công đức kiến thiết có lợi ích công cộng cần phải nên góp công, góp của:
(1) Hoặc khai thông dòng chảy,
(2) Hoặc tu bổ đê điều phòng lụt lội,
(3) Hoặc sửa chữa cầu cống tiện việc giao thông đi lại
(4) Hoặc bố thí cơm nước để cứu đói cứu khát;
Tùy duyên và tùy cơ hội khuyến khích người cùng hợp lực xây dựng, chẳng nề gian khổ, chẳng quản bị ganh tị, hiềm nghi, oán trách, cứ tận tâm, tận lực mà hành động.
Thứ bảy: Thế nào là xả tài làm phúc?
Trong nhà Phật thì việc hành thiện có hàng vạn điều để làm, nhưng tựu trung lại bố thí là điều cần trước nhất, muốn bố thí chỉ cần có một chữ xả mà thôi.
Người thông đạt thì trong xả lục căn (nhãn, nhĩ, tỉ, thiệt, thân, ý), ngoài xả lục trần (sắc, thanh, hương, vị, xúc, pháp), nhất thiết những gì mình sở hữu không có gì là không xả được;
Nếu không đạt tới trình độ có thể xả bỏ hết. Trước tiên hãy bắt đầu dùng tiền mà bố thí.
Người đời coi cơm ăn áo mặc là mạng sống, xem tiền tài là quan trọng nhất. Nay ta tập xả bỏ tiền tài, bên trong phá được tánh tham tiếc của mình, bên ngoài có thể cứu giúp người khổ nạn. Ban đầu có thể còn miễn cưỡng, nhưng về sau rồi sẽ thấy tự nhiên. Bố thí là cách tốt nhất để bỏ ích kỷ, trừ keo kiệt
Thứ tám, thế nào là giữ gìn bảo hộ chánh pháp?
Pháp là con mắt của sinh linh muôn đời. Nếu không có chính pháp,
(1) Sao có thể tham dự và giúp đỡ đại tự nhiên
(2) Sao có thể giúp đỡ cho vạn vật;
(3) Sao có thể thoát ly khỏi sự ràng buộc của trần thế;
(4) Sao có những kinh điển siêu việt thời không để chỉ cho ta con đường xuất thế thoát khỏi luân hồi).
Cho nên nếu thấy các đền chùa miếu các vị thánh hiền; hay thấy kinh điển ta đều nên kính trọng giữ gìn, chỉnh trang.
Còn nói tới việc đề cao, hoằng dương chánh pháp để đền đáp ân đức của Phật Đà thì ta cần phải cổ vũ, khích lệ và phổ biến.
Thứ chín, thế nào là kính trọng tôn trưởng;
Ở nhà thì có phụ huynh, trong nước thì có vua chúa, ngoài xã hội thì phàm những người tuổi cao, đức cao hay chức vị cao đều nên đặc biệt tôn kính phụng sự.
Ở nhà thờ phụng cha mẹ phải:
(1) cực kỳ hết lòng kính mến thương yêu,
(2) thái độ đối xử phải dịu dàng hòa nhã,
(3) lời ăn tiếng nói phải nhã nhặn, ôn hòa.
Tập quen cho thành tính nết tốt, tạo được hòa khí mới là phương pháp căn bản cảm ứng với lòng trời.
Khi làm việc quan phụng sự vua chúa, thì bất cứ làm một việc gì dù nhà vua không biết tới cũng phải thận trọng không được tự ý làm càn.
Khi xử án cũng vậy, không thể tự mình tác oai mà cần phải xét xử cho công bằng, minh bạch.
Phụng sự người trên phải xem như phụng sự trời vậy. Ở đây, yếu tố quan trọng nhất là âm đức. Chúng ta thử để ý xem những gia đình trung hiếu, không con cháu nào không phát đạt thịnh vượng lâu dài. Ta phải cẩn thận để ý điểm này.
Thứ 10: Thế nào là yêu thương sinh mạng loài vật vậy?
Phàm con người sinh ra, được gọi là người duy chỉ ở chỗ có lòng trắc ẩn mà thôi. Muốn cầu làm người nhân, muốn tích đức, đều phải do ở chỗ có lòng trắc ẩn đã.
Theo lễ nghi nhà Chu, vào tháng đầu xuân, tế lễ dùng “tam sinh” như trâu, bò, heo, nhưng không sát hại vật giống cái.
Mạnh phu tử nói người quân tử xa chốn nhà bếp, sở dĩ muốn bảo toàn lòng lân mẫn, trắc ẩn vậy, tức là không muốn nghe tiếng kêu bi thương của con vật bị làm thịt;
Cho nên các vị tiền bối giữ giới “tứ bất thực” (bốn thứ không ăn); nghe tiếng kêu của vật bị giết thịt, trông thấy người ta làm thịt nó, chính mình nuôi nó, hay người ta vì mình mà làm thịt nó, bốn trường hợp đó thì đều không ăn.
Noi gương từ tâm của các vị tiền bối, nếu chúng ta chưa có thể hoàn toàn bỏ hẳn được việc dùng thịt, thì cũng khá nên giữ giới tứ bất thực này.
Dần dần tiến bộ, lòng từ ngày càng gia tăng, không những giữ được giới không sát sinh mà còn coi những vật nhỏ bé động đậy ngu xuẩn hay có linh tính đều là có mạng sống cả mà không giết hại.
Những việc như luộc kén tằm kéo tơ, cày bừa ruộng đất làm chết côn trùng… đều là giết hại, mà cơm áo của chúng ta có được là từ những việc như thế. Cho nên cũng chẳng khác nào giết hại loài khác để giành lấy sự sống cho chính mình. Hiểu được như thế thì mới thấy rằng sự hoang phí lương thực, vật dụng… cũng không khác gì tội giết hại.
Cho đến những việc như lỡ tay làm chết, giẫm chân đoạt mạng [côn trùng], thật không thể biết được đã nhiều đến mức nào, nên phải hết sức đề phòng, hạn chế.
Thơ cổ có nói mến chuột thường để lại chút cơm, thương con thiêu thân thì chẳng đốt đèn để chúng khỏi chết. Thật là từ bi nhân hậu biết bao!
Thi hành việc thiện thì thật vô cùng, không sao thuật hết được. Theo mười điều trên mà suy rộng ra ắt có thể hoàn bị được hàng vạn công đức.
GIÁO HUẤN THỨ TƯ
GIỮ HẠNH KHIÊM CUNG
***
Quy luật của tự nhiên
Kinh dịch dạy:
(1) Đạo trời rút chỗ dư, bù chỗ thiếu nên “mãn” (tự mãn) thì thiệt thòi, “khiêm” hạ được lợi ích;
(2) Luật đất chỗ cao bị xói mòn, chỗ trũng được bồi đắp: như trái núi quá cao thì dễ bị lở, chỗ trũng thường được nước chảy tới làm đầy;
(3) Quy luật của quỷ thần cũng thường gây hại cho người tự mãn, thương hại, làm lợi ích cho người khiêm nhường;
(4) Đạo người thường chán ghét kẻ tự mãn mà quý mến người khiêm nhường. Khiêm hư là điều mà trời đất, quỷ thần và người đều trọng;
Bởi vậy trong (1) Kinh Dịch có quẻ khiêm là một quẻ đại cát vì cả 6 hào cùng đều tốt cả. (2) Kinh Thư nói tự mãn chuốc lấy tổn hại, tự khiêm được lợi ích. Theo Kinh Dịch và Kinh Thư thì khiêm là điều tốt nhất.
Ta nhiều lần cùng các sĩ tử đi thi, cứ mỗi lần thấy một hàn sĩ nào mà diện mạo dung quang biểu lộ lòng khiêm nhường một cách rõ rệt thì có thể biết ngay người ấy sẽ đỗ đạt.
5 ví dụ về khiêm hạ đều đỗ đạt
Người thứ nhất:
Năm Tân Mùi (1571), mười anh em trong huyện Gia Thiện chúng ta lên kinh đô thi cử nhân. Trong đó Đinh Kính Vũ là người trẻ tuổi nhất và cũng là người khiêm tốn nhất. Ta nói cho người bạn Phi Cẩm Ba rằng:
– Người này năm nay sẽ đậu
Phi Cẩm Ba hỏi:
– Sao anh biết?
Ta nói:
– Chỉ có người khiêm tốn mới gặp lành. Anh xem trong mười người chúng ta, có ai thật thà chất phát, không muốn dương oai như Kính Vũ đâu? Có ai cung kính vâng chịu, thận trọng dè dặt như Kính Vũ đâu? Có ai bị làm nhục mà vẫn im lặng, bị nói xấu mà không biện hộ như Kính Vũ đâu? Người như thế, trời đất quỷ thần đều sẽ phù hộ, làm sao không thi đậu.
Đến khi xem kết quả, quả thật Kính Vũ thi đậu.
Người thứ hai
Năm Đinh Sửu, ta ở kinh cùng với Phùng Khai Chi là người đồng hương, thấy con người của họ Phùng cực kì khiêm hạ, nghiêm chỉnh, cung kính, phần lớn những tập khí từ thời thơ ấu đều đã biến mất.
Phùng Khai Chi có người bạn tốt tên Lý Tề Nham thực thà, trực tính, hễ gặp điều gì mà Khai Chi làm trái là nói thẳng ngay, chê trách ngay tận mặt mà Khai Chi vẫn bình tâm an hòa, thuận chịu, không một lời phản đối, không để bụng giận.
Ta nói với Phùng tiên sinh là “Họa phúc đều có triệu chứng, người được hưởng phúc nhất định là do đã có sẵn căn nguyên của phúc rồi; họa cũng do triệu chứng báo trước mà có; chỉ cần tâm thực sự khiêm hạ thì trời đất ắt sẽ tương trợ. Huynh năm nay nhất định thi đỗ”. Sau thực quả nhiên đúng như vậy).
Người thứ ba
Triệu Dụ Phong, tên Quang Viễn, người huyện Quán, tỉnh Sơn Đông, chưa đầy 20 tuổi đã thi đỗ cử nhân, nhưng sau thi mãi không đậu tiến sĩ.
Thân phụ của Dụ Phong được bổ làm Tam Doãn ở huyện Gia Thiện nên ông tháp tùng theo cha đi nhậm chức. Ở huyện có Tiền Minh Ngộ là người có văn tài, học thức rộng. Dụ Phong ngưỡng mộ đem văn bài của mình tới nhờ chỉ giáo. Minh Ngộ xem và gạch xóa, sửa bỏ nhiều chỗ. Dụ Phong không những không buồn lòng mà còn bội phục, để ý đổi cách hành văn ngay nên năm sau đi thi được trúng cử.
Người thứ tư
Năm Nhâm Thìn, nhân dịp vào kinh yết kiến hoàng đế, ta gặp Hạ Kiến Sở, thấy người này cực kì cung kính, nhún nhường, lòng khiêm hạ biểu lộ rõ ràng khiến ai cũng phải nể.
Khi về ta nói cùng các bạn hữu là: Phàm người nào được trời giúp thì khi chưa được phát phúc, trước hết trí tuệ sẽ được khai mở; khi trí tuệ đã mở mang thì người phù phiếm trôi nổi, bất định sẽ tự nhiên biến thành thiết thực, sự phóng túng tự nhiên giảm thiểu. Kiến Sở là người ôn hòa, hiền lương như vậy nhất định sẽ được trời cho phát phúc. Đến khi yết bảng quả nhiên trúng tuyển.
Người thứ năm
Trương Úy Nham, người huyện Giang Âm, tỉnh Giang Tô, là người học rộng, đọc nhiều, văn hay nổi tiếng, năm Giáp Ngọ đi thi hương ở Nam Kinh ngụ tại một ngôi chùa nọ; khi yết bảng không có tên nên lớn tiếng nhục mạ khảo quan là mắt không tròng, không biết người. Lúc đó có một đạo sĩ ở bên cạnh nghe được bèn cười. Úy Nham liền trút cơn giận ngay sang vị đạo sĩ nọ thì đạo sĩ nói:
– Chắc văn bài của ông nhất định không được hay.
Lời nói này lại càng làm cho Úy Nham thêm giận mắng lớn:
– Ngươi có đọc văn của ta đâu mà biết là không hay?
Đạo sĩ nói:
– Ta nghe nói hành văn quý nhất ở chỗ tâm bình, khí hòa, nay thấy ông hết lời mạ lỵ khảo quan, lòng bất bình cao ngạo thật quá đáng thì văn làm sao mà hay được?
Úy Nham nghe lời bất giác phục thiện, nhân đấy xin thỉnh giáo đạo sĩ nọ.
Đạo sĩ nói:
– Trúng cử hay có công danh hoàn toàn do số mệnh định, số chưa được đỗ thì dù văn có hay cũng vô ích thôi, nên tự mình sửa đổi biến cải.
Úy Nham nói:
– Đã do số mệnh như vậy thì làm sao sửa đổi?
Đạo sĩ nói:
– Sáng tạo ra mệnh là do trời, lập mệnh là do ta, gắng sức hành thiện, tích âm đức cho thật sâu rộng thì phúc nào mà chẳng cầu được.
Úy Nham lại hỏi:
– Tại hạ là học trò nghèo thì làm sao làm được?
Đạo sĩ bảo:
– Làm việc thiện, tích âm đức đều do tâm tạo ra, thường phải giữ vững tấm lòng hành thiện này thì công đức vô lượng. Chẳng hạn như chỉ một việc khiêm tốn nhũn nhặn thì không phải phí tiền gì cả, sao ngươi không tự phản tỉnh, tự trách lấy mình, mà lại mạ lỵ khảo quan ư?”
Do đó, Úy Nham tự hạ mình giữ gìn tu sửa, gia công hành thiện ngày một nhiều, gắng sức tu đức ngày một dày; đến năm Đinh Dậu mộng thấy đi tới một tòa nhà phòng ốc cao, được một quyển sổ ghi danh sách các thí sinh được trúng tuyển trong kỳ thi, thấy nhiều hàng bỏ trống mới hỏi người ở kế bên:
– Xin hỏi danh sách khóa thi này, sao lại có nhiều hàng tên bỏ trống vậy?
Thì người đó đáp rằng:
– Ở cõi âm đối với danh sách thí sinh của khóa thi thì cứ mỗi ba năm lại cứu xét một lần, người nào tu hành, tích đức không tội lỗi gì thì vẫn có tên trong sổ, còn những hàng bỏ trống đều có liên quan tới việc trước đây thí sinh đáng lẽ đã được ghi tên vào sổ nhưng sau vì phúc bạc, phạm lỗi lầm nên bị loại bỏ ra;
Sau đó lại chỉ một hàng mà bảo:
– Nhà ngươi trong ba năm tới nên giữ thân tu tỉnh cẩn thận, họa may có thể được điền tên vào đấy, mong rằng nhà ngươi nên lưu tâm đừng phạm lỗi lầm”
Khiêm là gốc của phúc
Theo đấy mà xét, chỉ ngửng đầu cao ba thước ắt đã có thần minh soi xét; muốn tránh hung hiểm họa tai, hay muốn mong được sự việc tốt lành, đều do tự ở nơi ta;
Luôn giữ lấy thiện tâm, một mực làm lành tránh ác, luôn luôn kiểm soát hành vi của mình không một chút nào đắc tội với thiên địa quỷ thần; lại biết khiêm tốn hạ mình, không tự cao, tự đại, khiến thiên địa quỷ thần thường có lòng thương mới mong có được hưởng phúc.
Người mà đầy lòng kiêu ngạo, tự mãn, nhất định khí lượng hẹp hòi, dù cho có phát đạt cũng chỉ một thời mà thôi, chẳng được lâu bền và cũng chẳng được phúc.
Cho nên đối với người có chút hiểu biết, không ai muốn làm lòng mình nhỏ hẹp rồi hết chỗ chứa đựng phước báo.
Hơn nữa, với lòng khiêm tốn, đi đến đâu cũng có người sẵn sàng chỉ dạy giúp đỡ, ích lợi vô cùng.
Nhất là đối với những người đi theo con đường thi cử, khiêm tốn là điều không thể thiếu được.
Người xưa nói: Người có chí hướng cũng như cây có gốc rễ thì mới sinh trưởng ra hoa, ra trái. Người có chí muốn lập công danh thì nhất định sẽ được công danh, muốn được phú quý ắt hẳn sẽ được phú quý.
Muốn chí này vững chắc:
1) phải niệm niệm khiêm tốn,
2) mỗi mỗi đều làm vì lợi ích cho người khác, dù là chuyện nhỏ như hạt bụi cũng hết lòng mà cống hiến, tự nhiên sẽ cảm động trời đất, rồi phước mới đến.
Phải nhớ rằng phước tạo được hay không đều là do nơi ta. Chẳng hạn như muốn cầu được đỗ đạt ắt phải giữ vững ý chí chân thành buổi ban đầu, chứ không phải chỉ nay hứng chí thì cầu, mai không hứng thì lại thôi.
Mạnh Phu Tử nói về Tề Tuyên Vương:
– Nhà vua rất ưa nghe nhạc mà vui thích, sao không cùng chung vui với người dân nước Tề chứ”.
Ta nhìn con đường công danh cũng thế.
Câu này có ý nói là Đại vương nước Tề thích âm nhạc, nhưng ông ta là cá nhân thích âm nhạc, nếu có thể cùng vui với dân, thì nước Tề sẽ hưng thịnh.
“Ta đối với khoa cử, tâm cầu khoa cử cũng như vậy, là cũng giống như Mạnh Tử nói: Nhất định phải thực hiện phổ biến rộng rãi [đến mọi người] tích đức hành thiện, phải tận tâm tận lực mà làm.
***
Bài LIỄU PHÀM TỨ HUẤN chúng ta kết thúc ở đây
Chúng tôi xin chân thành cảm ơn dịch giả Bùi Dư Long và Nghệ sĩ ưu tú Phú Thăng đã đọc bài này.
Chúc bạn:
Không làm các việc ác
Mỗi năm được bình an
Siêng làm các việc lành
Năm nào cũng như ý
***